Thứ Tư, 8 tháng 2, 2017

Mót

Truyện ngắn của Lanh Nguyễn


Tôi hồi nhỏ đi học làm biếng tra tự điển lắm, thấy cuốn sách dầy cui mà chữ thì nhỏ tí tẹo là tôi ngán tới óc o rồi.  Học môn Pháp Văn khó thấy mồ tổ, học chữ sau quên đi chữ trước, mỗi lần quên thì phải lôi cuốn tự điển dễ ghét đó ra mà tra lại xem nó viết thế nào, đọc ra làm sao, nhưng tôi vốn tính lười, sẵn thằng bạn ngồi kế bên giỏi tiếng Pháp tôi hay hỏi nó:
- Ê! Út Em đánh vần chữ đó dùm tao coi.
Nó hay cằn nhằn:
- Sao mầy không chịu lấy cuốn tự điền ra tra đi. Mỗi lần coi nó, ít ra cũng nhớ thêm được một chữ mới.
Thằng nầy nó có tài nhớ dai, học đâu nhớ đó, hỏi chữ nào nó cũng biết hết, cho nên tụi tôi tôn nó là cuốn tự điển sống...

Sang qua Mỹ bỏ được tiếng Pháp tôi mừng húm, nhưng học lại tiếng Anh cũng không dễ dàng chút nào. Bước ra đường gặp toàn là mắt xanh, tóc vàng, mũi nhọn, muốn nói  cái gì cũng phải xài tiếng Anh mà kế bên mình không có cuốn tự điển sống nào hết trơn, tôi buộc lòng phải gồng mình lấy tự điển giấy mà dùng tạm. Nhưng khi lập gia đình tôi lại rinh được một cuốn tự điển tiếng Anh tươi xanh, vì vậy tôi lại tiếp tục cất cuốn tự điển giấy vô học tủ trong chỗ làm để mỗi khi viết báo cáo lỡ quên thì có người giúp mình.

Nói như vậy để các bạn thông cảm, ngoại ngữ tôi còn không thèm xem tự điển, huống hồ gì tiếng mẹ đẻ, cho nên từ nhỏ tới lớn tôi thiệt tình chưa thấy mặt cuốn tự điển Việt Nam ra sao, chứ đừng nói tới chuyện xem người ta giải nghĩa, viết những gì trong đó. Vì thế, tôi có hiểu nghĩa sai bét, hay trật đường rầy, hoặc viết sai chánh tả đó cũng là chuyện rất bình thường, nó bình thường như chúng ta ăn cơm mỗi ngày vậy thôi. 
Những chuyện tôi kể chỉ để giải trí, mua vui đôi ba phút đồng hồ, không phải là bài nghiên cứu hay là văn học gì cả, nếu thấy cái nào sai thì các bạn cứ nhắc nhở dùm rất cám ơn...

Cái chữ "mót" mà tôi sắp kể đây không biết Việt Nam tự điển giải nghĩa thế nào, nhưng tôi biết chắc một điều ngày xưa các bạn ở chợ ít ai nghe hay là dùng tới nó. Còn bây giờ các bạn có đi ăn nhà hàng bình dân, hay vào các quán cóc bên lề đường, chắc chắn là đã thấy cái cảnh mấy người nghèo mót đồ ăn thừa đem về, hay là ngồi ăn mót tại chỗ rồi, cho nên tôi không viết lại, chỉ xin kể hầu các bạn những cái mót dễ thương của thời xưa ở miền quê...

"Mót" theo tôi là đi lượm lại những thứ gì mà chủ nhân của nó bỏ sót, không dùng tới nữa. Thí dụ như là mót khoai. 
Cái nầy tui đoán các bạn sống ở chợ chưa nghe qua đâu.
 Thường thường, vào những buổi chiều mát mẻ các bạn cặp tay người yêu đi dạo ở công viên cạnh bờ sông. Gió sông thổi mát rượi, tay trong tay mà lòng lâng lâng rạo rực, bỗng mùi khoai lang nướng thơm lừng ở đâu không biết bay vào mũi làm bạn cảm thấy đói bụng. Bạn ngó dáo dác nhìn xung quanh tìm thử thì bắt gặp dưới gốc cây điệp một thiếu phụ đang ngồi nướng khoai lang để bán. Bạn liền mua hai củ khoai bằng cổ tay người yêu. Vỏ khoai nướng hơi cháy khét bên ngoài làm tăng thêm mùi thơm nồng nàng của nó, bạn vừa thổi vừa bóc vỏ rồi bẻ ra đút cho nàng thưởng thức.
Nàng nhoẻn miệng cười âu yếm nói:
- Khoai thơm quá, ngọt ngào khôn tả, anh cũng ăn thử với em đi, kẻo nguội mất ngon...
Khi bạn đang tận hưởng những giây phút vui vẻ thơ mộng đó, bạn có chạnh lòng nghĩ đến người nông dân khổ cực như thế nào để trồng ra nó không? Nếu chưa, hôm nay xin mời các bạn lướt mắt qua để mà thông cảm cho cuộc sống lam lũ của người dân quê xứ ta.

Khoai lang có thể trồng quanh năm, nhưng nhiều nhất vẫn là khi trời bắt đầu mưa xuống để cho nhẹ bớt việc tưới nước. Trước tiên người nông dân cày đất lượm sạch cỏ rồi cuốc đất thành những giồng thẳng tấp cao chừng 0.3 mét, sau đó lấy dây khoai lang giống gim sâu xuống giữa giồng, mỗi dây cách nhau chừng 0.3m hay 0.4m. Giai đoạn nầy phải tưới nước liên tục, luôn luôn giữ cho giồng khoai mới dâm được ẩm ướt, mãi cho đến khi dây khoai lang ra rể bắt đất, thì tưới ít nước lại một chút. Người ta không trồng khoai lang bằng củ, mặc dù củ khoai để nơi ẩm ướt sẻ nẩy mầm lên cây con...
Khoai lang trồng được ít tháng thì dây của nó bò lang, lá phủ bít kín mặt giồng khoai, người nông dân dân phải đi vét nó lên cho nằm trên giồng, hoặc là cắt bớt đọt khoai đi cho gọn lại. 
Ngày xưa ở quê không có ai đem đọt khoai lang đi bán, không biết bây giờ ra sao nhưng mà ở Mỹ tại San Francisco hiện nay thì trong chợ giá bán từ $1/lb tới $2/lb tùy lúc. Nếu tính thành tiền VN thì khoản chừng 50 ngàn cho tới 100 ngàn 1 kí lô tùy theo mùa.
Tôi không nhớ trồng khoai trong thời gian bao lâu thì thu hoạch, nhưng biết rõ khi dây khoai già thì nó đổi qua màu nâu xậm, người ta moi thử xem coi củ khoai lớn chưa, có bột trong đó chưa, ăn có ngon chưa... Bây giờ chắc là nông dân tiến bộ, có thể họ tính ngày thu hoạch rất chính xác, không cần kinh nghiệm, thử tới thử lui như ngày xưa nữa.
Có rất nhiều giống khoai khác nhau nhưng tôi chỉ xin nhắc 2 loại khoai có tên ngộ nghĩnh mà tôi nghi các bạn ít nghe. 
Khoai cù lần gân, vỏ màu trắng đục, củ bằng cườm tay cho tới cườm chân, phía ngoài có những lằn gân nổi sọc lên theo chiều dài của củ khoai, ruột trắng có nhiều bột, vị ngọt, thứ nầy nấu hay nướng chín rồi ăn với mắm sống kèm theo dừa cứng cạy nạo thì quên đường về...
Khoai Dương Ngọc củ hơi tròn, vỏ màu đỏ nâu, ruột trắng đỏ pha một ít màu tím, ít bột, vị rất ngọt nên nướng ăn thì hết xẩy... 

Trước khi đào lấy củ, nông dân cắt sạch dây lá chỉ còn trơ lại cái giồng khoai, dây khoai lang
một ít thì đem trồng lại để làm giống cho mùa sau, còn bao nhiêu cho bò, heo ăn từ từ, nếu không có gia súc thì phải bóp bụng bỏ đi.
Giồng khoai được người ta dùng bò hay trâu cày sâu cho bể ra phân nửa, nếu không có trâu thì dùng cuốc, cuốc thật sâu rất là nặng, cuốc cạn quá dể chạm đứt những củ khoai...
Khi giồng khoai đã cày lật đất lên phân nữa rồi người ta bắt đầu đi thu hoạch. Nông dân nhìn dây khoai để đoán xem củ lớn, củ nhỏ nằm về phía nào, sau đó lật đất bẻ ra mà lấy. Một dây khoai thông thường có 1 tới 2 củ khoai lớn đó là rể cái, còn lại 2 hay 3 củ nhỏ hơn. Có khi đất xốp thì có nhiều củ và củ cũng lớn hơn...
Ruộng khoai thu hoạch xong thì người ta chờ mưa xuống đem mạ mà cấy lúa, rất tốt vì đất xốp nên luôn luôn trúng mùa...
Mót khoai không giống như bắt hôi cá ở đìa hay là mót lúa.

Tôi nhớ lúc ba má gởi chúng tôi lên bờ, ở nhờ nhà ông bà Tám để đi học. Một hôm trống trường vừa đánh thùng thùng tan học, cả lớp gom vội tập vở ra cửa lớp xếp hàng đi về. Ngoài trời mây đen bao phủ dầy đặc, sắp sửa mưa tới nơi. Vừa ra khỏi cổng trường là đàn gà con chạy ùn ùn như bị diều hâu rượt bắt.
 Ba thằng nhóc ở bên đường lộ đất tụi tui khoái tắm mưa nên cố tình đi chậm chậm chờ cho nưa xuống ướt mình chơi... Nhưng cho dù có tà tà mãi mà trời cũng không chịu đổ mưa, vậy mà chưa vô nhà cất tập xong thì Ổng lại ào ào dội nước xuống, thiệt đúng là Trời mà, muốn mưa thì mưa, muốn nắng thì nắng không ai cản được. 
Tôi cởi áo ra định vọt lẹ ra ngoài tắm thì bị bà tôi nắm vai kéo lại:
- Trời mưa gió tắm ngoài trời dễ bị bịnh lắm. Muốn tắm nước mưa thì con lại cái lu xối nước tắm đi...
Thật ra nước mưa hơi lạnh hơn nước sông một chút thôi chứ có gì đặc biệt đâu mà ham tắm. Sở dỉ tụi nhóc chúng tôi khoái tắm mưa chỉ là để giỡn với nhau cho đã đời Vân Tiên mà thôi. Mưa thường hay có gió kèm theo, cây cối dễ bị rụng trái, tụi tui đi lượm đem về ăn, không có trái cây thì lượm đất chọi lộn, hay là vật lộn. Trời mưa mình mẩy trơn lùi vật lộn đã lắm...
Bị bà tôi cản lại, tôi chán nản mặc áo trở vô, ngồi chống càm buồn thảm nhìn trời mưa lớn mà ngứa ngáy tay chưn khó chịu trong người. 
Tư Phụng nhà kế bên đang cầm cái thúng vê đội mưa chạy qua rủ:
- Đi mót khoai hông? Hôm qua nhà ông Sáu Hất mới giở 4 công khoai lang sau vườn.
Có cơ hội ra ngoài lúc trời mưa tui mừng quýnh đít, cởi áo cái rột, chộp liền cái thúng rồi chạy lẹ theo nó, không chờ cho bà tôi nói vô nói ra gì nữa hết. Vừa ra khỏi mé vườn thì gặp ngay chị em con Hà. Chị Giang hối em mình:
- Đi lẹ lẹ lên, mầy đi chậm quá tụi nó lượm hết khoai thì chỉ còn đất cục thôi, lấy gì ăn?
Tư Phụng cười ghẹo nó:
- Có tới 4 công khoai lận, bây nhắm lượm hết hông mà làm bộ tài lanh? Hối nó đi hỏng kịp, trợt té bỏ mạng bi giờ.
Ra tới ruộng khoai thì đã có cả đám con nít gần chục mạng, trai có gái có. Trời càng lúc càng mưa lớn, đồng trống gió thổi mạnh thiếu điều muốn bay luôn tụi tui...
Nước mưa làm rả đất, những củ khoai còn sót lại bắt đầu lộ diện, nhú ra, đám con nít bung ra đều đám ruộng, không ai nói với ai lời nào chỉ chăm chăm nhìn xuống đất tìm khoai còn bỏ sót lại mà thôi.
Mót khoai không có chuyện giỏi hay dở, mà chỉ có hên xui thôi. Hên thì gặp chỗ người ta bỏ sót nhiều mà lại củ lớn, xui thì hỏng được củ lớn nào hết mà lượm toàn khoai con không thôi. Nhưng khoai nào cũng ăn được hết.
Tôi thường nghe các bạn ở thành phố nói về ăn độn bo bo sau ngày mất nước, nhưng ở miền quê chỉ có nhà thật nghèo mới ăn cơm độn với khoai lang hay khoai mì.
Khoai lang được gọt sạch vỏ, cắt khoanh lớn hơn ngón chân cái, khi cơm sôi thì người ta bỏ vô nấu chung, Khi bới cơm mỗi chén cơm đều có thêm 2 cục khoai chín bóc khói. Ăn cơm trộn với khoai lang lúc đầu ngon lắm, nhưng ăn hoài, lâu ngày thì cũng ngán tới bản họng chứ không phải chơi. 
Tôi lúc nhỏ cũng thường ăn cơm độn với khoai lang nhưng thiệt tình mà nói chưa từng ăn qua cơm độn với bo bo như những người sống ở thành phố đã diễn tả lại sau ngày mất nước, họ đã từng trải qua...
 Khoai lang thời xưa không có giá trị kinh tế cao, con nít đi mót khoai để đem về ăn chơi cho vui, thật ra chủ yếu là tụ tập lại lúc trời mưa để giỡn.

 Gần tiếng đồng hồ dầm mưa, lội nát nhừ đám ruộng khoai của ông Sáu, đám con nít tụ lại khoe thành quả nhặt được; đứa nào xui lắm thì mót cũng được khoảng 2 kg khoai, có đứa hên hên thì lượm được 3, 4 kg. 
Tụi nó lựa ra mỗi người vài củ khoai lớn nhất để mà gày độ chơi kéo dây, hoặc là vật lộn ăn khoai lang v. v.
Tôi thì sợ đi lâu quá lúc về sẽ bị bà Tám tôi thưởng cho mấy cây roi mây nên chuồn lẹ về nhà mà không dám ở lại tham gia náo nhiệt...

Mót lúa. 
Không phải bất cứ ai sống ở nông thôn cũng đều có đất ruộng để canh tác lúa. Theo tôi thì ngày

xưa phải có ít nhất 1/4 nông dân không có một thỏi đất để "cắm dùi" chứ đừng nói chi đến trồng lúa. Bây giờ còn thê thảm hơn, tôi nhìn thấy ở quê cũ của tôi ít ra bây giờ cũng phải 3/4 gia đình người dân không có được một cục đất để mà chọi chim, vì vậy đám thanh niên trong làng tôi bỏ đi lên những tỉnh khác như Bình Dương, Cần Thơ... tìm vào những cơ xưởng mà làm mướn...
Ngày xưa làm ruộng đa số là dùng tay, chỉ có cày đất mới xài máy cày thôi, bây giờ thì kỹ nghệ hóa cái gì cũng bằng máy móc hết, lại nữa ruộng làm 3 vụ một năm, không có thời gian phơi đất cho nên hỏng biết có còn ai mót lúa nữa hay không, hay chỉ còn đầy rãy những người mót đồ ăn thừa mà thôi...

Mót lúa là việc làm của đám con nít chưa đủ sức đi làm mướn kiếm tiền. Đôi khi người lớn sau khi hết mùa làm mướn cũng tham gia vô đội quân đông đảo nầy...
Một thửa ruộng sau khi gặt lúa xong rồi, người ta để ít hôm phơi cho lúa khô, sau đó mới gom lại chất thành đống mỗi đống chừng 100 bó lúa để dễ tính tiền trả cho chủ trâu khi kéo lúa về nhà. Miếng ruộng nào lúa đã kéo đi thì con nít mới được phép vào mót những bông lúa khi gặt còn sót lại hoặc rớt xuống đất.
Một cái luật bất thành văn cho những đứa nhỏ đi mót lúa đó là, lúa bó còn trên ruộng thì không được vào đó để nhặt lúa rơi. Bởi vì tụi nhỏ tránh tiếng ăn cắp lúa, mặc dù chúng không lấy lúa bó...
Một ngày nếu siêng năng có thể mót được 1/2 giạ lúa, còn làm tài tử chơi cũng kiếm được cả chục lít lúa... Nhưng có điều lúa mót không xay gạo để ăn được vì nó có nhiều giống lúa khác nhau, hột lúa sẽ có nhiều cở khác nhau, lớp hột tròn, lớp hột dài, hột to, hột nhỏ khi xay gạo hột lớn tróc vỏ còn hột nhỏ thì không, lúa xay ra gạo bị lộn thóc nhiều, cơm ăn không nổi, vì thế cho nên lúa mót được chỉ để cho gà vịt ăn mà thôi...
Mùa mót lúa được kéo dài cho tới khi đốt đồng, góc rạ cháy hết thì chuyển qua giũ rơm. Giũ rơm cần có nhiều sức lực hơn nên con nít ít có tham gia nổi. Muốn đi giũ rơm cần phải có một tấm đệm lớn, 2 cái thúng và một cái cây bằng cổ tay dài chừng 2 mét để đâp rơm rồi vít bỏ ra ngoài.
Lúa bó sau khi đập xong thì người ta quăng ra, phụ nữ sẽ tháo dây buộc rồi giũ những hột lúa
nằm kẹt chính giữa bó lúa ra, nhưng mà hột lúa mình nhám không trơn trui như hột gạo cho nên bị dính vào rơm rất nhiều, không tài nào giũ sạch hết được. Vì vậy khi người chủ ruộng đập lúa xong rồi đem hết lúa hột đi, còn lại đống rơm tổ chảng thì lúc đó những người mót lúa tới, họ trải manh đệm ra, ôm rơm chất đầy lên tấm đệm rồi nhảy lên nó cho xẹp xuống, động tác đó còn giúp cho hột lúa sót rơi ra và lọt xuống tấm đệm, sau đó họ dùng cây đập lên rơm xem coi có hột nào chưa rụng rồi từ từ vít rơm ra bỏ.
 Thường thường một đệm rơm cũng kiếm được một lon sữa bò lúa hột, một ngày người giỏi làm lẹ làng có khi mót được từ một táo tới một giạ lúa...

Mót thứ gì cũng vậy, cũng cần phải bỏ ra công sức nhiều hay ít tùy theo giá trị của thứ mà mình mót. Nó cũng là một nghề đàng hoàng không có gì đáng chê trách hay xấu hổ cả, chỉ có cướp giật, tham nhũng, ăn cắp dưới bất cứ hình thức nào dù cho là thô bạo hay tinh vi thì cũng đáng xấu hổ với chính lương tâm của mình.
Nhưng mà xét cho cùng, những kẻ đó đâu có lương tâm, thì chuyện xấu hổ làm gì có... thiệt là tình mà...

Lanh Nguyễn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét