Tùy bút của Huỳnh Văn Phước
"Thủy Thủ Và Giai Nhân" là một câu chuyện tình thật 100% của chàng thủy thủ Th/U Hải Quân Huỳnh Văn Phước và giai nhân; nàng nữ sinh Trung Học Kiên Thành Phù Minh Hiếu hơn 40 năm xưa. Thử lắng nghe tâm tình của tác giả:
"Thân hồ hải gót giầy tung muôn nẻo
Gởi tâm hồn một hình bóng kiều nương
Dù xa xôi mù mịt ngũ đại dương
Ôm mộng lớn không quên người em nhỏ
Biển tình ái dù sóng cồn gió hú
Cho hồn ta chìm lặng giữa yêu đương
Khiến ta say sóng tình đầy mộng mị
Làm tim nóng ta tìm về ấp ủ "
Bài thơ, từng câu, từng chữ đã nói lên hết những ước mộng hải hồ của chàng trai trẻ, cho dù không biết ngày mai sẽ ra sao, nhưng với tình yêu tha thiết... hình bóng giai nhân là động lực thúc đẩy để vươn tới tương lai, bến bờ hạnh phúc...
Đọc để thấy một chuyện tình trước 1975 mà hầu hết mỗi một người trong chúng ta đã từng... một thời.
Cảm ơn tác giả anh Huỳnh Văn Phước và chị Minh Hiếu đã chia sẽ hình ảnh và nhất là chuyện tình của anh chị trong thời chinh chiến. Mến chúc anh chị mãi mãi bền duyên và hạnh phúc...
Blog THKT
Mỗi lần nhìn nhau với ánh mắt âu yếm họ vẫn nghĩ tới ông CHT Th/T VB Trạch, người đã là đầu mối kết hợp chàng Thủy Thủ và nàng Giai Nhân hơn ba mươi năm về trước . Họ cố gắng tìm tới thăm hỏi tin ông và được biết ông hiện ở Houston, Texas. Ngày gặp ông, mùa Xuân 2004, toàn gia đình Phước và một số bạn HQ như LD ĐĐ Thành, LD P Thuận và được tăng cường bởi một người bạn thân nhất của Hiếu là Oanh. Phái đoàn xếp hàng đi vào nhà ông CHT. Đi đầu là con heo quay, tiếp theo là rượu, xôi thịt, trái cây và trà bánh, y như một đám cuới nhỏ của Phước và Hiếu. Bằng một giọng cảm động và chân thành, Phước run run nói với vị CHT ngày xưa :“Thưa ông CHT, thưa ông Mai, người mai mối cho cuộc tình rồi đưa đến hôn nhân của chúng tôi. Ngày chúng tôi kết hôn không có sự hiện diện của ông. Sau hơn ba chục năm, chúng tôi đem những lễ vật này để làm như hôm nay là ngày lễ cưới của chúng tôi mà có sự góp mặt của ông. Ông là một thủy thủ đàn anh, người thủy thủ già đã góp phần tạo ra mối tình đẹp và vĩnh viễn, một mối tình giữa chàng thủy thủ hăm ba Phước và một giai nhân, một nữ sinh trong trắng vừa tròn đôi tám Phù Minh Hiếu .”
"Thủy Thủ Và Giai Nhân" là một câu chuyện tình thật 100% của chàng thủy thủ Th/U Hải Quân Huỳnh Văn Phước và giai nhân; nàng nữ sinh Trung Học Kiên Thành Phù Minh Hiếu hơn 40 năm xưa. Thử lắng nghe tâm tình của tác giả:
Tr/U Huỳnh Văn Phước & Phù Minh Hiếu |
"Thân hồ hải gót giầy tung muôn nẻo
Gởi tâm hồn một hình bóng kiều nương
Dù xa xôi mù mịt ngũ đại dương
Ôm mộng lớn không quên người em nhỏ
Biển tình ái dù sóng cồn gió hú
Cho hồn ta chìm lặng giữa yêu đương
Khiến ta say sóng tình đầy mộng mị
Làm tim nóng ta tìm về ấp ủ "
Bài thơ, từng câu, từng chữ đã nói lên hết những ước mộng hải hồ của chàng trai trẻ, cho dù không biết ngày mai sẽ ra sao, nhưng với tình yêu tha thiết... hình bóng giai nhân là động lực thúc đẩy để vươn tới tương lai, bến bờ hạnh phúc...
Đọc để thấy một chuyện tình trước 1975 mà hầu hết mỗi một người trong chúng ta đã từng... một thời.
Cảm ơn tác giả anh Huỳnh Văn Phước và chị Minh Hiếu đã chia sẽ hình ảnh và nhất là chuyện tình của anh chị trong thời chinh chiến. Mến chúc anh chị mãi mãi bền duyên và hạnh phúc...
Blog THKT
Trở về căn cứ vào một buổi sáng thứ bảy, sau khi được toán giang đỉnh khác thay thế. Là một sĩ quan trưởng toán giang đỉnh biệt phái tuần tiểu vùng xâm nhập của địch và yểm trợ đồn bót của các đơn vị bạn. Phước phải làm báo cáo hoàn tất công tác để các toán khác rút ưu khuyết điểm. Thông thường báo cáo phải nộp cho sĩ quan hành quân vào ngày hôm sau để sĩ quan này sẽ trình CHT khi có những điểm quan trọng. Chuyến công tác này chẳng có gì đáng chú ý nên Phước làm báo cáo ngay để dành thì giờ cho chương trình vào ngày chủ nhật hôm sau. Mỉm cười một cách thỏa mãn với công việc hoàn tất, Phước đi tìm ông sĩ quan hành quân Tr/U PV Sớm nhưng không thấy và Phước cũng không thấy bóng dáng một sĩ quan nào khác ngoài ông CHT trong phòng hành quân đang chăm chú vào tấm bản đồ lớn gần trên tường. Phước trở về phòng riêng của mình, ngồi xuống chiếc ghế bên cửa sổ nhin ra hướng ngã ba Rạch Sỏi, chia làm ba hướng Rạch Giá, Phi Trường RS. và Minh Lương. Ngã ba này thường ngày rất nhộn nhịp vì ngoài những khách hàng ngồi tại các quán ăn, còn có các cô nữ sinh líu lo với nhau trong khi chờ đợi xe lam để trở về nhà.
Th/U Huỳnh Văn Phước |
Buổi chiều xuống chầm chậm và không biết sẽ làm gì, Phước định ngủ một giấc cho lại sức sau những đêm mất ngủ trên giang đỉnh. Thay đồ và đi tới nhà bếp để kiếm chút đồ ăn trước khi đi ngủ, Phước thấy ông CHT mỉm cười bảo Phước:
“ CHP và các sĩ quan khác đang đi làm công tác dân sự vụ chưa biết chừng nào mới hoàn tất. Nếu Phước không mệt thì thay đồ theo tôi đi dự một đám tiệc tại nhà một thương gia, nhà này tôi thấy có một ái nữ rất đẹp và dễ thương đang đi học. Gia dình này rất thân với HQ, muốn có con rể là sĩ quan HQ. Tôi thấy Phước có nhiều đặc điểm phù hợp với gia đình này lắm đó“
Phước bỏ ý định đi ngủ khi nghe ông CHT nói và nhận lời ngay. Chấp nhận đi với ông CHT không phải vì người nữ sinh đẹp và dễ thương, nhưng vì cuộc sống bấp bênh của một thủy thủ giang đoàn và sự vắng lặng của căn cứ hôm nay làm cho Phước thấy cô đơn và muốn tìm một cái gì sưởi ấm tâm hồn. Dù chưa có người yêu, nhưng từ ngày ra trường và chọn về giang đoàn, Phước đã thoát chết nhiều lần: Một lần trên sông Cái Lớn, giang đỉnh của Phước bị bắn văng lên bờ cháy rụi hết. Một lần khác Phước làm sĩ quan trưởng toán gồm 4 giang đỉnh hộ tống đoàn LCM8 chở xăng máy bay tiếp tê cho căn cứ Năm Căn bị thủy lôi nổ tan tành, và nhiều lấn bị B40 bắn hụt hoặc đạn xuyên qua vỏ tàu và nổ ở phía xa. Một phần vì Phước ít nói, phần khác vì cuộc sống của một thủy thủ giang đoàn như sợi chỉ treo mành, đã làm Phước không muốn nghĩ tới một bóng giai nhân hay có nghĩ tới cũng gạt đi vì chẳng biết tương lai mình sẽ đi về đâu. Sự vui vẻ nhận đi “ hộ tống” ông CHT là để tránh một buổi chiều đơn độc nằm chèo queo một mình ở căn cứ và hoan hỷ dự một tiệc vui sau cả tuần len lỏi tuần tiểu trong các kinh rạch. Không ngờ một sự nhận lời nhẹ nhàng, ngắn ngủi đó đã làm thay đổi lớn lao cho suốt cả cuộc đời và dẫn tôi một cam kết vĩnh viễn khác. Ngồi phía sau cùng xe với CHT Giang Đoàn, Thiếu Úy Phước tự nhiên thấy yêu con đường gập ghềnh khúc khuỷu từ Rạch Sỏi tới Minh Lương mà Phước đã từng gọi nó là khúc đường định mệnh dẫn đưa số mệnh các thủy thủ tới những con sông rạch mà các bạn Phước gọi là “river of no return”: Cái Bé, Cái Lớn, Cán Gáo …tới những địa danh nổi tiếng và hiểm nguy: Tắc Cậu, Xẻo Rô, Hiếu Lễ, Gò Quao, Chương Thiện…
Tr/U Huỳnh Văn Phước |
Là sĩ quan trưởng toán tuần tiểu ngày đêm trên những con sông và địa danh này, Phước chẳng bao giờ dám nghĩ tới một bóng giai nhân nào nữa vi chẳng biết những con sông đó có còn đem mình trở về để gặp người mình mơ ước nữa hay không? Nhưng hôm nay Phước tự nhiên thấy yêu đời, yêu con đường gập ghềnh và yêu cả cánh đồng lúa trãi dài hai bên đường đến tận những xóm làng xa tít mù khơi, và có lẽ niềm vui của Phước bắt nguồn từ sự ưu ái của ông CHT đã nhìn thấy rõ tâm tư cô đơn của một sĩ quan dưới quyền của mình. Tuy nhiên, mấy tiếng có ái nữ đẹp và dễ thương cũng phần nào gây sự tò mò vui vui của chuyến đi.
Quãng đường từ Rạch Sỏi tới Minh Lương chỉ có bảy cây số, nhưng Phước thấy thật dài, có lẽ Phước đang chờ mong một cái gì xa xôi. Sự im lặng của ông CHT gợi cho Phước tâm tư và dĩ vãng cuộc đời. Sau trận Mậu Thân 1968, Phước tình nguyện gia nhập HQ năm sau đó, mặc dù vừa thi đậu vào trường Cao Đẳng Điện Học Phú Thọ. Quyết định tình nguyện gia nhập HQ, một phần do một số bạn bè đã đi trước thay phiên nhau ca tụng cuộc sống của một sĩ quân với một nếp sống hải hồ, một nghề nghiệp cao quý. Mấy chữ Tổ Quốc Đại Dương lúc đó Phước thấy đáng yêu và có lẽ thích hợp với sự ưa sống trầm lặng của Phước. Vì thế Phước đã từ bỏ trường Cao Đẳng Điện Học một cách dễ dàng. Quyết định đã là một sự hối tiếc cho Phước ngay sau khi gia nhập HQ, vi Phước bị lưu đày sang huấn luyện tại trường Bộ Binh Thủ Đức. Sự kiện này đã làm cho các khóa được nổi danh là khóa đặc biệt của HQ, “Khóa Lưu Đày” Dù hối tiếc và không bằng lòng với kiếp sống lưu đày, kết quả ngày mãn khóa Phước vẫn được xếp hạng khá cao nên được chọn đơn vị phục vụ ưu tiên. Phước đã chọn Giang Đoàn 61 Tuần Thám vì lúc đó GĐ này được đặt căn cứ ngay tại Long Xuyên, quê hương của Phước. CHT Giang Đoàn lúc đó là HQ Th/T PT Long và GĐ hoạt động vùng Tà Keo và kinh Vĩnh Tế. Thực tình Phước chưa biết gì về cuộc sống ở GĐ như thế nào, nhưng Phước chỉ nhắm được về nơi chôn nhau cắt rún của mình mà thôi. Khoảng cuối năm 1970 GĐ được thuyên chuyển về Rạch Sỏi tỉnh Rạch Giá và GĐ lúc đó có CHT mới là HQ Th/T VB Trạch. Chính con đường này, con đường từ Rạch Sỏi mà ông CHT đang dẫn Phước chẳng biết sẽ đưa Phước về đâu? Phước chợt bừng tĩnh khi xe ngừng ngay một cây xăng ở ngã ba Minh Lương Tắc Cậu. Phước tự hỏi tại sao lại phải mua xăng khi có xăng tại căn cứ?. Nhưng ông CHT cười bảo Phước xuống xe và đi vào nhà. Nơi này nằm ngay giữa ngã ba mà Phước đã qua lại nhiều lần mà chẳng có gì gây sự chú ý cho Phước kể cả ngày hôm nay. Một ông trạc 45 tuổi bước ra bắt tay ông CHT rồi đảo con mắt cú vọ nhìn Phước chăm chăm làm Phước hơi bối rối, nhất là khi nghe ông CHT giới thiệu :” Đây là Thiếu úy Phước của đơn vị tôi. Hôm nay tôi đưa hắn tới để ra mắt ba mẹ vợ đó”. Phước biết là CHT của mình nói đùa để có dịp cho Phước đến dự tiệc với ông mà thôi. Nhưng Phước cũng đỏ mặt hơi thẹn. Ông chủ được CHT giới thiệu có biệt danh là Ba Râu. Mọi người cứ gọi ông là Ba Râu, chẳng cần biết tên thực ông là gi. Ông Ba Râu là người Việt gốc Hoa. Ông họ Phù và không muốn nhận mình là người Tàu nữa, một phần ông lấy vợ người Việt, phần khác có vấn đề gì đó mà ông thù ghét người Tàu. Mọi người được mời ngay vào bàn tiệc đã dọn sẵn. Nói là tiệc, nhưng thật ra đây chỉ là buổi cơm gia đình gồm mấy người bà con. Ông Ba Râu mời thêm ông CHT mà ông thân tình coi như gia đình. Thực ra ông Ba Râu không biết có Thiếu úy Phước tham dự. Khi thấy Phước, con mắt tinh nhanh của ông đã đoán được phần nào ý định của ông CHT, nên ông Ba Râu cứ liếc nhìn Phước liên tục làm Phước mất cả tự nhiên ăn uống. Đồ ăn thật ngon mà hầu hết là đồ nhậu. Mọi người cười nói ồn ào, nhưng Phước cúi đầu trầm lặng suy tư và cố gắng ăn uống một cách bình thường, nhưng vẫn thắc mắc là đâu có người nào là ái nữ xinh đẹp đâu. Phước cười thầm và cho là ông CHT có lẽ trát Phước cho vui vậy thôi.
”Thiếu úy, Thiếu úy, xin dùng khăn nóng lau mặt” Giật mình và ngước nhìn lên, Phước thấy đúng là nàng ái nữ đẹp và dễ thương. Ái nữ vẫn mỉm cười, nhưng miệng Phước trở nên cứng đơ, tay chân run rẩy lấy khăn từ tay người đẹp. Phước bàng hoàng vi hai lý do:
Thứ nhất là mấy tuần trước, sau chuyến công tác. Phước và mấy bạn ra uống nước ngoài ngã ba Rạch Sỏi, vào lúc tan học của trường Trung Học Kiên Thành, Phước thấy một nhóm ba bốn cô nữ sinh líu lo đi qua, Phước thấy một cô mà từ dáng đi cho tới cử chỉ nhí nhảnh làm cho Phước mỏi mắt theo dõi. Cô này biết có người nhìn, quay mặt lại thấy Phước vội lấy nón che, nên Phước không thấy rõ, chỉ thoáng vậy thôi, nhưng ký ức của Phước như một máy ảnh nhạy cảm, ghi vội lờ mờ hình ảnh của người nữ sinh mà Phước tin là sẽ không bao giờ xóa đi nữa. Phước lúc đó muốn nhắn cho người nữ sinh này là mình thực sự muốn ca tụng vẻ đẹp của nàng nên đã to tiếng đọc bài thơ mà Phước cũng không nhớ tác giả là ai nữa:
Tr/U Huỳnh Văn Phước & nữ sinh THKT Phù Minh Hiếu |
“Biết anh nhìn sao em nghiêng nón?
Trời mùa thu mây che có nắng đâu !
Nắng sẽ làm phai mái tóc xanh màu
Và làm khô làn môi em mộng ướt
Còn đôi mắt anh có làm sao em từ khước ?”
Đọc xong, Phước nghe nhóm nữ sinh cười khúc khích với nhau thật dễ thương. Không ngờ cô gái đó hiện đang đứng trước mặt Phước và đang đợi trao cho chiếc khăn lau mặt thơm phức mùi hoa lài và mùi thơm thoát từ thân thể nàng.
Lý do thứ hai làm Phước run rẩy vì nhìn rõ khuôn mặt, nụ cười và ánh mắt người con gái mà Phước tưởng chỉ thoáng qua đời mình để không bao giờ gặp lại. Nhưng hôm nay, với nét môi cười, với ánh mắt vời vợi đắm đuối đã thu mất hồn Phước. Từ giây phút đó, Phước biết là không thể thoát ra khỏi ánh mắt của người ái nữ đó nữa, sẽ không thể thoát ra khỏi vòng tay của nàng đang đưa chiếc khăn cho Phước. Chiếc khăn sẽ là sợi giây cột chặt Phước và nàng, và Phước sẽ trở nên nô lệ cho đôi mắt đang trìu mến nhìn mình. Khi cái nhìn của bốn con mắt gặp nhau, tất cả từ bên ngoài đến nội tâm của Phước đều thay đổi ngược lại hết. Sự bàng hoàng của Phước không thoát khỏi cặp mắt của ông CHT, của ông Ba Râu, và có lẽ của chính nàng ái nữ nữa. Ông Ba Râu cất giọng thật lớn tuyên bố :
“Anh nào không biết uống rượu, không phải là rể của nhà này được“.
Nữ sinh THKT Phù Minh Hiếu |
Báo hại chiều đó Phước say tơi bời: vừa say tình, vừa say rượu. Qua nhạy cảm, người con gái đó biết là Phước bị tiếng sét ái tình và ngược lại nàng biết ngay nàng đã gặp lại người đọc bài thơ mà nàng cho là bài thơ tỏ tình. Sự nhạy bén tình cảm yêu thương đã đưa Phước đến gặp người ái nữ một cách nhanh chóng, nhẹ nhàng. Nàng tên Phù Minh Hiếu, vừa tròn mười sáu tuổi, đang là một nữ sinh từ Minh Lương ra học trường Trung Học Kiên Thành tại Rạch Sỏi. Hiếu, một nữ sinh ngây thơ, trong trắng, Phước, một thủy thủ HQ. Họ yêu nhau bằng một mối tình thật lý tưởng. Riêng Phước khi yêu Hiếu và được Hiếu yêu, cảm thấy yêu đời và không còn hối tiếc việc bỏ trường Cao Đẳng Điện Học nữa. Phước cho là nếu Phước không gia nhập HQ thì sẽ không gặp được Hiếu và cuộc đời của Phước sẽ về một hướng khác. Phước chợt nhớ một triết lý cao siêu của Phật Giáo là: ”Cõi đời này không có cái gì cố định, mà cái này phụ thuộc vào cái kia.” Nếu không vô HQ, không có ông CHT, không ở lại căn cứ một mình, Phước sẽ không gặp Hiếu. Mỗi khi có dịp họ thường tìm mọi cách để đi chơi với nhau với những bạn của hai nhóm mà họ mong kết hợp thêm giai nhân và các chàng thủy thủ như LD NG Trọng, LD TQTài… với nhóm bạn của Hiếu như Xinh, Oanh… Vì tin tưởng ở vị CHT này, nên ba má Hiếu chấp nhận cho Phước và Hiếu có thể đi chơi với nhau. Mỗi lần đi chơi với cả nhóm LD TU Nguyện thường đóng vai nhiếp ảnh gia mà ngày nay hình ảnh còn để lại với chúng tôi. Nhưng những cuộc vui chơi đó không được lâu bền vì khoảng đầu năm 1972, Giang Đoàn được lệnh di chuyển về căn cứ Kiên An (Xẻo Rô). Phước và vài thủy thủ khác như LD NG Trọng, LD TU Nguyện được ông CHT chấp nhận cho đi dự khóa Hải Nghiệp vừa được Bộ Tư Lệnh HQ tổ chức. Khi Phước và các bạn ra đi , ông CHT và GĐoàn cũng được lệnh chuyển về Hà Tiên. Sau này khi thuyên chuyển về Hải Đội 4 Duyên Phòng Phước có dịp đưa Hiếu về Hà Tiên thăm ông, và đó là lần cuối cùng Phước gặp lại ông trong cuộc chiến Việt Nam. Sáu tháng quân trường Nha Trang thật dài và đầy nhung nhớ, Hiếu thương nhớ Phước và lo sợ không biết ở xa Phước có còn yêu thương nàng như xưa không ? Phước liên tục viết thư về cho Hiếu bày tỏ lòng yêu và thương nhớ nàng. Thư từ qua lại có tới hàng chục lá mà Hiếu và Phước vẫn coi như là báu vật. Nhưng nàng đã đốt mất hết trước khi vượt biên vào cuối năm 1981. Dù tất cả thư từ bị đốt, một lá thư có một bài thơ của Phước gởi cho Hiếu mà nàng đọc thuộc và có lẽ sẽ nhớ nó mãi suốt đời. Đây là bài thơ đầy ắp tình yêu dạt dào của một thủy thủ gởi cho một giai nhân:
Hiếu theo chồng trên đài Kiểm Báo Hòn Đốc Hà Tiên |
“Thân hồ hải gót giầy tung muôn nẻo
Gởi tâm hồn một hình bóng kiều nương
Dù xa xôi mù mịt ngũ đại dương
Ôm mộng lớn không quên người em nhỏ
Biển tình ái dù sóng cồn gió hú
Cho hồn ta chìm lặng giữa yêu đương
Khiến ta say sóng tình đầy mộng mị
Làm tim nóng ta tìm về ấp ủ “
Thư từ qua lại không đủ làm cho người thủy thủ Phước bớt nỗi nhớ thương Hiếu. Phước muốn được gặp Hiếu để ôm vào lòng và hôn lên làn môi mọng ướt của người yêu. Một ngày kia ở quân trường, Phước đã phải xin phép về dự tang lễ cho ông Nội, mặc dù ông đã qua đời trước khi Phước chào đời. Được phép Phước dông thẳng tới trường Trung Học Kiên Thành, vô phòng Giám Thị xưng là người nhà để xin gặp Hiếu. Ông Giám Thị tới tận lớp cho phép Hiếu ra để gặp người nhà, Hiếu xanh mặt không biết nhà có chuyện gì, đến khi thấy Phước, nàng vừa mừng vừa bàng hoàng. Hiếu phải bảo Phước đợi nàng ở nhà rồi Hiếu về gấp. Ba má Hiếu rất tin tưởng ông CHT nên cho phép Hiếu Phước gặp nhau tại nhà vói tư cách của một sĩ quan HQ. Cả lớp đều biết người kiếm Hiếu là người yêu, chứ không phải là người nhà của nàng .Trở lại trường tiếp tục học và ra trường (K1ĐB).
Minh Hiếu về quê chồng tại Long Xuyên |
Khi mãn khoá Phước may mắn được chọn về Hải Đội 4 Duyên Phòng căn cứ tại An Thới Phú Quốc tỉnh Rạch Giá, biển sông xưa, bờ bến cũ để Phước có dịp gần nàng. Người ta thường nói HQ mười hai bến nước, mười ba bến tình, nhưng Phước chỉ có một bến tình, một bến tình chung thủy duy nhất mà thôi.Phước và Hiếu quyết định đi tới hôn nhân vào cuối năm 1973 khi mà Phước làm Thuyền Trưởng chiếc PCF 3819 và Hiếu vẫn là cô nữ sinh thơ ngây chưa đầy đôi chín. Đám cưới chúng tôi có rất nhiều HQ tham dự, nhưng không có mặt ông mai, vị CHT đã tạo ra cuộc tình này. Ông hoàn toàn không hay biết Phước và Hiếu đã kết hôn. Có lẽ ông ở mãi ngoài miền Trung xa xôi hay đang lênh đênh trên biển cả. Yêu Phước và nhận kết hôn với Phước, giai nhân Hiếu chấp nhận một cuộc sống lênh đênh trôi theo dòng đời của thủy thủ
Phước từ đây. Khoảng thời gian này có lẽ là giai đoạn oai hùng và hạnh phúc của cuộc đời thủy thủ Phước, vì được gần gủi với giai nhân và là thuyền trưởng chiếc PCF 3819, địa bàn hoạt động tung hoành từ biên giới Miên ở Hà Tiên đến vùng Miệt Thứ, Poulo Panjang vòng lên bắc đảo Phú Quốc. Biết bao là kỷ niệm về HònTre, Poulo Dama, Hòn Nghệ, Hòn Đất, Quần đảo Bà Lụa, QĐ Hải Tặc, Hà Tiên…Vào dịp Tết 1974, tàu của Phước đại kỳ, nên Phước đem Hiếu ra Phú Quốc, sống trong trại sĩ quan độc thân, có cả LD PN Điều cùng đem vợ ra. Tại đây Hiếu đảm đang công việc nấu ăn cho cả phòng, Hiếu được vợ của CHT Hải Đội Tr/T TV Hãn phong cho tước hiệu cô dâu mới của đơn vị.
Minh Hiếu trên PCF |
Cuộc sống đang êm đềm trôi thì đầu năm 1975, Phước được chỉ định làm Trưởng Đài Kiểm Báo 404 thay thế cho Tr/U ĐĐ Đạt (K19). Đạt đã cùng ở với Phước từ GĐ 61TT, HĐ4DP rồi ĐKB404. Đài này nằm trên đỉnh núi của Hòn Đốc trong quần đảo Hải Tặc, ngoài khơi Hà Tiên, có nhiệm vụ điều động các PCF tuần tiểu vịnh Hà Tiên tiếp giáp biên giới Miên, phía Đông Phú Quốc, quần đảo Bà Lụa, Hải Tặc, đồng thời kiểm soát các tàu Thái Lan buôn lậu vào Hà Tiên. Tại ĐKB 404 Phước Hiếu lại sống với nhau thật hạnh phúc và cũng như các lần trước Hiếu tiếp tục lo cơm nước cho các SQ trên đài: LD NV Hưng, VV Vinh, VV Ngọc…Gần cuối tháng 4 Phước được lịnh phải bàn giao đài cho Đ/U TT Minh (K18). Lúc này tình hình đã quá đen tối, Phước quyết định đưa Hiếu về Rạch Giá rồi trở lại Phú Quốc trình diện HĐ4DP. Phú Quốc lúc này trở nên hổn độn, máy bay KQ đến tới tấp, những chàng phi công với bộ đồ bay tả tơi đi thất thiểu, lang thang. Đêm 29, Phước cùng một vài người bạn ở Long Xuyên như LD TQTài, LD TD Đức rủ nhau tim đường về Rạch Giá. Nhưng sáng hôm sau khi tới bến thì có lịnh giới nghiêm 24/24 nên không thể đi đâu được. Ở trên ghe chật chội chen chúc không thể được nên khi thấy một ghe đi ngược về Hòn Tre Phước và hai bạn nhảy lên, mong rằng ra Hòn Tre sẽ thoải mái hơn. Trưa 30 tháng 4, nghe tin TT DV Minh tuyên bố đầu hàng, Phước và các bạn cảm thấy rụng rời và tự nhủ thầm thế là đời mình đến đây là hết. Các bạn Phước kéo Phước xuống PCF để ra đi, nhưng người thủy thủ Phước lúc đó còn nghĩ tới trách nhiệm đối với giai nhân nên từ chối, buồn bả chạy trở lên, dù biết rằng không chắc mình có gặp lại nàng hay không ? Phước và TQ Tài về được tới Rạch Giá sau hai đêm hải hùng ẩn lại Hòn Tre nhờ bộ bà ba đen mà bà Tư Nì đã may cho. Phước đã biết dù ở đâu Phước cũng không thể bỏ lại Hiếu đằng sau được.
Mừng hội ngộ chưa được bao lâu thì Phước phải lên đường đi tù. Ngày ra đi cũng là ngày Phước biết Hiếu có thai đứa con gái đầu lòng, nhưng cũng phải đành lòng ra đi. Hiếu chưa đầy hai mươi tuổi đứng nhìn người chồng thân yêu bước đi mà chẳng biết sẽ đưa số phận của Phước về đâu?
Xe bít bùng chở Phước và những tù nhân khác tới giam đầu tiên tại trường Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ. Hai tháng sau lúc nữa đêm Phước lại được chuyển về Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng Châu Đốc đề được tẩy não như những tù nhân khác trong đó có LD TB Trung, LD TD Duc…Khoảng sáu tháng sau Phước lại được chuyển về kinh Tám Ngàn, Vàm Rầy gần Hà Tiên để lao động, đốn cây rừng, đào mương khai rạch. Một bữa làm xong công việc hạn định, Phước vác cuốc về trại và gặp được Hiếu, nàng lặn lội tìm thăm Phước trái phép nên Phước bị tóm đưa đi nhốt ở chuồng cọp cả tuần lễ. Qua gần ba năm giam cầm gian nan vất vả , ăn uống thiếu thốn thân thể yếu đuối gầy còm, Phước lại được đưa về TT HL Chi Lăng để được tha về với điều kiện phải báo cáo những thành phần mà họ cho là chống đối. Phước ậm ực cho xong để được ra về. Khi gặp được Hiếu và đứa con gần ba tuổi, nỗi vui đã tạm thời khoả lấp tất cả những cay đắng của cuộc đời trong tù và những lo âu cho những ngày sắp tới. Sau gần hai năm quản chế tại nhà đói khổ, tuyệt vọng. Phước nhìn con mình và tự hỏi ”Mình thì đã đành, còn tương lai vợ con mình sẽ ra sao đây?” Phước quyết định phải đi tìm một sinh lộ: vượt biên. Những tin tức về vượt biên gặp nhiều nguy hiểm quá. Đó là lối đi hoặc dần vào cõi chết hoặc được giải thoát khỏi kiếp sống tuyệt vọng. Phước bàn và hỏi ý kiến Hiếu thì nàng trả lời một cách gọn gàng:
” Anh là một thủy thủ, anh cò thể khắc phục mọi hiểm nguy của biển cả.“
Được sự khuyến khích của giai nhân, người thủy thủ Phước đi tìm lối vượt biên. Phước đem gia đình vượt biên nhưng thất bại nhiều lần: có lần bị lộ, có lần bị gạt. Nhưng một lần nguy hiểm nhất là gia đình Phước vượt biên trên một chiếc ghe quá nhỏ mà chủ ghe tham lam muốn cho nhiều người. Vừa khởi hành vẫn còn trong kinh thì ghe bị mắc cạn. Phước và chủ ghe phải nhảy xuống đẩy. Được một đoạn và ghe có thể chạy được thì Phước nghe tiếng chân phình phịch trên bờ của bọn bộ đội, Phước điếng hồn và cùng chủ ghe trốn trên bờ lúa. Tụi bộ đội rượt và bắn súng dữ dội nhưng người lái ghe là em của Phước đã khôn khéo tăng vận tốc và đột ngột tắt máy lủi vào đám dừa nước ven sông, Bọn bộ đội tiếp tục chạy qua, thế là ghe của Hiếu thoát nạn và trở về nhà an toàn. Nhờ công tác ở vùng này khi ở GĐ 61 TT nên Phước chạy về được Bến Nhứt, may mà còn cái đồng hồ đeo tay, Phước đưa cho xe ôm chở về nhà. Thế là gia đình vui mừng đoàn tụ trong đau buồn và lo lắng. Trong lúc gia đình Phước không còn xu dính túi để sống, làm gì còn nghĩ tới chuyện vượt biên nữa. Lúc cuộc đời của Phước hầu như tuyệt vọng và bỏ cuộc thì sao bổn mạng của người thủy thủ lại bùng sáng lên: những thương gia, hầu hết là gốc Tàu, tìm sĩ quan HQ để mướn làm tài công cho người vượt biên. Phước được móc nối và thuê làm tài công cho chuyến vượt biên mà địa điểm khởi hành đặt ở một vùng mà Phước hoàn toàn không quen biết: Sóc Trăng. Một đêm vào cuối năm 1981, trên một chiếc ghe bầu mà Phước tự phong mình là Thuyền Trưởng, Phước đặt tên cho chiếc ghe này la PMH3820 sau chiếc PCF 3819. Chữ PMH là viết tắt của Phù Minh Hiếu tên của giai nhân Phước yêu suốt đời và là nguồn may mắn của Phước cho chuyến ra đi tìm nguồn sống và tự do này. Kể cả gia đình Phước, chiếc PMH3820 gồm 129 người lớn nhỏ rời cửa biển Mỹ Thanh trong một đêm khuya đen tối, ngược sóng trực chỉ hướng Đông để tránh né Côn Sơn. Chiếc ghe bầu chưa từng đi biển như muốn bể tan trước cơn sóng to bão lớn. Vượt qua Côn Sơn PMH3820 đổi hướng về Nam. Sau hai ngày hai đêm lênh đênh, hồi hộp, gian nan, Thuyền Trưởng Phước đã đưa 129 người đến bến bờ tự do Pulau Bidong, Malaysia . Tại đây Phước gặp lại và có nhiều kỷ niệm với các bạn cùng khóa: LD BT Xung, LD P Thuận. Sau năm tháng đợi chờ, gia đình thủy thủ Phước và giai nhân Hiếu được nhận đi định cư tại Cincinnati, Ohio . Cuộc sống ở Mỹ dù có cực nhọc vất vả, Phước và Hiếu vẫn cảm thấy như được ở Thiên Đường vì được sống với trọn nghĩa yêu đương. Họ có thêm một bé gái sau mười năm lận đận.
Cựu Tr/U Huỳnh Văn Phước và Phu nhân Phù Minh Hiếu 2017 |
LD Huỳnh Văn Phước
* LD: Lưu đày (Sĩ Quan Hải Quân Lưu Đày)
* PCF: Patrol Craft Fast ( tàu chiến cao tốc nhỏ do Mỹ sản xuất cho Hải Quân VN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét