Chủ Nhật, 11 tháng 6, 2017

Gom Nhặt Lá Hoa - Bis 1

Truyện ngắn của Thanh Hà  Swithzerland


Có dịp đi nhiều nơi qua nhiều xứ sở khác nhau, tôi chiêm nghiệm một điều rằng mặc dù khác biệt về ngôn ngữ màu da phong tục tập quán nhưng hầu như mọi người đều có một điểm chung, đó là Lòng Tốt, tự nguyện giúp đỡ tha nhân đang trong cơn bối rối, hốt hoảng.

Có người sẽ nói:” Sao mà ngây thơ thế! Làm gì có chuyện ai giúp khôn, cho không ai bao giờ. Chắc chắn khi họ cho đi cái gì thì họ đã nuôi ý định lấy lại cái gì đó, đừng mơ!”.

Đấy là những người thuộc trường phái hồ nghi, hoặc trong đời họ đã từng bị lừa hoặc chính bản thân họ không hề muốn ra tay giúp đỡ ai hoặc tệ hơn là khi họ ra tay giúp ai, họ đều có ý định sẽ lấy lại cái gì đó.

Để thành phần nầy qua một bên, ở đây tôi chỉ kể về lòng tốt vô vị lợi của nhiều người mà tôi có dịp gặp trên các chuyến viễn du của mình thôi.

Như đề bài gợi ý, tôi gom góp nhặt nhanh vài chiếc lá xanh vài đoá hoa xinh xắn bắt gặp trên con đường mình đi qua. Nói vậy chớ thỉnh thoảng cũng lẫn sót vài chiếc lá sâu đụt, vài đoá hoa lấm bùn bên vệ đường. Nhưng không sao. Cái gì hư hao thì mình loại ra vậy.

Đường em đi đường nở hoa khắp luống cày 
Trên đường em đi đường nở hoa khắp chiến trường
                             (Gió Về Miền Xuôi, Anh Việt Thu)

Những giai thoại tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng nó đọng thành khối kỷ niệm đẹp để một mai khi gối mỏi lưng chồn, da mồi tóc bạc, mắt mờ răng rụng, đi phải chống gậy, nhớ trước quên sau... hic hic... tôi ngồi hồi tưởng lại —nếu tôi còn sống tới ngày ấy và đừng quên nhiều quá —mà kết luận tuy chồng bỏ tôi lại cõi đời ô trọc bơ vơ nhưng tôi không để đời mình uổng phí vô ích vì tôi đã biết tận dụng từng khoảnh khắc tồn tại, theo đuổi lý tưởng vị tha nhân và tiếp tục thực hiện niềm đam mê mà xưa kia tôi đã cùng anh đồng hành chu du khắp bốn phương trời. 

Có vậy, khi gặp lại anh nơi miền vĩnh cửu (có thật không) tôi sẽ hãnh diện khoe với anh rằng tuy thiếu sự dìu dắt nhưng tôi vẫn xứng đáng với niềm tin yêu của anh, biết chọn cho mình con đường thiên lý nhiều hoa thơm cỏ lạ để đi hết tận cùng đời người vậy. 

Ngày còn sống, anh luôn quả quyết tuy tôi là một phụ nữ bản tính nhút nhát rụt rè, hơi ỷ lại vào sự che chở của anh nhưng khi cần thì tôi trở nên can đảm xông xáo, ý chí mạnh mẽ, vượt mọi trở ngại để chu toàn mọi việc .
Tôi biết anh mong muốn tôi sống vui sống khoẻ chứ đừng ủ ê sầu thảm thu mình một chỗ khóc lóc nỉ non. Vì vậy tôi gói kín nỗi buồn đau vào tận đáy tâm hồn, luôn cố mĩm cười nên ai cũng cho tôi là một người lạc quan yêu đời. Thật ra chỉ mình tôi mới thấu khoảng trống hụt không gì bù lấp được từ ngày vắng anh nó kinh khủng thế nào.

Nỗi đau chìm lặng đáy hồn
Tim gom cất giữ vào trong ngăn sầu…

…Người đi bỏ lại nơi nầy
Liêu xiêu bóng đổ hao gầy cụm mai  (Th. H)

Viết tới đây tôi lại không ngăn được giòng nước mắt vì nhớ chồng
Anh hỡi, sao nở để đời em dở dang !!!

Tôi đi lạc rồi, giờ quay lại với chủ đề đây.
Tôi nhớ chuyến xuất ngoại đầu tiên của mình bằng máy bay gần ba mươi năm trước.
Đi Air France phải ghé phi trường Charles de Gaulle, Paris rồi mới chuyển tiếp qua phi cơ của hãng Mỹ —lâu quá quên tên —để bay qua Geneva, Thuỵ Sĩ.

Thật sự tôi đúng y như Tư Ếch đi Saigon mà hồi xưa có hài kịch hay trêu chọc những người khờ ở quê ra thành ngơ ngơ ngáo ngáo. Tư Ếch đi Saigon thì còn đỡ vì cũng cùng chung tiếng nói, chung quốc gia, chỉ có khác biệt giữa người nông thôn và thành thị. Còn tôi Tư Ếch xuất ngoại (tôi đích thị thứ tư trong gia đình) bị nhiều hàng rào ngăn đường cản lối, như:
•Đến một đất nước cách cả nửa vòng trái đất (không biết có đúng không nữa, vì lâu quá rồi không học địa lý nên trả lại hết cho Thầy Cô rồi). 

•Ngôn ngữ khác biệt. Cái xứ gì kỳ cục, nhỏ bằng bàn tay dân số chỉ hơn 8 triệu mà nói bốn thứ tiếng Pháp, Đức, Ý và Romanche. May thay tôi được sống thuộc vùng nói tiếng Pháp nên dù đó là môn sinh ngữ phụ thứ ba lúc học ở trường tiếng Anh là sinh ngữ phụ thứ nhì sau Việt văn, dù chữ nghĩa tức nhiên cũng trả lại gần hết cho Thầy Cô nhưng những văn phạm ngữ vựng căn bản chỉ cần học ôn là nhớ lại dễ dàng hơn là phải đánh vật với sinh ngữ mới hoàn toàn.

•Xa gia đình ông bà cha mẹ chị em…Thật là một nỗi buồn nhớ day dứt mà rất nhiều năm sau mới nguôi ngoai được.

Tôi có một xác tín Ở Hiền Gặp Lành. Mà đúng.
Trước khi phi cơ đáp xuống phi trường Charles de Gaulle tôi đã bắt đầu lo lắng rồi, vì phải tìm nơi chuyển tiếp (transfert) để đi nốt hành trình qua Thuỵ Sĩ. Không biết phải tiếp tục từ đâu, đi ngã nào, hỏi ai… Tiếng Pháp, Anh lúc ấy chỉ viết và đọc được chứ nói thì phải suy nghĩ để ráp nối thành câu lâu lắc mà chưa chắc người nghe đã hiểu mình định nói gì. “Mầy nói mầy nghe, tao nói tao nghe“ như màn kịch Hoài Linh đóng nói tiếng Anh trên xứ Mỹ ấy.
Tôi chuẩn bị sẵn từ nhà vài câu tiếng Pháp viết vào mảnh giấy nhỏ đại ý là nhờ họ chỉ dẫn hộ làm thế nào để sang tới Thuỵ Sĩ, đưa cho cô tiếp viên xem. Cô ân cần hỏi han, xem vé đi tiếp và giải thích nhưng tôi chỉ hiểu lỏm bỏm. Ngồi bên cạnh tôi là một phụ nữ lớn tuổi Ấn Độ có thời sống ở Vietnam nên nói tiếng Việt rành rẽ. Bà dịch lại lời cô tiếp viên là khi xuống phi trường hãy đưa vé máy bay cho người có trách nhiệm, họ sẽ hướng dẫn tôi giai đoạn tiếp theo. Tôi gật gù cám ơn, mà lòng vẫn không yên tâm chút nào. Tự hỏi: “Người có trách nhiệm” ngồi ở đâu? Sao gặp được?...

Phi trường rộng mênh mông, xuống thang máy bay có xe bus đón chở vào ga chính làm thủ tục kiểm passport, nhận hành lý rồi ra ngoài hoặc chuyển tiếp. Ngó dáo dác tìm người để hỏi thăm, thấy ai nấy đều vội vã nên không dám mở miệng vì bản tính nhút nhát hơn thỏ đế nhưng biết không dựa dẩm vào ai được nên bắt buộc phải cầu cứu. Ngẩu nhiên có một ông tây đi cạnh, tôi lấy can đảm chận ông lại, vừa lập bập giải thích với khả năng ngoại ngữ ít ỏi vừa đưa vé máy bay cho ông xem. Ông đọc xong rồi ra dấu tôi theo ông lên lên xuống xuống cầu thang vài bận, rồi lại đứng chờ xe bus để đưa sang khu khác. Trời ơi, nếu không có ông khách tốt bụng nầy hướng dẫn thì sao tôi biết đường mô mà lần chứ. Trên xe có vài ba phụ nữ Pháp, nghe ông hỏi thăm họ dùm tôi vì tôi thấy họ quay qua nhìn mình rồi giải thích gì đó. Hình như họ cũng không biết gì hơn. Vẻ tư lự của ông khiến tôi lo sợ nhỡ mà tìm không ra thì sẽ bị trễ chuyến bay mất. Thời ấy chưa có bảng chỉ dẫn bằng điện tử các chuyến bay, giờ giấc, cổng (gate)… như hiện nay. Xuống xe bus, ông lại phòng thông tin hỏi, biết chắc chắn rồi, ông chỉ cho tôi theo hướng tay ông cứ việc đi tới… rồi hỏi thăm tiếp còn ông phải đi ngược lại đường vừa đi vì giờ bay của ông cận kề nên không đi cùng tôi đến tận gate được. Ông trấn an tôi đừng lo sợ, mọi việc sẽ tốt đẹp thôi.

Không biết sao tôi hiểu những gì ông nói mới lạ, chắc do bản năng tồn tại hay nhờ giác quan thứ sáu nhỉ?! Tôi cám ơn ông rồi chia tay đường ai nấy bước.

Đứng trên cầu thang cuốn để nó từ từ đưa mình đi mà lòng dạ bồn chồn ngổn ngang vạn mối. (Người ta trăm mối chứ tôi thì vạn mối), thầm than vãn trời ơi sao ta cô độc giữa rừng người đông đúc thế này.
Hỏi tại sao thế giới đông người nhưng chỉ thấy riêng ta (Hoàng Thi Thơ)

Đang tự thương thân muốn khóc, nghĩ đến gia đình giờ nầy chắc mọi người đang yên giấc điệp đâu có biết mình lâm vào cảnh “lang thang hoảng loạn dọc đường gió bụi“ —trời, cải lương quá—thì bỗng nghe nhịp giầy ai bước gần sau lưng có vẻ thúc bách. Ngoảnh nhìn lại, là ông tây vừa giúp chỉ đường lúc nãy. Ông nói một câu dài mà tôi chỉ hiểu vài chữ rồi đoán. Hình như ông nói để ông dẫn tôi thêm một đoạn đường nữa vì xét thấy vẫn còn kịp giờ bay của ông. Tôi mừng rỡ mặt chắc tươi tắn lắm, cám ơn ông thật nhiều. 

Có lẽ lúc nãy thấy mặt mũi tôi bí xị lo sợ thất vọng khi ông chào từ giã  khiến ông tội nghiệp, bị lương tâm cắn rứt bỏ đi không đành lòng nên quyết định quay lại ra tay nghĩa hiệp tiếp chăng? Kể ra đôi lúc làm thân con gái cũng có lợi thế chứ nhỉ.

Trên cầu thang cuốn trôi chầm chậm nhịp nhàng, tôi và ông đứng đối diện nhau. Sau vài giây im lặng quan sát tôi trong quốc phục VN áo dài trắng quần trắng, ông hỏi:
—Phải cô là người Trung Hoa? 
Tôi lắc đầu:
—Không. Tôi là người Vietnam. 
Trời, đối với người Tây phương, hể ai có nét mặt Á Đông thì họ đều kết luận là Chinese cả. Nghe mà tức tức gì đâu!
—Ông sắp đi đâu thế? Tôi hỏi ông
—Tôi đi Togo
Thì ra ông qua xứ châu Phi, định hỏi tiếp (cho có chuyện để đàm thoại) là ông qua đó làm việc cho chính phủ hay sao nhưng sợ ông nghĩ là mình tò mò nên thôi. 

Sau khi đưa tôi đi thêm chừng 20’ nữa trong cái ma trận đồ những ngã rẽ trái, phải, lên, xuống… trong nhà ga phi trường  lúc đó còn là Tư Ếch nên thấy vậy, chứ giờ rành rồi) thì ông dừng lại, vén tay áo chỉ vào đồng hồ nói thêm một tràng. Chắc cho biết là chuyến bay của ông gần kề ông phải thực sự rời tôi. 
Thôi thế thì cũng quá ân cần, nồng nhiệt với cô gái (lúc đó tôi là cô gái trẻ) chỉ gặp một lần duy nhất, sẽ không bao giờ gặp lại lần nữa trong đời. Ông bắt tay tôi, chúc hành trình may mắn. Tôi cũng cám ơn và chúc lại ông bon voyage. Rồi mỗi người một nẻo.

Trong nhân gian Việt Nam vẫn còn tồn tại chuyện tin dị đoan là khi xuất hành khỏi nhà rất kỵ chuyện ra ngõ gặp gái, cho là xui. Thật đáng giận cái quan niệm lạc hậu cổ hủ đó. Tôi thì nghĩ ngược lại. Lấy ngay thí dụ trường hợp của tôi này. Hai người đàn ông hôm đó sau này mỗi lần nhớ lại chuyện gặp gỡ tình cờ với tôi, chắc chắn vẫn còn đọng lại trong tâm trí họ một niềm vui nho nhỏ nào đó. Vì nhờ tôi mà họ mới có cơ hội chứng tỏ lòng hào hiệp của đấng nam nhi đại trượng phu, luôn muốn bảo vệ cứu giúp kẻ yếu đuối thế cô chứ, phải không nào?
Ủa? Có một ông mà nói hai là sao?
Thưa rằng, sau khi ông tây trắng từ giã ra đi, tôi tiếp tục tìm nơi check-in để sang Geneva thì lại nghe tiếng hai người nam nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp ở sau lưng mình mà tôi chỉ hiểu được mỗi chữ Vietnamienne (phụ nữ Việt Nam). Chắc chắn là đang bàn về chiếc áo dài tôi mặc hoặc chủ nhân của nó cũng không chừng. 

(Tôi không có dịp hỏi anh đã kể gì với người đồng sự, vì chúng tôi không bao giờ gặp lại lần nào nữa).

Đợi cho tiếng nói nhích gần tôi quay lại thì thấy hai nhân viên trạc tuổi tôi mặc đồng phục an ninh phi trường có đeo bảng tên; một người tây trắng chính hiệu, còn người kia gương mặt Á Đông dáng dong dỏng cao đích thị Việt Nam rồi. Tôi đánh bạo hỏi: 
—Xin lỗi phải anh là người Việt Nam?
—Phải, tôi là người Việt Nam.
Ô mừng quá, tôi lại tiếp tục ca bài ca con cá nhờ anh chỉ giúp đoạn đường tiếp theo. Thế là yên tâm, không sợ lạc hay trễ giờ nữa. Có đúng Ở Hiền Gặp Lành không?
Dù anh phụ trách vấn đề an ninh chứ không về hành chánh nhưng cũng bỏ người đồng sự làm nhiệm vụ một mình để tận tình giúp đỡ tôi đến cổng đợi mới chịu từ giã. Còn dặn dò tôi đủ thứ vì biết lần đầu tôi xuất ngoại, và hẹn rằng …  

Hẹn kỳ khác kể tiếp, câu chuyện đến đây tạm ngưng….


Thanh Hà, June 2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét