Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2020

Tấm Thiệp Tết Bất Ngờ - Kỳ 2

 Truyện ngắn của Nhã Quân


Những năm sau đó cậu Hai Hoàng tiếp tục lên Sài Gòn để hoàn tất chương trình học thi Tú Tài. 
Những ngày Hè cậu Hai Hoàng nôn nao về quê và luôn có những món quà kỷ niệm cho cô Tư.  Cậu gần như được tự do sang thăm viếng cô Tư và họ có được những niềm vui trọn vẹn.  Cha mẹ hai bên ai cũng mừng thầm và mong cái ngày hai trẻ sẽ thành chồng vợ.  Xong năm thứ hai của bậc trung học, cậu Hai Hoàng đề nghị với cô Tư sẽ nhờ mai mối sang nhà cô, xin làm đám hỏi để cậu Hai yên bụng, lo chuyện học hành.  Cô Tư vui vẻ đồng ý.  Cha mẹ cậu Hai nhờ bà Cả Nhơn đứng ra lo chuyện mối mai. Vì là chỗ bà con, lại nữa chuyện của cô Tư và cậu Hai đã được cha mẹ hai bên chấp thuận, cho nên bà Cả Nhơn thấy ăn chắc là chuyện sẽ suông sẻ, cho nên bà săn sái nhận lời.  Đúng như bà Cả Nhơn dự đoán, cha mẹ cô Tư chấp nhận lời cầu hôn của cậu Hai Hoàng, nhưng cũng hỏi ý kiến con mình.  Cô Tư bẻn lẻn trả lời “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó”.  Nói là nói vậy chớ cô Tư mừng như mở cờ trong bụng.  Rồi đến cái chuyện quan trọng là coi tuổi tác của hai đứa, chọn ngày tốt để tiến hành đám hỏi.  Bà Cả Nhơn, đem tin vui về thông báo lại với gia đình cậu Hai Hoàng.  Ông bà Cả Quý mừng rỡ hỏi tuổi cô Tư Diệu.  Bà Cả Nhơn cho biết cô Tư tuổi Thân.  Ông Cả Quý kêu, “Trời ơi, vậy là không được rồi!  Con Diệu là tuổi Giáp Thân, còn thằng Hoàng là tuổi Mậu Dần.  Đúng là dần thân tỵ hợi tứ hành xung!”  Bà Cả lo lắng, “Hổng được đâu, hai tuổi nầy kỵ tới chết người lận à nghen!” vừa nói, bà vừa nghĩ đến cái chết của cô Út Phụng.  Trong thâm tâm ông bà rất thương mến cô Tư Diệu, nhất là từ sau khi mất đứa con gái, bà Cả Quý dành cho cô Tư sự thương yêu như con mình.  Nhưng đây là chuyện sống chết, có ảnh hưởng tới thằng con trai trưởng của bà chớ đâu phải chơi!  Bà Cả Nhơn trấn an, “Tuy là tuổi kỵ, nhưng còn ngày sanh, tháng đẻ nữa, để tui rước thầy về coi cho rõ ràng.”  Nghe đồn ông thầy Ba coi số tử vi nỗi tiếng ở huyện Long Mỹ, bà Cả Nhơn cho người làm đi mời thầy.  Thầy rất tinh thông về Tử Vi Đẩu Sô, rất am tường về Bói Dịch và đoán việc như thần. Sau khi bấm quẻ, và phân tích về sự tương sinh và tương khắc ngũ hành của thiên can, thầy dạy là hai cái tuổi của cậu Hai Hoàng và cô Tư Diệu có xung khắc, nhưng có thể giải trừ nếu hai bên đừng làm đám cưới, đám hỏi rình rang, chỉ cần làm một tiệc nhỏ để ra mắt hai họ. Bà Cả Nhơn thông báo cho hai bên lời dạy của thầy.  Ông bà Cả Quý lúc đầu phân vân.  Là ông bà Cả trong làng mà làm đám cưới, đám hỏi cho con trai trưởng đơn sơ như vậy thì coi làm sao cho được, nhưng cậu Hai Hoàng một mực năn nỉ má, cho nên rốt cuộc, ông bà Cả phải chìu con. Riêng về ba má cô Tư, nhứt là ba cô, ông có vẻ tin lời thầy, nhưng cái việc làm đám hỏi, đám cưới đơn sơ thì không đời nào ông chịu. Ông lý luận là con gái chỉ có một lần cưới, phải làm sao cho nở mày nở mặt cha mẹ.  Má cô, mặc dù tin vào lời dạy của thầy, nhưng bà cũng không thể dễ dàng quên đi cái chuyện “tứ hành xung” có thể gây chết người đó được.  Rốt cuộc, ông bà tìm cách hẹn lần hẹn lửa.  Cô Tư thì cứ rút vào trong phòng khóc thầm. Má cô biết nỗi khổ tâm của con gái, nhưng nghĩ đến cái chết của cô Út Phụng, bà nghe hồi họp trong lòng.  Bà khuyên lơn, “Con còn nhỏ mà, ba má cũng thương thằng Hoàng lắm, nhưng mà ý của ba mầy đã quyết.  Để từ từ má khuyên can ba mầy.”  Thấy thái độ do dự của ba má cô Tư, cậu Hai Hoàng sốt cả ruột, cậu sang thăm ông bà Cả Nhơn thường hơn, nhờ ông bà Cả tiếp lời năn nỉ. Mãi cho đến khi cậu Hai Hoàng trở lại Sài gòn, chuẩn bị cho năm học sau, ba má cô Tư vẫn chưa trả lời dứt khoát.  Trước hôm lên Sài gòn, cậu Hai Hoàng ghé lại thăm gia đình cô Tư và đích thân xin vào thưa chuyện với ba má cô Tư. Ba má cô Tư hứa sẽ bàn lại rồi cho gia đình bên cậu Hai rõ. Cô Tư thập thò bên trong màn cửa, nghe lóm câu chuyện của câu Hai Hoàng và ba má, cô rơm rớm nước mắt.  Lúc tiển cậu Hai ra xe, dưới tàng cây xoài cạnh hàng rào, cậu Hai bạo dạn nắm lấy tay cô an ủi, “Thế nào ba má em cũng sẽ nghĩ lại mà cho tụi mình thành chồng vợ.” Cô Tư rút tay về, lau vội nước mắt rồi chạy vào nhà.  Cậu Hai nói vói theo, “Anh sẽ viết thơ cho em.”

Không ngờ đó là lần sau cùng hai người gặp nhau.  Cậu Hai Hoàng giữ đúng lời hứa, ngay sau hôm lên đến Sài gòn, câu biên thơ ngay về cho cô Tư.  Cuối thơ cậu căn dặn là nhớ trả lời thơ cậu, kẻo cậu trông.  Nhưng nỗi chờ trông của cậu càng dài thêm theo ngày tháng đi qua, mà cậu vẫn không nhận được một hồi đáp nào của cô Tư.  Trong khi cô Tư mỏi mòn trông đợi thơ cậu.  Cô Tư đau khổ chờ mong tin cậu Hai, cô nghĩ hay là chốn phồn hoa đô hội của thị thành đã làm cậu Hai thay đổi.  Cô Tư đâu biết là ba cô đã cho người làm căn dặn người đưa thơ, phải giao thơ tận tay ông và nếu các cô trong nhà có hỏi thì nói là không có thơ. Trong khi đó có mấy nơi nhờ mai mối đến dạm hỏi cô, ba má cô hỏi ý, nhưng cô Tư đều từ chối.  Sau nhiều lần gởi thơ cho cô Tư mà vẫn không có hồi âm, cậu Hai quyết định viết thơ về gia đình cậu, hỏi thăm tin tức về cô Tư.  Ông bà Cả Quý, ban đầu rất có thiện cảm với cô Tư và gia đình, nhưng thái độ dần dà, không dứt khoát của ba má cô Tư làm ông bà Cả tự ái; nhất là bà Cả, bà nghĩ, “Gia đình của mình có thua kém gì họ đâu mà họ làm cao?”  Cho nên khi nhận được thơ cậu Hai Hoàng, bà cả tức tốc sai người viết thư báo cho cậu Hai Hoàng hay là ba má cô Tư không bằng lòng và thôi đừng trông đợi gì nữa, vì cô Tư Diệu sắp lấy chồng.  Được tin sét đánh đó cậu Hai đau khổ đến cùng cực, nhưng cũng muốn làm sáng tỏ, cậu viết một lá thư cuối cho cô Tư, với lời lẽ hờn trách.  Nhưng rồi là thơ đó cũng cùng chung số phận với những lá thơ trước, không bao giờ đến tay cô Tư Diệu. 

Những tin tức từ gia đình của cậu Hai Hoàng, nói về cô Tư Diệu, càng làm cho cậu Hai tuyệt vọng.  Mùa Hè năm đó cậu quyết định không về quê và viện lý do là phải ở lại để học luyện thi cho kỳ thi Tú Tài sang năm.  Tin cậu Hai Hoàng không về quê nghỉ Hè làm cô Tư buồn đến mất ăn, mất ngủ.  Cô thường tự nhốt mình trong phòng, và mang những món quà kỷ niệm của cậu Hai tặng, săm soi rồi khóc một mình.  Cô thầm trách cậu Hai sao bạc tình bạc nghĩa.  Má cô Tư thấy con buồn mà xót xa trong lòng.  Bà tự trách mình sao không bằng lòng phức chuyện hỏi cưới của cậu Hai Hoàng, để giờ nầy con bà khỏi phải khổ sở.  Nhưng rồi bà cũng tự bào chữa là bà đã làm một việc rất đúng, ai mà dám đánh liều với số mạng con gái mình chớ.  Để cho cô Tư nguôi ngoay chuyện buồn, bà thường tìm cách đưa cô đi đây đi đó.  Có khi đi xuống chợ huyện mua sắm, có khi đi dự những đám hỏi, đám cưới của bà con họ hàng, có khi đi xem hát bội trong dịp lễ Kỳ yên.  Bà còn cho người nhắn với người con gái lớn, đã lập gia đình với con trai ông Cả bên làng Vị Thũy, về chơi để an ủi em.   Rồi trong cái dịp tham dự đám cưới con gái ông Cả làng Vị Thũy, chị Hai cô nài nĩ ba má cho cô Tư cùng đi theo.  Cô Tư cũng chưa nguôi ngoay được nỗi buồn, nên từ chối.  Chị Hai cô phải năn nỉ hết lời, cô mới bằng lòng.

Khoảng hai tháng sau ngày đám cưới, bà Cả bên Vị Thũy sang thăm ông bà xui, ngõ lời mai mối cô Tư.  Số là cậu Hai Phùng, con ông Cả ở huyện Phụng Hiệp, trong lần theo đàn trai sang rước dâu bên làng Vị Thũy, thấy cô Tư có mặt trong đám cưới lần đó, cậu để ý. Hỏi thăm ra mới biết cô Tư là con gái của xui gia với ông bà Cả làng Vị Thũy, cho nên cậu về thưa chuyện với ba má cậu, nhờ bà Cả làm mai mối.  Thấy con gái mình cứ mãi buồn rầu, ba má cô Tư cũng muốn cho cô yên nơi, yên chỗ cho xong.  Hỏi ý cô, thì cô Tư trả lời, “Ba má muốn sao cũng được!”. Thực tình, gần hai năm trôi qua, vẫn không có tin tức gì về cậu Hai Hoàng, cô Tư cảm thấy không còn thiết tha gì nữa.  Sau nhiều lần từ chối bao nhiêu đám đến dạm hỏi, ba cô Tư càng tỏ ra có nhiều áp lực với mẹ con cô hơn. 

Cái hôm đám hỏi cô Tư, nhà cô chuẩn bị rình rang.  Bên đàng trai, hơn mười người, bao nguyên một chiếc xe chở khách.  Họ đến nơi khoảng 7 giờ sáng, nhưng mãi đến 9 giờ, đúng là giờ đại kiết, họ mới được mời vào.  Ông bà Cả làng Vị Thũy cũng có mặt, và tháp tùng với đàn trai.  Ba má cô Tư ân cần tiếp đón khách. Trong khi chị em cô Tư lấp ló đằng sau những tấm màn cửa để nhìn mặt cậu Hai Phùng.  Ai cũng khen cậu Phùng trông bảnh trai.  Cô Tư giã vờ như không để ý, nhưng trong bụng cứ đánh lô tô!  Sau khi ông bà Cả làng Vị Thũy, với tư cách ông bà mai, tuyên bố lý do và gia đình đàng trình lễ vật.  Cô Tư trong chiếc áo dài màu hồng lợt, ra chào bà con. Đến lượt chào cậu Hai Phùng, cô liết mắt thật nhanh, cuối đầu chào, rồi e thẹn bước sang đứng bên mẹ.  Cậu Hai Phùng lấy làm đắc ý, nhìn đôi má ửng hồng của cô Tư.

Sáu tháng sau, đám cưới diển ra. Cũng chiếc xe chở khách lần trước, nhưng lần nầy có kết hình cổng đám cưới bằng cây đủng đỉnh và lá dừa rất đẹp.  Lúc tiển dâu, cô Tư bịn rịn mãi bên mẹ, sụt sùi. Má cô bùi ngùi rơi nước mắt.  Câu Hai Phùng ân cần đến bên cô an ủi.  Lúc lên xe, cô Tư quay nhìn lại mẹ cha, chị em và ngôi nhà mà cô đã lớn lên với biết bao nhiêu kỷ niêm. Cô nhìn gốc cây xoài, cạnh hàng rào, chỗ cô chia tay với cậu Hai Hoàng lần cuối, bất giác cô không cầm được nước mắt, áp mặt vào ngực cậu Hai Phùng, khóc nức nở.  

Nhà cậu Hai Phùng nằm trên con rạch nhỏ, từ đó ra vàm sông lớn, có đường xe chạy, phải đi bằng ghe và mất khoàng hai tiếng đồng hồ.  Mấy ngày đầu về nhà chồng, mặc dù cậu Hai Phùng rất đổi cưng chiều, nhưng vì lạ cảnh lạ quê, nhất là phải giữ gìn ý tứ với cha mẹ và mấy cô em chồng, cô Tư buồn thắt thẻo.  Có những buổi chiều cô ra bờ rạch, nhìn con nước ròng trôi lặng lờ, nhìn những rặng trâm bầu rũ ngọn, im lìm in bóng trên dòng nước, cô bất giác nhớ cha mẹ, chị em, nhớ cậu Hai Hoàng đến rơi nước mắt.  Trước đây nghe bà Cả làng Vị Thũy kể chuyện trắc trở của cô Tư và cậu Hai Hoàng, cậu Hai Phùng càng yêu thương cô Tư và cậu hy vọng một ngày nào đó cô Tư sẽ nguôi ngoay.  Thời gian qua, thắm thoát rồi cô Tư cũng có hai mặt con với cậu Hai Phùng.  Cô đã bằng lòng với số phận của mình. Nhưng rồi khi quân Pháp trở lại Đông Dương, cuộc chiến tranh bắt đầu lan rộng khắp các tỉnh miền Nam. Sự đi lại càng khó khăn hơn vì sự phân chia khu vực của lực lượng Việt Minh và các giáo phái ở miền Nam.  Phải trải qua những đợt Tây ruồng bố, truy lùng lực lượng Việt Minh.  Thoát chết trong những đợt máy bay của Tây oanh kích, cậu Hai Phùng cảm thấy không còn an toàn để bám lấy đất đai, và nhất là sau khi ông bà Cả, ba má cậu qua đời, cậu quyết định giao cả gia sản lại cho một người bà con, rồi bồng bế vợ con về Rạch giá sống tạm bên gia đình cô Tư.  

Hiệp định Geneve, 1954 chia cắt đất nước, nhưng cũng là điểm khởi đầu cho một giai đoạn phồn thịnh của miền Nam Việt Nam.  Cô Tư và câu Hai Phùng đã có với nhau năm mặt con, một trai và bốn gái.  Gia đình họ sống an nhàn nhờ vào huê lợi từ vườn tượt, đất đai do ba má cô Tư để lại.  Các con được lớn lên được gởi ra tỉnh học hành.  Nhờ thông thạo cả chữ Pháp và chữ quốc ngữ, cậu Hai Phùng giờ đây đã là ông giáo làng, lấy nghề gỏ đầu trẻ làm niềm vui.   Nhưng trời đã không chìu lòng người, thời gian sống trong an bình không được bao lâu thì lực lượng cộng sản, với chiêu bài giải phóng miền Nam, với sự tiếp tay và chỉ đạo của miền Bắc, đã xâm lăng miền Nam.  Sau tháng Tư năm 1975, ngày đánh đấu một tai ách cho cả dân tộc, cô Tư và cậu Hai Phùng lại đứt ruột để các con vượt biển tìm tự do nơi xứ người…  

***

Hơn mười năm sau đó cậu Hai Phùng và cô Tư Diệu, bây giờ là ông bà Tư, cũng được định cư ở Florida, Hoa Kỳ.  Một điều kỳ diệu như những chuyện cổ tích hoặc chỉ có trong mơ, nhưng thực sự ông bà đã đoàn tụ với các con của ông bà, ngay trên một quốc gia văn minh, mà ngày xưa ông chỉ được nhìn thấy bằng hình ảnh trong các quyển “Thế Giới Tự Do” in màu sặc sở.  Sở dĩ người ta gọi ông bà là “ông bà Tư” vì người ta gọi theo vai vế ở bên bà.  Bà con bên ông chẳng có bao nhiêu người ở Hoa kỳ, mà cũng ở xa lơ, xa lắc.
Sống với vợ chồng người con gái Út, giờ đây ông bà Tư có thể an hưởng tuổi già bên cạnh cháu, con. Ngoài cái thú vui chăm sóc cây kiển, ông còn thích đọc sách báo việt ngữ để tiêu khiển.  Ông bà không ngờ là quê hương xa hơn nữa vòng trái đất, vậy mà thứ gì cũng có, từ củ khoai, hột gạo, thậm chí cả con khô, con mắm cũng có.  Ông thích thú mỗi khi có đứa con nào mang về cho ông một tờ báo bằng tiếng việt.  Ông có thể đọc chăm chỉ, không xót một góc nào của tờ báo.  Ông thích nhất lá cái mục nhắn tin, tìm người thân trên các tờ báo, như thể ông đã từng thất lạc những người thân quen.  Một hôm ông nảy ra ý định, nhờ tòa soạn báo nhắn tin tìm một người, mà ông nghĩ chắc sẽ làm bà vui lắm.  

Ông thảo ngay một lời nhắn tin: 
Tìm ông Trần Thanh Hoàng, con ông Cả Quý, làng Vĩnh Tường, huyện Long Mỹ- Rạch Giá.  Trước 1975 cư ngụ ở Sài gòn.  Nghe tin vượt biên, nay sống, hay chết, ở đâu? Nếu nhận được tin nầy, xin liên lạc về Huỳnh Văn Phùng, địa chỉ xxxx 10th N Ave, Lake Worth, Florida.  Tôi và Tư Diệu đang định cư tại Mỹ, có bạn bè biết tin xin vui lòng giúp đỡ giùm, rất cám ơn. 

Ông cẩn thận cho vào bao thơ và theo chỉ dẩn trong tờ báo, ông gởi về tòa soạn báo Người Việt ở California.  Gởi thì gởi, nhưng ông cũng không hy vọng gì nhiều.  Biết bao nhiêu người Việt của mình tị nạn khắp mọi nơi trên thế giới, cho nên việc tìm cậu Hai Hoàng chẳng khác gì mò kim đáy biển.  Mấy tháng đầu ông cũng có chút trông chờ, nhưng dần dà ông quên phứt cái chuyện nhắn tin.

Mùa Giáng Sinh năm đó dâu rể, con cháu về tề tựu về đông đủ.  Chúng đã làm ông ngạc nhiên với lễ mừng sinh nhật 80 cho ông.  Bà Tư rất vui thấy con cháu đề huề. Nhất là mấy đứa cháu của bà, đứa nào cũng học hành tới nơi tới chốn.  Các con bà thì một mực hiếu thảo, chăm lo cho ông bà tận tình.  Sống tới từng tuổi nầy rồi, ông bà có theo ông theo bà cũng không có gì tiếc nuối.  Mười mấy năm sống ở Hoa Kỳ, ông bà quen với cái chu kỳ của những lần con cháu họp mặt, hơn là cái chu kỳ của mùa màng, thời tiết.  Sau kỳ họp Giáng Sinh nầy là bọn chúng sẽ tụ về mừng tuổi ông bà vào dịp Tết Ta.  Ông bà rất tự hào về đám con của mình, sống ở xứ người chớ không quên cái truyền thống Việt.  Do đó, hể xong Giáng Sinh là bà lại nôn nao chờ đợi cho đến Tết ta.  Thường năm nào Tết Ta cũng đến sau Tết Tây khoảng hơn một tháng.  Ông nhớ rất rõ ràng vì năm nào, gần cuối năm, ông cũng dặn con gái ông, thế nào cũng tìm cho ông một tập lịch Việt nam.  Rồi ông đích thân lựa đúng tờ lịch ngày đầu năm Tết Ta, xếp đôi lại để làm dấu.  Tự ông gở từng tờ lịch mỗi ngày, để ông nhắc nhỡ với bà còn bao nhiêu ngày nữa sẽ đến Tết.

Không khí của những ngày cuối tháng giêng Tây hơi khô và có một chút ẩm thắp như cái ẩm thắp ở Việt nam.  Ông nhớ cái không khí hanh khô của những ngày cuối năm ở quê nhà. Thường vào khoảng nầy mọi năm ông có thể trồng lại đám rau thơm, mấy cây ớt và chăm chút mấy chậu hoa lan.  Ông xăm soi hai chậu hoa vạn thọ mà mấy hôm trước ông dặn đứa con gái mua cho ông.  Tự dưng ông muốn ngắm lại những đóa hoa vạn thọ, để nhớ lại những ngày Tết khi còn ở Việt nam.  Chiều ngày 23 tháng chạp, ông vừa vào nhà, sau khi tưới đám rau ngoài vườn, cũng vừa lúc đứa con gái ông từ ngoài cửa mang vào một xấp thơ, “Ba có thơ hay thiệp gì của ai gởi.”  Ông cầm lá thơ, đúng ra là một tấm thiệp, sữa lại cập kiếng, rồi nhẫm đọc tên người gởi.  Một cảm giác sửng sốt, đến độ ông không tin vào cặp mắt của mình, ông nâng cao tấm thiệp, gần ngang tầm mắt, chăm chú đọc lại một lần nữa tên người gởi.  Đúng là tên Trần Thanh Hoàng. Ông nhìn con dấu bưu điện.  Tấm thiệp được gởi từ Pháp.  Ông chậm rải bước vào phòng khách. Bà Tư đang xem một chương trình Việt nam trên TV.  Ông ngồi xuống cạnh bà, “Bà ơi, có thơ của người quen!”   Bà điều chỉnh nhỏ âm thanh của cái TV, dửng dưng hỏi, “Của ai vậy ông?”  “Của anh Hai Hoàng!”  Cái remote control trên tay bà rớt xuống sàn nhà. Bà Tư nghe như có một luồn điện chạy khắp cơ thể bà. Sau mấy giây bà mới lấy lại bình tỉnh, bà hối ông, “Ông..ông mở ra đọc coi, ông!”  Ông Tư chậm rãi mở tấm thiệp ra và đọc, 

“Anh Phùng và Tư Diệu thân mến,
Tôi vừa được Tấn, em tôi hiện sống ở California, Hoa Kỳ, cho biết tin tức của hai ông bà.  Tôi thật vui mừng biết được anh và Tư Diệu cũng đã định cư ở Hoa kỳ.  Quả là trái đất tròn, qua hơn nữa thế kỳ mình xa cách nhau, giờ lưu lạc xứ người, mình còn liên lạc được nhau thì có niềm vui nào bằng.  Tôi và gia đình hiện đang sống ở Lyon, nước Pháp.  Tôi hy vọng sẽ có được số phone của ông bà, để mình có thể hàn uyên nhiều hơn.  Số phone của tôi là xxxxxxxx. 
Nhân dịp năm mới sắp đến, tôi cầu chúc ông bà được dồi dào sức khỏe và mọi điều như ý.
(ký tên)
Trần Thanh Hoàng.

Hình ảnh và những kỷ niệm về cậu Hai Hoàng tưởng chừng như đã quên, đã mất đi, theo tháng ngày qua, nhưng thực sự tất cả vẫn còn, ở đâu đó trong trái tim bà. Nhưng tất cả chỉ là cái bóng của quá khứ.  Từ lâu bà đã chấp nhận những gì xảy ra trong cuộc đời bà như một định số.  Bà không biết những suy nghĩ của bà có đúng hay sai, nhưng chắc chắn, sự suy nghĩ đó đã mang đến cho bà sự bình yên.  Cho nên bà không có gì tiếc nuối cho những việc đã xảy ra cho bà. Bên ông Tư, bà luôn luôn được sự thương chiều và bà đã có một gia đình hạnh phúc, con cháu đề huề…  Trong khi ông Tư chậm rãi xếp tấm thiệp lại, bà nắm lấy tay ông.  Cái ấm áp từ bàn tay ông chuyền sang cho bà một cảm giác yêu thương và chở che như từ bao lâu nay bà đón nhận từ ông.  Bà nhìn ông, rơm rớm nước mắt. Bà thầm cám ơn ông đã cho bà có cơ hội sống lại với những kỷ niệm một thời xuân sắc của mình. Ông Tư rút bàn tay lại, giã vờ lau lại cặp kiếng.  Ông nghe mắt mình như cay cay với một niềm vui. ..

Nhã Quân



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét