Thứ Năm, 16 tháng 11, 2017

Môi Đời Gió Muộn (Tiếp theo bài Mùi Hương Phấn Người)

Tùy bút của Thầy Nguyễn Ngọc Hoàng

Thầy Nguyễn Ngọc Hoàng
Căn bản tôi chịu trách nhiệm nghiên cứu một phần nhỏ trong tổng công trình xây dựng Hệ Thống Thành Phố Thông Minh (Smart City Networks). Sau cụm từ điện thoại thông minh (smart phone), tiếp theo là mọi thứ “thông minh” khác, truyền hình thông minh (smart TV), xe hơi thông minh (smart car), căn nhà thông minh (smart house)..v..v..  Những thứ thông minh rời rạc đó đang được hệ thống hóa để trở thành những khối “thông minh” lớn hơn. Trong đó là tổng công trình phát triển thành phố thông minh trong vài năm sắp tới.

Nhóm tôi sẽ phát triển phần mềm (software development) cho hệ thống điều khiển đèn (network lighting controls). Tất cả bao gồm hệ thống đèn đường toàn thành phố, các nơi công cộng như công viên, trung tâm mua sắm thương mại, các hầm tàu điện ngầm và phi trường. Thêm vào đó là hệ thống “đèn thông minh” sẽ dùng để phát tín hiệu khẩn cấp như báo bão, động đất và cả những bạo loạn, chiến tranh.  Phần nhỏ của chúng tôi sẻ kết hợp với hệ thống năng lượng khác như điện, gas và nhất là nước. Sự mã hóa (encryption) để bảo mật được đặt lên hàng đầu. Chúng tôi có thời hạn mười tháng để phát triển phần chức năng cơ bản, sáu tháng để kết nối (integration) với tổng công trình.
Cuộc thử nghiệm đầu tiên (first trial) sẽ dự định vào cuối năm 2018 tại một số thành phố lớn ở Mỹ, Anh, Đức, khối vương quốc Ả Rập và Á Châu như Singapore, Thượng Hải (Trung Quốc), Đài Loan... Đó cũng là thời gian tôi định xin về hưu theo “lệnh” của bà xã. Nghe tin là nhóm và giám đốc của tôi phản đối kịch liệt. Vì thông thường, sau lần thử nghiệm thưc tế đầu tiên là hàng lọat những điều chỉnh, sửa sai, bổ túc phát triển hoàn thiện cũng sáu tháng đến một năm. Tất cả đề nghị, yêu cầu tôi ở lại thêm với công ty đến giữa năm 2020. Bà xã lắc đầu nói:

-Đợi hãng cho ông về hưu là khỏi đi đâu được luôn. Em biết tánh ông, tới đó sẽ có chuyện khác nữa, dây dưa đến biết chừng nào?

Dự định sau khi hưu, tôi và bà xã sẽ về Việt Nam ở từ tháng mười đến tháng tư; phần còn lại trong năm sẽ về lại Mỹ. K. Hoa muốn về trước, lo phần nhà cửa chỗ ở, đâu đó xong tôi sẽ về sau. Bà xã nhiều lần than phiền về cái bốc đồng trong ăn uống của tôi. Lắm lúc tôi chỉ thèm món rau lang chấm với cá nục kho mặn ăn với cơm. “Cá nục thì còn kiếm được, chứ rau lang thì em kiếm đâu cho ra!”. Vậy mà, bà ấy lục lọi thế nào mà sau vài tiếng lái xe, mua được bó rau lang. Đây là món ăn cơm tập thể thường nhật những ngày tôi dạy ở trường cấp 3 Rạch Sỏi. Hồi đó thì nuốt không trôi, nhưng bây giờ, tôi ăn ngon đến ứa nước mắt. 

Thời gian trôi nhanh, xuôi một dòng không trở lại. Qua bao nhiêu thăng trầm, những ngày tháng tôi dạy ở Rạch Sỏi, tuy không dài, nhưng là những ngày tháng đẹp nhất một đời người. Tôi có tuổi trẻ và niềm đam mê. Tôi yêu thương con người trên mọi nỗi đau và khó khăn chồng chất. Tôi yêu từng dãy bàn ghế, từng ánh mắt hồn nhiên, trong sáng của học trò mình. Tôi dạy với tất cả tấm lòng, trái tim như ngày mai sẽ không còn dịp nữa. Ngày đó không hiểu sao tôi đã có linh cảm nầy. Tôi đã dạy, đi rất xa ngoài trang sách. Tôi không quan tâm đến những bài học khô khan, giáo điều. Dạy như nói với các em, những điều tôi muốn nói với chính mình. Tôi ước muốn, mỗi một giờ dạy, một năm học với tôi là những âm vang, những hình ảnh các em mang theo suốt một quãng đời còn lại. Ít nhất là đối với riêng tôi.  
Mãi suy nghĩ miên man, có điện thoại run liên hồi trong túi. Bà xã gọi, hỏi chuẩn bị về chưa và báo có thư của Duy gửi qua đường bưu điện. Tôi nói sẽ về ngay. Chuyện gì mà Duy không gửi điện thư, phải qua bưu điện vừa mất thời gian vừa phí tiền. 

Đó là phong bì nâu lớn với tên và địa chỉ của Duy góc trái. Bên trong là một bức ảnh màu của người đàn bà đứng dựa tường, đầu giường người đàn ông nằm bệnh. Bức ảnh Duy chụp T. Hương bên giường bệnh của Giao. Mái tóc cắt ngắn, dáng gầy thẳng, không giống như Hòa mô tả, khuôn mặt, đôi mắt, môi cười vẫn là một T. Hương đẹp “lão” của thuở nào. Có lẽ, hôm Duy chụp bức ảnh nầy, T. Hương đã lấy lại thần sắc sau nhửng ngày khủng hoảng trong bệnh viện.

<< T. gửi anh Hoàng và K. Hoa,
Thay mặt anh Giao cùng gia đình, T. Hương xin gửi đến anh và K. Hoa lời cảm ơn chân thành nhất. Nhờ sự giúp đỡ, ca phẩu thuật ghép thận của anh Giao kết quả tốt đẹp. Người hiến thận là cháu ruột của anh ấy. Tuy còn yếu do phản ứng của cơ thể, anh Giao đang hồi sức khả quan.
Kèm theo là lá thư của em viết cho anh và K. Hoa rất nhiều năm về trước, 1981. Năm đó nhân Liên đi buôn đường Hà Tiên, em nhờ chuyển đến cho anh và K. Hoa. Tiếc thay, khi Liên ghé trường thì anh và gia đình nhỏ đã ra đi. Em giữ lá thư nầy đã hơn ba mươi năm, trong đáy rương và tận đáy lòng. Nhưng nó thuộc về anh và K. Hoa.  Nay em mong lá thư nầy trở về chính chủ của nó. Mặc dù đến muộn, sau hơn ba mươi năm muộn màn. Mong anh và K. Hoa không phụ lòng em.
Chúc anh và K. Hoa cùng gia đình an vui, hạnh phúc.
Em,
T. Hương >>

Nét chữ vội, ngập ngừng trên tờ giấy trắng in khổ lớn. Gói giữa là một bì thư dán kín. Loại phong bì màu xám nhạt, có những khoen trắng đỏ viền quanh. K. Hoa cẩn thận cắt theo một phía hông. Bên trong là lá thư được viết trên loại giấy học trò kẻ hàng, những năm tháng thời kỳ bao cấp, vàng vọt nhưng phẳng phiu như được nâng nui, cất kỷ. Mùi giấy cũ xen lẫn mùi hương xạ rất riêng biệt. Khác với lá thư ngắn mới viết, nét chữ đẹp, cứng cáp của T. Hương một thuở. Tôi đưa cho bà xã nhờ đọc. Đồng cảm, K. Hoa bắt đầu đọc lá thư chậm rãi:

<< Củ Chi ngày 21 tháng 5 năm 1981
Anh yêu dấu,

Xin cho em được gọi anh như thuở nào,  một lần như thể... Có lẽ khi anh đọc những dòng chữ nầy, mọi số phận nhỏ nhoi của chúng ta đã an bài. “Sống để bụng, chết mang theo”, nhưng em không có được sự cao thượng đó. Một lần và mãi mãi, em viết cho anh, cho chính mình. Em có thể chịu đựng được mọi oán hận, nếu có. Nhưng em không thể chịu đựng nổi, một ngày anh sẽ quên em. Vĩnh viễn quên em trong niềm oán trách. Em cũng gửi đến K. Hoa muôn lời tạ lỗi, nếu lá thư nầy có làm cho cô bé buồn, giận em. Nhưng giác quan con gái cho em biết K. Hoa không phải là người như vậy!

Tuần rồi em có về thăm nhà và gặp Liên. Hiện nay Liên được phân công về dạy tại Bình Dương. Liên nói đã gặp anh và Hoa vài ngày trước. Tiếc cho em đã không gặp được hai người. Liên thấy anh đã thật sự tìm lại niềm vui. Còn K. Hoa, cô bé xinh và rất giống em (Hoa  thưa cô – khi gặp Liên mà!). Dáng dấp và nhất là môi mắt của nhau. Em đã hiểu. Đã hiểu để tối hôm đó, em đã khóc. Khóc đến không còn đủ nước mắt để nhớ thương, để cho phần ngày tháng còn lại.

Nhớ buổi chiều, anh ghé nhà, gặp anh Giao tại nhà em. Tuy tránh né, không dám nhìn vào mắt anh. Lúc tiễn anh về, em đã muốn chạy theo để hai đứa dạo rong những con đường thành phố quen thuộc. Nhưng em yếu hèn, đứng yên và mong anh sẽ quay lại vào những ngày mai, sắp tới. Nếu anh quay lại, có lẽ mọi số phận chúng ta đã khác. Nhưng anh đã không quay lại. Đã không quay lại, như thật là anh. Em sẽ ngả vào lòng anh không đắn đo, do dự. Nhưng anh ơi, nếu anh quay đầu lại, đó không phải người đàn ông của em một đời yêu dấu. Em thật mâu thuẩn, phải không anh? Một đời dằn dặt sống trong mâu thuẩn với nụ cười rạng rỡ bên ngoài. 
Anh Giao là người quen của gia đình mẹ, mai mối giới thiệu. Trước đó anh ấy tham gia nhiều phong trào đấu tranh của thanh niên, sinh viên ở Huế. Gặp em một lần là anh ấy “ngả quỵ” và yêu em say đắm (chữ của anh Giao). Mẹ em và cả gia đình đứng phía sau anh ấy. mẹ đã nhiều lần khuyên em nên nhìn vào sự thật, vào thực tế. Hôn nhân không phải chỉ có tình yêu, mà nó còn có đời sống thật của nó. Lấy anh, là em phải chịu đựng mọi bề, không người chăm sóc. Lấy anh, mẹ nói, cũng như mẹ một đời chạy vạy trăm đường vừa nuôi con, vừa chăm nuôi cả chồng!

Đã nhiều lần em tỏ thái độ với Giao. Nhưng chừng anh ấy không hề để tâm tới. Anh ấy săn đón, chăm sóc em từng ly từng tí. Khác với bề “đấu tranh sôi nổi”, anh Giao rất yếu đuối. Em có cảm giác, nếu mất em, anh ấy có thể hủy hoại bản thân tới chết. Ngoài ra thì anh Giao lại có rất nhiều điểm giống em, tháo vác, thực tế, thích sinh họat với đám đông và tham vọng. Hoàn toàn khác hẳn với anh, e dè, lãng đãng, thiếu thực tế (sống chỉ là một cuộc rong chơi – như anh nói) và không thích đám đông, nhộn nhịp. Mắt đã nhìn thẳng, anh đã không quay đầu trở lại. Cùng với sự thúc đẩy của gia đình, sự vây chặc của Giao, em không còn lựa chọn nào khác trước tình cảnh xã hội bấy giờ.

 Sau khi lấy nhau gần năm năm, em mới nhận thức ra lòng thương cảm không phải là tinh yêu chân chính. Nhiều lúc trên lớp học, em đứng giảng bài mà như nói cho chính mình. T. Hương ơi là T. Hương, nguyên tắc từ trường căn bản: hai mặt cùng cực thì đẩy nhau; hai mặt trái cực thì hút nhau không rời! Một mặt thì anh Giao luôn đưa em ra giao tiếp, ngoại giao; một mặt thì anh ấy luôn lo sợ, ghen tuông. Anh ấy không biết rằng, những người vây quanh, theo đuổi em (kể cả Giao) đều chỉ dừng lại ở nụ cười, khuôn mặt xinh đẹp của em. Nhưng chưa ai, chưa có gã đàn ông nào nhìn thấy đươc “là chính em” phía sau chiếc mặt nạ xinh đẹp và dáng hình bên ngoài. Một lần anh Giao hôn môi em. Vội vã, tham lam. Em biết đó sẽ là lần cuối cùng cho anh ấy. Nhiều lúc nhìn anh Giao ngũ, lẫm bẫm trong giấc mơ. Rồi chợt mình tỉnh giấc, ôm chặt lấy em như sợ biến mất. Những lúc đó, em thấy thương anh ấy vô cùng. Em đã dâng hiến anh ấy cuộc đời, thân xác và duyên phận của mình. Nhưng buồn tủi biết chừng nào, em không thể hiến dâng cho anh ấy ánh mắt, bờ môi và một góc trong trái tim của một đời con gái. Những phần thiêng liêng đó đã thuộc về “người khác”. Người em sẽ mãi “chôn kín”, thương nhớ đời nầy.

Em biết tất cả những gì em viết ra đây, không có ý nghĩa nữa với anh. Nhưng em chỉ muốn một lần, một lần trút mọi hệ lụy với chính em, với anh. Em ước mong như vậy. Để trong những ngày dài sắp tới, ở một góc nhỏ cuộc đời, anh sẽ còn nhớ đến em. Như một người con gái anh yêu, không phải là người con gái anh oán trách, phụ lòng. 
  
Chắc là anh lại chặc lưỡi như mọi khi, con nhỏ nầy viết thư gì mà lăng nhăng, chẳng đầu chẳng đuôi gì cả, phải không anh? Hóa sinh mà, có phải khoa văn chương đâu! Thôi thì kiếp nầy mình chẳng nợ gì nhau. Nhưng K. Hoa ơi, nếu thật có kiếp sau, thì em hãy để chị được trả “nợ” kiếp nầy cho anh ấy!
Viết đến đây thì mắt em đã khô và nhớ anh vô cùng. Nhớ đến những câu nói ví von không giống ai của anh. Trước mặt em, người đàn ông nào cũng lúng túng, trầm trồ khen em xinh đẹp. Còn anh, chưa hề khen em xinh đẹp bao giờ. Nhớ mỗi lần hôn em, anh chỉ nói, “môi em ngon như một ly chè thạch”. Chỉ có vậy. Tự dưng em muốn hát nho nhỏ cho anh và mãi mãi riêng anh:

... Hãy nhìn một lần sau chót
Chén ly bôi, uống đi em
Sao em mắt lệ nhạt nhòa
Cuộc tình nào rồi cũng phôi pha
Một đường tàu biết mấy sân ga
Xin anh xem em như một ga nhỏ dọc đường (*)

Em không thể thở, không thể viết được nữa. Lần cuối, xin anh thứ lỗi, đừng oán trách em phụ bạc... 
Cảm ơn anh và K. Hoa đã đọc những dòng tâm sự. Đừng oán hận, đừng gặp lại em như người xa lạ. Mong lắm thay. 
Cầu chúc anh và K. Hoa “đường dài hạnh phúc”, một đời không nguôi,

Em,
T. Hương  >>

Tiếng bà xã nghèn nghẹn, xếp lại lá thư:
-Ông đã oán trách lầm chị T. Hương suốt mấy chục năm nay. Chị ấy phụ ông, nhưng vẫn yêu ông kia mà... Nếu mình không đi được, nhận thư nầy, em không biết chuyện gì sẽ xảy ra, những ngày tháng đó.
-Chẳng có chuyện gì xảy ra cả, dù bất cứ ở đâu, năm tháng nào. Anh chưa hề trách một ai, chưa hề oán hận bất cứ điều gì, kể cả số phận! Tôi ngắt lời.

Bà xã im lặng một chút, rồi nói:
-Hay là năm sau mình về Việt Nam đi ông. Vừa thăm nhà, vừa thăm gia đình chị T. Hương luôn. Để đôi khi mình lại hối hận... Những thử nghiệm thực tế của hãng ông, có nhóm khác lo mà!   
-Cũng được. Cứ dự tính chương trình như vậy.
-Mong gặp lại chị T. Hương em sẽ “méc”, cho đến bây giờ từng tuổi nầy, anh Hoàng của chị chưa hề biết đi mua tới cái áo sơ-mi! 

Rồi tôi thiếp đi lúc nào không hay. Tỉnh giấc, tôi nhìn con số màu đỏ của chiếc đồng để bàn: 8:05 PM. Tôi đã chợp mắt được hai mươi phút. Có tiếng chén dĩa lua khua dưới bếp. Bà xã đang chuẩn bị buổi cơm tối. Đã vào thu, nhưng đêm nay chừng như vắng gió. Vắng những ngọn gió mùa, mang hơi lạnh từ đông bắc thổi về.  Những ngọn gió mùa đến muộn, chợt như tiếng ai xa vắng một lần:

Môi nào hãy còn thơm, cho ta phơi cuộc tình
Tóc nào hãy còn bay, cho ta chút hồn nhiên
Tim nào có bình yên, ta rêu rao đời mình
Xin người hãy gọi tên
...
Có đường phố nào vui, cho ta qua một ngày
Có sợi tóc nào bay, trong trí nhớ nhỏ nhoi
Không còn, không còn ai, ta trôi trong cuộc đời
Không chờ, không chờ ai..  (Ru Ta Ngậm Ngùi – Trịnh Công Sơn).

Bên ngoài tĩnh lặng, không tiếng xào xạc của những chiếc lá khô rơi rụng vào mùa. Chừng như chỉ có tiếng lặng im của lòng người, đang rơi xuống lòng đời khép kín...  

Nguyễn Ngọc Hoàng

(*) Lời Đắng Cho Cuộc Tình – Nhật Ngân




1 nhận xét:

  1. Em chào thầy buổi sáng . Sau vai phút lắng lòng em mới viết được mấy dòng này . Tuỳ bút của thầy đã làm em ứa nước mắt vì quá xúc động ... Lá thơ và những tình cảm thật dạt dào sâu lắng ... với những
    Trăn trở... tình yêu và cuộc sống . Thầy viết thật là hay và quá nhiều cảm xúc . Em cảm ơn thầy đã cho em quay trở lại mấy chục năm trước với nhiều kỷ niệm của tuổi học trò và những bộn bề của cuộc sống . Em xin chúc Thầy nhiều sức khỏe , luôn bình yên và ngày chủ nhật ấm áp , vui vẻ bên gia đình ,
    NL

    Trả lờiXóa