Thứ Tư, 1 tháng 7, 2020

Người Tù Hát Ô Không Số

Truyện ngắn của Phạm Hồng Ân 
(Trích trong tuyển tập Văn Thơ "Lác Đác Xuân Rơi") 



Tác giả HO Phạm Hồng Ân
Chiếc xe cải tiến có mang bình than đá phía sau chạy ì à ì ạch như một con rùa có tật, cũng đến được Sài Gòn, sau sáu tiếng đồng hồ khởi hành từ trại tù Xuyên Mộc...Dự và tôi nôn nao bước xuống bến xe miền đông, trong ánh nắng nồng ấm của thành phố thân yêu ngày xưa. Nhưng cả hai  xây xẩm muốn té, vì cái không khí náo động bất thường chung quanh. Người ta hò hét, la ó giành giựt nhau từ cuốc xe, từ ổ bánh mì đến những vật dụng cần thiết khác. Nhìn chung, dân chúng đang kiếm miếng ăn một cách khổ sở, đang vận dụng tất cả mọi khả năng hạ tiện nhất để tranh đấu cho cái quyền làm người của mình.
   Chúng tôi vừa xuống xe, cũng vừa hết mấy chục đồng nhân đạo mà ban quản lý trại tù phân phát cho tù nhân đi xe để về xum họp gia đình. Bây giờ chỉ có nước cuốc bộ về nhà Dự ở Xóm Chùa, ngủ lại một đêm, rồi năn nỉ Hương xin tiền về Bến Tre. Xóm Chùa, trước khi đi lính, là nơi chốn kỷ niệm êm đềm của tôi và Hương. Tôi quen Hương trước Dự, trước khi Dự lấy Hương làm vợ. Lúc đó, Hương là một cô gái có nhan sắc, tóc dài, con nhà tiểu thư. Còn tôi, chỉ là một cậu học trò nghèo, ngày ngày cỡi xe đạp đến trường, nhai nhóp nhép bánh mì tới tối mới về nhà trọ. Vậy mà Hương có cảm tình, đón đường chặn ngõ, viện cớ mượn sách mượn tập. Ngày tôi đi lính, chúng tôi từ giã nhau trong nỗi bịn rịn không rời. Qua màn lệ rưng rưng, Hương ấp úng, ngỏ ý thương tôi. Không hiểu sao, tự dưng tôi khước từ. Và kể từ đó, chúng tôi không gặp nhau nữa. Sau này, vào trại tù, ở chung đội tù với Dự. Khi thấy Hương gồng gánh thăm nuôi Dự, tôi mới biết Dự và Hương là  vợ chồng với nhau.

   Ngôi nhà Hương hiện ra. Cửa đóng im ỉm. Căn gác thân yêu ngày xưa đã bạc màu. Cầu thang ọp ẹp, tràn ứ những lá vàng tả tơi. Dự vừa mừng vừa lo lắng. Hắn đi lòng vòng quanh nhà giống như con khỉ mắc kinh phong.
   - Mày gõ cửa đi thằng quỷ. Làm gì đi tới đi lui như bị trời tròng vậy?
   Dự tiến tới cánh cửa, gõ nhè nhẹ. Cửa vẫn im ỉm. Hắn vung tay gõ mạnh. Cửa vẫn im ỉm. Tôi nhào tới, nắm chặt tay lại đấm thùm thụp lên ổ khóa. Lúc này, cánh cửa mới hé mở, một gã trung niên thò đầu ra:
   - Các ông tìm ai? 
   Dự và tôi nhìn gã, giật mình. Ký ức quay lại nhanh chóng. Cả hai không tìm ra được gã là ai  trong dòng kỷ niệm rạt rào. Dự buông cái túi xách xuống, run run nói:
   - Tôi tìm Hương, vợ tôi.
   Gã trung niên nhìn Dự đăm đăm, rồi quay vào trong, gọi lớn:
   - Hương ơi! Ra giải quyết chuyện này đi. Anh nhường cho em đấy!
   Bóng người đàn bà hiện dần. Trong ánh nắng lung lay, Hương vẫn sắc sảo và mặn mà như ngày nào.
   - Anh Dự. Trời! Có cả anh Ân nữa. Các anh được thả ra cùng một lượt sao? Vào đây, vào đây đi. Em có chuyện muốn nói với anh Dự.
   Nỗi mừng vui vừa hiện lên chốc lát, Hương chợt rưng rưng, cúi mặt xuống, áo não...nói không nên lời:
   - Xin các anh hiểu...cho...em. Em...đã...có chồng...
   Dự hét lên một tiếng, lảo đảo ngồi phịch xuống góc nhà. Hắn ôm đầu rên rỉ. Hai bàn tay cấu mạnh vào mái tóc rối bù. 
   - Em tàn nhẫn quá Hương ơi!
   Trống ngực tôi đánh thình thịch thình thịch. Trái tim tôi muốn vỡ tung ra, đau cho nỗi đau của người bạn. Và càng đau hơn nữa, khi chợt nhìn thấy cái nón cối và bộ quân phục màu cứt ngựa treo chình ình trên vách ván. Ôi, Hương ơi! Em đã đem danh dự của các anh quăng vào sọt rác mất rồi!
   Lão cán bộ hiên ngang bước ra, mỉa mai trước nỗi đau vô tận của chúng tôi:
   - Người đàn bà, ở bất cứ thời đại nào, nhất là người đàn bà đẹp bao giờ cũng thuộc về kẻ mạnh. Các ông bại trận, phải gánh chịu tất cả  hậu quả thê lương. Nhưng thôi, hãy để cho Hương tự giải quyết chuyện riêng của nàng.
   Bỗng dưng Hương lau nước mắt, vội vã quay về phía chúng tôi, cứng rắn thốt lên:
   - Từ ngày anh vào tù, rồi mẹ mất, tôi lâm vào cảnh túng thiếu hết sức ngặt nghèo. May nhờ có anh Nhữ, cán bộ địa phương, tận tình giúp đỡ và cáng đáng tất cả nợ nần. Kể cả những lần thăm nuôi anh, suốt bảy năm ròng rã, cũng do đồng tiền của anh Nhữ chu cấp. Ơn nghĩa to lớn ấy, không thể nào quên được, nên tôi nhận lời cầu hôn của anh Nhữ, và giờ đây...tôi đã là vợ của anh ấy...
   Tôi lắc đầu, bực dọc nắm tay Dự lôi ra cửa:
   - Đi, đi mau khỏi chỗ này. Còn gì nữa mà mày lưu luyến.
                               *
   Thế là Dự tìm cách về Rạch Giá, nơi Dự lớn lên và sống trọn quảng đời ấu thơ với bà mẹ hiền. Tôi qua Bến Tre dung thân cùng gia đình bên vợ. Sống ở Rạch Giá một thời gian, Dự cũng trở lại Sài Gòn bán vé số và nước giải khát trên khắp nẻo đường thành phố. Rồi diện Hát Ô đến, tôi tức tốc xúi Dự mau nộp hồ sơ để mau chóng thoát khỏi đất nước đau buồn này. Nhưng khi tôi chuẩn bị đi Mỹ theo danh sách Hát Ô 20 thì Dự lại bặt tăm, không liên lạc được nữa.
   Tôi lên Sài Gòn tìm Dự, dò la tông tích hắn từ những bạn tù sống vất vưởng bằng các nghề lao động hạ cấp, mới biết được chỗ Dự tá túc dưới chân cầu chữ Y. Khi đến đó, chủ nhà cho hay Dự đã bị bệnh và đã qua đời từ mấy tháng nay. Tôi ngậm ngùi hỏi nơi Dự nằm xuống để ghé thăm bạn lần cuối cùng. Chủ nhà lắc đầu, sở vệ sinh đã đến chở xác Dự đi , và không ai biết gì về người xấu số nữa, kể từ ngày ấy.
   Tôi lảo đảo bước ra phố chợ. Đau khổ tìm quán cà phê lề đường, ngồi trầm ngâm tưởng tiếc bạn. Giờ này, chắc còn xe để về Xóm Chùa. Phải đến Hương để báo tin buồn này, dù sao họ cũng là vợ chồng với nhau trong thời gian vàng son nhất của thời Việt Nam Cộng Hòa.
   Ngôi nhà Hương vẫn nằm đấy. Cửa vẫn im ỉm đóng. Cầu thang vẫn ọp ẹp dẫn lên căn gác hoang vắng tiêu điều. Màu nước biển sơn trên tường đã bạc thếch theo năm tháng già nua. Bây giờ, cánh cổng lại thêm sợi dây lòi tói quấn quanh, khóa chặt phía ngoài. Tôi đứng thật lâu trước cổng, hoài niệm lại từng kỷ niệm đầu đời. Tôi đứng chờ Hương suốt buổi. Tôi mong gặp lão cán bộ chết tiệt kia cũng được. Chỉ cần nhắn tin cho Hương, rằng: Dự đã đi thật xa, khỏi thế gian ô trọc này rồi. Nhưng, chờ đợi ...cũng hoài công. Láng giềng cho hay, lão cán bộ bỏ Hương từ lâu để đi theo một người đàn bà trẻ đẹp khác. Còn Hương, cạo đầu đi tu rồi. Đi tu ở một chùa nào đó, trên núi Thất Sơn. Tôi thất vọng khôn cùng, ngã bẹp trước cánh cổng nhà Hương, ôm mặt khóc như điên.
                             *
   Bây giờ, sau gần 20 năm ở Mỹ, tôi vẫn không bôi xóa được câu chuyện cũ. Hình ảnh Dự và Hương như mối ám ảnh khôn nguôi, cứ nặng trĩu trái tim tôi. Hương thật sự đi tu? Và nàng có thật sự bình an tâm hồn trong chốn thiền môn, nơi quê hương đã làm nàng điêu đứng một đời? Và Dự. Mày đã xui xẻo bỏ lỡ chuyến Hát Ô đổi đời, bù trừ lại những đớn đau mà mày đã gánh chịu suốt thời tuổi trẻ. Và ở cõi vĩnh hằng nào đó, mày có biết hôm nay tau ngồi uống rượu suốt đêm, một mình trong phòng vắng, để vô vàn thương tiếc người bạn tù bất hạnh năm xưa.
                 
Phạm Hồng Ân
(Escondido, 22/05/2010)






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét