Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Cây Nho Lạc Loài

Truyện ngắn của Thanh Hà Switzerland


1/-
Một buổi sáng nọ, Bích phát giác một trong các chậu phong lan chưng trong nhà có nhú thêm cây gì là lạ mà vì còn quá nhỏ nên không biết đó là loại dây leo hay cây dại, phải chờ vài ngày sau cây phát triển lớn thêm chút nữa mới xác định được. 

Ô, là cây nho!

Ngẫm nghĩ không ra. Nó “đầu thai” vào nhà Bích bằng cách nào vì cô đâu có trồng? Theo kiến thức lõm bõm cô học được thì cây nho sống trong đất pha cát tơi xốp, không ngập úng, bón phân hữu cơ. Và phải trồng ở ngoài trời để được hưởng nắng gió trong khi các nàng phong lan của cô thì được nuôi dưỡng bằng những vụn gỗ chứ không hề có chút đất nào cả, và lại đứng e ấp làm duyên trong nhà mát rượi cạnh bên khung cửa sổ nữa chứ?!

Mãi mới nhớ, thì ra trước đó Bích có ăn một trái nho, tiện lúc đang chăm sóc các nàng phong lan cô bèn nhả hột vào chậu hoa. Từ cái hột xả rác không đúng chỗ lại nẩy mầm và mọc thành cây. Sự chuyển hoá nầy quả là ngoạn mục!
Tưởng nó chỉ sống được vài tuần vì thiếu đất không phù hợp với loài nho, ai dè theo thời gian nó vẫn tiếp tục vươn cành lá yểu điệu sánh vai cùng nàng phong lan quí phái. Bích thích lắm, ngày nào cũng săm soi ngắm nghía năm bảy lần. Xem chiếc lá non lớn nhanh tới đâu rồi, và có thêm chồi nào mới nhú nữa không?
Thiên nhiên lắm lúc tạo ra những diệu kỳ ban tặng cho đời mà nếu mình không để ý thì sẽ không nhận ra, hoặc có nhận ra nhưng cho đó là những vụn vặt chả đáng quan tâm vì còn nhiều thứ phải lo toan về cơm áo gạo tiền hay tranh nhau miếng mồi chung đỉnh, rỗi hơi đâu chiêm ngưỡng cái cây nho tí tẹo mọc không đúng chỗ. Rõ tào lao nhảm nhí!

Bích tưởng tượng nho muốn ra đời mà chưa tìm được chỗ trao thân gởi phận vừa ý (hic!) nên phải bay lang thang trong không khí từ nơi nầy sang nơi khác rất nhiều năm nhiều kiếp để rồi một hôm tình cờ bay ngang nhà cô, hợp cảnh hợp tình nên quyết định chọn đây là chốn nương thân nơi cõi tạm dù khác nòi giống, khác tập quán thói quen, khác phong thổ với loài phong lan. Hay là nho không thích làm... kiếp nho, mà chỉ thích kiếp hoa lan nên cố tình đến sống chung một nhà (tức một chậu) để ít ra cũng được an ủi nhìn và ngửi mùi hương của loài hoa vương giả đài các kia?

Bích đặt tên cho cây mồ côi nầy là Cây Nho Lạc Loài. 
Lạc loài nhưng không lạc lõng, bởi giữa nho và lan có một sự hài hoà đáng ngạc nhiên cả hình dáng mong manh dễ vỡ lẫn sắc màu xanh xanh phơn phớt vàng mơ.
Cành nho vươn cao được Bích uốn cong nhánh như bờ vai người chị
ôm ấp bảo vệ cô em nhút nhát khỏi những đa đoan phiền toái cuộc đời.
Nho còn có tên khác mỹ miều hơn, là bồ đào (tức rượu nho). Từ hai chữ bồ đào, Bích lan man nhớ lại bài thơ Đường Luật mình đã học thời còn cắp sách vào Văn Khoa :

Lương Châu Từ

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi
          ( tác giả Vương Hàn )

Dịch :

Rượu bồ đào, chén dạ quang
Muốn say đàn đã rền vang giục hồi
Sa trường say ngủ ai cười
Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu?
               ( Trần Trọng San )

Rượu bồ đào, chén dạ quang
Ngập ngừng muốn uống tiếng đàn giục đi
Say nằm bãi cát li bì
Xưa nay chinh chiến người đi, ai về ?
             ( Vân Bình Tôn Thất Lương )


Trong ca dao Việt Nam có câu :
   
Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm mà say

Qua cây nho , Bích nhớ lại bài thơ Lương Châu Từ. Từ câu thơ :”Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi “ nghĩ đến cuộc đời một sương phụ có chồng làm lính cô gặp gỡ bởi tình cờ vào buổi sáng mưa bay lất phất trong công viên Lion Park ở Port Coquitlam thuộc bang British Columbia, Canada mà khi quay về Thuỵ Sĩ cô tiếp tục giử liên lạc để rồi hai năm sau tái ngộ, họ cảm nhận 1 sợi dây vô hình gắn bó tình bạn với nhau rất chân thành tự nhiên như thể đã quen biết tự bao giờ .

2/-
Trong thời gian du lịch Bích vẫn duy trì thói quen đi bộ mỗi ngày trung bình từ 8 đến 10km, có khi 15 km tuỳ theo thời tiết, ngoại trừ những hôm có chương trình khác. Hôm nào không được đi bộ hoặc bơi lội cô cảm thấy bứt rứt như thể mình đã bỏ lỡ một việc gì cần phải làm vậy.

Buổi sáng ấy nhìn lên trời toàn màu trắng đục pha xám báo hiệu sắp mưa nhưng Bích vẫn quyết định đi bộ ra công viên cách nhà anh cô hơn 30’ để được hoà mình cùng với thiên nhiên, đắm chìm trong không gian yên tỉnh, nhìn ngắm cây cối xanh tươi hai bên lối đi. Nghe tiếng vài con chim hót ríu rít trên cao, thỉnh thoảng có mấy chú sóc chuyền cành nhanh nhẹn xuống đất tìm thức ăn, các hạt người ta vãi trên mặt đường. Thoáng thấy bóng người lại gần các chú nhảy phóc lên cây biến mất tăm. Thật không hổ danh “nhanh như sóc “. 
Công viên rộng lớn vô cùng, có những khu vực chính phủ đặt các dụng cụ tập thể dục cho mọi người sử dụng miễn phí. Bích tận dụng cơ hội lần nào cũng nhảy lên cái máy kéo co (chả biết gọi là gì) kéo đủ 100 lần, chủ yếu bài tập giử eo thon bụng nhỏ vì sợ có ngày nó trở thành cái bánh xe hơi Pirelli là tiêu đời. 

Vừa đến đầu cổng công viên thì trời nhỏ lệ, sợ ướt nên Bích ghé vào khu có mái che ngồi tránh mưa. Ở đó đặt vài cái bàn, băng ghế dành cho các buổi picnic. Sau cô, vài ba người cũng co ro chạy vào núp mưa, chả ai nhìn ai mà mãi ngó trời ngó đất.
Tháng sáu, không hiểu vì sao nhiệt độ khá lạnh, gió thổi mạnh nên có vẻ như đã vào thu. 

Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt
Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa
Anh lạy trời mưa phong toả đường về
Và đêm ơi xin cứ dài vô tận
.......
Tháng sáu trời mưa em có nghe mưa xuống
Trời không mưa em có lạy trời mưa
Anh vẫn xin mưa phong toả đường về
Anh vẫn cầu mưa mặc dầu mây ảm đạm
            (Tháng sáu trời mưa, Nguyên Sa)

Tự dưng nhớ lại mấy câu thơ của Nguyên Sa, giai điệu nhẹ nhàng như lời thì thầm kể chuyện của chàng trai dành cho người yêu, chất chứa mối tình si mãnh liệt ẩn giấu đằng sau những câu giản dị mà đầy lãng mạn. Bích mê thơ của thi sĩ nầy từ hồi mới lớn, thuộc lòng rất nhiều bài. Giờ đã “bóng ngã đường chiều”mà mỗi lần đọc lại vẫn còn nguyên vẹn xúc cảm thời hoa niên. 

Mưa nhỏ hạt nhưng đều đều không ngớt. Mấy người ngồi núp mưa hết kiên nhẫn đợi dứt đã trùm cái capuchon lên đầu bỏ đi mất. Ngồi một mình, tức cảnh sinh tình không sợ ai nghe cô cất tiếng hát nho nhỏ:

Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu 
Ai khóc ai than hờ...
.....
Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây
Lòng vắng muôn bề không liếp che gió về
Ai nức nở thương đời chân buông mau
Dương thế bao la sầu
            (Giọt mưa thu, Đặng Thế Phong)

Đang nhập tâm vào lời bài hát buồn thê lương da diết ấy nên cô không nhận ra người mới đến. Mãi lúc dứt bài, nghe hình như có tiếng thở nhè nhẹ của ai đó. Ngoảnh lại sau lưng, bóng người đang ngồi lặng lẽ tự hồi nào. Hơi ngượng vì bị bắt gặp mình hát – số là cô có tính mắc cở -- nên nhìn lại lần nữa cho rõ mặt. Một phụ nữ châu Á. 
--Xin chào chị. 
Người ấy cất tiếng. Ô, cùng là đồng bào với mình đây. Bích chào lại:
--Chào chị, thật vui gặp chị là người Việt Nam ở đây.
--Bài hát hợp với cảnh nghe buồn quá phải không chị?
Chị không trả lời vào câu nói của Bích mà nhắc về bản nhạc Bích vừa hát, cô đỏ mặt dù trời đang lạnh, cười chữa thẹn:
--Em tưởng không có ai nên tức cảnh sinh tình hát chơi đó mà, dở gần chết.
--Không đâu, chị hát hay lắm, nhất là phù hợp với cảnh trời đang mưa rả rít nữa nên rất truyền cảm đó.
--Cám ơn chị. 
Người phụ nữ đứng dậy, tự động qua ngồi chung bàn với Bích. Trao đổi chuyện trò. Để bắt đầu một tình-bạn từ đó.
Lệ, tên người phụ nữ, lớn hơn Bích vài tuổi. Tức cũng đã sống quá nửa thế kỷ. 
Phải lần tái ngộ gần đây, thân thiết nhau hơn Lệ mới hé lộ chút tâm tư với Bích:
--Hơn nửa thế kỷ nhưng đôi lúc mình có cảm tưởng như già trăm tuổi và nếu ví cuộc đời là sân khấu thì mình đã đóng qua cả chục vai tuồng vui buồn hạnh phúc khổ đau ...gì cũng có đủ hết.
--Hiện giờ chị Lệ đóng vai tuồng nào? 
--Người-lạc-loài, đang đi tìm kỷ niệm. Hình không bắt, toàn bắt bóng. Hiện tại thì không sống, chỉ sống trong quá khứ. Mỗi người chỉ có một đời mình biết mình đang để lỡ nó nhưng vẫn không làm khác được.
--Theo Bích thì bắt hình hay bắt bóng gì không quan trọng, miễn sao nó khiến mình hạnh phúc là đủ. Thế chị Lệ có thấy hạnh phúc không?
--Chả biết. Lâu rồi mình không còn phân biệt được vui hay buồn nữa. Giống như căn phòng được chia hai bằng một sợi dây mỏng manh chăng ngang để làm biên giới, nửa nầy là niềm vui nửa kia là muộn phiền. Phút trước đang trong tâm trạng vui vẻ, chỉ cần một ý nghĩ bi quan nào đó chợt đến thế là tíc tắc sau mình đã bước qua sợi dây để vào phần tăm tối rồi. Và ngược lại. Mãi thành quen, tới nổi muốn vui thì mình hướng tư tưởng đến chuyện vui , muốn buồn thì hướng tư tưởng sang chuyện buồn. Vì như đã nói Lệ đã trải qua quá nhiều cảnh đời, giờ mình không còn muốn gì, chờ đợi gì. À, có lẽ chờ đợi tử thần mang mình rời khỏi thế gian nầy thôi. 
Bích nhìn Lệ, không biết trả lời sao. Đoán được ý nghĩ Bích, Lệ tiếp:
--Bích đừng thương hại mình nhé vì mình không có gì để phải thương hại cả. Nhiều người gặp cứ nói sao trông mình có cái vẻ tội nghiệp thế nào ấy, mà cái người tội nghiệp mình chắc gì họ đã hạnh phúc sung sướng như mình từng hạnh phúc. Chắc type người của mình kỳ cục thế nào đó gây cho người ta cảm giác như vậy thôi.

Quả thật, dáng dấp Lệ gợi lên hình ảnh người thiếu phụ lạc lõng. Mái tóc dài đen nhánh chỉ thấp thoáng vài sợi bạc (Lệ nói sẽ nuôi tóc dài đến chết vì mình hỏi chồng yêu mình ở điểm nào, anh nói yêu tất cả mọi thứ từ vóc dáng cho tới tâm hồn mà mái tóc của mình chiếm phần rất quan trọng. Hỏi vì sao thì anh nói bởi suốt thời gian đầu anh đi theo mình chỉ được ngó từ sau lưng, thấy mái tóc nhiều hơn gương mặt nên gắn bó với nó là vậy). Vóc người mảnh khảnh, đôi mắt nhìn người đối diện mà như nhìn vào một cõi xa xăm riêng lẻ. Miệng Lệ tuy nở nụ cười, Bích vẫn không đọc được niềm vui nào cả. Nhất là giữa đám đông, cái vẻ cô đơn của Lệ càng nổi bật.

3/-
Lệ và Bích thường gặp nhau mỗi sáng ở Lion Park để đi bộ, tập thể dục. Hai người có vẻ hợp nhau nên sau khi đã vận động xong thì tìm băng ghế dưới bóng râm của tàng cây to ngồi gần trưa mới chịu từ giã. Có hôm đi ăn bên ngoài, có lần cùng tham dự buổi họp mặt của cộng đồng người Việt, hay đến xem ca nhạc gây quỹ giúp những người tỵ nạn cuối cùng còn kẹt ở Phi Luật Tân, Thái Lan; có lần đi chùa nhân lễ Phật Đản. Hoặc đi chơi xa, như Whistler, một địa điểm du lịch kết hợp trượt tuyết nổi tiếng từng tổ chức Thế Vận Hội Olympique Mùa Đông 2010 cách Vancouver 120 km. Hay đi cầu treo Capilano, leo núi, vào Thư Viện Quốc Gia đọc sách...

Càng vào chỗ đông người thì cái vẻ lạc lõng cô đơn nơi Lệ càng in đậm nét. Mặc dù chị cũng chào hỏi mọi người, cũng thành kính lễ Phật, cũng lắng nghe ca sĩ diễn tả bài nhạc, vỗ tay tán thưởng ra vẻ nồng nhiệt, cũng tham dự các trò vui chơi sống động ngoài trời nhưng Bích vẫn có cảm tưởng tâm trí Lệ bay tận nơi xa xôi nào chứ không chú mục vào cử chỉ chị thực hiện vào lời chị thốt vào hành động chị tỏ lộ.

Luôn luôn, khởi đầu chị tham gia vào mọi sinh hoạt một cách bình thường. Nhưng gần cuối buổi thì chị lấy cớ gì đó để tách ra đứng riêng một góc hay lùi về phía sau. Chị đứng một mình, như kẻ lạc loài.
Bích nhớ mãi hình ảnh Lệ hôm cùng chị và vài người bạn đi dạo trên bãi biển English Bay Beach. Chị khoác áo len mỏng màu kem bên ngoài chiếc áo đầm lam đậm, mái tóc dài tận eo khẻ lay động bởi làn gió từ biển Thái Bình Dương thổi vào cùng lúc vạt áo cũng lất phất bay. Ánh tà dương chiếu lên tóc lên áo sắc vàng nhoà nhạt trông Lệ như ảo ảnh từ giấc mơ hiện ra. Bích bàng hoàng trân trân nhìn hình ảnh đó cho tới lúc mọi người lên tiếng hỏi cô nhìn thấy gì mà mất hồn thế, cô mới trở về thực tại. Vương vấn mãi câu hỏi: Nằm sâu dưới cái dáng mong manh yếu đuối đó, chị còn chứa điều bí ẩn nào chăng?

Lệ thường đề nghị đưa Bích đi ngắm những công trình kiến trúc nguy nga do con người sáng tạo ở Vancouver nhưng hình như chỉ ở giữa thiên nhiên hùng vĩ thì cả hai mới thật sự cảm thấy đúng là nơi mình cần đến để chiêm ngưỡng và thư giản.
Trước thiên nhiên, con người trở nên nhỏ bé làm sao.
Trước thiên nhiên, những toan tính danh vọng vật chất của con người chỉ còn là điều quá vụn vặt ti tiện.
Trước thiên nhiên, sầu não vơi đi tâm lắng đọng trong sự an bình. Con người bỗng thánh thiện hơn xích gần nhau hơn.

Cũng nhờ sau nhiều chuyến dã ngoại, cả hai càng thân thiết nhau hơn mà Lệ đã mở cánh cửa tâm hồn vén cho Bích xem một đoạn đời quá khứ của chị.

Thanh Hà Switzerland
October 2016
(còn tiếp)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét