Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

Cây Nho Lạc Loài - Phần Cuối

Truyện ngắn của Thanh Hà Switzerland


"Tiếc Thương", ành Nguyễn Ngọc Hạnh
6/-
Nói đến đây, Lệ nghẹn ngào rưng nước mắt. Bích hỏi:
--Thế là hai anh chị xa nhau?
--Không, Lệ trốn nhà theo Tùng.
--Hả?
--Thật. Ngay hôm đó anh đánh liều đến nhà thưa chuyện cùng ba mẹ Lệ nhưng bị ba từ chối thẳng thừng và cấm từ đây về sau không được gặp gỡ tiếp xúc với Lệ nữa. Nhưng hôm sau chúng mình lại lén lút hẹn gặp nhau nữa, Tùng mặt hốc hác, râu mọc tua tủa nắm tay mình ánh mắt tha thiết mà cương quyết nói: Anh không thể sống thiếu em, chúng mình phải tìm mọi cách để được gần nhau em có yêu anh và nhất quyết sống chết với anh không?
Thoạt đầu nghe Tùng hỏi vậy mình cứ tưởng anh định rủ hai đứa cùng tự tử như chuyện tình Romeo & Juliette chứ. Mình hơi hoảng vì có muốn chết đâu. Như đọc được ý nghĩ của mình, anh ôm chặt mình trấn an là anh không có ý định hèn nhát như vậy vì cuộc đời chúng ta còn dài, anh còn yêu em nhiều quá sao vội chết được. Anh đề nghị một giải pháp mà lúc vừa nghe xong mình cứ tròn mắt tim muốn nhảy khỏi lồng ngực.
Chúng mình bàn bạc kế hoạch chớp nhoáng cho việc tày trời là bỏ nhà theo anh, mọi việc xảy ra như dự tính chỉ có thay đổi nơi trốn thôi. Anh định đưa mình về giấu ở nhà ba mẹ anh.
Sau khi hai đứa nói chuyện xong thì anh xin nghỉ phép một ngày cấp tốc về Saigon thú thật ý định với mẹ. Bà nhìn anh với ánh mắt thương cảm nhưng lắc đầu:
--Từ nhỏ má đã biết con là đứa ngang bướng coi trời bằng vung hể thích gì là làm đó không ai cản được. Như việc con được học bổng du học Mỹ, thế mà giờ chót con đổi ý định đăng lính má khóc hết nước mắt cả nhà nói gì cũng không lay chuyển. Má tuy buồn nhưng hiểu suy nghĩ của con là muốn gánh vác trách nhiệm của trai thời chiến, má hãnh diện. Còn lần nầy con định rủ rê con gái người ta, sằng bậy vậy mà còn muốn ba má đồng loã à. 
-- Cuối cùng anh chị đi đâu?
Lệ vừa khóc vừa cười:
--Buổi sáng bốn ngày sau mình cũng mặc áo dài đi học bình thường. Cặp thay vì đựng sách vở thì chứa hai bộ quần áo. Chờ chú tài xế chở mấy chị em chạy khuất thì 5’ sau mình trở ra cổng lúc đó xe jeep chở Tùng vừa trờ tới tắp vào lề là mình leo lên ngồi núp băng sau, anh lính lái một mạch đi trốn.
--Trời ! Cứ như trong phim.
--Còn ly kỳ hơn trong phim ấy chứ. Tưởng tượng bom nổ có khi chấn động còn thua cái tin mình bỏ nhà trốn đi nữa là khác nhất là ở một tỉnh lẻ. Từ chỗ làm của ba mẹ đến trường học, mọi người bàn tán xôn xao, mình thì không có ở đó để nghe để thấy chỉ tội cho ba mẹ và các em gái nhục nhã đến cở nào. Sợ ba tố giác anh tội dụ dỗ gái vị thành niên, chắc chắn sẽ bị đưa ra hội đồng kỷ luật quân đội không chừng bị tù hay giáng chức, Tùng được một số bạn trung thành giúp giấu mình ở nhà mẹ của anh Mạnh cùng tiểu đội bay với Tùng tận vùng quê hẻo lánh để không ai dò ra tung tích. Làng đó khá yên bình vì nhiều gia đình có con trai trong quân đội. 
Ngày nào không đi bay là anh vù đến thăm mình, gặp nhau lén lút vội vã cứ lo ba cho người theo dõi tìm đến bắt mình về. Nhưng ba quá xấu hổ đã tuyên bố từ con, cấm tuyệt đối mẹ và các em không ai được nhắc tới tên mình; những gì liên quan đến mình như sách vở quần áo phải tiêu huỷ hết.
Sống trong sự phập phồng lo sợ trốn tránh như vậy mà tình yêu của mình dành cho Tùng không hề sứt suyển, trái lại nữa chứ. 
Anh Mạnh chỉ còn mẹ và em gái 15 tuổi sống trong căn nhà lợp ngói nho nhỏ hai buồng khá tươm tất ngăn nắp. Chung quanh là vườn trồng cây ăn trái làm kế sinh nhai. Sau nhà có cái ao thả bông súng cùng rau muống.
Mấy ngày đầu vì sợ ba mẹ đi tìm mình trốn biệt trong gian buồng của anh Mạnh để trống giờ dọn dẹp nhường cho mình ngủ tạm. Còn mẹ và em gái anh ngủ chung ở gian bên cạnh. Người quen đến nhà chơi bác giới thiệu mình là cháu gọi bằng mợ dâu ở thành phố vì bị bịnh nên cho về quê để dưỡng. Dân thôn quê tính tình bộc trực, nghĩ sao nói thẳng vậy, hỏi:
--Ủa, cháu mặt mày hồng hào phổng phao vậy mà bịnh gì?
 Mình ấp úng không biết trả lời sao thì mẹ anh Mạnh nhanh trí hơn:
--Saigon bụi bặm nên cháu bịnh về đường hô hấp, gái mới lớn nên dù bịnh cũng đâu có lộ ra mặt như lớp già tụi mình.
Nghe có lý họ cũng tin. 
Tưởng cũng nên kể thêm là nếu chưa hiểu người dân nông thôn thì mình sẽ cho là họ tò mò suồng sã vì họ thích vào nhà ai là cứ vào tự nhiên bất cứ giờ giấc nào trong ngày, không thấy chủ nhân họ cứ việc thẳng tuột từ trước ra sau hè cất tiếng kêu í ới. Đi ngang bếp tiện tay mở nắp vung nồi xem hôm nay mình ăn món gì, hoặc nghiêng ngó vào buồng xem có mình ở đó không. Nhưng theo thời gian thì mình nhận ra tình cảm của họ rất sâu đậm chân thành đúng nghĩa “tình làng nghĩa xóm chia ngọt sẻ bùi“. Hể có món gì ngon là họ chia nhau ăn cả xóm. Tô chè, dĩa xôi đậu xanh, canh bí rợ hầm dừa, gà kho sã .... 

Trở lại chuyện của mình, dần dần theo thời gian không thấy ba cho người đến tìm mình bớt sợ mới dám ra ngoài hòa vào sinh hoạt của gia đình. Mình tập ra vườn nhổ cỏ, hái đọt rau lang, bó rau muống, cọng bông súng thành từng bó nhỏ để người đặt mua đến lấ . Đến mùa bạn hàng gom mua trái cây mình cũng thức sớm để trông coi tiếp bác.
Mình biết thế nào là cơ cực từ lúc đó.
Mẹ của anh Mạnh như người mẹ thứ hai của mình, bà thương yêu chăm sóc mình y như con ruột. Cô em gái quấn quýt ít khi rời, ngoại trừ lúc đến trường. Nhờ vậy mà mình đỡ phần nào nỗi nhớ ba mẹ và các em.
Tùng lãnh lương tự đi chọn mua vải may cho mình thêm quần áo, đồ dùng cần thiết vì mình không dám rời nhà bác ra khỏi xóm. Mỗi lần anh 
đến thăm là mỗi khoảnh khắc quí giá ngập đầy hạnh phúc vui như hội tết trẻ con. Chúng mình ra ngồi dưới tàng cây ổi cạnh cầu ao, anh thường vuốt ve mái tóc và an ủi mình cố gắng chịu khổ vì xa cách thêm vài tháng “rồi khi sum hợp anh sẽ đền bù cho em“.
Ngày mình đủ 18 tuổi cũng là ngày mình làm giấy kết hôn chính thức thành vợ của Tùng. Mọi người đều thở phào nhẹ nhỏm mừng cho hạnh phúc hai đứa. Anh chở mình về đơn vị tổ chức một tiệc nho nhỏ giữa các đồng đội có mẹ và em gái anh Mạnh đến dự. Áo cưới của mình là chiếc áo dài trắng mặc hôm trốn đi đó.
Bích nói:
--Bích phục chị Lệ thật. Không ngờ trông chị yếu ớt vậy mà gan dạ can đảm quá trời đất ..
--Ngu ngốc thiếu suy nghĩ thì có. Chắc do lúc đó bị lời đe doạ của ba đẩy chúng mình vào chân tường bắt phải cắt đứt ngay lập tức mà tình yêu thì đang ở trên đỉnh cao nhất, chúng mình không còn thời gian để cân nhắc đắn đo nên liều lĩnh chọn đi theo tiếng gọi của trái tim, chứ nếu ba cho mình thời hạn vài tháng thì chắc mình đã không dám hành động nông nổi. Mà Bích biết không? Chúng mình mang mặc cảm tội lỗi vì đã đem danh dự gia đình chôn xuống bùn nhưng mình không bao giờ hối tiếc cho quyết định đó. Anh Tùng đã thương yêu che chở bảo bọc mình và hai con hết sức như có thể. Anh nói anh có làm bao nhiêu cũng không bù đắp nổi những mất mát mình đã vì anh mà hy sinh. Mình cãi lại: Sao gọi là hy sinh, em vô cùng may mắn có người chồng như anh vì chúng mình yêu và được yêu. Thử hỏi trên đời nầy có bao nhiêu mối tình đầu được sum hợp như chúng mình hả anh.
Câu nói trong các tiểu thuyết mùi mẫn “một túp lều tranh với hai quả tim vàng“ thế mà có thật đó Bích.
--Hai anh chị may mắn có cuộc tình quá tuyệt vời, Bích mừng cho chị.

7/-
Nhưng hạnh phúc của chúng mình sớm sụp đổ cùng với mệnh nước. Khỏi kể thì Bích cũng quá hiểu rồi đó. Ba mẹ hoảng loạn chạy đến căn nhà ọp ẹp vợ chồng mình thuê gần phi trường để mang mấy mẹ con mình về. Mấy năm không gặp, ba già đi nhiều. Hai cha con ôm nhau khóc sướt mướt. Ba nói: tuy con khiến ba mẹ nhục nhã, vì sĩ diện ba từ bỏ con nhưng tự thâm tâm ba biết con đã chọn được người chồng xứng đáng. Ba vô cùng ân hận đã đẩy con vào cảnh bơ vơ do sự hẹp hòi ích kỷ của mình, cũng vì sợ con khổ nếu lấy chồng lính mà thôi, con đừng giận ba.
Nghe những lời tâm sự thốt ra từ miệng ba -- một người đàn ông quyền uy và cương trực mình càng khóc dữ. Chính mình là đứa con bất hiếu đã làm nhục tông môn thế mà ba lại an ủi mình như ba là người có lỗi. 
À quên kể, lúc mình về sống công khai với Tùng thì mẹ và các em đã lén ba tìm cách liên lạc với mình, thường xuyên lại thăm các cháu tiếp tế đủ thứ vì biết lương trung uý của anh Tùng quá khiêm tốn (lúc này anh lên lon). Có lần cháu lớn bịnh sốt xuất huyết nặng nếu không có mẹ giúp thì chắc cháu không sống tới ngày nay. Ba nói ba nhờ đàn em theo dõi tin tức của vợ chồng mình, biết việc mẹ và các em thường gặp mình nhưng giả lơ.   
Phần ba mẹ của anh Tùng cũng vậy. Mẹ anh không ra mặt vì ngại ba mẹ mình biết sẽ mắng là... không biết dạy con trai, nhưng ngầm liên lạc với mẹ anh Mạnh gởi gấm nhờ trông coi cô dâu tương lai. Sau đó khi vợ chồng mình đã danh chính ngôn thuận thì ba mẹ Tùng chính thức đến nhà tạ lỗi và xin làm đám cưới cho chúng mình theo đúng phong tục nhưng ba mình giận từ chối không tiếp.
Đến câu hỏi mà Bích sợ phải nghe trả lời:
--Còn anh Tùng lúc đó thế nào?
--Đau đớn thay, anh chết vào đúng những ngày tàn cuộc chiến. Chết tan xác cùng với chiếc phi cơ anh lái, đồng đội anh chứng kiến về báo lại. Giống như anh đã từng chứng kiến cảnh tương tự của một vài bạn bè trước kia vậy.
Không khí chùng xuống nặng nề sau câu trả lời của Lệ. Hai thiếu phụ ngồi lặng lẽ hồi lâu. Giọng Lệ thảm sầu:
--Có một bài thơ của Lê thị Ý được Phạm Duy phổ nhạc mình thuộc làu, là Ngày Mai Đi Nhận Xác Chồng. Để mình đọc vài câu cho Bích nghe:

Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Say đi cho rõ người tình
Cuồng si độ ấy hiển linh bây giờ
 .....
Chao ơi thèm nụ hôn quen
Đêm đêm hẹn sẽ chong đèn chờ nhau
Chiếc quan tài phủ cờ màu
Hằn lên ba vạch đỏ au phủ phàng

Em không thấy được xác chàng
Ai thêm lon giữa hai hàng nến trong
Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai

Người goá phụ trong bài thơ vẫn còn may mắn hơn Lệ là dù không nhìn thấy xác nhưng ít ra người ta còn đem được thi thể chồng về cho chị, chiếc quan tài được phủ cờ theo đúng nghi lễ và được chôn trong nghĩa trang. Chị còn được ngồi trước quan tài đốt hai hàng nến, ngửi mùi hương trầm mà ảo tưởng là ngửi hơi chồng. Anh Tùng thì ngay cả một mảnh áo, một tấm thẻ bài cũng chả tìm thấy nói gì thịt xương. Tất cả đều tan thành tro bụi. Mà giả dụ có tìm ra xác thì cũng đâu còn được chôn cất theo đúng lễ nghi của quân đội nữa, nói vậy Bích hiểu rồi chứ gì .

Bích nghe hơi lạnh từ sống lưng rờn rợn lan toả lên đỉnh đầu, còn Lệ nước mắt chảy dài theo má không buồn lau. Lát sau lấy lại bình tỉnh, Lệ tiếp: 
--Nói hoà bình nhưng thực tế sự ly tán chết chóc khốn khổ đày ải còn gấp trăm lần chiến tranh. Tùng là con trai út trong gia đình toàn sáu chị gái, lúc anh mất ba mẹ chồng đã sắp 80 tuổi, quá đau buồn nên chỉ một năm sau hai người lần lượt qua đời. Ba của Lệ dù là dân sự nhưng giử chức vụ trưởng ty nên cũng “được đi cải tạo “ cùng các quân nhân luôn cho có bạn. Mẹ và các chị em mình đùm bọc nhau sống cũng tàm tạm cơm rau thỉnh thoảng chút thịt cá cho các cháu. Nhưng hai năm sau thì bị kêu dọn ra ngoài nhường cho họ ở. Thế là mẹ con bà cháu dắt díu dựng lên căn nhà lá trên khoảnh đất nho nhỏ cuối khu vườn. Họ nói: Thấy chưa, chúng tôi “nhân đạo”để các người ở đây chứ không đưa đi kinh tế mới là may mắn cho các người đó.

Sáu năm sau ba về, ngày ngày ra đồng làm ruộng. Kế đến có chương trình H.O ba mẹ và các em nào còn độc thân sang Mỹ, rồi dần dần bảo lãnh các người em khác sang hết. Riêng mình và hai con vượt biên cùng gia đình anh Mạnh khi anh mãn hạn cải tạo. Lúc vừa tới đảo thì có phái đoàn Canada tới nhận người nên ghi tên đi luôn.
--Thế hả  Giờ gia đình của anh Mạnh ra sao?
-- Mình xem gia đình anh như gia đình thứ hai, mẹ anh như người mẹ thứ hai, rất gần gủi. Em gái anh lấy chồng cũng sống chung với mẹ cho đến ngày bà mất cách nay bốn năm. Anh Mạnh rất thương yêu mẹ, tiếc thay chính vì anh hiếu thảo lo lắng cho mẹ quá mà vợ anh không hài lòng dẫn đến chia tay, hai con gái đều sống với anh.

Bích nhìn Lệ định hỏi nhưng không dám. Đoán ý Bích nên Lệ thêm:
--Lúc anh Tùng mất Lệ còn quá trẻ, nói mặt búng ra sữa cũng không có gì quá đáng, khi sang bên nầy phải một mình tần tảo nuôi con mọi người
khuyên răn nên làm lại cuộc đời ngay cả các chị của Tùng cũng khuyến khích. Xứ lạ khác ngôn ngữ kiếm được việc làm dù cực nhọc đã là may lắm rồi -- ngày xưa mê trai bỏ học sớm nên kiến thức đâu có nhiều, mà nếu đi học lại thì ai nuôi con. Trước toàn sống dựa vào gia đình, vào Tùng chứ có biết làm gì đâu. Lúc đó buồn tủi ghê gớm, nhiều đêm nằm thao thức khóc quá trời nghĩ thầm hay thôi cứ chọn một trong những người đang theo đuổi mình để có nơi nương tựa và con có cha dù là cha dượng còn hơn côi cút . Lý trí bảo vậy nhưng ngặt nổi trái tim không chịu mở cửa đón ai khác hết, biết sao giờ. Ai cũng khen mình chung thuỷ giống phụ nữ ngày xưa tam tòng tứ đức, mà thật ra Lệ đâu được cao quí vậy. Có vài lần siêu lòng định đi bước nữa đó chứ. Nhưng hể ngồi đối diện với họ là mình nhớ Tùng, nhớ những kỷ niệm êm đềm ngày xưa hai đứa, nhớ từng câu nói dịu dàng cử chỉ âu yếm của anh. Rồi so sánh. Sao mà khác biệt quá. Sao mà lạ lẫm quá. Sao không phải giọng nói anh, gương mặt anh. Sao thế nầy thế nọ...
Cuối cùng, Lệ chắc chắn rằng không một bóng hình nào có thể chen vào tim Lệ được nữa, Tùng đã lấp đầy và ngự trị mãi mãi ở đó.
Tình cảm anh Mạnh dành cho Lệ thế nào Lệ không biết, vì anh là người khá kín đáo. Phần Lệ xem anh như một người bạn thân của chồng, một người ơn đã giúp đỡ cưu mang, một người anh chia sẻ những suy nghĩ thầm kín, thế thôi. 
Chưa bao giờ Lệ để cho anh hay bất cứ ai nuôi ảo tưởng về tình cảm của Lệ hết. Không phải vì Lệ muốn được tiếng khen là người vợ một dạ thờ chồng gì, chẳng qua vì Lệ không thể yêu ai khác được nữa. 
Điện thoại reo, Lệ tạm dừng câu chuyện chốc lát để trả lời. Gương mặt  toát lên nét trìu mến, chị khoe:
--Của con gái gọi. Ngày nào hai con cũng gọi cho mẹ. Kể tiếp Bích nghe. Con trai nối nghiệp cha, giờ là phi công trong Không Quân Hoàng Gia Canada , còn con gái lấy chồng người Canada ngành Hải Quân. Chúng nói: Chúng con kính phục và tôn thờ ba một phần qua lời mẹ kể, một phần trong trí óc non nớt vẫn còn lưu lại hình ảnh hào hùng của ba mặc bộ đồ bay trông rất oanh liệt uy dũng. Chúng con nhớ sau mỗi phi vụ về nhà, ba chạy ào vào đầu tiên ba hôn mẹ trước rồi lần lượt tới chúng con. Râu của ba mấy ngày không cạo đâm vô mặt chúng con nhột nhột khiến chúng con cười nắc nẻ. Sau đó ba kêu mấy mẹ con thay đồ đẹp để ba đưa đi ăn phở hay đi công viên ... Những lúc có ba nhà không dứt tiếng cười đùa, ba đi vắng nhà buồn hiu mẹ con mình nhắc ba cả ngày. Thời gian đó gia đình mình hạnh phúc quá phải không mẹ. Giờ đây chúng con chọn con đường như ba mẹ đã chọn, con trai làm lính như ba, con gái lấy chồng lính như mẹ.
--Bích chúc mừng cho chị.
--Cám ơn Bích. Nghe con nói Lệ thấy mãn nguyện. Nếu linh hồn anh còn ở trên cao kia hẳn anh hài lòng và tự hào về giòng máu của mình lắm. Lệ thấy cuộc đời mình là đủ, không mong ước gì không chờ đợi gì. Người ta có nhiều thứ hạnh phúc: hạnh phúc với ông bà, cha mẹ, chị em, con cái, vợ chồng, bạn bè, công việc, giải trí... Lệ từng có hết rồi, nay Lệ không tìm kiếm hạnh phúc lứa đôi nữa, vì Lệ đã được nó trong đoạn đời cùng với Tùng. Các con thành nhân coi như tròn trách nhiệm, Bích đồng ý không? 
Bích gật đầu tán thành, đứng lên từ giã ra về bỗng nhìn thấy ở góc phòng có khung ảnh treo trên tường hình hai người: chàng thanh niên gương mặt thông minh cương nghị đôi mắt sáng hoắt trong bộ đồ phi công choàng hai cánh tay ôm nàng thiếu nữ mặc áo dài trắng đứng dựa vào ngực anh như tìm sự che chở. Cả hai toát lên mạch sống tràn trề của tuổi thanh xuân. Lệ giới thiệu:
--Vợ chồng Lệ đó.
--Quả đúng đôi trai tài gái sắc, Bích khen.
Lệ cười, thật sự cười. Giây phút nầy Lệ không còn cho cái cảm giác chị là nàng sương phụ lạc loài nữa, mà khiến người ta liên tưởng đến câu thơ Kiều:

Trai anh hùng, gái thuyền quyên
Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng

Thanh Hà Switzerland
October 2016












Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét