Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2018

Bolero Tháng Tư Buồn

Tùy Bút của Thầy Nguyễn Ngọc Hoàng

“... Phố nhỏ đường mưa trơn lối về

Trăng sầu nhân thế đậu hoen mi
Có ai ngồi đếm mùa nhung nhớ
Nỗi niềm đầy lại vơi
Mỗi mùa tiễn đưa một người”   (Nỗi Buồn Gác Trọ – Mạnh Phát & Hoài Linh)

Tiếng hát Cẩm Vân trong trẻo, vút cao, nghèn nghẹn đầy xúc cảm. Tôi buông thả Mi 7 và chuyển vội La thứ như chưa muốn ngừng những âm vang cuối. Nốt dứt đoạn ngân dài, tất cả lặng yên, bên ngoài có tiếng gió đêm Sài-gòn vội về, bất chợt. Vốn không “mặn” với bolero, nhưng mấy hôm nay tự dưng bọn tôi lại vô tình chọn những bài hát loại này. Vậy mà “thấm”, mà “cảm” vô cùng.  Từ trưa ngày 16 tháng 4, 1975 thì căn gác trọ của tôi trở thành điểm tụ họp và thông tin của cả nhóm. Duy dọn về ở hẳn với tôi. Giảng đường trở thành tin hành lang hơn là lớp học. Một số giáo sư vắng mặt, có tin đã cùng gia đình di tản ra nước ngoài. Sáng cả bọn vào trường, tụ tập, nghe ngóng “ai còn, ai mất” rồi kéo nhau quán cà phê dì Năm bàn bạc tình hình “chiến sự”. Ngồi chán thì kéo nhau về căn gác trọ tôi, vừa nấu ăn vừa nghe tin đài VOA, BBC và đàn hát vu vơ.  Tất cả năm người chúng tôi đang ngồi bẹp dưới sàn nhà, Cẩm Vân, Ngọc Tuyền (khoa hóa sinh, bạn Vân), Duy, Từ Dung và tôi. 

Đã hơn bảy giờ, trời tối mưa lưa thưa hạt, vẫn chưa thấy bóng dáng của Trầm Hương. Trong ban chấp hành sinh viên trường, trưởng ban ngoại vụ, Trầm Hương họp và đi công tác liên tục. Tuần trước, cùng ban đại diện liên trường: văn khoa, khoa học, dược và sư phạm, đã quyên góp và chuyên chở thực phẩm, thuốc men cứu trợ đồng bào di tản từ cao nguyên và miền trung đang được tạm trú tại Long Thành. “Chừng như có chuyện “lấn cấn” giữa tổng hội sinh viên Sài-gòn và ban chấp hành các trường”, Trầm Hương cho biết. Nhờ sắc dáng bên ngoài, nàng rất dễ thành công trong việc vận động quyên góp, kết hợp công tác liên trường. Tôi ngỏ ý tình nguyện đi theo, nhưng Trầm Hương ngắt ngay: “Mình em đi thôi. Anh ở nhà nghe ngóng tình hình gia đình. Để nếu có chuyện gì, mất hết liên lạc thí không được. Nghe em đi!”. Tôi đành ở lại. Mà quả thật như vậy, ngày sau cô Út tôi lên mang tin tức và quyết định của gia đình từ Vĩnh Long. “Ở lại, không di tản. Nội dặn, dù xảy ra bất cứ chuyện gì, con cứ ở Sài-gòn chờ tin, nhất định không được về Vĩnh Long!”, cô Út dặn đi dặn lại tôi nhiều lần. Sau khi trả tiền trọ hết năm, đưa tôi một sợi dây chuyền và một số tiền phòng khi “ly tán”, cô Út vội trở về Vĩnh Long ngay.. . Ngoài phần tin tức chẳng đâu vào đâu của đài phát thanh Sài-gòn: tháo lui trật tự, bảo toàn lực lượng, là bài họp ca thật hùng tráng:

“Trên đầu súng ta đi, tổ quốc đã vươn mình
Trên lưỡi lê căm thù, hờn căm như triều sóng
Ôi xôn xao... chiêng trống hối thúc
Đã giục giã khắp chốn rộn ràng
Ôi lửa thiêng dậy bập bùng
Tay đốt lửa, tay vung kiếm
Trên đầu súng xâm lăng, xiềng xích với bạo tàn
Trên lưỡi lê nô lệ, cùm gông phải gục ngã
Tay nâng niu cây súng, súng thép...”  (Trên Đầu Súng – Anh Việt Thu (*)

Chợt có tiếng xe dừng lại dưới đường. Vặn nhỏ radio, tôi đi nhanh về phía cửa sổ và nhìn xuống. Phía sau chiếc xe Honda là Trầm Hương áo thun nâu quần xanh đậm. Hình như người chở là Toàn. Trầm Hương xuống xe, chào Toàn và bước vội vã lên gác. Nàng nắm tay Từ Dung, Ngọc Tuyền đứng trước cửa rồi chạy vào ôm chầm lấy tôi không “nể nang” ai. Mọi người đã quá quen với tính tình sôi nổi, tự nhiên của Trầm Hương nên không ngạc nhiên.
- Mọi người cùng ăn cơm nghen. Trễ quá rồi...
Duy trong bếp nói vọng ra. Trầm Hương vừa ngồi bẹp xuống vừa cười nói:
- Đói muốn xỉu luôn. Hồi nãy mấy anh bên khoa dược mời kéo em ở lại cùng ăn, nhưng em từ chối, nhờ anh Toàn chở về. Thôi vừa ăn em vừa kể cho nghe. Tình hình lộn xộn, nguy hiểm  lắm. .

Tôm khô canh cải ngọt và thịt kho hột vịt, đói nên tất cả ăn ngon vô cùng. Trầm Hương cho biết đã vận động được công ty dược phẩm La Thành rất nhiều loại thuốc thông dụng, trụ sinh và nhất là thuốc cầm máu đang quý hiếm. Thực phẩm gồm gạo, mì gói, các loại đồ khô và cả rau cải, thực phẩm tươi đóng thùng. Tất cả sẵn sàng cho chuyến cứu trợ đồng bào di tản ở khu tạm trú Long Thành trong ngày tới. Khi đoàn về tới trường đại học khoa học thì đã thấy lực lượng cảnh sát dã chiến tăng cường trong khu vực chung quanh trường. Vài thành viên trong ban chấp hành sinh viên liên trường đã bị bắt vì tình nghi là việt cộng nắm vùng. Nói tới đây Trầm Hương nhìn tôi ra vẻ “quan trọng”:
-Không hiểu sao có vài người lạ mặt cứ bám theo em mấy hôm nay. Cả anh Toàn cũng nhận thấy như vậy.
-Mật vụ thì không sao. Nhưng nếu “bên kia”, Trầm Hương phải thật cẩn thận đó!
Duy nói giọng hoài nghi. Tôi nắm tay Trầm Hương:
-Hay là từ hôm nay, anh sẽ đi theo em cho an toàn.
-Anh hả? Có anh theo, em càng thêm lo thôi, chứ an toàn gì! Một minh, có chuyện em dễ xoay sở hơn, thiệt mà! 
-Trầm Hương nói đúng, có anh cũng chẳng giúp được gì. Hơn nữa, lúc nào bên cạnh nhỏ Hương cũng có anh Toàn và mấy anh trong ban chấp hành.
Toàn là anh em chú bác ruột của Trầm Hương bên khoa dược. Có lẽ đúng như vậy, tôi đành nói xuôi:
-Vậy anh làm gì để giúp em?
-Yêu em và nhớ em là đủ rồi! Trầm Hương nói nhỏ.

Rồi mọi người chợt yên lặng. Tin tức từ đài VOA lập lại việc chuyển giao chính quyền và nội các mới của cựu tổng thống NVT và TVH. Tất cả diễn biến lịch sử xảy ra quá nhanh, đột ngột. Số phận mỗi con người bé nhỏ chúng tôi chừng như chỉ chờ đợi. Chờ đợi một cơn bão nổi, chờ đợi vận mệnh đất nước cuốn theo dòng chảy của lịch sử không ngừng. Ngày mai sẽ ra sao? Không ai muốn nói ra, nghĩ tới nhưng cũng không thể chối từ những đau thương, mất mát đang diễn ra từng phút từng giờ chung quanh. Đài BBC loan tin hàng loạt tướng lãnh cao cấp, các bộ trưởng, nội các chính phủ di tản, đào thoát khỏi Việt Nam sau cựu tổng thống NVT và phó tổng thống NCK.  Niền tin đang cạn kiệt, và hy vọng chỉ là một lá bài đã “lật ngửa” trên chiếc bạc. 
-Yên lặng kiểu này chắc chết ngột. Từ Dung hát bài gì đi, anh đàn cho. 
Duy phá bầu không khí ngột ngạt và ôm cây guitar nói với Từ Dung. 
-Dung hát đi Dung... Dung hát bài gì hôm trước Dung hát ở sân trường đó... Nhớ rồi, bài Tạ Từ Trong Đêm (Trần Thiện Thanh)!
Trầm Hương nằm gối đầu trên chân tôi, hối thúc bạn mình. Từ Dung gật đầu, ra dấu cho Duy và cất tiếng hát:
“... Anh hỏi một câu khi trong đêm dài vọng về tiếng súng
Sao em cúi mặt không nhìn đôi mắt hứa thương em trọn đời
Đầu đường chia phôi anh không nói gì
Nên phong kín lời hẹn tình lứa đôi
Nếu anh có về khi tan chinh chiến
Xin em cúi mặt dấu lệ mừng nghe em”   

Tiếng hát Từ Dung rung nhẹ, hun hút trong đêm chìm khuất. Xa xa, văng vẳng tiếng đại bác và hàng loạt tiếng súng vọng về, vây quanh thành phố. Điệu bolero thiết tha như đưa tiễn đêm tháng Tư buồn lặng lẽ chìm sâu...      

*** *** ***

Hơn bốn mươi năm sau, vào youtube bạn chỉ cần đánh dòng chữ: “chương trình ca nhạc bolero” và “nhắp” chuột nút “tìm kiếm”. Hàng loạt chương trình ca nhạc, chương trình thi ca nhạc bolero sẽ hiện lên kênh youtube. Từ khởi nguồn của đài truyền hình Vĩnh Long (Solo Cùng Bolero, 2014) đến nay thì cùng khắp, Hậu Giang, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội..v..v.. Khắp mọi miền, mọi tụ điểm ca nhạc và đếm không hết các chương trình ca nhạc bolero tự phát trên youtube và các trang “mạng”... Các ca nhạc sĩ hải ngoại về nước và được mời làm giám khảo cho nhiều cuộc thi truyền hình ca nhạc bolero: Phương Dung, Giao Linh, Họa Mi, Phi Nhung, Mỹ Huyền, Elvis Phương, Đức Huy,.. . 
Nhưng điều gì đã làm cho âm nhạc một thời “ủy mị”, “đồi trụy”, “phản động”... sống lại mạnh mẽ, rầm rộ từ nam chí bắc? Từ “phản động” trở thành “trữ tình”? Từ “đồi trụy” trỡ thành “nhân bản”, bất chợt? Hay trong hoàn cảnh xã hội hiện nay cần đến sự “ủy mị” để bớt đi phần nào tính “bạo lực”  và “vô cảm”? Phải chăng sau hơn 40 năm xây dựng và phát triển, nhà nước CSVN mới nhận ra cái “nghèo nàn”, cứng ngắt, vô hồn của văn học nghệ thuật, nhất là lãnh vực âm nhạc. Tính trữ tình, đại chúng và nhân bãn gần như là những “yếu tố” cội nguồn của âm nhạc Viêt Nam, đã vắng mặt trong hơn 40 năm qua? Hay chính những “bản án” ủy mị, ru ngủ của dòng nhạc bolero được nhà nước cho áp dụng lại trong tinh hình xã hội ngập ngụa bất công, đàn áp, tham nhũng và “cái ác” đang lên ngôi, ngự trị trong sinh hoạt hàng ngày. Cáng cân giàu nghèo giữa tầng lớp giai cấp “áp bức” bên trên và quần chúng “bị trị” bên dưới, như một con dốc thẳng đứng. “Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”, dòng nhạc bolero phải chăng sẽ góp phần hiệu quả trong công tác văn hóa “tiếng hát át khó khăn”, “tiếng hát át đấu tranh” cho công bằng, cho sự thật của thế hệ trẻ hôm nay và ngày mai? Nếu không có sự “đồng ý”, “khếnh mại” của “cấp trên”, thì liệu dòng nhạc “bolero” có tự nhiên phục hồi do nhu cầu âm nhạc của quần chúng? Nhưng đây không phải là những gì tôi muốn viết trong bài tùy bút này!
  
... Đời còn nhiều bâng khuâng
Có ai vì thương góp nhặt tâm tình này
Gửi giúp đến cố nhân mua nụ cười
Và xin ghi kỷ niệm một đêm thôi”    (Nửa Đêm Ngoài Phố – Trúc Phương)

Tiếng hát ngọt ngào, nức nỡ của “sầu nữ” Thúy Huyền trong một chương trình bolero đưa tôi về “kỷ niệm một đêm thôi” của hơn 40 năm về trước. Lê Thị Từ Dung đã vĩnh viễn nằm ở một nơi nào đó của biển Đông. Đỗ Thị Ngọc Tuyền đã biệt tích trên một chuyến vượt biên đường bộ xuyên qua đất nước Cambodia. Cả hai, Từ Dung và Ngọc Tuyền, đều ở lứa tuổi hai mươi bốn.  Cặp Cẩm Vân và Duy cũng không thành. Cẩm Vân lấy chồng, đồng nghiệp, sau đó nghỉ dạy và hiện làm chủ hai nhà hàng nổi tiếng ở Sài-gòn. Duy vẫn độc thân, họa sĩ vẻ phông sân khấu, trình bày bìa sách, lịch và hiện nay có phòng tranh ở quận 5 thành phố Sài-gòn. Trầm Hương và chồng, Huỳnh Nam Giao sinh sống ở Củ Chi. Trầm Hương nay đã về hưu đang cùng gia đình chăm sóc cửa tiệm bán sinh tố, trái cây tươi. Giao sau một lần lâm bệnh nặng, cũng đã về hưu hẳn và trông coi khu vườn trồng cây ăn trái ở Củ Chi cho cửa tiệm. Công việc làm ăn khá giả, cuộc sống ổn định. Không có con, Trầm Hương đã nhận xin một đứa con gái nuôi và đặt tên là Huỳnh Ngọc Huyền-Trâm. Lần về Việt Nam thăm nhà năm 2011, bà xã và tôi đều gặp được gia đình Cẩm Vân và Duy. Riêng Trầm Hương chỉ nhắn lời thăm hỏi K. Hoa và tôi nhưng từ chối không gặp mặt. Tôi tôn trọng lựa chọn của Trầm Hương. Cho dù bất cứ lý do gì, thời gian cũng quá nửa đời người. Chúng tôi đã bước qua tuổi “tri thiên mệnh”, tóc ngả màu bạc trắng đời thường. Mọi nỗi vui buồn có chừng mực hơn. Trong câu chuyện trùng phùng đã mang nhiều dấu tích của trải nghiệm, của an phận trong những nụ cười. 
-Ông Giao giỏi chuyện nhà và cưng vợ lắm. Trước đây, trưởng phòng giáo dục mà ngày nào ông Giao cũng giặt đồ, ũi cho bà Hương từng cái áo... Bây giờ thì ổng vừa làm vườn vừa lo chuyện nấu nướng ăn uống hằng ngày, bà Hương chỉ đứng tiệm buôn bán.
Cẩm Vân vừa nói vừa cười, quay qua tôi:
-Còn ông Hoàng, có “phục vụ” Hoa được dzậy hông?!
-Anh Hoàng?... (cười) Nhờ chị Vân nhắn, anh Hoàng của chị Hương đến giờ này chưa biết đi mua tới cái áo sơ-mi, nói chi đến chuyện giặt đồ!
Cả đám cười ồ, sau câu trả lời của bà xã, phá tan những dè dặt lúc đầu. Người ở lại, kẻ ra đi cũng chỉ là những may rủi kiếp người? Phải chăng đời này chúng ta chẳng “nợ nần” gì nhau, hãy để mọi niềm tin yêu xuôi theo dòng số phận? Hãy để riêng nhau một góc đời và cầu mong hạnh phúc cho người. Thôi thì, có lẽ đây là cách tốt đẹp nhất, để tôi giữ hình ảnh của một Trầm Hương 40 năm về trước và một tình yêu đẹp mãi khôn nguôi! 

Mỗi số phận của chúng ta, đôi khi gắn liền với những biến động của hoàn cảnh và lớn rộng hơn, của lịch sử. Nhưng đôi khi, số mệnh của chúng ta lại lặng yên nằm bên lề của mọi cơn lốc cuộc đời. Dù ở phía nào, sự hữu hạn của kiếp người, chỉ cho mỗi chúng ta chiêm nghiệm được một phần thật nhỏ nhoi của thân phận. Không có mẫu số chung cho định mệnh. Ý niệm “suy bụng ta ra bụng người”, như mấy anh mù sờ voi! Hãy mở rộng mọi ý thức và đừng bao giờ đóng kín những đổ vỡ của trái tim. Cuộc đời sẽ tin yêu ta, nếu ta đặt trọn mọi tin yêu có thể cho người. Lá khô rụng kín mùa này là mần non hoa trái mùa sau. Có bao nhiêu dư âm xưa trong đêm dài chờ sáng? Có bao nhiêu cuộc chia ly trong giọt lệ trùng phùng? Trái tim đang đập theo từng nhịp của hôm nay, sao dòng máu tôi cứ vẫn luân lưu, tuần hoàn trong mỗi tế bào của quá khứ? Những ngày tháng Tư sao vẫn buồn và khoắc khoải trôi qua.   
“... Phương trời mình đi xa thêm xa
Nghe vạn mùa thu sau lưng ta
Em ơi, em ơi! Thu thiết tha
Ơi người vì ta qua phong ba
Có còn gì sâu trong tâm tư
Mắt lệ mờ hoen dư âm xưa”   (Tinh Lỡ – Thanh Bình) 
   
(Những ngày tháng Tư đầy nỗi nhớ, 2018)
NNH

(*) Nghe bài họp ca: Trên Đầu Súng – Anh Việt Thu

https://www.youtube.com/watch?v=Fgcko7vUWUE




1 nhận xét:

  1. Em chào Thầy , Thầy vẫn khỏe chứ ạ? Hôm nay em đọc được bài viết này của Thầy về những ngày tháng tư đen tối của đất nước. Thầy luôn viết rất là hay và nhiều xúc cảm , trái tim em như thắt lại theo từng câu chữ của Thầy khi nhớ lại những ngày của tháng Tư-1975 đầy biến động , tang thương và mất mác ... những hoang mang , lo lắng có cả những niềm đau bởi những chia lìa ...Bây giờ đây , một ngày của tháng tư -2020 em đang lắng lòng theo bài viết của Thầy về những ngày của tháng tư năm ấy ...
    Em xin cảm ơn bài viết của Thầy cho em thấy được thêm một góc cuộc đời trong những ngày biến động 1975 đó ( qua Thầy cùng những người bạn của Thầy )
    Xin chúc Thầy , cô và gia đình luôn nhiều sức khỏe, vui vẻ và nhứt là luôn an lành đi qua những ngày mà dịch bệnh đang hoành hành ,
    NL

    Trả lờiXóa