Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

Cây Nho Lạc Loài - Phần 2

Truyện ngắn của Thanh Hà Switzerland

4/-
Lệ là chị cả trong một gia đình trung lưu ở một tỉnh lỵ cách Saigon khoảng 200km có bốn chị em gái và hai em trai, ba là kỷ sư công chánh mẹ là thư ký toà hành chánh tỉnh. Một gia đình mẫu mực tiêu biểu cho nền giáo dục 
“Tiên học lễ, hậu học văn”. Lệ luôn là tấm gương sáng về công dung ngôn hạnh, ở nhà là con ngoan biết đỡ đần ba mẹ săn sóc các em, ở trường là học sinh giỏi hiền lành. Tuy trong thời loạn lạc nhưng dường như chiến tranh bỏ quên gia đình ấy nên chị em Lệ sống rất vô tư hồn nhiên, cho đến ngày Lệ 16 tuổi học đệ tam thì bắt đầu xáo trộn khi Định Mệnh xếp đặt cho Tùng bước vào đời cô. 

Thần Tình Yêu Cupidon bắn mủi tên trúng tim chàng lính không quân vào một buổi sáng mùa đông trời se se lạnh. Hôm đó anh cùng các bạn từ trên xe jeep bước xuống vỉa hè để vào quán ăn phở, đúng vào lúc Lệ ôm cặp đi ngang. Chỉ một giây ngắn ngủi bắt gặp đôi mắt Lệ ngước lên nhìn anh, Tùng chựng lại như người bị điện giật. Ngẩn ngơ, mất hồn. 

Chỉ nhìn thôi, đó nụ cười
Đã lung lay đá, di dời trăng sao! (Th.H ).    

Để rồi từ đó chàng cứ lẽo đẽo theo sau lưng nàng những ngày không có phi vụ. Bạn bè chọc ghẹo: “Thằng Tùng mê con nít coi chừng ba mẹ cô ta kiện mầy định dụ dỗ gái vị thành niên là tàn đời nghe con”. Mặc kệ. “Thằng Tùng ăn phải trái cấm của Eva rồi”. Bất chấp.
Buổi sáng theo em đến gần trường thì giả vờ vào quán uống cà phê. Buổi trưa em rời cổng trường một đoạn thì cái đuôi Tùng xuất hiện đằng sau. Chỉ đi theo từ xa mà không nói năng gì.

Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Ôm nghiêng tập vở
Tóc dài tà áo vờn bay

Em đi dịu dàng
Bờ vai em nhỏ
Chim non lề đường
Nằm im giấu mỏ

Anh theo Ngọ về
Gót giày lặng lẻ đường quê   
        (Ngày xưa Hoàng Thị
         Thơ Phạm Thiên Thư, nhạc Phạm Duy)

Bạn bè lại chọc tiếp: Aha, thằng Tùng si tình nặng rồi, mầy là đứa coi trời bằng vung thế mà lại nhát gan như tên học trò cứ đi theo em mà không dám mở miệng làm quen, thật lạ!
Lúc đầu các nữ sinh cũng tưởng cái anh không quân chắc ở đâu mới đổi đến tình cờ đi cùng con đường rợp tà áo dài như đàn bướm trắng nhưng mấy tuần sau thì họ bắt đầu bàn tán. Cái ông nầy chắc chắn là để ý ai trong chúng ta đây nên cứ chờ giờ chúng mình đi học và ra về là theo nè. Mà chả biết ổng theo ai vậy ta? Vì đâu thấy ổng làm quen với ai.

Nhìn tới nhìn lui đoán già đoán non, có phải chị Liễu học đệ nhị C1 không, chị nầy vóc dáng liêu trai nổi tiếng lãng mạn. Hay chị Ánh học đệ nhất A2 đẹp như minh tinh Thẩm Thuý Hằng. Mà không chừng là nhỏ Hoa học đệ tứ, không xinh gì mà điệu đà xí xọn thấy ghét đó ..v..v...có người còn đoán xa hơn: Hay ổng thương cô giáo sư D. đẹp nhất trường của tụi mình? 
Đề tài nóng bỏng cho các nữ sinh xầm xì, mỗi người một câu, mỗi người một ý kiến. Rình mò các cô mà họ nghi là đối tượng của ông thiếu uý si tình nọ. Như cố tình kéo dài cuốn phim cho thêm hồi hộp, “ông lính” vẫn không có ý “tiếp cận mục tiêu”, còn các cô bị tình nghi thì càng làm duyên làm dáng rõ ràng hơn. Đám nam sinh tức tối rủa thầm đồ thằng cha không quân mắc dịch, dám xâm phạm mảnh đất của bọn mình. Thích ai thì cứ làm quen liền đi, đừng có mà dạo tới dạo lui dòm ngó láo liên như cái thằng ăn trộm đó.
Thỉnh thoảng anh vắng mặt, vì phải bay xa khiến các cô trông ngóng bồn chồn để rồi vài ngày sau xuất hiện cho giọng nói tiếng cười các cô lại ròn rã vang lên.
Lệ lúc đầu không quan tâm đến những lời bàn tán vì tâm hồn ngây thơ như một tờ giấy tinh khôi của cô gái 16 tuổi nghĩ đó là dành cho các chị lớp lớn chứ mình chỉ là một nhóc con mới bắt đầu trổ mã hồi đầu niên học ăn chưa no lo chưa tới. Nội việc mấy cậu cùng lớp nhìn lén qua cửa sổ hay trong giờ học là cô đã cảm thấy khó chịu rồi đây. 

Tùng cứ lượn lờ như vậy mấy tháng cho đến hè mới mở “chiến dịch tấn công” vì biết nếu chần chừ thì mất dấu Lệ. Trong ba tháng không được gặp-- dù chỉ nhìn từ sau lưng là chánh—làm sao anh chịu nổi sự trống vắng, còn chưa kể nhỡ có kẻ thứ hai nào len lén nhảy vào cuỗm mất thì khóc hận.

Trưa đó chờ Lệ đi hết đường Áo Trắng (tức con đường chánh dẫn đến trường) học sinh tản mác mọi hướng  chỉ còn lác đác vài người thì Tùng tiến lên đi song song với Lệ và hỏi chuyện làm quen. Lệ run như cầy sấy, Tùng vụng về như con trai mới lớn thật hoàn toàn trái ngược với một Tùng ngỗ ngáo đào hoa..

Mọi người vở lẽ nhìn Lệ như kết án: “Tầm ngầm mà đấm chết voi, không ngờ con Lệ mới 16 tuổi mà đã bầy đặt yêu với đương. Nó kín dữ, báo hại mấy người kia lâu nay tưởng bở cứ õng a õng ẹo, giờ bẻ mặt chưa”. 
Lệ giận mà không biết sao để thanh minh, vì chuyện “ông không quân” thích mình hồi nào chính mình còn không biết thế mà họ lại đổ lỗi do mình. Ổng thích là quyền của ổng, sao ngăn cấm được. 

Vừa xấu hổ vì bị mang tiếng oan, vừa sợ ba mẹ biết cô đâm ghét lây Tùng, nghĩ cách trốn là có giang xe đạp của Ngọc cô bạn thân để Tùng hết gặp. Mấy ngày liên tiếp Lệ ngồi núp sau lưng Ngọc, khi xe chạy ngang chỗ Tùng đứng cạnh gốc cây bằng lăng cô len lén nhìn dưới vành nón lá cái dáng anh bồn chồn gương mặt trông ngóng về đầu con đường, cô mĩm cười thích thú vì thoát nạn.
Nghĩ bụng:  Cho đáng kiếp nhé. Ngọc nói:
--Lệ ác quá. Nhìn mặt ổng tiu nghỉu Ngọc thấy tội nghiệp ổng sao ấy.
--Tội gì mà tội, ai biểu ổng làm Lệ mang tiếng chi .
Tưởng Tùng bỏ cuộc nhưng không ngờ anh “lỳ” hơn. 
Anh chận một cô trước giờ mỗi lần đi ngang anh thường hát vu vơ vừa nhìn anh vẻ mặt lém lỉnh bài Ngày xưa Hoàng Thị:

Bao nhiêu là ngày   
Theo nhau đường dài
Trưa trưa chiều chiều
Thu đông chẳng nhiều 
 Xuân qua rồi thì
Chia tay phượng nở sang hè

 hoặc :

Cho anh xin số nhà này cô em xinh nét hiền hoà
Cho anh xin số nhà cho anh xin biết tên đường
Và xin cho anh biết tên em luôn
                 (Cho Anh Xin Số Nhà , nhạc Trần Thiện Thanh )

để hỏi thăm về cô bé tóc dài sao đâu mất tiêu. May mắn cô này học khác lớp nhưng nhà cùng phố với Lệ liền nhanh nhẩu ra điều kiện là anh phải hối lộ chầu kem, yaourt, chè... thì mới kể cho nghe. Thế là chiều đó sau khi cùng ngồi ăn kem với cô bé và khoảng chục đứa bạn của cô thì anh được cung cấp đầy đủ thân thế tên tuổi Lệ và nguyên nhân sự biến mất của cô. 
A thì ra thế. Vậy mình phải đổi chiến thuật, tìm cho ra nhà nàng, làm quen với hai cậu em trai 13, 12 tuổi nhờ làm nội ứng. Gì chứ chuyện này không có gì khó. Tấn công trực diện không được thì đi đường vòng vậy.

Cuốn truyện đầu tiên xuất hiện trong nhà Lệ do hai đứa em trai tha về là  Uyên Ương Gãy Cánh của Kahlil Gibran, kể về mối tình chung thuỷ tuyệt vời mà buồn thảm khiến trái tim ngây thơ của Lệ thổn thức đau xót mãi nhưng đồng thời gieo vào đầu óc cô ước mơ thầm kín là sau nầy mình cũng sẽ gặp được một người yêu lý tưởng như nhân vật trong truyện vậy.
Rồi lần lượt của các văn thi sĩ Lệ yêu thích: Duyên Anh, Nhã Ca, Mai Thảo.. thơ Nguyên Sa, Đinh Hùng... Hỏi ở đâu thì chúng nói của bạn cho mượn. Lệ hơi ngạc nhiên:
--Ủa, bạn em biết thưởng thức thơ tình và đọc mấy truyện nầy rồi hả?
--À... thì của anh chị nó, nó lấy cho em mượn. Em đem về cho các chị đọc vì biết chị thích đọc sách.
Càng ngày sách truyện càng nhiều. Lạ điều là còn mới tinh như thể chưa từng có người lật trang nào. Lệ nhắc đem trả bớt thì chúng ậm ừ: Kệ, nó chưa đòi mà. 
Có hôm nghe chúng tranh luận nhau về trực thăng, phi cơ gì đó hăng hái như thể am hiểu lắm. Thỉnh thoảng cuối tuần chúng xin phép ba mẹ cho “tụi con đi cắm trại với bạn”, đi cả ngày chiều về châu đầu vào nhau bàn tán gì có vẻ thích thú hể thoáng thấy có người lại gần là nín bặt .

Ba tháng hè cũng qua để bắt đầu cho năm học đệ nhị (lớp 11). 
Ông lính không thấy xuất hiện trên con đường Áo Trắng nữa nên Lệ trở lại đi bộ như thói quen vì từ nhà đến trường chỉ khoảng 20’. Hình như có một sáng khi đi ngang quán cà phê, Lệ loáng thoáng thấy bóng các ông phi công ngồi đầy một bàn ngoài hiên, cô sợ hãi vội nhìn thẳng rảo bước cho thật nhanh tim đập dồn dập, còn nghe văng vẳng tiếng ai huýt sáo điệu nhạc:

Ngày nào cho tôi biết, biết yêu em rồi tôi biết tương tư
Ngày nào biết mong chờ, biết rộn rã buồn vui đợi em dưới mưa...
                                               ( Ngày nào biết tương tư, Phạm Duy )

Vào lớp các bạn nhận xét :
--Chỉ ba tháng hè mà Lệ thay đổi thấy rõ. Mắt long lanh môi hồng đào tóc đen huyền, xinh quá là xinh. Chả trách các anh con trai cứ giả vờ đi ngang hoặc đứng ngóng cổ qua lớp tụi mình quá trời .
--Ối các bạn nói quá, Lệ không có đâu. Cô chống chế, đỏ mặt.

5/-
Chị Lệ đứng lên đi rót hai ly nước lạnh mời Bích một ly. Tiếp xúc với Lệ đã nhiều, nhưng lần đầu Bích mới thấy Lệ biểu lộ tâm trạng qua giọng nói sôi nổi háo hức ánh mắt sáng ngời. Bích cứ nhìn chằm chằm Lệ, nghĩ thầm giờ mới khám phá thêm một tính chất khác của Lệ đây.
Loại trừ những nếp nhăn, những dày dạn bởi dấu ấn thời gian mà đoán dung nhan “cô nữ sinh Lệ” của mấy mươi năm trước, chắc hẳn rực rỡ mơn mởn như đoá mẫu đơn nhẹ lay trước làn gió xuân khiến ai nhìn cũng đem lòng say mê. Đây mới thật sự người con gái của ngày xưa Tùng yêu, chứ “chị Lệ” mà Bích quen là một người cách biệt , lặng lẽ thờ ơ với thế giới bên ngoài . Một kẻ-lạc-loài , như chị tự nhận.
Uống xong ngụm nước, chị kể tiếp:
-- Hồi 16 tuổi anh Tùng theo đuổi mình sợ và ghét ảnh gần chết nhưng lên 17 tự nhiên yêu ảnh lúc nào không hay. Bữa tối nọ hai đứa em trai chờ ba má đi thăm bạn, đưa cho mình một cuốn tập khá dày kêu Lệ đọc. Mở xem thì là quyển nhật ký, nét chữ thật bay bướm, đầu trang gởi cho Lệ. Hỏi của ai đưa, lúc đầu chúng chối quanh, nói là không biết tụi em đi học thì có một anh chận đường hỏi phải tụi em là em của chị Lệ không, tụi em gật đầu thì anh nói nhờ chuyển cho chị dùm. Mình biết tụi nó nói dóc nên căn vặn đủ cách từ nói ngọt đến nổi giận doạ nạt đòi quăng vào sọt rác quyển nhật ký, lúc ấy chúng mới khai thật là của Tùng mà chúng đã quen từ hồi mùa hè rồi. Chúng khoe đủ thứ nào là “anh Tùng dễ thương lắm, hay rủ tụi em đi coi đá banh, dẫn tụi em đi ciné, dẫn tụi em đi coi xiếc.
Có một lần anh dẫn vào phi trường chơi, chỉ tụi em xem chiếc máy bay ảnh thường lái nữa”.
Nghe nói mình sợ xanh mặt. Trời ơi sao tụi em gan vậy dám vào chỗ lính tráng, rủi ba mẹ biết được là bị đòn chết. Cái ông nầy bậy bạ, dụ dỗ rủ rê
con nít vào chỗ nguy hiểm. Tụi nó bênh vực Tùng:
--Lỗi của tụi em năn nỉ quá nên anh mới đưa vào một lần, mà đứng từ khu gia binh nhìn chứ đâu có lại gần máy bay đâu mà chị lo.
Thì ra những quyển truyện, thơ chúng nó mang về đều là của Tùng gởi cho mình cả.
Có lẽ mình bắt đầu yêu Tùng từ lúc đọc quyển nhật ký của anh, trong đó anh tả chi tiết cái giây phút định mệnh từ trên xe jeep nhảy xuống để vào quán uống cà phê ăn sáng với đồng đội vừa lúc mình trờ tới, ngước cặp mắt nai nhìn anh khiến tim anh như ngừng đập, rồi những ngày lượn tới lượn lui trên đường mình đi học bị mọi học trò dòm ngó trêu chọc, anh bảo: “anh cũng quê lắm nhưng cố trân mình chịu trận nhờ vậy viên-ngọc-hiếm mới về tay anh được chứ “. Những bài thơ tình viết tặng cô-nữ-sinh-tóc-dài trong những đêm mất ngủ mơ tưởng về Lệ , những lần hành quân máy bay đồng đội bị trúng đạn nổ chết tan xác trên không khiến anh trăn trở với câu hỏi : “ Yêu em, muốn được tình yêu của em. Nhưng lỡ Mai mình không về Thì thương người vợ trẻ chờ mong (thơ Hữu Loan). 
Nhưng rồi tình yêu đủ sức mạnh xua đi những ý nghỉ tiêu cực, anh quyết định chinh phục mình chứ không bỏ cuộc ..v..v.. Ôi đọc mà cảm động quá đi mất .
(Khi đã thành vợ anh rồi mình hỏi anh dám lượn tới lui trên đường mấy tháng trời mà sao không làm quen với mình liền cho khỏi bị cả trường biết ê mặt thế, anh nói cũng muốn làm quen lắm chứ nhưng vì... nhát, Bích thấy có tin được không? Mình nói anh xạo, anh đưa cánh tay trái lên trời --anh thuận tay trái -- như người xin tuyên thệ, nói: anh thề nói đúng sự thật em không tin hỏi các bạn anh thì biết , tụi nó chế nhạo anh dài dài đó.)

Thế là yêu, bằng cả trái tim ngây dại .

Với sự trợ giúp của mấy đứa em , mình hẹn hò với Tùng mà ba mẹ không hay biết . Việc học hành bắt đầu sa sút, vì lo đi chơi còn tâm trí thì giờ đâu mà học nữa. Cả trường đều biết “con Lệ là bồ của ông không quân“ mình cũng mặc kệ lời đàm tiếu mà ngược lại còn hãnh diện nữa chứ. 
Mình chỉ sợ ba mẹ hay được là chắc chết vì Bích biết rồi đó, thời xưa chuyện con gái tự ý quen với trai là bị nghiêm cấm tuyệt đối đúng không. Nhưng bí mật gì rồi sớm muộn cũng lộ, bạn của ba mẹ nhìn thấy mình đi xem ciné với Tùng nên mách lại. Bích tưởng tượng xem với người mang quan niệm phong kiến biết đứa con gái hiền lành ngoan ngoản mới 17 tuổi đã hẹn trai đi vào rạp ciné thì giận đến cở nào. Hơn nữa, còn do bạn bè kể lại có nhục nhã không. Thế là từ đó mỗi sáng ba mẹ thuê chiếc taxi tháng chở bốn chị em gái tới trường, tan học đón về chứ không cho đi bộ nữa. Ngoài giờ ở trường thì cấm ngặt ra đường ngoại trừ có mẹ đi kèm. Mình nhờ hai cậu em thông báo cho anh Tùng sự việc, tạm thời không gặp nhau chờ tình hình lắng dịu. 
Không gặp mặt thì viết thư. Những lá thư tình ngập tràn niềm thương nhớ, mùi mẫn da diết. Cái gì càng bị cấm đoán thì càng có tác dụng ngược lại, tình yêu cũng thế. Sau một tháng bị xa nhau mình tiến đến giai đoạn thỉnh thoảng cúp cua. Sáng cũng đến lớp dự chừng hơn 1g, mình giả bộ nhức đầu xin cô cho về, thật ra để hẹn với Tùng. Gần đến giờ tan trường mình về nhà trước dặn các em nói chị Lệ bịnh để ba mẹ có hỏi chú tài xế chứng nhận.
Rồi sự dối gian cũng đổ bể vì trường gởi thư cho ba mẹ báo là mình bỏ giờ khá nhiều. Từ chỗ là học sinh giỏi nay tụt hạng xuống gần áp chót . Khỏi nói không khí trong nhà mình căng thẳng đến mức nào. Ba lúc nào cũng hầm hầm giận dữ, mẹ khóc lóc đau khổ, các em gái sợ sệt rút vào phòng để tránh cơn thịnh nộ của ba .
Tối nọ chờ các em đi ngủ, ba mẹ kêu mình ra hạ tối hậu thư kêu mình phải chọn một trong hai: hoặc phải chấm dứt liên lạc với Tùng, lo học hành nghiêm chỉnh; hoặc lấy chồng. Nghe nói lấy chồng, mình thoáng mừng thầm là được phép làm vợ Tùng. Nhưng niềm vui vội tắt ngay khi ba nói là sẽ gã mình cho anh Nguyên con trai người bạn thân của ba vừa ra trường cũng cùng ngành kỹ sư công chánh. “chứ đừng hòng ba cho phép lấy thằng đó”. Mình khóc nấc, làm liều hỏi ba:
--Nhưng vì sao ba ngăn cấm? Anh Tùng có làm điều gì sai đâu, chúng con yêu nhau thật tình mà.
Ba gào lên, âm điệu vừa tức giận vừa đau khổ:
--Ba cấm là ba thương con đó, ba không muốn nhìn con gái ba trở thành goá phụ lúc chưa tới tuổi hai mươi con có biết không hả?
Mình ngỡ ngàng. Từ lúc yêu Tùng chưa bao giờ ý niệm đó vụt qua trong đầu. Goá phụ. Quyển nhật ký của Tùng có nhắc, nhưng khi yêu nhìn đâu cũng toàn màu hồng nên mình nghĩ nó xảy đến với người khác chứ không thể đến với bản thân mình được. Giờ nghe ba nói mới giật mình. Ừ, sao mình không hề nghĩ chiến tranh sẽ cướp Tùng bất cứ lúc nào nhỉ. Nhưng không, Tùng mạnh mẻ đầy đam mê nhiệt huyết anh hiến dâng trọn vẹn cho tổ quốc và tình riêng sao có thể lìa bỏ cuộc đời dễ dàng được. Mình cãi:
-- Đâu phải ai có chồng lính cũng đều thành goá phụ hết, đâu phải hể làm lính thì không được quyền có vợ con hạnh phúc hả ba.
--Ba cấm con, đồ ngổ nghịch mất dạy.
Ba định giơ tay tát mình nhưng có mẹ ngăn. Ba ra hạn trong vòng một tuần mình phải quyết định. Biết tính ba cương trực, nói là làm nên mình tìm cách nhắn gặp Tùng báo tin xấu. Anh thẩn thờ gục mặt, còn mình chỉ biết khóc. 

Thanh Hà Switzerland
(còn tiếp... )






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét