Tùy bút của Thầy Nguyễn Ngọc Hoàng
Hôm nay vừa ngồi vào bàn làm việc đã nhận được nhiều tin nhắn của bạn bè báo tin người nhạc sĩ lớn, tài hoa của nền âm nhạc Việt Nam, một người con của Rạch Giá: nhạc sĩ Lam Phương đã vĩnh viễn ra đi. Lại thêm một tin buồn nữa sau ca sĩ, danh hài Chí Tài, nay đến nhạc sĩ Lam Phương ra đi vào những ngày cuối của tháng 12, 2020. Nhạc sĩ Lam Phương qua đời ở tuổi 83, tối 22/12 sau thời gian chữa tai biến mạch máu não tại Fountain Valley, California.
Trên Facebook của trung tâm Thúy Nga - Paris By Night đã chia sẻ:
• "Một vì sao sáng trên bầu trời nghệ thuật đã vừa vụt tắt. Một trong những tên tuổi lớn nhất của âm nhạc Việt Nam đã vĩnh viễn ra đi. Nhạc sĩ Lam Phương vừa trút hơi thở cuối cùng vào lúc 6:07 tối ngày 22 tháng 12, 2020 tại thành phố Fountain Valley, California.
• Cuộc đời đầy thăng trầm biến động của người nhạc sĩ tài hoa đã khép lại. Sự ra đi của ông là 1 mất mát to lớn cho nền nghệ thuật Việt Nam. Trung tâm Thuý Nga cùng toàn thể các ca nghệ sĩ xin tri ân nhạc sĩ Lam Phương cho tất cả những đóng góp của ông, và thành kính phân ưu cùng tang quyến. Cầu mong nhạc sĩ yên nghỉ nơi cõi lành. "Nắng xuyên qua lá, hạt sương lìa cành Đời mong manh quá, kể chi chuyện mình Nắng buồn cuộc tình, bỗng tắt bình minh..."
"Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng. Ông sinh ngày 20 tháng 3 năm 1937 tại làng Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang và là anh cả trong một gia đình gồm 6 người con. Trong số có 2 người em gái ở Việt Nam mà một người đã qua đời vì bệnh tiểu đường.
Năm 15 tuổi, ông đã viết ca khúc đầu tay "Chiều Thu Ấy", sau đó đến "Kiếp Nghèo" được nhiều người yêu mến. Ba năm sau, ông viết hàng loạt bài về quê hương, nổi tiếng nhất là "Khúc Ca Ngày Mùa". Album nhạc Lam Phương được nhiều ca sĩ chọn phát hành như: Hương Lan, Bạch Yến, Lưu Hồng, Họa Mi, Ý Lan, Hạ Vy, Ngọc Anh, Lệ Quyên...
Nổi danh từ năm 17 tuổi với 2 sáng tác Chuyến Đò Vĩ Tuyến và sau đó là Kiếp Nghèo, Lam Phương là 1 trong những tác giả có sức ảnh hưởng và được yêu mến nhất với vô số những tác phẩm nổi tiếng như Thành Phố Buồn, Duyên Kiếp, Tình Bơ Vơ, Đèn Khuya, Nắng Đẹp Miền Nam, Khúc Ca Ngày Mùa, Tình Anh Lính Chiến, Đoàn Người Lữ Thứ, Biển Tình, Lầm, Say, Bài Tango Cho Em, Mùa Thu Yêu Đương, Tình Vẫn Chưa Yên..." (Theo tin BBC)
Rạt rào hạt mưa rớt nhanh
Lạnh lùng mưa xuyên áo tơi
mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh
Lầy lội qua muôn lối quanh
Gập ghềnh đường đê tối tăm
Ngập ngừng dừng bên mái tranh
nghe trẻ thơ thức giấc bùi ngùi
Êm êm tiếng hát ngân nga ôi lời mẹ hiền ru thiết tha
Không gian tím ngắt bao la như thương đường về quá xa
Mưa ơi có thấu cho ta lòng lạnh lùng giữa đêm trường
Đời gì chẳng tình thương không yêu thương..."
(Xin bấm vào link dưới đây để nghe)
Vào năm 1970, nhạc sĩ Lam Phương cùng ban văn nghệ Hoa Tình Thương của quân đội VNCH lên Đà Lạt biểu diễn. Khi ông đang ở nơi nghỉ ngơi, nhạc sĩ nhìn xuống dưới đồi núi sương khói che phủ bao quanh rừng thông nên đã có cảm xúc viết nên bài hát "Thành Phố Buồn". Sau khi về Sài-gòn, Lam Phương đem xuất bản bài hát và lập tức bán rất chạy, thu lời tiền bản quyền gần 12 triệu đồng. Bài hát được xem là một kỷ lục xuất bản nhạc lúc bấy giờ.
Nơi chúng mình tìm phút êm đềm
Thành phố nào vừa đi đã mỏi
Đường quanh co quyện gốc thông già
Chiều đan tay nghe nắng chan hòa
Nắng hôn nhẹ làm hồng môi em
Mắt em buồn trong sương chiều..
Anh thấy đẹp hơn..
(Xin bấm vào link dưới đây để nghe)
Năm 1975, sau vài tháng ở trại tỵ nạn, gia đình nhạc sĩ Lam Phương được bảo trợ về định cư tại thành phố Virginia Beach, trước khi dọn về Falls Church, tiểu bang Virginia. Năm sau gia đình ông lại dời về thành phố Dallas và kế đến là Houston. Thời gian này, cố nhạc sĩ đã phải làm đủ thứ nghề, từ lau sàn nhà, dọn dẹp cho hãng Sears, đến những việc nặng nhọc như thợ mài, thợ tiện.
Đến năm 1981, ông đổ vỡ với người vợ đầu là nữ kịch sĩ Túy Hồng. Sau đó, ông quyết định sang Pháp cùng với cô em út ở Paris.
Thời gian sống ở Paris chính là thời gian sáng tác dồi dào nhất của ông với khoảng trên 100 nhạc phẩm trong tổng số 200 nhạc phẩm trải dài suốt cuộc đời âm nhạc của ông.
Theo các nhà đánh giá, Pháp đã ảnh hưởng sâu xa đến dòng nhạc của Lam Phương, mối tình Paris với cô Cẩm Hường cũng khiến ông cho ra đời nhiều tình khúc làm say lòng khán giả như: Tình bơ vơ, Cho em quên tuổi ngọc, Lầm, Buồn, Say, Mơ, Hạnh phúc mang theo, Ngày tạm biệt, Bài tango cho em hay Mùa thu yêu đương...
"Từ ngày có em về,
nhà mình toàn ánh trăng thề.
Giòng nhạc tình đang tắt lâu,
tuôn trào ngọt ngào như giòng suối.
Anh yêu phút ban đầu,
đẹp nghiêng nghiêng dáng em sầu.
Trong mắt em buồn về mau,
em ơi có khi nào lần gặp đây cho mai sau.
Tiếng đàn hòa êm ái,
nhịp bước em thêm lả lơi.
Cung điệu buồn chơi vơi,
đôi tâm hồn riêng thế giới..."
(Xin bấm vào link dưới đây để nghe)
Đến năm 1995, ông trở về Mỹ và sống tại tiểu bang California cho đến khi ra đi.
Gia tài âm nhạc đồ sộ của ông thường được nhắc đến như: bất cứ ca sĩ nào của Việt Nam trong sự nghiệp ca hát của mình ít nhất phải trình bày một hay nhiều ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương. Nền âm nhạc Việt Nam mất đi một tên tuổi lớn, sinh hoạt văn học nghệ thuật mất đi một nhạc sĩ tài hoa đã cống hiến trọn đời mình cho nghệ thuật:
Thành kính phân ưu cùng gia đình mhạc sĩ Lam Phương.
Xin cầu nguyện cho linh hồn ông sớm siêu thoát, yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng.
Durham, North Carolina
Nguyễn Ngọc Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét