Thứ Hai, 19 tháng 11, 2018

Tản Mạn Đời Thường - Kỳ 3

Tùy bút của Thanh Hà Switzerland

1/-
Sơn Nữ Thanh Hà bên đồi chè Mộc Châu
Từ lúc rời trường học đến giờ đã hơn 40 năm, tức khoảng 15 ngàn 700 ngày trôi qua. Các con số, chữ viết cùng kiến thức đã trả lại cho Thầy, Cô gần như ráo trọi. Gõ cửa nhà ông Gu-gồ thì ông cắt nghĩa tiếng Việt bằng ngôn ngữ thời hiện tại khiến tôi choáng váng hoa cả mắt, càng đọc thì càng rối rắm…chả hiểu gì. Mà đọc nguyên bản Anh hay Pháp các đề tài khoa học, tôi hiểu nhưng để dịch ra tiếng mẹ đẻ thì tôi xin nghiêng mình tạ lỗi các nhà bác học vì ở đây tôi chỉ định nói một cách đơn giản theo chút kiến thức còn sót lại, như lối nhập đề lung khởi trước khi bước qua câu chuyện chính đó mà.

Tôi nhớ man mán trong môn Vạn Vật lớp cuối cùng trung học đệ nhị cấp về cơ thể con người. Rằng thì là trong cái đầu xinh đẹp của chúng ta gọi là trung khu thần kinh, bao gồm có bộ não và các dây thần kinh. Mỗi “trự” đảm trách một nhiệm vụ khác nhau, như cử chỉ, ngôn ngữ nói, viết. Nếu ai có trung khu nào phát triển mạnh hơn thì người ấy có tài về phương diện đó.

Chẳng hạn trung khu thần kinh Nói phát triển mạnh thì người đó có tài biện luận thao thao bất tuyệt trước đám đông không sợ sệt gì sất nhưng bảo họ viết ra giấy thì họ viết vô cùng…dở ẹt, lủng củng, luộm thuộm.
Ngược lại ai có trung khu Viết phát triển mạnh thì người đó sẽ thoải mái trải “tâm sự đời tôi”qua trang giấy trắng rất ư cảm động có thể lấy bao nhiêu nước mắt của tha nhân, nhưng nói thì lắp ba lắp bắp, cà lăm ngọng nghịu chẳng ai hiểu họ nói gì. 
Nhưng người trung khu Nói và Viết đều mạnh thì họ có tài nói hay viết giỏi không ai sánh kịp.
Ngoài ra, những người thuận tay phải vì có trung khu điều khiển nằm bên não thuỳ trái, và ngược lại những người thuận tay trái bởi vì trung khu chuyên lo việc điều khiển nằm bên não thuỳ phải. Bởi thế nên mới có cái vụ người thuận tay phải, người thuận tay trái.

Ấy thế mà hồi xưa các ông bà cha mẹ hể thấy đứa con nào khi cầm đũa ăn cơm, cầm viết, cầm kéo, dao...bằng tay trái là bắt nó sửa cầm sang tay phải. Đứa nhỏ không điều khiển được bằng tay phải mà vẫn đổi lại tay trái, nặng thì lấy thước khẻ tay đau gần chết, đứa nhỏ ngồi khóc thút thít nước mắt nước mũi chảy tùm lum thế mà còn bị chì chiết thêm rằng thuận tay trái thì sau nầy lớn lên cuộc đời long đong không làm gì ra hồn, hoặc cha mẹ hiền hơn thì cho đó là một cái tật xấu cần phải sửa. ( tật xấu gì thì chả ai biết, cũng chả ai chứng minh tại sao lại xấu).

Tôi cũng là người thuận tay trái. Có điều tôi không bị ông bà ngoại, ba má đánh vì “tội” thuận tay trái. Mà người chỉ cố gắng chỉnh cho tôi cầm cây viết bằng tay phải mà thôi. Cho nên tôi cứ tha hồ mà cầm đũa, dao, kéo, túi xách…bằng tay trái như ý, ngoại trừ cầm viết tay phải.

Có phải những ai thuận tay trái, mà dưới mắt một số người (một số người thôi) bị cho là không bình thường — không bình thường có nghĩa là…phi thường hả, hay bất thường hả, he he—. 

2/-
Riêng tôi chả thấy gì là bất thường hay phi thường hết, chỉ có một điều rõ rệt mà cả tôi và ai ai cũng thấy, là tôi may mắn có dư thời giờ để đi du lịch bất cứ nơi đâu tôi chọn.

Cũng lâu lâu rồi, dây thần- kinh-viết của tôi lười biếng, không chịu vận động dù nhiều lần tôi tự hứa là sẽ sáng tác một truyện ngắn hay một bài thơ hay một tản văn… thế mà tư tưởng cứ ỳ ra không nhúc nhích chút nào. 
Nó ngủ đông rồi chăng???

Nhưng ngược lại, các dây thần kinh điều khiển cử chỉ thì hoạt động sôi nổi hăng hái, đặc biệt là điều khiển các bước chân. Phải nói là vô cùng náo nhiệt rầm rộ. Quả đúng như chồng tôi ngày xưa thường hay nói là:” Th.H.làm gì thì chỉ làm mỗi lần một việc chứ không thể làm hai, ba việc cùng lúc được”. Vì anh đã quá tỏ tường mọi “ thói hay tật tốt cũng như thói hư tật xấu” , mọi sở trường sở đoản, mọi ưu khuyết điểm..của vợ đến nổi có nhiều điều tôi chưa kịp nói ra thì anh đã hiểu tôi đang quan tâm hay lo nghĩ đến vấn đề gì rồi. Và anh nhanh chóng giải quyết cho tôi an tâm, hoặc giải thích cho tôi tận tường để tôi không còn thắc mắc hay lo lắng gì nữa.

Giờ anh đã đi xa vời vợi. Không còn đồng hành dắt dìu tôi đi qua các con đường thong dong sáng sủa cũng như những hẻm hốc gập ghềnh mù tối nữa.
Tôi phải tự đẩy mình đi tới thôi. Mà đường-đời của tôi có lẽ còn dài ??? ( Đâu ai biết ngày sau sẽ ra sao, thế nào. Có thể tôi sống đến trăm năm, mắt mờ răng rụng đi đứng liêu xiêu. Có thể buổi chiều còn nói cười hớn hở, còn xí xọn mặc cái áo mới mua vừa ý thì buổi tối ngủ rồi không bao giờ thức nữa cũng nên).
Vì vậy tôi muốn mình phải cười dù trong lòng rười rượi, tôi muốn mình phải năng động hoà nhập với tha nhân dù đôi khi chỉ muốn được một mình một góc trời riêng.
Tôi muốn tận dụng tối đa thời gian ngắn ngủi không bị phí hoài cho đoạn đường đời còn lại. Mỗi sinh linh chỉ có một lần để sống trên cõi hồng trần nầy thôi, mặc cho Phật Giáo bảo có nhiều kiếp, nhưng đó là kiếp khác của một người khác, thân xác khác rồi đâu còn là TA của hiện thời nữa.

Vì vậy mà tôi du lịch càng hăng hái, vì sợ ”tuổi già sồng sộc nó thì theo sau”, sợ nhức lưng đau đầu gối không di chuyển được phải ngồi một xó. Chính vì càng sợ mai mốt bịnh yếu hết đi nổi mà tôi càng“ nhấn ga” bạo luôn.

Chồng tôi sẽ hài lòng và hãnh diện lắm nếu thấy tôi biết tận dụng tháng ngày vắng anh để thăm ngắm chiêm ngưỡng những danh lam thắng cảnh trên thế giới chớ không ngồi ôm gối nỉ non than khóc như một goá phụ đáng thương hại

3/-
Tàn thu rồi !
Mùa đông mang từng đợt gió lạnh đến. Trong không gian giá buốt tê dại ta có thể cảm nhận được hơi hướng của trận tuyết đầu mùa sắp bủa chụp xuống nhân gian. Thế nên tôi tạm gác lại những chuyến đi xa.

Chân nghỉ ngơi, thì may ra trung khu thần kinh hướng dẫn chữ viết hoạt động lại chăng ? 

Hồi đầu năm, tôi có dịp đi V N. Hai vợ chồng bạn cũng cùng về, nhân dịp rủ tôi ra bắc chơi một tuần. May mắn là bạn có thân nhân ở ngoài ấy, chúng tôi được các “ thổ công” hướng dẫn và đồng hành tận tình không rời nửa bước nên không sợ bị bắt nạt trả tiền gấp nhiều lần hơn người địa phương, cảnh ăn “phở mắng bún chưởi” mà chính các cháu tôi từng là chứng nhân trong cuộc. Tôi sẽ kể lại ở phần dưới.

Tôi chỉ ghé qua Hà Nội ngày đầu và ngày cuối—Hà Nội 36 phố phường thơ mộng chỉ còn là dư âm, là trong văn chương tiểu thuyết nên không thu hút tôi được — chúng tôi rong ruổi ngược xuôi qua các thành phố Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng ( Đồ Sơn). Rồi nào là Yên Bái, Lào Cai, Sapa, Sơn La , Ba Vì… Đặc biệt núi rừng Tây Bắc Mộc Châu là nơi để lại trong lòng tôi nhiều cảm xúc sâu đậm nhất.

Những địa danh lịch sử mang hơi hướng lãng mạn lẫn hào hùng tôi đã từng say mê đọc qua các tác phẩm thi ca cũng như truyện dài, ngắn, bút ký…của các văn sĩ thời tiền chiến & VNCH . Suốt dọc đường tôi vừa ngắm cảnh núi non hùng vĩ trùng điệp vừa mơ màng nghĩ về các đấng tiền nhân, cha ông đã đổ máu cùng nước mắt để dựng và giử gìn đất nước cho con cháu đời sau. 

Đi qua Yên Bái, tôi nghĩ đến anh hùng Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí Việt Nam Quốc Dân Đảng bị Pháp xử chém với câu nói để đời :

Không thành công thì thành nhân 

Mà bùi ngùi kính tiếc cho các chí sĩ vị quốc vong thân. Xin thắp nén hương lòng dâng anh linh các Ngài chứng giám.

Đi qua Ba Vì, tôi liên tưởng đến những vần thơ Quang Dũng:

Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy núi Ba Vì

Vầng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây phương
Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương?
……………
Đôi mắt người Sơn Tây
U ẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
    (Đôi mắt người Sơn Tây )

Đi qua đoạn đường quanh co khúc khuỷu ôm vòng dãy núi hoang sơ hùng tráng Pha Luông để đến Mộc Châu. Cảnh cây rừng được bao phủ bởi lớp mây mù và khói sương huyền ảo gây vào lòng lữ khách nỗi bùi ngùi man mác không tên.
Có nhiều mảnh ruộng thang bậc được người dân thiểu số  trồng lúa, bắp….đẹp như tranh vẽ, tôi lại nhớ tới bài thơ Tây tiến của Quang Dũng:

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
…..
Tây tiến đoàn quân không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
        ( Tây tiến )

Và nhất là bài hát:

Mờ trong bóng chiều
Một đoàn quân thấp thoáng
Núi cây rừng
Lắng tiếng nghe hình dáng
Của người anh hùng
Lạnh lùng theo trống dồn
Trên khu đồi nương
Im trong chiều buông
…..
Rừng trầm phai sắc
Thấp thoáng tàn canh
Hỡi người chiến sĩ vô danh
    ( Chiến Sĩ Vô Danh, Phạm Duy )

Phải những ai đã từng hiện diện nơi nầy thì mới thấu được những cảm xúc mãnh liệt hùng hồn thê lương như vậy.
Ngồi viết lại mà tôi còn thấy gờn gợn mọc gai trên tóc.

Tôi chưa có dịp đi nhiều ở miền bắc, nhưng trong chuyến đi vừa qua cảnh sắc thiên nhiên ở Mộc Châu khiến lòng tôi xao động nhất.

Mộc Châu có nhiều thắng cảnh đẹp tự nhiên, đặc biệt là các cánh đồng trồng chè. Người miền Nam gọi là trà,tôi là dân miền Nam chính gốc “bắt con cá gô bỏ chong gỗ, nhảy gồ gồ” “ hôm qua qua nói qua qua mà qua hổng qua, bữa nay qua hổng nói qua qua mà qua qua mình ên “ nhưng ở đây tôi thấy dùng tiếng đồi chè Mộc Châu lại nên thơ hơn chữ trà, không biết tại sao nữa.


Sơn Nữ bên đồi chè Mộc Châu
Không khí ban mai những ngày giáp tết Nguyên Đán mát mẻ trong lành. Hoa ban, hoa mận, hoa đào, hoa cải cúc…cùng nhau khoe sắc cho đời chiêm ngưỡng. Tức cảnh sinh tình,chúng tôi cũng vui lây với các trò trẻ con mộc mạc nên thuê y phục người Thái hay H’ Mông gì đó đóng giả làm sơn nữ chụp mấy tấm hình kỷ niệm—cũng là một cách giúp các phụ nữ miền núi kiếm thêm thu nhập vậy—

Tôi yêu các địa danh miền bắc này, một miền bắc tôi biết qua nhóm Tự Lực Văn Đoàn với các văn sĩ tôi yêu mến Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam..; với những vần thơ của Lưu Trọng Lư, Đinh Hùng, Nguyễn Bính, Hữu Loan, Quang Dũng…nhạc của Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Đặng Thế Phong… 

Ôi !!
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ ?!
   ( Ông Đồ, Vũ Đình Liên )

4/-
Một tuần ở Bắc, tôi được thử vài món ăn tiêu biểu địa phương. “Người bạn thổ công “ đất Hà-thành chịu khó đưa chúng tôi đến các địa chỉ nhà hàng hoặc quán ăn chuyên về. Tôi chấm được món xôi gấc với gà, cải xanh trồng nhiều vùng thượng du như Lạng Sơn, và bưởi Diễn!! 

Ôi chu choa, nhắc đến bưởi Diễn tôi vẫn còn nghe dư vị thơm mùi muscat ngọt lịm trên đầu lưỡi. Trái bưởi chỉ lớn hơn trái cam vàng chút ít, các múi tim tím mọng nước tôi có thể ăn một lúc 2 trái như không.Thế mà ban đầu chúng tôi khinh thường nó chứ, vì lúc đến nhà bạn thấy vài chục trái bưởi vứt lăn lóc dưới nền, trái nào trái nấy nhăn nhúm héo quắt  củ mèm như... phần thân thể nhạy cảm của cụ bà 90. Bạn nói để xẻ bưởi cho chúng tôi ăn đở khát trong lúc chờ bữa cơm chính, tôi nghĩ thầm:

— Bưởi gì nhìn chả thấy hấp dẫn, chắc chua lắm đây.
Ai ngờ khi bóc vỏ ra thì bên trong mọng nước màu tím đẹp thanh nhã, ăn đến đâu mát lịm đến đấy. 
Bạn giải thích là đến mùa bạn mua mỗi lần cả trăm trái, rồi cứ thế bỏ mặc cả tháng hoặc hơn, cho đến khi nào chúng già quắt lại mới bóc vỏ ăn, càng xấu xí nhăn nheo thì càng ngon ngọt.

Rút ra bài học, là đừng có coi thường hình thức nhé.

Thế là ngày nào tôi cũng ăn bưởi Diễn, cải xanh Lạng Sơn, và thường xuyên gọi món xôi gấc với gà luộc.

A quên kể, còn một món mà tôi rất thích, là khoai lang .
Khoai lang tím đặc biệt bán nhiều ở Mỹ và Canada. Ở châu Âu , rất hiếm khi tôi thấy. Nên lần nào sang Bắc Mỹ tôi đều lợi dụng ăn nhiều như có thể.
Về VN tôi cũng lùng khoai lang luộc hoặc nướng: trắng, tím, vàng... 

Có phải trong môn triết lớp đệ nhất, phần tam đoạn luận có câu : 
Cái gì hiếm thì quí
Con ngựa què thì hiếm
Vậy con ngựa què thì quí

Mà các giáo sư giảng là phép nguỵ biện. Tương tự, tôi cũng có thể dùng tam đoạn luận để bàn về khoai lang như sau:
Cái gì hiếm thì quí
Mà khoai lang ở xứ tôi sống thì hiếm 
Vậy khoai lang thì quí

Mở ngoặc: Ở Thuỵ Sĩ cũng có bán khoai đầy hết, có điều không giống như khoai tôi ăn thời còn ở quê nhà: dẻo ngọt.

Và dưới đây là lý do chính vì sao tôi đề cập đến chuyện ăn dài dòng văn tự như vậy. Coi như một chấm mực rơi ẩu trên trang giấy trắng.

Chả là tôi thèm ăn khoai lang, khi lên Sapa chơi trở xuống ngủ trọ lại khách sạn Lào Cai. Ở đó có chợ tối. Đêm đông lạnh, thơ thẩn lang thang qua các phố đèn vàng, tưởng tượng được cầm trên tay củ khoai mật vàng ươm nướng lửa than hồng rực vừa lấy ra, đã thấy nước miếng tuôn ra rồi. Cô gái trong y phục người H’Mong hay Dao, Tày gì đó vừa nướng mấy củ khoai to tròn trên bếp than, một tay còn lại thì cầm củ khoai bẻ nửa, lộ ra phần thịt vàng đỏ ươm màu mật. Cô vừa dùng hai ngón tay cái và trỏ rứt chút khoai giả vờ cho vào miệng, vừa lên tiếng mời chào khách vãng lai. Tôi níu tay cô bạn bắt trở lại để mua cho bằng được ba củ đã nướng chín còn nằm trên vỉ. Hình như mỗi củ cô sơn nữ tính 20 chục ngàn . Cô bạn tôi cũng là “ người trở về từ miền đất lạ” nên không trả giá, chỉ hỏi gặng lại là có đúng khoai lang mật y như củ khoai sơn nữ cầm trên tay không? Cô trả lời chắc nịch là cam đoan đúng, nếu không phải thì xin đem trả lại, cô sẽ hoàn tiền. Chúng tôi chỉ mong cô bán loại khoai như chúng tôi tìm chứ không phải chuyện tiền nong. Cô cam kết thêm lần nữa. Thế là yên tâm.

Chúng tôi hí hửng như vừa bắt được món ngon. Vừa đi vừa bẻ ra ăn. Ôi trời! Màu mật thắm tươi đâu không thấy, mà chỉ là ba củ khoai thường bán đầy các chợ V N ! Tức vì bị lừa, chúng tôi vứt bỏ luôn không buồn đụng đến nữa.

Tôi vẫn nhiều lần lẩn thẩn tự hỏi : 
— Ai cũng cho là các sắc dân thiểu số là những người có bản chất thật thà trung hậu, không hề ăn gian nói dối. Thế sao cô sơn nữ nầy lại lừa được chúng tôi dù chỉ là mấy củ khoai lang nướng? Cô học cái trò ma mãnh nầy từ đâu? Xã hội? Giáo dục? Hay “ gần mực thì đen, gần đèn thì sáng “?

Trò lừa đảo hay móc túi thì ở đâu cũng có, chính tôi cũng 1 lần bị móc túi ở Milan, Ý, một lần ở ngay kinh thành ánh sáng Paris ( không lần nào kẻ gian thành công ). Nhưng tôi ngạc nhiên là một sơn nữ sống ở miền sơn cước bán khoai lang nướng cũng lừa khách thì… 

…bên tai tôi văng vẳng nhịp điệu bài hát:

Một đêm bên rừng vắng
Ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh thấp thoáng bóng cô sơn nữ miệng cười xinh xinh..
Một đêm trong rừng vắng
Có cô sơn nữ miệng cười khúc khích ngắm anh lữ khách rồi lòng bâng khuâng
 ( Sơn Nữ Ca, Trần Hoàn )

Hình ảnh cô sơn nữ quyến rũ là thế, ngây thơ là thế, sao khác với đời thực là thế?

Lại kể thêm câu chuyện khác rằng: cháu tôi có dịp ra Hà Nội, khi vào quán kêu tô phở thấy cho ít giá, rau thơm cháu lên tiếng nói khéo:
— Cô ơi, cô làm ơn cho cháu xin thêm dĩa giá và rau thơm cô nhé!
Bà chủ quán liếc cặp mắt lá răm sắc như dao cạo, xong phán một câu:
–– Ở đây không có cái gì là cho không cả, chỉ bán thôi.

Có lẽ dân địa phương đã quen nghe nên họ thản nhiên, nhưng người miền Nam bị tiếp đãi như vậy thì chắc chắn là “ một đi không trở lại bao giờ “, đúng không nào! 
Lại có lần cháu vào một quán ăn khác. Thấy tính tiền bàn bên cạnh giá khác, nhưng tính với cháu thì giá gấp đôi hay ba gì đó, cháu hỏi thì chủ quán trả lời tỉnh bơ:
— Đấy là người sống ở đây, còn người nơi khác đến thì giá khác .

Tôi tin rằng thuở xưa đã có một Hà Nội vàng son thanh lịch mà biết bao văn, thi, nhạc sĩ ca ngợi ..
Nhưng giờ đây chỉ là một câu truyện cổ tích mà thôi.

Thanh Hà Switzerland

LCDF, 18 Nov 2018




2 nhận xét:

  1. Lâu lắm rồi mới gặp lại bài viết của TH... Thì ra là bận “du sơn ngoạn thủy”... ganh tị nghen!
    Bài bút ký thật hay, chạnh lòng với bao nhiêu nuối tiếc mặc dầu tôi chưa hề có “dịp may” viếng thăm quê hương miền Bắc của mình.
    Thôi thì sáng nay trong phòng lab, cùng sơn nữ TH “chu du sơn thủy” một vòng... NNH

    Trả lờiXóa
  2. Thanh Hà cám ơn Thầy Hoàng đã có lời nhận xét hay về bài viết , khiến Th H có cảm tưởng mình trở lại là cô nữ sinh trung học được Thầy chấm điểm bài luận vậy. Hơn nữa, được biết Thầy vốn là giáo sư dạy văn nên lời Thầy càng làm Th H vui nhiều.
    Thật ra bài này cũng không có gì đặc sắc, có chăng là xuất phát từ cảm xúc thật, nuối tiếc về một thời quá khứ mà thôi.
    Nhân đây Th H chúc mừng Thầy đã bình phục sau cơn bạo bệnh nguy hiểm. Chúc gia đình Thầy luôn an lành hạnh phúc. Th H

    Trả lờiXóa