Thứ Tư, 8 tháng 11, 2017

Mùi Hương Phấn Người

Tùy bút của Thầy Nguyễn Ngọc Hoàng


Thầy Nguyễn Ngọc Hoàng
Buổi họp căng thẳng và kéo dài hơn dự định. Tôi bồn chồn bước vội vã ra khỏi phòng họp. Mới sáu giờ chiều, bãi đậu xe đã lên đèn. Tháng mười chưa cười đã tối! Suốt cuộc họp, ngoài phần báo cáo ngắn ngọn về tiến trình kỹ thuật thiết kế phần mềm, tôi không còn nghe thấy gì suốt một tiếng rưởi đồng hồ. Tôi như kẻ “mất hồn” sau khi nhận được điện thư của Duy, một người bạn cũ ở Sài-gòn chiều nay. Qua thư, Duy báo tôi hay tin tức của một người... Một người “của tôi” đã nhiều năm về trước. Hơn bốn mươi năm về trước. Tưởng đã quên, đã “mộ phần” dĩ vãng. Vậy mà chiều nay, vài hàng điện thư của Duy, tôi như chìm thật sâu trong dòng siết chảy của quá khứ. Một khuôn mặt, đôi mắt, bờ môi và dáng hình một thuở. 
Suốt một đời, biết bao khuôn mặt mà ta đã gặp. Biết bao ánh mắt đã làm ta bối rối, nhớ nhung. Biết bao bức thư mà ta đã thao thức, nắn nót gửi trao. Biết bao cuộc hẹn hò mà ta háo hức, đợi chờ. Biết bao bàn tay ấm áp, nhẹ run mà ta đã nâng niu. Đã bao lần có nụ hôn vội vã, ngất ngây. Bao nhiêu lần ta phải lòng nhau và đã bao nhiêu lần bạn cố tình lánh mặt? Bao nhiêu lần bạn đã yêu và bao nhiêu người đã yêu bạn? Không ai, và kể cả tôi đứng ngoài bao nhiêu vòng hệ lụy đó. Tôi đã yêu người và có người đã yêu tôi. Người tôi yêu đã phụ tôi và tôi cũng phụ người yêu dấu. Thời gian “tẩy xóa” dần dấu vết tuổi trẻ. Số phận, cơm áo đời người xây biết bao “mộ phần” của dĩ vãng trong ta. Năm tháng cứ ngỡ đã khuất lấp, vùi quên. Vậy mà trong chuỗi dài của đời sống, chợt một lần ai đó nhắc một cái tên. Một cái tên, kéo mọi ngõ ngách trong ký ức, tôi như trợt chân, ngả quỵ vào một thời của lãng quên. T. Hương, là tên của người năm ấy. Người tôi đã yêu. Người đã phụ tôi, hằn sâu một vết thương thời tuổi trẻ.

T. Hương mang một nửa dòng máu của xứ thần kinh. Phân nửa dòng máu của mẹ, của một Công Tằng Tôn Nữ... Cha của T. Hương là công chức người Long Xuyên. Dáng dong dỏng cao, T. Hương mang tính tình cởi mở của vùng sông nước Cửu Long và cả tính dè dặt, “kiểu cách”  cuả người con gái phố Huế. Trong một buổi cắm trại ở Thủ Đức, tôi được nghe bạn bè cùng khoa trầm trồ về “người đẹp” của khoa hóa sinh, có tên T. Hương. Nghe qua, tôi cũng không mấy quan tâm. Có thể, mang chút tò mò về một người “đẹp”. Cuộc cắm trại nhiều khoa, trên dưới trăm người nên cũng không phải dễ gặp gỡ. Hơn nữa, tôi đã được người “yêu” rồi, là em gái của một người bạn thời trung học. Buổi tối lửa trại có phần văn nghệ “bỏ túi” ngoài trời. Tôi chợt nghe giới thiệu tên T. Hương trình bày nhạc phẩm mới “Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng”, thơ Phạm Thiên Thư – nhạc Phạm Duy:

… Nhớ xưa em rủ tóc thề
Nhìn trăng sao nỡ để lời thề bay
Đợi nhau tàn cuộc hoa nầy
Buồn như cánh bướm đồi Tây hững hơ

Thôi thì thôi để mặc may trôi
Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Thôi thì thôi chỉ là phù vân
Thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi…

Tiếng hát T. Hương trầm đục, âm vực tỏa rộng, ngập ngừng chừng như hụt hẫng mà cuốn hút vô cùng. Trong ánh lửa chập chùng, T. Hương thật đẹp. Tiếng vỗ tay vang dội trong nụ cười hồn nhiên, nở rộ của đóa hoa T. Hương. Đám thanh niên vây quanh nàng suốt đêm hôm đó. Trong cái mùng dã chiến, tiếng muỗi vi vu, tôi thao thức trong tiếng lãng vãng bên tai. Anh hùng cũng khó qua nổi ải mỹ nhân, huống hồ chi kẻ “hạ nhân” như tôi!
Buổi họp ban báo chí gần kết thúc, tôi cảm giác có ai đó đang “theo dõi” mình. Quay lại, tôi chạm phải ánh mắt của “ngưới đẹp” đang đứng phía sau. Lúng túng chưa kịp phản ứng, Duy lên tiếng giới thiệu T. Hương với tôi. Đọc bài tùy bút của tôi trong tạp san trường, T. Hương muốn làm quen với tác giả. Không còn nhớ tôi đã lí nhí những câu gì, nhưng chúng tôi quen nhau từ đó. Mãi sau, khi biết chuyện tình của T. Hương và tôi, Duy và đám bạn thầm thì “lù khù” nó vác cả người đẹp của khoa mà chạy! Nhà T. Hương ở đường Yên Đổ, nay là Lý Chính Thắng. Ngày hai buổi, tôi đưa đón nàng dù không trùng giờ học. Tôi năm cuối, nàng lên năm thứ hai. T. Hương đã cho tôi biết thế nào là rung động đầu đời, thế nào là mùi hương con gái. Tay trong tay, môi trong môi, suốt hơn một năm, tưởng như mọi chuyện đã xong, đã định. Biến cố ngày 30 tháng Tư, chúng tôi như bao số phận nhỏ nhoi khác, cuốn hút vào cuộc đổi đời lịch sử. Niềm vui và nỗi đau; nụ cười và nước mắt; đoàn viên và chia lìa. Cả đất nước xoay vần theo con tạo. T. Hương và tôi không còn gặp nhau thường nữa. Công tác thay cho giờ học giảng đường. Sinh họat đoàn thể nhiều hơn lớp học chuyên môn…. Bẵng một thời gian, Duy và bạn bè cho tôi biết đã gặp T. Hương nhiều lần với một người khác. Ban đầu tôi cũng không bận tâm nhiều. T. Hương giao thiệp rộng, lại là người “đẹp” nên chuyện nầy bình thường. Tôi hiểu T. Hương, tôi nghĩ vậy. Nhưng mọi chuyện ngày càng đáng lo ngại. T. Hương chừng như cố tình tránh né những dịp hai đứa có thể gặp nhau. Một lần đến nhà, tôi gặp cả người đàn ông đó và T. Hương đang trò chuyện. Nàng giới thiệu người đàn ông là bạn mới quen và cùng quê với mẹ. Giao, Huỳnh Nam Giao khoảng trên ba mươi, có giọng nói Huế rất đậm và ấm.  Giao đang công tác ở phòng giáo dục huyện Tân Bình, ngoại thành Sài-gòn. T. Hương không nói gì thêm và né tránh nhìn, chạm ánh mắt với tôi suốt hôm đó. Nàng cũng không cầm chân khi tôi cáo biệt, ra về. Buổi chiều trời đầy nắng, nhưng lòng tôi trĩu nặng những giọt mưa lòng. Trong đôi mắt thiết tha đó, nàng vội quay lưng. Bờ môi quấn quit, ngất ngây đến ngột thở, người đã phụ tôi không đành. Mùi hương một thời con gái, T. Hương đã rũ lại phía sau. Tôi vẫn không hiểu, một đời không hiểu.
Vài tuần trước ngày tôi ra trường, T. Hương và Giao tổ chức đám cưới. Chỉ trong gia đình, không mời bạn bè, chỉ có Liên, người bạn gái duy nhất của T. Hương. Cũng dễ hiểu trong thời kỳ ”thắt lưng buột bụng, ngăn sông cấm chợ”. Cả triệu dân chúng Sài-gòn phải ăn độn bo-bo. T. Hương có hẹn gặp vài lần, trước ngày cưới, tôi làm lơ. Cuối cùng, nàng nhờ Duy chuyển cho tôi một lá thư ngắn, thật ngắn: “Hãy quên em đi. Một đời tạ lỗi – T. Hương”.  
Tất cả cũng đến và qua đi. Đã nhiều buổi chiều, nhiều ngày tháng trôi xuôi, tôi ngồi một mình ở cuối dãy hành lang trường Rạch Sỏi, văng vẳng trong ngọn gió mùa biển mặn:

… Nầy em hởi, 
Con đường em đi đó
Con đường em theo đó      
Sẽ đưa em sang đâu
Mưa bên chồng, có làm em khóc, có làm em nhớ
Những khi mình mặn nồng... 
Nầy em hởi, 
Con đường em đi đó
Con đường em theo đó
Đúng hay sao em?
Xa nhau rồi, thiên đường thôi lỡ
Cho thần tiên chấp cánh
Xót xa người tình si...  (Bài Không Tên Cuối Cùng – Vũ Thành An)

Bài luận văn ra trường của tôi được điểm tối đa, thuyết hiện sinh và văn học phương tây hiện đại. Phòng tổ chức của trường có gặp và cho tôi ưu tiên chọn nhiệm sở, tỉnh để về dạy. Trong nguyện vọng ra trường, tôi ghi: đi bất cứ nơi đâu. Được phân công về tỉnh Kiên Giang. Dù chưa lần đến, nhìn vào bản đồ, một thành phố biển. Lòng rộn ràng, tôi khăn gói, hân hở đi ngay. Ngoài hành trang rất tận cùng “vô sản”, trong chiếc va-li cũ mèm là bức ảnh trắng đen của T. Hương (Cho người em yêu, một đời không dứt – ghi phía sau) theo tôi về trường PT cấp 3 Rạch Sỏi. Lần cuối cùng qua Liên, tôi được tin vợ chồng T. Hương đang ở huyện Củ Chi. Chồng T. Hương, Giao công tác ở phòng giáo dục, nàng dạy và làm hiệu phó trường cấp 3 cùng huyện. T. Hương vẫn đẹp như ngày xưa. Còn  Giao bắt đầu rượu che và ghen tuông từng buổi... Sau nầy, khi quen và chuẩn bị lấy nhau, tôi có kể và đưa hình T. Hương cho K. Hoa coi. Bà xã cũng gật đầu nói:
-Em có vài nét giống chị T. Hương thiệt. Nhưng dĩ nhiên là không đẹp bằng chị ấy!

Đó là câu chuyện của nhiều năm về trước. Hôm nay trong điện thư Duy báo tôi hay chồng của T. Hương đang lâm bệnh nặng, cầm phải phẩu thuật để thay thận. Gia cảnh của T. Hương đầy khó khăn. Những năm qua, bệnh suy thận của Giao đã cạn kiệt tài sản của vợ chồng nàng. Duy tự nguyện kêu gọi bạn bè gần xa, kẻ ít người nhiều giúp đỡ. Gặp Duy đôi lần, nhưng T. Hương vẫn chưa hề hỏi đến tôi và Duy cũng không tiện nhắc tới. Hình ảnh của T. Hương trong tôi vẫn như thuở nào. Chưa có hiện tại để thay đổi nó. Và tận lòng, mãi mãi, tôi cũng không muốn những hình ảnh thực tại của T. Hương, xóa đi từng khóe mắt, bờ môi trong cùng tận ký ức. Tối hôm đó, tôi nói với bà xã:
-Bà cho tôi lấy hết tháng lương tháng nầy của tôi nghen.
Bà xã quay lại nhìn tôi, vừa cười vừa hỏi:
-Ông lấy hết lương trước khi trừ thuế hay sau khi trừ thuế!
Khi nghe bà ấy nửa thật nửa đùa, là lúc tôi cần phải giải thích. Tôi kể K. Hoa nghe về bức điện thư của Duy tôi vừa nhận được hôm nay. Nghe xong, bà xã thở dài nói nhỏ
-Vậy ông lấy hết lương tháng nầy của ông trước khi trừ thuế. Chuyện về sau sẽ tính tiếp nữa.
-Cảm ơn bà xã.
Lòng tôi nhẹ nhõm. Bật ngồi dậy, điện thư cho Duy về số tiền của tôi gửi và nhắn Duy phải giấu kỹ, không được nhắc tên tôi trong việc nầy. Đồng thời cũng báo điện thư cho Hòa, em rể tôi, đang làm tại bệnh viện Từ Dũ chuẩn bị chuyển số tiền cho Duy. Đêm bên nầy là ngày bên kia. Không quá nửa giờ sau Duy trả lời, thật khó cho hắn. Số tiền tuy không lớn, nhưng với đám bạn bè kẻ về hưu, người buôn bán nhỏ hiện nay thì cũng không phải nhỏ. Khó mà giải thích cho T. Hương là gom góp từ bạn bè chung quanh. Tôi trả lời vội, “mầy cứ nói từ bác sĩ Hòa, bạn thân của mầy. Nghe hoàn cảnh của T. Hương nên muốn giúp đỡ. Cứ vậy, rồi tới đâu hay tới đó!”. Mọi chuyện cũng đổ bể, khi T. Hương gặp Hòa để thay mặt gia đình cảm ơn. Người con gái đẹp thuở nào, là người đàn bà khắc khổ, còm cỏi của hôm nay (Hòa kể lại tôi nghe). Năm tháng nhọc nhằn đã thật sự hút kiệt sức T. Hương. Nước mắt chừng như đã cạn, chỉ long tròng, thổn thức nhắn lời cảm ơn. Hòa hứa sẽ chuyển lời và đưa T. Hương về tận cửa bệnh viện Chợ Rẫy. 

Gác máy điện thoại, tôi bâng khuâng vào phòng ngủ. Đêm không còn sớm, tiếng thở của K. Hoa đã đều trong giấc ngủ. Tôi đứng lặng thinh nhìn vợ. Thời gian và cuộc sống thật là đây. Không ngừng, đôi khi đến mức tàn nhẫn. Nhưng trong cái tàn nhẫn đó của tạo hóa, chúng ta dễ nhìn ra sự hy sinh. Sự hy sinh vô bờ bến của người con gái tôi yêu và người con gái yêu tôi. Mùi hương phấn người vẫn trầm tỏa quanh đây. Họ là hình ảnh của những người con gái đẹp, một thuở và mãi mãi mai nầy.


NNH




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét