Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2020

Chuyện, Chỉ Có Tôi Biết - Kỳ Cuối

Truyện ngắn của Phạm Hồng Ân 

Chiến tranh càng lúc càng dữ dội. Thị xã Cà Mau bị quân đối phương pháo kích lung tung. Có trái pháo rơi vào khu dân cư, làm nhà cửa tan tành, dân vô tội chết một cách oan ức. Xóm tôi, bất ngờ cũng lãnh một trái pháo. Nửa khuya, nó xè xè rớt vào căn nhà kế bên. Lúc nổ, tóe lửa, miểng pháo văng rào rào. Con heo, má tôi nuôi, nằm chết thẳng cẳng, máu nhuộm đỏ đất. Tôi và má nhờ chun xuống bộ ván gõ xưa, do ba tôi để lại. Ván dày quá, miểng không chui qua được, nên thoát chết. Sợ quá, ban đêm không tài nào chong đèn học được, tôi đành xin má ra chợ Cà Mau, tá túc nhà Diển. Nhà Diển là một căn phố lầu, có hai tầng, là nơi an toàn hằng đêm cho các bạn học khắp nơi về tạm trú. Cám ơn bạn Diển, tấm lòng của bạn, tới nay tôi vẫn còn ghi dấu trong dạ. Diển bây giờ cũng định cư ở Hoa Kỳ, hình như Massachusetts.

Quân đối phương hoạt động mạnh. Trại lính bị tấn công nhiều lần. Ban đêm, mạnh ai nấy bắn, lửa đỏ rực trời. Có nhiều viên đạn rớt vào nhà dân. Có lần rớt trúng đầu nữ sinh Mai Khanh đang ngồi học bài, khiến cô ngã lăn ra chết, không nói được lời nào. Kẻ thù đặt mìn, đắp mô thường xuyên trên quốc lộ 4. Vô phước cho hai xe qua mặt nhau, gặp chỗ có mìn, một chiếc sẽ nổ tung, hành khách ngã lăn trên vũng máu. Lúc này, học sinh xếp bút nghiên nhập ngũ rất nhiều, theo lệnh tổng động viên. Hải vừa lấy một ông chuẩn úy mới ra trường Thủ Đức. Đám cưới được vài hôm, phải nén nước mắt tiễn chồng ra chiến trường. Vài tháng sau, nàng đội khăn tang, quằn quại khóc bên chiếc quan tài phủ cờ vàng.

Tôi vừa học vừa suy tư thời cuộc. Nỗi suy tư bộc phát trong thơ. Từng con chữ quay tròn theo khói lửa. Những bài học về nhân cách, về lòng tự trọng bị phá sản trong thời buổi này. Tôi phải tìm cho mình một tình yêu để vỗ về, để an ủi cho thơ. Chỉ có tình yêu là thứ hạnh phúc ngọt ngào nhất, có thể bôi xóa những đắng cay mà chiến tranh độc ác mang tới. Và Tiết-cố-nhân đến với tôi như món quà ban tặng, từ Thượng Đế.

Dước dốc cầu quây, có con lộ nhỏ chạy dọc theo một khu xóm yên tịnh. Tiết ở kế nhà Phú. Phú là bạn thơ, lấy bút hiệu Đài Trang Sa lệ, tôi từng nói đến. Tôi đến chơi nhà Phú, với Long, nhiều lần. Nhiều đến đỗi những bữa cơm, chúng tôi tự nhiên tham dự như người trong nhà. Ba Phú làm ở nhà hàng nổi tiếng Đông Viên, nằm bên hông chợ Cà Mau. Ngày nào, cũng có người mang về một nồi xí quách, do ba Phú gởi. Xí quách và súp rất ngon, đôi khi Phú bày ra cùng với một chai rượu đế. Phú có một cô em gái tên Lý Nhúc Lành. Đôi mắt nàng có đuôi, trông rất đẹp. Sau này, Phú trở thành hiệu trưởng trường trung học An Xuyên, và là một trong những vị giáo sư giỏi, có tiếng trong tỉnh.

Tiết ở kế bên. Nàng mủm mỉm, dễ thương và hiền lành. Tính tình rất kín đáo, ít khi bày tỏ điều gì bằng lời nói. Nhưng văn chương thì tuyệt vời. Tôi đã từng say mê và bị gục ngã bởi ngôn ngữ phong phú của nàng. Ban đêm, chúng tôi thường gặp nhau trên con lộ thân yêu, trước cửa nhà nàng. Đôi khi, sánh vai đi ngang qua bàn bi da của Tân, hoặc theo dốc cầu đâm thẳng đến cầu đập, nơi có căn nhà nhỏ xíu của Bình nhướng. Có lúc, trời mưa, chúng tôi ngồi trên băng ghế, trong hiên, ngắm nhìn những giọt mưa đuổi bắt nhau trên mặt lộ.

Lần hồi, rồi cũng đến kỳ thi tú tài II. Tôi lại khăn gói lên đường. Quốc lộ 4 lúc này dẫy đầy mìn. Lạng quạng, ngồi xe đò, chưa chắc có ngày trở về. Tỉnh trưởng Cà Mau thấy vậy, liền cấp một chuyến bay cho học sinh đi thi. Cám ơn ông Tỉnh trưởng. Lâu quá, tôi quên tên ông. Nhưng chuyến bay nhân nghĩa này, mãi mãi là chuyến bay đặc biệt, tôi luôn ghi nhớ trong đời.

Cuối cùng, tôi là kẻ chiến thắng. Vì chiếm được bằng tú tài II và chiếm trọn trái tim của Tiết-cố-nhân. Ngày lên Sài Gòn tiếp tục đại học, chúng tôi chia tay một cách lặng lẽ. Tiết không lộ vẻ đau buồn, cũng không thấy có giọt lệ nào chực rưng khóe mắt. Nhưng nàng đã bám tôi không rời, suốt ngày và suốt đêm cuối cùng. Sáng đó, nàng thức dậy sớm, đón xe lam ra trước phi trường, và ngồi chờ tôi hàng giờ nơi phòng chờ đợi. Trong khi tôi bận sắp hàng ở phòng vé Air Việt Nam, chờ làm thủ tục xong, mới được nhân viên đưa ra phi trường. Máy bay cất cánh, bay một vòng qua phòng đợi, mới lấy trớn phóng lên cao. Qua khung kính, tôi thấy tà áo bà ba trắng của Tiết phất phới như con nhạn. Tôi chợt tưởng tượng đến một con nhạn đang cất cánh muốn bay, mãi mãi muốn bay...

Thời học trò quá đẹp và quá nhiều kỷ niệm khó quên. Có những kỷ niệm khắc sâu như thương tích và để lại dấu ấn trong đời. Quá khứ như vậy, làm sao có thể quên được, hỡi các bạn!

PHẠM HỒNG ÂN
(Viết trong những ngày tháng trốn dịch Covid 19)

15/04/2020 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét