Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2016

Khoảnh Khắc Cuộc Đời - Kỳ 1

Truyện ngắn nhiều kỳ của Lanh Nguyễn

Kể từ hôm nay xin mời các bạn thưởng thức lại câu chuyện cũ để nhớ về một thời gian khổ đã qua. Câu chuyện KKCĐ của thầy Long được gởi lại thêm lần nữa.


Khoảnh Khắc Cuộc Đời là một câu chuyện dài, ghi lại một phần cuộc sống của những người liều mình bỏ nước ra đi. Người viết chỉ viết lại cái nhìn khiếm diện, cái thực tế một mặt mà mình chứng kiến. Nó chỉ nhằm mục đích giải trí giúp vui cho người đọc. Câu chuyện với những tình tiết và những nhân vật đều do óc tưởng tượng mà có.
Nếu nó trùng tên, trùng địa danh, trùng hoàn cảnh cũng là ngoài ý muốn của người viết.
Mời tất cả các bạn đọc xem chơi cho biết cuộc đời của một anh giáo làng bỏ nước lưu vong đã sống như thế nào trong trại tị nạn... Cũng như những ngày mới nhập cư trên xứ Mỹ.  
  
Lanh Nguyễn

Chiếc tàu đánh cá dài chừng 13 mét, nhỏ như chiếc lá tre so với sự rộng lớn, bao la của biển cả, đang trân mình chịu đựng cơn bão số 16. Những ngọn sóng to như quả đồi, đưa lên, hạ xuống dập vùi nó, như muốn nhận chìm tất cả vào lòng đại dương. 
Hai mươi mốt người trên tàu đang nhắm mắt cầu nguyện. Mà nghĩ cũng lạ, con người ta, lúc bình thường thì hung tợn dữ dằn, nhưng khi gặp sự phẫn nộ của thiên nhiên thì "y như rằng" ai cũng cầu trời, khấn phật, lạy chúa xin phù hộ cho tai qua nạn khỏi.
Không hiểu sự cầu nguyện của họ linh thiên như thế nào mà trời từ từ bớt gió, chỉ còn lại những cơn mưa rào nặng hột mà thôi. Rồi sóng cũng thưa dần, trời quang mây tạnh, trước mặt họ hiện ra một con tàu to đùng, chung quanh còn có mấy chiếc sà lang dài. Mọi người la lên:
- Sống rồi! Sống rồi!

Bác tài công từ từ cặp tàu sát vào chiếc sà lang, vài ngư phủ nhảy lên, Long cũng nhảy theo sau cho biết sự tình. Trên sà lang từng tốp 5,6 người đang ngồi tụm lại, họ dùng vải cao su che mưa. 
Những cơn gió giật từng hồi, tuy không còn mạnh, nhưng cũng đủ làm cho mấy tấm cao su kêu lên phành phạch, nước mưa bắn tung tóe, mọi người ướt như chuột ngộp nước, đang trân mình run rẩy chịu đựng cơn thịnh nộ của trời đất.
Hỏi ra mới biết, tất cả có trên trăm người đều là người vượt biên tránh bão, họ còn mách nước đục tàu cho thủng để nước tràn vô thì người Mỹ mới cho lên ở tạm trên sà lang. 
Mọi người trở lại tàu. Long thuật lại lời khuyên của mấy người trên chiếc sà lang, rồi khuyên ông chủ tàu, đục tàu cho vô nước để ở lại trên sà lang, làm vậy tránh được bão mà an toàn hơn.
Suy đi tính lại một hồi ông chủ tàu không bằng lòng nói:
- Tàu của tao đem qua Mã Lai bán lại cũng được mấy chục cây vàng, tụi bây xúi dại, đục tàu ai đền vàng cho tao đây?
Thế là ông ta quyết định không ở lại mà tiếp tục lên đường, bất chấp bão tố còn đang rình rập, trở lại bất cứ lúc nào.
Một lúc sau mấy người Mỹ xuống xem xét chiếc tàu rồi chỉ đường đi Mã Lai, họ cũng không quên tặng hai thùng cam tươi và mấy cây thuốc lá hiệu Lucky. 
Lần đầu tiên nhìn thấy cam Mỹ, ai cũng trầm trồ khen đẹp. Trái cam thật tròn, to và vàng ánh, nhìn là đã chảy nước miếng rồi, nhưng mà có được thưởng thức đâu, vì đó là của gia đình chủ tàu mà.

Trời quang mây tạnh, chiếc tàu thẳng tiến về hướng Mã Lai, biển chiều tuyệt đẹp, trên trời vài con hải âu bay lượn, dưới nước thỉnh thoảng vài con cá Nược chạy theo tàu. Ai cũng phấn khởi tinh thần, vì tưởng lầm sắp đến Mã Lai rồi. Vài ngư phủ còn vui vẻ nói chuyện với cá:
- Đua ông Nược, đua!
Vậy mà mấy con cá Nược cũng thi nhau xịt nước chạy theo tàu. 
Nhưng ở đời không có gì là suông sẻ theo ý muốn mình cả, chiếc tàu đang chạy ngon lành bổng chốc kêu lên khịch, khịch mấy tiếng rồi tắt ngủm. 
Mấy anh thợ máy ì ạch sửa cho tới nửa khuya thì một máy chạy được còn máy kia vẩn nằm trơ trơ, không nhúc nhít.
Nhìn chung quanh, ánh sáng của những tàu đánh cá khác, lúc ẩn, lúc hiện, như gần mà xa. 
Còn chạy được một máy, con tàu cố lết lại gần một chiếc ghe cào, chờ cho nó cào xong nhờ nó kéo vô bờ.

Trời vừa sáng bác tài công cặp sát vào chiếc ghe cào. Trong tàu có một cô trước năm 1975 làm sở Mỹ nên biết chút ít tiếng Anh, sau một hồi xí xô, xí xào với tên thuyền trưởng Thái, cô ta cho biết tàu Thái đồng ý chở người vào bờ, chớ không chịu kéo dùm tàu. 
Nó nói chánh phủ nó cấm.
Sau một hồi bàn tính với thợ máy, ông chủ tàu đành bấm bụng bỏ lại chiếc tàu thân yêu của mình để sang tàu Thái Lan, cho nó chở vô đất liền.
Vậy là mọi người cấp tốc thu dọn vật dụng cá nhân của mình rồi chuyển sang tàu Thái...
Bỏ lại con tàu cũ kỹ trôi dạt giữa đại dương mênh mông vô tận.
Chiếc tàu Thái nầy có lẽ dài phải hơn mấy chục mét, cái cabin cao tới 2 tầng, phụ nữ chúng đưa lên tầng trên, còn đực rựa chúng cho ở tầng dưới.
Sau khi an vị trên tàu xong, ngư phủ Thái liền nấu cơm, luộc tôm, mực tươi cho mọi người ăn một bữa no nê. Ai cũng tưởng người Thái quá tử tế nên không tiếc lời khen ngợi.
Mọi người không ai ngờ sau đó chúng kéo từng thằng đàn ông lên, lột hết quần áo rồi tống cả lủ vô hầm chứa nước đá. Ở ngoài chúng lục tung tất cả đồ đạc và lấy đi sạch sẽ không còn một thứ gì kể cả tiền Việt Nam. Tốp đàn bà con gái cũng cùng chung số phận.
Cướp xong chúng quay tàu trở lại tìm chiếc tàu cũ rồi đạp từng người một xuống đó, quần áo, đồ đạc cá nhân chúng ném bừa sang rồi thẩy cho một bao gạo ân huệ. Hai mươi mốt người thất thiểu thu lượm lại quần áo đồ đạc cá nhân không còn giá trị của mình.

Không biết những người trên tàu mất đi những gì, riêng Long thì bị chúng lấy đi chiếc đồng hồ đeo tay. Mà thật ra tài sản của chàng cũng chỉ có chừng đó mà thôi.
Trở về con tàu cũ mấy anh thợ máy tiếp tục sửa chữa block máy còn lại, ngư phủ và thanh niên thì thay phiên nhau tát nước, còn phụ nữ thì cầu nguyện. 
Con tàu cuối cùng rồi cũng nổ hai máy và di chuyển được. Bác tài công cứ ngắm sao trời mà đi.
Sáng hôm sau đã nhìn thấy bờ đất liền. Bác tài công cứ thế mà chạy sát bờ rồi cập bến Terengganu của Mã Lai. Hôm sau được chánh phủ Mã dùng tàu cao tốc đưa ra đảo Pulau Bidong. Ở đảo lúc đó đã có rất đông người tị nạn.
Chiếc KG0276 của Long được xếp thứ tự 165. Mổi ngày được cao ủy tị nạn phát một bịch đồ supply trong đó có một gói gạo chừng nửa ký lô, 2 gói mì, một hộp đậu và một hộp cá mòi. Mỗi tuần lễ dân tị nạn đi lảnh đồ hai lần. Lúc đang  xếp hàng thì có ai đó đứng phía sau chọt vô hông mình. Long giật mình quay đầu lại. Một cô bé khá xinh đang nhoẻn miệng cười hỏi:
- Xin lỗi! Anh có phải là thầy Long dạy toán ở Kiên An trước năm 1975 không?
- Sao cô biết?
Cô bé mừng rở nhảy cửng lên:
- Em nè! Em là Mỹ Ngọc học trò lớp 7 của thầy hồi đó đó, có nhớ hông?
Long ngờ ngợ, nhưng mà với trên 100 học trò cũ đã hơn 5 năm không gặp, vả lại tuổi chúng đang thời kỳ phát triển thì thật khó mà nhận ra. Nhưng chàng cũng làm bộ xả giao 
- Nhớ rồi là Mỹ Ngọc.
Cô gái cười hồn nhiên:
- Thầy xạo thôi chớ nhớ gì đâu? Nếu còn nhớ thì chắc là thầy nhớ mấy anh chị lớn ngồi bàn chót ít thay đổi, còn em là đứa nhỏ nhất ngồi bàn đầu làm sao mà thầy nhớ được?
Bây giờ thì Long thật sự nhớ lại đứa học trò nhỏ mà học khá của mình, chàng vổ đùi la lên:
- Em là đứa hay phát dùm bài kiểm sau khi tôi chấm đúng không? Em tới đảo lâu chưa?
- Dạ! Em đến hôm qua tàu em số thứ tự 159 Còn thầy?
- Tôi à! Mới tới sáng nay thôi. Mà em đi với ai vậy? 


  (Câu chuyện mới mở đầu, xin mời các bạn xem tiếp vào kỳ tới...)

Lanh Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét