Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

Móc Ngoặc - Kỳ 37

Truyện ngắn của Lanh Nguyễn


Chiếc tàu đò Hiệp Lợi về tới chợ Thứ 11 đã hơn 4 giờ chiều. Long lửng thửng vác ba-lô về trường mà như kẻ mất hồn.
Năm tiếng đồng hồ nằm trên mui chiếc Hiệp Lợi. Long không thể nào chớp mắt được. Lương tâm anh đang tranh cải nhau dữ dội. 
Chuyện anh đã giúp cho Bình trốn khỏi bọn công an trước khi bị họ giăng lưới bắt. Long không biết mình làm như vậy là đúng hay sai.
Gia đình cô ba Lụa rồi đây sẽ giải quyết thế nào khi cái bụng cô ta càng ngày càng phình to lên.
Nhưng nếu bắt buột gia đình Bình phải đi cưới con gái của phía bên kẻ thù đã giết bố như mẹ anh ta nói, thì chuyện gì sẽ đến cho nàng dâu? Rồi gia đình mới đó sẽ sống ra sao với bối cảnh vô cùng nghiệt ngã ấy?
Cũng không chừng họ sẽ gáng cho Bình cái tội phãn động rồi đưa anh ta vào một trại cải tạo nào đó nếu như mẹ anh không bằng lòng đi cưới Lụa.
Có những việc mà người ta chỉ biết làm theo cảm nhận nhất thời còn chuyện đúng hay sai thì mỗi người đều có quan điểm riêng của mình. Có tội hay không chắc phải chờ ngày nhận sự phán xét của Diêm Vương...
Long quăng cái ba-lô bừa lên giường ngủ rồi tiếp tục nằm gác tay lên trán mà chả có gì để suy nghĩ. 
Học sinh chắc mới vừa tan học nên các cô giáo chưa qua nấu cơm chiều.
Căn nhà tập thể lúc nầy còn lại có mình Long, Danh Quyền và Danh Sa Manh đã cất một cái nhà nhỏ rồi ở luôn trong Kinh 15 lập nghiệp trong đó.
Cái khoảng thời khắc yên lặng đến ngột ngạt của buổi chiều làm anh cảm thấy cô đơn vì thế mà anh càng cảm thông cho Bình đã sống những ngày tháng lẻ loi đơn độc trong con kinh Thứ 10...
Long nhủ thầm. 
Mình sống ở đây còn có mấy chục người tới lui làm bạn. Anh ta một mình trong đó thì còn cô đơn tới chừng nào. Rồi anh chép miệng:
"Âu cũng là số mạng mà trời đã định cho mỗi người"

Chuyện "cô Lụa mang bầu anh Bình bỏ trốn" không biết phía bên nào xì ra. Từ miệng anh chàng Lưu hay từ miệng 2 ông thầy dạy chung điểm trong kinh Thứ 10 mà sau buổi họp trường sáng nay mọi người kéo rốc vào nhà Long để vấn tội. Mỗi người một câu hỏi làm anh chóng mặt không biết đường mà trả lời.
Kim Thư đay nghiến:
- Anh báo công an tới nhà anh Bình để bắt anh ấy thiệt hả? Vậy là bọn em lầm anh hết rồi.
Long không đính chánh mà chỉ cười cười trả lời:
- Có bắt được nó đâu mà cô cự tôi. Cô nghĩ xem chủ tịch huyện ra lệnh như vậy tôi không thi hành được sao? Mà cái thằng đó trốn cũng hay thiệt ở nhà nó còn không biết nó đi đâu thì tụi công an cũng đành chịu bó tay.
Ngự Bình cũng phàn nàn:
- Anh thiệt không công bằng tí nào. Ở cái ấp đó có 2 người cùng lẹo tẹo với con gái, một người thì anh cho qua trường khác, một người thì anh đi báo công an bắt người ta. Vậy ra anh cũng kỳ thị Bắc Nam dữ dội đâu có khác gì họ.
Long đốt một điếu thuốc hút để câu giờ hầu tìm lý lẻ biện minh cho mình:
- Chú em mầy tưởng tượng tới đâu rồi vậy? Tôi thì cũng như các bạn đây thôi chứ có khác nhau cái gì đâu nè? Tôi làm gì có quyền giải quyết hay nhún tay vô chuyện riêng tư của các bạn? Mà nè chuyện của anh chàng Đức và anh chàng Bình khác nhau chứ không giống đâu nghen.
Anh Đức cua con gái Ngụy đâu có ai thèm chú ý tới. Ông Bình nầy cô giáo Ngụy nhóc luôn không chịu cua ai kêu nhào vô hang rắn hổ làm chi?
Sơn, Đực và Trần đều lên tiếng binh Long một lượt:
- Đúng bon! Anh Long nói đúng y chang. Như tụi tui nè "Gối rơm theo phận gối rơm. Tìm cô giáo Ngụy mình ôm cho rồi"
 Ai biểu ôm lộn nhầm du kích làm chi để bị nát cái đít.
Mấy cô giáo đều nhao nhao lên nói:
- Mấy ông liệu hồn đó, lu bu như anh Bình, tối tối đi rình con gái giao liên nữa thì người ta bắt liền tại trận chứ hổng có hên như ông Bình đâu mà ham...

Tuy là không khí có chút cởi mở nhưng vẫn còn ngột ngạt khó thở, hình như có một cái ranh giới vô hình nào đó nó như mơ hồ phân chia anh em GV trong trường.
 Lưu cũng cảm nhận được nên nó bàn với Long:
- Hay là anh để em nói rõ mọi việc cho tụi nó hiểu nghen.
Long lắc đầu trả lời:
- Muốn chết chùm hả? À mà không, có chết chắc mình chú em mầy chết thôi chứ tôi thì không biết gì về chuyện đó hết. 
Hôm đó bổn phận của tôi là đem cái lệnh bắt người tới giao cho tụi công an thi hành vậy thôi, mọi chuyện đều không có liên can tới tôi.
- Vậy thì em hiểu rồi không nhắc tới nữa.

Còn chừng 2 tuần là tới ngày bãi trường, Long muốn làm một cái gì đó cho không khí thân mật hơn hoặc sôi động trở lại nên anh mời cô Hoa qua nhà bàn tính:
- Tiền quỹ của trường mình còn nhiều hông vậy?
-  Năm rồi mình đâu có xây thêm phòng học nào, lại không có xài thì còn nguyên đó. Em gởi nhờ nhà anh Khải giữ dùm chứ đâu dám cất trong mình. Mà anh muốn xài vào việc gì?
Long chưa trả lời câu hỏi của Hoa mà hỏi tiếp:
- Vậy tập học trò mình còn nhiều ít dzị?
- Nhiều lắm, em không có đếm nhưng chắc cũng phải hơn 300 cuốn.
- Vậy thì được rồi chiều nay tôi sẽ mời Hoàng vô đây rồi mình bàn chuyện phát phần thưởng cho học trò. Cuối năm học làm lễ bế giảng mà có phát thưởng chắc tụi nhỏ vui lắm.

Trước cửa các căn nhà tập thể của mấy thầy cô giáo có để một cái thùng thiết, mọi người gọi đùa là cái "thùng từ thiện". Các em học sinh muốn cho đồ gì thì tự nguyện bỏ vào trong đó chứ không trực tiếp đưa tận tay cô thầy để tránh tình trạng vì đồ ăn thức uống mà có sự cư xử khác nhau trong việc học. Thường nhất là các em đem cho gạo, khóm, cá, trái cây theo mùa...
Gần bãi trường tháng đó nhiều nhà trồng đậu đang thu hoạch. Ban sáng có em nào đó đã cho một bao đậu xanh chừng một lít nên cô Đào rủ:
- Tối nay nấu chè bí đao với đậu xanh ăn cho mát đi. Kí đường của anh Bình mà chia ra cho 50 chục người thì mỗi người thêm đâu có được bao nhiêu. Sẵn có đậu xanh đường cát mình chỉ cần mua thêm trái bí là được rồi...
Điểm trường Thứ 11 sau khi cô Kim vượt biên thì còn lại 7 người đang phụ trách 8 lớp. Lúc trước cô Kim và cô Tiền khóa 3 sư phạm cấp tốc ở nhờ nhà bà con của cô Kim ngoài chợ. Từ hôm Tết đến nay cô dọn vô căn nhà tập thể ở chung với 5 cô giáo kia. Còn bên căn của Long thì lại thiếu đi một người thiệt đúng là âm thịnh dương suy. Sáu cô giáo mà có 3 ông thầy hai anh kia lại có nhà ngoài chợ còn lại một mình Long đêm đêm buồn nằm nghe tiếng côn trùng rên rỉ mà lòng tê tái não nuột...
Đô và Hoàng được các cô mời vào ăn chè tán dóc nên đến sớm lắm. 
Chín người tụ tập lại cười nói vang trời. Những kỷ niệm trước ngày bãi trường của thời học trò được thay nhau kể. 
Người nầy nói về những cuốn lưu bút ngày xanh, kẻ kia thì vẽ lại bức tranh những buổi liên hoan cuối năm của trường mình đã học, người nọ thì mơ màng nhớ đến những lúc cả lớp cùng nhau đi thăm viếng nhà bạn bè...
Kim Thư khoe:
- Lúc em còn đi học năm nào em cũng được lãnh thưởng hết.
Con gái Bắc Kỳ siêng học dữ ta. Thường thường con trai người Nam thời trung học chỉ học tèn tèn thôi đến năm thi thì mới dốc toàn lực mà cố gắng, con gái thì siêng năng học hơn nhiều...
- Trường Sao Mai là trường tư thục cuối năm cũng có phát phần thưởng nữa sao cô? Long thắc mắc hỏi.
- Có chứ sao không anh. Đứa nào được xếp từ hạng nhất tới hạng 5 đều có phần thưởng hết.
- Vậy thì cũng giống bên công lập rồi. Dzậy hồi đó cuối năm cô được hạng nào dzị? Hoàng hỏi.
Cô Kim Thư cười giòn:
- Không nhứt thì nhì chưa có khi nào rớt xuống hạng ba hết...
- Có chuyện nầy tôi muốn xin ý kiến các bạn. Năm rồi chúng ta dạy không trọn năm lại cũng không có tiền quỹ nên chưa có tổ chức phát thưởng. Năm nay các bạn nghĩ xem mình có nên phát thưởng cho học sinh chúng ta không vậy? Long hỏi.
Đề tài được chuyển xoay quanh vấn đề phát thưởng cho học trò. Bàn qua tính lại một hồi thì đưa đến quết định mỗi lớp sẽ chọn ra 5 học sinh xuất sắc từ hạng nhất tới hạng năm. Phần thưởng cho hạng nhất là 10 quyển tập, hạng nhì là 7, hạng ba là 5 còn hạng 4&5 chỉ có 3 quyển tập an ủi mà thôi. Nhưng trường đang có 52 lớp tổng cộng số tập cần phải có để phân phát lên đến 1200 cuốn mà hiện tại trường còn lại khoảng chừng 300 cuốn mà thôi vậy cho nên Long quyết định sau khi đi đến từng điểm trường phổ biến chuyện phát thưởng thì anh sẽ trở về phòng GD xin giấy giới thiệu để về ty mua thêm phần thưởng. 
Cô Nga cho thêm ý kiến:
- Nếu sẵn về phòng sao anh không qua bên thương nghiệp huyện hỏi xem họ có thể bán cho mình được cái gì nữa để mình làm phần thưởng cho học trò xôm tụ một chút chứ hạng nhứt 10 cuốn tập nhìn còn đở tủi thân còn hạng 4&5 có ba cuốn mỏng tanh nhìn sao mà nó bèo quá. 
Đô cũng đồng ý với cô Nga cho rằng nàng nói hay:
- Phải rồi! Mấy cha đó người nào cũng nói hay lắm xã Đông Hưng là xã dẫn đầu về mọi mặt,  vậy để xem họ có muốn cho mình dẫn đầu trong chuyện phát thưởng nầy hông.
Long khen:
- Các bạn nói chí lý ngày mai tôi sẽ bắt đầu xuống từng điểm trường lo vụ phát thường và rà lại xem mỗi nơi mình còn bao nhiêu tiền quỹ xong rồi tôi sẽ về huyện coi thử có kiếm thêm được cái gì cho tụi nhỏ không? Vậy ai sẽ tình nguyện dạy thế lớp cô Hoa.
Hai ba cái miệng reo lên một lượt:
- Em cho! Em cho!
Kim Thư cười cười:
- Học trò cuối năm có thưởng còn cô giáo tụi em thì sao hả anh? Kiếm cho tụi em chút gì an ủi khi về nhà đi chứ. Hổng lẽ mấy tháng trời mới về nhà nghỉ hè mà lại về nhà với 2 bàn tay trắng???
Long cũng cười cười trả lời lại:
- Tôi sẽ đi tìm cha Năm Dồi mà đòi phần thưởng cho mấy cô còn được hay không thì không có gì bảo đảm hết nghen...

Long và cô Hoa đến từng điểm trường bàn chuyện phát thưởng và xem xét tình hình học sinh cũng như trường lớp cho khóa tới. Đông Hưng niên khóa 1976-1977 có 52 lớp học nhưng sang năm mới lại cần phải mở thêm 18 lớp mới. Mười 14 điểm trường thì 13 điểm cần phải cất thêm mỗi nơi 1 phòng mới. Lần nầy Long dự tính trong bụng làm lễ phát thưởng lớn một chút để chánh quyền và dân chúng chú ý mà cất dùm phòng học cho năm học mới để anh khỏi phải vận động từng nơi như hồi mới xuống.
Với ý kiến đó Năm Dồi đồng ý bắt thương nghiệp huyện bán cho Long 260 phần thưởng mỗi phần 1kí đường và 200g bột ngọt. 
Anh cũng đòi hỏi xã ủy Đông Hưng bán thêm cho 260 phần nữa nhưng xã không còn nhiều hàng họ chỉ để cho 1/2kg đường mỗi phần, bột ngọt thì chỉ có 100g mà thôi.
Phần thưởng nếu tính đúng như những gì mà Long đòi hỏi từ xã tới huyện thì mỗi phần thêm được 1kg 1/2 đường 300g bột ngọt. Nhưng mà từ hạng nhất tới hạng 5 đều có phần thưởng giống nhau thì thiệt tình không mang đúng ý nghĩa của việc khen thưởng cho nên ban tham mưu đã đồng ý hạng nhất sẽ cho thêm 1kí rưởi đường, 300g bột ngọt, Hạng nhì 1 kg 250g đường 250g bột ngọt , hạng ba 1kg đường 200g bột ngọt và cuối cùng hạng 4&5 1 kg đường 150g bột ngọt...Phần dư còn lại được chia đều cho tất cả anh chị em giáo viên làm quà đem về nhà nhân dịp nghỉ hè...
Lần đầu tiên vùng giải phóng có một buổi lễ bãi trường mà học sinh còn được phát thưởng nên phụ huynh và chánh quyền từng điểm trường đến dự rất đông. Ai cũng vui vẻ nhất là các cô thầy giáo có một phần thưởng không lồ (đối với thời đó) để đem về nhà.

(Mời quý vị đón xem kỳ 38)

Lanh Nguyễn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét