Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

Móc ngoặc - Kỳ 45

Truyện ngắn của Lanh Nguyễn


Chế độ CS ở thời kỳ quá độ có một bộ máy hành chánh cổ lỗ sĩ và cồng kềnh không thể tưởng tượng nổi. Vậy mà nó vẫn ì ạch kéo lê kéo lết cho đến bây giờ. Từ thượng tầng trung ương cho đến hạ tầng xã ấp đã đẻ ra vô số chức vụ lạ đời, nghành nghề kỳ quái. 
Ở trung ương thì có không biết bao nhiêu bộ mà kể. Một tên thủ tướng bè theo 5 tên phó thủ tướng đặc trách tùm lum tá lả. Có những chức vụ khi nghe qua đã muốn mửa ra mật xanh rồi té xĩu luôn.
Chức trưởng phòng, trưởng ban, thuyền trưởng, bộ trưởng, hiệu trưởng v.v...dùng để chỉ một cơ quan có nhiều người để cho họ chỉ huy như vậy thì mới cần có một người làm phó phụ giúp.
Còn giáo sư, tiến sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ, lòi sĩ v.v...dùng để chỉ một cá nhân vậy mà cái "đỉnh cao trí tuệ" lại đẻ ra những cái phó mới là quái đản, ghê hồn đáng bái phục...
Ở Xã Đông Hưng Long từng chứng kiến cảnh thằng con làm "thông dịch" các đơn từ cho thằng cha của mình, năm nầy qua tháng nọ cho đến khi người cha tìm được một người tín cẩn dùng để làm thông dịch cho mình thì nó mới được trở lại trường học hành đàng hoàng.
Đô đang lãnh một nhiệm vụ mà chỉ có ở chế độ CS trên đất nước Việt Nam mới có mà thôi.
Ôi! Một chức vụ, một việc làm kỳ quái chưa từng xảy ra trong lịch sử nhân loại đó là "thông dịch", anh ta dịch chữ Việt ra tiếng Việt đọc cho người Việt nghe...
Nhưng việc làm đó không dễ gì có được, biết bao người ao ước, o bế nịnh nọt để lấy lòng anh ta trong thời gian anh ta làm "thông dịch vật" cho 5 Dồi.

Kế hoạch xóa dốt mà Long đưa ra cho tay chủ tịch huyện duyệt, được anh chàng "thông dịch" nhiệt tình ủng hộ, nói thêm vào cho nên 5 Dồi lẹ làng chấp thuận.
Năm Dồi ra chỉ thị cho toàn bộ các cán bộ xã phải làm gương đi học bổ túc xóa dốt trước tiên.
Mỗi một học viên đi học được bán thêm 2 lít dầu lửa. 
Mỗi người GV dạy bổ túc xoá mù được 1 phần nhu yếu phẩm. Nếu là quần chúng bên ngoài còn được miễn đi làm công tác thủy lợi.
Mỗi một lớp học được cấp 15 lít dầu để đốt đèn "măn-xông" cho dễ thấy đường mà dạy học.
Khác với dự đoán lúc đầu, người dân khi nghe tin chỉ cần đi học 2 tuần lễ là được cấp giấy chứng nhận thoát dốt, mua được 2 lít dầu lửa 2 quyển sách học vần thì GV không cần đi vận động vậy mà dân chúng lại kéo nhau đến ghi tên đi học. Nhất là cánh đàn ông khi thấy cuốn sách học vần khổ giấy rất vừa cho họ cắt ra làm giấy vấn thuốc hút, thế giấy huyến ngày xưa.

Thời điểm giữa năm 1977 trở về sau nầy dân thành thị bị khốn khổ vì lúa gạo còn dân miền quê thì khốn đốn vì thiếu dầu lửa để đốt đèn về đêm. 
Dân thành thì thiếu gạo phải ăn độn bo bo để thế cơm. Dân quê thiếu dầu để đốt đèn không thể độn nước được. Thứ duy nhất có thể thế dầu lửa đó là dầu cá.

Cá đem đi làm mắm, nhất là cá sặc, thường thì người ta bỏ đầu vì đầu cá sặc có rất nhiều mở làm mắm dể bị hôi dầu không ngon, mau hư mắm. 
Trước năm 1975 đầu cá bỏ làm phân bón cây. Sau nầy dầu lửa hiếm hoi mắc mỏ quá nên người ta đem đầu cá nấu lấy dầu để đốt đèn. Đèn dầu cá có nhiều khói và ánh sáng thì vàng vọt leo lét trông như đèn ma, thảm não vô cùng. Nhưng đầu cá đâu có nhiều để mà làm dầu đốt đèn quanh năm. Chính vì vậy 2 lít dầu lửa đối với người dân quê lúc đó nó cũng quý giá như 2 giạ gạo được đem bán cho dân thành phố trong thời kỳ ăn độn...
Xã Đông Hưng với 14 điểm trường tổ chức hơn 30 lớp học bổ túc văn hóa. Không chỉ có người mù chữ mới ghi danh đi học những người đã đọc được viết được cũng năn nỉ để được vào lớp ngồi. Được vào lớp ngồi học cũng đồng nghĩa là họ được mua 2 lít dầu lửa với giá chính thức cũng như có được 2 quyển sách giấy quyến để đem về vấn thuốc hút.
Vì có khá đông người biết đọc biết viết vào ngồi học chung nên các thầy cô giáo xếp cho những người đó ngồi ở các đầu bàn học. Nếu có lỡ bị các thanh tra hỏi bất thình lình thì họ sẽ ứng phó dễ dàng.
Tất cả các lớp xóa mù đều đồng loạt dạy nhừng chữ cái của mẫu tự. Cái yêu cầu của khóa học 2 tuần lễ là các học viên phải đọc và viết được chính tên họ của mình mà thôi...

Phái đoàn thanh tra đi xem xét tình hình dạy bổ túc văn hóa cũng như xóa nạn mù chữ của tỉnh Kiên Giang gồm 3 cái vỏ máy họ đến kiểm tra sau khi 30 lớp được khai giảng ít hôm.
Sáu giờ chiều cơm nước xong  là dân chúng kéo nhau đến trường để học. Nhà nhà cùng đi, người người cùng tham gia. Đi học để được mua dầu lửa để dành đốt đèn, tham gia để có giấy mà vấn thuốc hút. 
Không ai bảo ai, khỏi cần ai nhắc nhở họ chăm chỉ đến lớp chờ cô thầy giáo ghi tên mình vào danh sách học viên của trường.

Mười mấy nhân vật lạ quắt lạ quơ chỉ có Út Nhứt, Tường và 7 Hài thuộc phòng GD, Năm Dồi cùng với vài cán bộ huyện là Long biết mặt số còn lại thuộc bên tỉnh ủy và bộ GD, họ cùng  xuống kiểm tra trong đó có một nhà thơ tiền chiến. Không nhớ rõ tên là gì. Hình như là Chế Lan Viên bà con chú bác lật với Chế Bồng Nga...
Họ đi liên tiếp 3 đêm liền lòng vòng trong mấy con kinh thuộc địa phận xã Đông Hưng đôi khi họ còn trực tiếp nói chuyện với các học viên.  Khi họ đã trở về Rạch Giá rồi Long vẫn duy trì các lớp học đúng 2 tuần lễ như dự tính ban đầu, để phòng trường hợp họ quay trở lại kiểm tra bất ngờ.
Chiến dịch xóa mù rồi cũng kết thúc. Trong báo cáo xã Đông Hưng hoàn toàn đã thoát nạn mù chữ 100% dưới sự chứng thật của cán bộ từ trung ương cho tới đia phương. Từ bộ GD qua tới tỉnh ủy còn sự thật thì theo thầy Long và toàn thể anh chị em GV của xã Đông Hưng nói lại nó có khoảng chừng 95% người dân không hề biết đọc biết viết ...
Chiến dịch xóa dốt đợt 2 phá sản hoàn toàn. Không biết sau nầy tay nào đã đến xã Đông Hưng để tiếp tục chuyện tào lào nầy đây ...

Tối qua mình học i tờ 
Hôm nay quên mất chữ tờ i ti.
Gặp anh em hỏi chữ gì 
Mà nó gạch xuống đội chi ở đầu 
Chữ nầy phải đọc làm sao?
Học hoài không nhớ chữ nào hết trơn
Thà rằng mù chữ còn hơn 
Đêm đêm tụ lại khải đờn không dây...

Người CS không chỉ có biệt tài "Làm láo báo cáo giỏi". Mà bọn chúng còn háo danh không chịu nổi. Cái gì họ cũng cho mình là nhất, cả đến cái ngu dốt, thất học họ cũng dành đứng nhất. Chuyện nầy xưa như trái đất rồi. Cho nên các bạn đừng thắc mắc đừng hỏi tại sao bọn CS Việt Nam hay CS Triều Tiên hoặc CS Cuba muốn xây tượng to, đài lớn, tháp cao nhất, tên lửa bự nhất v..v..trong khi dân chúng lại nghèo nhất, đói nhất, mang bệnh tật nhiều nhất và nhất là dốt nhất. 
Đó là bản chất bất di bất dịch có từ khi chủ thuyết vô thần ra đời. Họ làm ra những cái nhất kia mới biến chúng thành ra bọn người tham nhũng nhất...

Chiến dịch xoá dốt kết thúc, huyện An Biên được xếp nhất và được nhận giấy khen của "tỉnh quỉ" Rạch Giá. Năm Dồi Út Nhứt cười híp mắt nhưng không vui bằng xã ủy Đông Hưng nhận được cả lá cờ danh dự do bộ GD cấp.
Được giấy khen nên họ cấp cho Long 100 lít xăng để tiếp tục đi động viên dân chúng tới lớp học mỗi đêm cho muỗi cắn chơi. Nhưng mà dân chúng đâu có người nào hưởng ứng. Mua được 2 lít dầu lửa, có được một ít giấy huyến để hút thuốc là người ta nằm ở nhà ngâm thơ Lục Vân Tiên hay ca vọng cổ rồi chứ đâu còn ma nào dại dột nghe lời dụ dỗ bậy bạ nữa. 
Trước tiên là các cán bộ xã, tổ đảng ấp. Mấy tay đó vừa ở nhà là hôm sau dân chúng cũng không thèm đi học.
Hôm về phòng GD họp nội bộ Út Nhứt hỏi:
- Mấy lớp học bổ túc của mầy thế nào gồi dzậy?
- Dẹp tiệm hết rồi, đâu có còn ai đi học nữa. Lúc nầy muỗi dữ quá, chiều chiều là thiên hạ vô mùng hết trơn đâu có ai dám ló ra đường.
Út Nhứt la lên :
- Sao kỳ dzậy? Học hành gì mà mới có mấy ngày đã nghỉ hết gồi, dzậy thì làm sao mà biết chữ được?
Long cười cười:
- Hôm trước chú nói làm sao cho qua truông để bộ GD và tỉnh ủy đánh giá cao huyện mình là được rồi. Thì đó. Chú và 5 Dồi đều có giấy khen còn muốn gì nữa. Duy trì mấy lớp học bổ túc lâu dài thì tui đầu hàng.
Út Nhứt lặng thinh hồi lâu rồi mới nói:
- Gủi như họ chở lại nữa gồi mình làm sao mà đỡ cho được?
Long cười giòn:
- Không đời nào có chuyện rủi như vậy đâu, chú khỏi lo chuyện họ quay trở lại. Mà nếu như họ có trở lại thì chỉ là họ muốn kiếm độ nhậu thôi. Mình cứ đè đầu họ rồi lấy "đế" mà đổ cho tới khi họ nằm thẳng cẳng là mọi chuyện êm ru bà Rù. Còn như chú muốn nhận thêm vài tấm giấy ban khen nữa thì dùng cái chiêu cũ của tui đi. Lấy đại xã nào khác cũng được mà...

Được 100 lít xăng chùa nên Long tha hồ đi chở cá bán. Ít ra đi "tèn tèn" cũng được 15 chuyến khỏi mua xăng chợ đen, tiết kiệm được mấy trăm đồng bạc. 
Cô Hoa thích quá cười nói luôn miệng:
- Anh à lần nầy coi dzị mà mình hên ghê hén. Bấy nhiêu xăng đó có thể mình sẽ chạy đủ tới hết mùa cá mà khỏi cần mua thêm lít nào nữa rồi. 

Một tuần lễ đi chở cá 2 lần thứ 4 và thứ 7. Năm rồi dư GV nên họ thay phiên nhau về chợ thường, năm nay ít GV nên cô thầy giáo ít về chợ hơn mỗi tuần họ chỉ quá giang về ngày thứ 7 mà thôi còn ngày thứ 4 thì không có ai theo về nữa. 
Lúc đầu Long định chỉ chở cá mỗi tuần một lần nhưng cô Hoa không đồng ý.
- Đang đi một tuần 2 chuyến ngon lành anh đổi lại 1 chuyến, dzậy cá của người ta cắm câu đem về thì họ phải làm sao?
- Thì họ bơi xuồng ra chợ thứ 11 cân cho bạn hàng chợ chứ còn sao nữa mà em hỏi? Bây giờ thời buổi khó khăn, người ta kiếm được cắc nào hay cắt nấy đâu có ai bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền đâu mà em lo cho người ta.
Cô Hoa cười tươi trả lời:
- Em đâu có quởn mà lo cho người ta. Em lo là lo cho mình nè. Dân trong Kinh 15 quen cân cá cho mình bây giờ anh xúi người ta đem cá ra chợ bán vậy thì đâu có còn ai gọng cá mà chờ mình, tới lúc mình trở lại không còn cá cân để mua bán, ít cá quá lời hổng đủ tiền xài làm sao có dư ra mà để dành mua vàng đi vượt biên được??? Hay là ngày thứ tư thì mình ghé trạm đống thuế cho tụi nó phức cho rồi. Dù sao thì có lời ít vẫn còn hơn là bị mất mối.
- Không được. Để cho tụi nó biết vỏ máy mình có 2 tầng sạp, sau nầy rắc rối lắm. Em muốn đi 1 tuần 2 lần như trước thì để anh suy nghĩ xem coi có cách nào vượt trạm khỏi nộp thuế không...

Trưa chủ nhật từ Tắc Cậu trở về Long ghé trạm kiểm soát Xẻo Rô tìm Tới nhưng nó không có ở đó. Hai thằng công an kinh tế đang ngồi uống cà phê vừa canh chừng ghe tàu qua lại để mà ngoắc vô kiểm soát đóng thuế. Long định nán lại làm quen với chúng để xem thử thực sự chúng kiểm soát ghe tàu như thế nào hầu tìm ra kẻ hở mà chui. Vừa móc gói thuốc Vàm Cỏ ra mời thì 2 thằng khỉ gió cười rộ lên:
- Thuốc Vàm Cỏ hút đắng nghét, khét nghẹt hà thầy ơi. Cán bộ bây giờ ai mà hút thuốc đó.
Nói xong mỗi đứa móc túi thảy lên bàn gói Sài Gòn giải phóng còn đầy ấp.
- Thầy hút thử coi thuốc nầy ngon bá cháy luôn. Anh Tới đi không biết chừng nào mới dzìa. Có chuyện gì thầy cứ nhắn lại đi tui em sẽ báo cáo với ảnh sau.
Long sượng trân cất gói thuốc vô túi rồi kéo một điếu SGGP ra đốt hút vừa trả lời chúng:
- Hổm rày đi ngang qua đây hoài mà hổng có ghé thăm. Tại vì lúc nào vỏ máy cũng có người quá giang theo, hôm nay hổng có ai theo nên ghé thăm chơi vậy mà. Hai đứa em làm ở trạm kiểm soát thấy thế nào? Có vui vẻ hông hay là cực khổ dzị. Chớ tui làm bên GD cực thấy bà cố, đi tới đi lui ê ẩm tay chân, đít khu gì cũng bị tê cứng, chai ngắt hết trơn rồi, chán ghê.
Thằng Hòa nhìn Long ngạc nhiên hỏi lại:
- Thầy nói thiệt hả? Làm thầy giáo sướng muốn chết, làm hiệu chưởng còn sướng hơn nữa, cô giáo đẹp nhóc luôn lần nào thầy chạy ngang đây cũng có người đẹp đi theo. Dzậy mà thầy còn than thiệt tình em hổng biết thầy than cái giống gì nữa?
Long cười cười trả lời:
- Cô giáo đẹp thì cũng chỉ để nhìn thôi chứ có ăn đỡ đói được đâu? Làm thầy giáo đói rả ruột chứ sướng ức gì mà ham? Em muốn đổi chỗ hông? 
Hai thằng công an kinh tế chưa kịp trả lởi thì vừa lúc đó có 2 cái vỏ máy không chạy ngang nhưng 2 đứa nó chẳng thèm để ý tới thấy vậy Long khều nó chỉ:
- Hai cái vỏ máy chạy dzị mà tụi em hổng thấy sao? 
Thằng Hòa cười giòn:
- Nó còn ở xa là tụi em biết gồi, nhưng kêu họ ghé vô để làm cái gì? Vỏ máy không ai quởn đâu mà ngoắc vô tán dóc. Họ có chở cái gì đâu mà nộp thuế?  Làm dzị là làm ba cái chiện guồi bu đó thầy biết hông? Ghe tàu vô ga liền liền, kiểm soát ghe chở hàng còn làm hổng kịp nữa kìa. Sáng sớm ghe tàu đò máy đi cả dọc, 3 đứa em coi hổng kịp bị chạy vuột hoài, đâu có người nào gảnh để gượt theo bắt họ lại  phạt đâu, mà hể chậm một chút là người ta ra hơn nửa sông Cái Lớn như vậy thì lọt qua địa phận huyện Châu Thành gồi..
Long nghe xong thì khoái quá nhưng anh cũng đẩy đưa cho vui:
- Hay là cho tui lảnh nhiệm vụ rượt người vượt trạm đi nghen. Tiền phạt thì mình chia ra làm 4 còn tiền thuế thì nộp về huyện. Làm dzậy coi bộ khá hơn lương chết đói ở bên GD của tui à.
Hai đứa CA kinh tế tưởng thiệt nên bọn chúng nhìn Long trân trối:
- Chiện nầy tụi em sẽ bàn lại với anh Tới coi ảnh tính sao.
- Ừa! Thì làm dzị đi hôm nào rảnh tui ghé qua đây nhậu chơi...

Long bước xuống cái vỏ máy của mình chưa kịp tháo dây buộc ghe ra thì cô Hoa đã bước lại gần lo lắng hỏi:
- Thế nào anh? Có nghĩ ra được cách vượt trạm chưa?
Long mỉm cười nói nhỏ:
- Có cách rồi nhưng mà chắc anh phải đi một mình chớ cho em theo hổng được đâu.
Cô Hoa nóng mặt la lên:
- Sao dzị? Sao bỏ em ở nhà? Anh đi một mình thiệt hay là tính chở theo con nhỏ nào khác dzậy?
Thấy nàng quýnh quáng Long an ủi:
- Anh không phải muốn em ở nhà mà là anh không muốn em chịu khổ cực thôi. Chuyện như vầy nè...
Cái trạm kiểm soát đó tụi nó chỉ có 3 người thôi, chúng chỉ kêu những chiếc ghe, chiếc tàu chở đầy hàng hóa vào bắt người ta nộp thuế chứ không kéo mấy cái ghe không ghé vô làm gì. Hơn nữa trước khi trời sáng dân chúng thường hay tập họp lại thành một đoàn đông đảo để chúng không kịp trở tay. Có người còn liều mạng bỏ chạy, bọn chúng chỉ bắn chỉ thiên hù thôi chứ không có người để rượt theo bắt lại. Mà hể chạy qua được nửa sông Cái Lớn là tới ranh giới huyện Châu Thành rồi, lúc đó tụi nó hết quyền bắt lại.
- Vậy thì tốt quá rồi, mỗi sáng mình chờ ngay giờ cao điểm, vỏ máy không, anh lại quen tụi nó mình cứ hiên ngang chạy qua trạm đâu có gì trở ngại vậy sao anh lại bắt em ở nhà hổng cho em theo hả?
Long cầm tay nàng ân cần:
- Anh nói rồi. Anh đâu có muốn em ở nhà, đi một mình cũng buồn lắm chớ bộ nhưng dắt em theo mà ngủ bờ ngủ bụi trên cái vỏ máy nhỏ xíu nhò xiu nầy thì cực cho em quá, anh thiệt không đành lòng...
- Em hổng sợ cực khổ gì hết. 

Anh đi đâu thì em theo đó
Dù cho có mấy trạm cũng qua 
Ngủ đò chuyện nhỏ thôi mà 
Ngủ trên mặt nước, thiệt là thần tiên

(Mời quý vị xem tiếp kỳ 46)

Lanh Nguyễn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét