Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

Hương Biển Mặn

Tùy bút của Thầy Nguyễn Ngọc Hoàng

 
Thầy Nguyễn Ngọc Hoàng
   ***Kỷ niệm một chuyến về ghé thăm Rạch Giá



Tôi bước ra khỏi khách sạn khoảng gần 5 giờ sáng. Bên ngoài, trời vẫn còn lờ mờ tối. Đêm qua bà xã và con gái ham vui với gia đình nên ngủ lại trong nhà. Tôi phải trở về khách sạn đọc và trả lời một số điện thư. Nên mới bừng mắt là Kim H. đã gọi điện thoại căn dặn đủ điều, nhất là phải ăn và uống những gì được nấu chín… Đi dọc theo đường lộ lớn tôi hướng về phía cầu Sắt. Trên đường xe cộ thưa thớt, vắng lặng. Thỉnh thoảng có vài nhóm người tập thể dục, đi bộ hoặc đánh vũ cầu, cười nói vui vẻ. Không khí buổi sáng trong trẻo, ẩm nhẹ và thoang thoảng mùi mằn mặn của vùng biển bùn. Chung quanh chừng như có một hương vị đặc biệt, rất Rạch Giá, khó quên. Từng tiếng cửa sắt kéo mở…... Văng vẳng tiếng chổi xào xạc quét mặt đường... Những tiếng bàn ghế va chạm của vài chiếc xe bán hàng rong... Tất cả như tạo thành một thứ âm thanh của cuộc sống quen thuộc, thân thương. Thứ âm thanh nằm ẩn khuất, sâu thẳm trong mọi ngõ ngách của tiềm thức. Tôi biết mình thật sự đang ở trên chính quê hương mình. Một thứ cảm giác lâng lâng, bùi ngùi khó tả. Không gian mở rộng vô chừng. Thời gian thôi ngừng trôi chảy. Hiện tại chợt thành quá khứ. Quá khứ như khô đọng theo giòng máu luân lưu, xuôi ngược trong tôi.….. Thoang thoảng đâu đó, bắt đầu có hương vị bếp lửa từ những quán ăn dọc hai ven đường. Mùi của xâu thịt nướng. Mùi của nồi súp xương. Mùi của hương thơm bột gạo…...  Mùi vị và âm thanh không có ở bất cứ vùng đất nào tôi đã đi qua. Mùi vị và âm thanh chỉ có ở nơi nầy, trên đất nước tôi, vùng phố biển Rạch Giá. Buổi sáng như đang dần dần trở giấc.

Đây là lần thứ ba tôi trở lại thành phố Rạch Giá sau hơn ba mươi năm xa cách. Không thay đổi đến “chóng mặt, nhức đầu” như Sài-gòn, nhưng Rạch Giá cũng thay da đổi thịt đến “hoa mắt” người xưa. Đường xá mở rộng, nhà cao nối nhà. Lề đường như lấn người đi bộ ra lộ xe, bởi từng dãy bàn ghế của những hàng quán. Quán ăn, quán cà-phê, nhà hàng lớn nhỏ, tràn ngập khắp mọi mặt đường, hẻm nhỏ. Gân như ở bất cứ giờ giấc nào trong ngày, cũng tràn đầy người ăn uống. Tuổi trẻ, trên dưới ba mươi, chiếm tỉ lệ ngồi quán cao nhất. Điều đặc biệt không riêng chỉ có tôi, mà hầu hết du khách đến Việt Nam đều dễ nhận ra là cờ! Từ lúc đặt chân xuống phi trường, đi đâu tôi cũng thấy treo cờ. Cờ treo dọc theo hai bên đường trong tất cả những thành phố lớn nhỏ. Con gái tôi hỏi, nước mình đang trong ngày lễ lớn, trọng đại? Tôi lờ mờ, không dám trả lời, quay qua hỏi ông anh vợ và người tài xế lái xe. Họ cười thông cảm, nước mình trong những con đường chính của thành phố, huyện lỵ, thị trấn đều treo cờ quanh năm. Đó là chưa kể đến các đoàn thể và cơ quan nhà nước... 

Mùi hương vị thơm của phố phường buổi sáng khiến bao tử tôi bắt đâu thấy đói. Nếu không có hẹn cà-phê, ăn sáng với ông anh vợ, là tôi đã xà ngay vào một quán nhỏ bên đường. Tất cả thay đổi như một định luật của thời gian và vật thể. Không gian cao lớn hơn nhưng cũng chật hẹp hơn. Cuộc sống quê tôi phong phú, màu sắc, rộng mở hơn, nhưng chừng như cũng nông cạn hơn. Sự phát triển “bức phá” của xã hội công nghiệp hóa cũng mang theo nhiều rạn nức về giá trị của nền văn hóa. Thiếu sự chuẩn bị trong giáo dục học đường? Hay sự xem nhẹ giá trị truyền thống và nhu cầu biểu hiện hiện đại của đất nước? Tất cả chỉ là những câu hỏi của cá nhân tôi khi đang hòa quyện vào sự chuyển động của quê hương mình. Nói gì, nghĩ gì thì tôi cũng là, một người “cưởi ngựa xem hoa”. Một khách du lịch tham quan, ngắm cảnh trên phần đất quê hương! Cảm giác mâu thuẩn đến rướm máu chừng như rõ bật khi tôi đang hít thở những thước không khí quen thuộc, thân yêu. Thương mến vô cùng, nhưng cũng chừng nào xa lạ!  
Suy nghĩ lang mang thì đã đến cầu Sắt. Trời cũng hừng sáng. Mùi biển mặn bén theo từng cơn gió thổi dọc mé sông thật quen thân, dễ chịu. Tiếng ghe tàu dưới sông, tiếng xe cộ và người phía trên thật rộn ràng, sinh động. Nhìn từng cụm lục bình trôi bềnh bồng dưới chân cầu, tấp đặc hai bên bờ, dòng sông tràn đầy sức sống và đẹp vô chừng. Còn đẹp hơn nữa, dòng sông nơi đây đang uốn mình ra biển. Nó đang hòa với biển, vào với bao la bất tận của đất trời. Chừng như, tôi cũng thấy dòng nước chợt uốn quanh, ngập ngừng và bịn rịn. Nó đang bất chợt, xao xuyến với bao bến bờ đã trôi qua. Không biết, con nước đã để lại gì ở phía sau hay cưu mang những gì cho khoảng trời mênh mông phía trước... 
Sáng nay tôi có hẹn với ông anh vợ đến quán cà phê Dung. Địa chỉ và hướng dẫ được ghi trong một miếng giấy nhỏ.  Dãy hàng quán nối kề nhau, dọc hai bên đường. Mùi cà phê, thức ăn loang tỏa hanh nồng. Khứu giác báo bao tử tôi đang kêu đói. Nhưng đi cuối con đường, vẫn chưa tìm được quán cà phê Dung. Mở miếng giấy nhỏ, nhìn giòng chữ nghiêng nghiêng của ông anh vợ, tôi chợt chạnh lòng. Quay trở lại, lần nầy tôi đi thật chậm và đọc thật kỷ tên mỗi quán ăn. Cuối cùng tôi cũng tìm thấy. Đó là tấm bảng nhỏ, dựng thấp dưới đất, trước một con hẽm dẫn về phía mé sông. Cà phê Dung – Bánh canh giò heo, bánh canh cá. Đúng là đây rồi. Tôi rẽ vào con hẽm. Quán là căn nhà sàn nhỏ, mở rộng ra mặt sông. Bàn ghế thấp và trang trí đơn sơ. Nhìn quanh, có lẽ tôi là người khách đầu ngày. Tôi chọn một mặt bàn ở góc quán. Trời bắt đầu hanh nóng. Bù lại, hơi nước từ bờ sông thoáng lên thật dễ chịu. Từng cụm lục-bình hoa màu tím nhạt trôi lơ lững trên mặt sông. Đẹp, đẹp đến sững sờ. Không hiểu sao, tôi yêu hoa lục-bình đến như vậy. Đúng hơn, tôi yêu thiết tha những loài hoa dại của quê hương mình. Tôi đã có dịp ghé qua những vườn hoa, được coi như tầm cở quốc tế, ở Mỹ, Âu châu: Đức, Áo, Ý.. . và Á châu: Trung Hoa, Nhật Bản. Những hoa hồng, lan, thược dược, mẫu đơn, đào,..  muôn loại, muôn màu đến không nhớ hết tên. Quý phái, đài cát, trưởng giả, tuyệt sắc,... nhưng không hiểu sao, tôi vẫn thờ ơ đến như vậy. Có lẽ thẩm mỹ về hoa của tôi kém cỏi và có vấn đề? Chắc là như vậy. Với tôi, màu tím nhạt mong manh của hoa lục-bình, Ô-môi; màu vàng của hoa bí, điên-điển và vẽ đẹp muôn màu của loài hoa súng là những loài hoa trang nhã, đài cát và tuyệt sắc nhất trong tất cả loài hoa. 
Giọng người đàn ông, bất chợt kéo tôi trở về với thực tại:
-Mời chú vào quán. Cà phê Trung Nguyên, thức ăn sáng đặc biệt tụi em phục vụ hết mình.
Lời mời mọc thật vui tai. Tôi chọn một mặt bàn ở góc quán, nhìn bờ sông. 
-Em cho một ly cà phê nóng. Chú còn chờ một người nữa.
-Dạ, được chú.
 Tiếng nhạc vang lên, âm điệu quen thuộc. Giọng hát người ca sĩ nữ trầm ấm, lắng sâu:
 " Ôm lòng đêm, nhìn vầng trăng mới về, nhớ chân giang hồ...    
"Ôi phù du, từng tuổi xuân đã già, một ngày kia bến bờ,        
" Đời người như gió qua...    
" Thôi về đi, đường trần đâu xá gì, tóc xanh mấy mùa...      
" Có nhiều khi, từ vườn khuya bước về, bàn chân ai rất nhẹ,      
" Tựa hồn như những năm xưa...  (1)
Ly cà phê đầu ngày bốc khói, thơm nhè nhẹ. Từng ngụm, từng ngụm. Ngây ngất một hạnh phúc vô cùng. Lòng chùng lại, như chắt chiu từng giọt đắng, vị ngọt của quê hương. Tôi đã về một nơi chốn nhỏ nhoi của biển, để nghe đời nhẹ tênh, để nghe “tựa hồn như những năm xưa”. 
Chiếc xe ôm trờ tới, ngừng trước cửa quán. Vẫn dáng cao gầy quen thuộc, ông anh vợ vẫy tay chào, bước vội về phía bàn tôi đang ngồi.
-H. tới lâu chưa?
-Cũng không lâu. Xe đâu mà anh lại đi xe ôm?
-Con Nga (tên gọi ở nhà của bà xã) không cho chạy, phải bắt xe ôm. Để H. muốn đi đâu thì anh em mình gọi tắc-xi.
 Anh vừa ngồi xuống vừa nói. Lo lắng và bảo vệ tôi đã trở thành thói quen, phản xạ tự nhiên của Kim H. mà người thân và bạn bè chung quanh đều biết. 
-H. gọi món ăn sáng gì chưa?
-Chưa. Còn đợi anh.
Quay lại người thanh niên, chắc là chủ quán, đang cười cười chờ đợi.
-Em cho hai tô bánh canh cá, một cà phê đá. H. uống thêm gì nữa hông?
-Cho chú thêm một cà phê nóng.
-Dạ, có ngay!
Anh lớn hơn tôi một tuổi, nhưng trông già và tiều tụy hơn nhiều. Nhớ lần đầu gặp anh hơn 30 năm về trước, khỏang giữa năm 1978. Anh cùng vợ con còn ở An Hòa và rất phong độ. Lúc đó tôi đang sống trong trường cấp 3 Rạch Sỏi, khu tập thể cùng phòng với thầy Nguyễn Quốc Q. Ăn cơm nhà bếp, lương tháng 60 đồng. Ly cà phê nóng: 1 đồng; nếu hút thuốc thì 2 điếu Samit cũng 1 đồng. Chúng tôi thường bảo nhau, lương giáo viên chỉ đủ mỗi ngày 1 ly cà phê, hai điếu Samit ngoài ra khỏi cần ăn cơm để sống và để dạy! Thế nhưng chúng tôi vẫn yêu đời, yêu nghề và yêu tuổi trẻ vô cùng... Trước 1975, anh là hạ sĩ quan truyền tin (hình như là trung sĩ nhất) chi khu Bình Thủy, Cần Thơ. Nên sau đó anh nhận sửa ra-đi-ô, truyền hình và còn nhận dạy nghề. Cuộc sống gia đình vì vậy cũng khá hơn. Khi biết Kim H. và tôi quen nhau và dự tính tiến đến hôn nhân, anh không ủng hộ nhưng cũng không phản đối. Lâu lâu nằm nhắc chuyện cũ, bà xã kể lại trước đám cưới nghèo (không thể nào nghèo hơn thế nữa), không chỉ anh mà một vài thầy cô trong trường đã cảnh cáõ: “em mà lấy ông thầy H. là em sẽ lảnh đủ mọi đường, tứ bề thọ địch. Ngoài việc cầm viết, cầm phấn dạy học thì ổng không nhổ nổi một cọng cỏ nói chi đến chuyện đóng đinh, bắt gà”. Vậy mà bà xã tưởng bở, vẫn nhào vô! Vậy mà mọi chuyện đều trở thành hiện thực. Từ ươm trồng, chăm sóc vườn tược, cây cảnh quanh nhà đến việc sơn sửa nhà cửa và cả cắt cỏ mỗi tuần đều dồn hết vào đôi bàn tay thon thả của bà xã... Nghe người chung quanh to nhỏ, “bà H. nuông chìu chồng quá mức”, bà xã chỉ cười cười: “chắc kiếp trước tôi nợ ông ấy”. Rồi Kim H. nói nhỏ với tôi: “kiếp nầy em chỉ trả nợ. Hẹn kiếp sau em sẽ trả cả lời”!
Hai tô bánh canh cá bốc khói, thơm lừng. Những sợi bánh canh vừa vặn, trắng nõn mà. Những lát cá xớ màu vàng nhạt tươi. Hành lá, ngò và lớp tiêu trải mõng trên mặt tô nước lèo trong trẻo, ngon mắt vô cùng.  
-H. ăn thử đi. Đây là hàng “độc” của quán nầy.
Muỗng đầu, muỗng thứ hai. Không thể nào ngon hơn nữa. Ngon đầu lưỡi, ngon thấm cổ họng. Những giọt mồ lấm tấm trên trán và đẫm ướt áo tôi. Thật là sảng khoái. Chừng như có hai thứ không thể tách rời khỏi đời sống quê hương cuả nó. Đó là thức ăn và ngôn ngữ. Đã sống và làm việc hơn nửa đời người trên nhiều vùng đất Âu (Thụy Điển – Đức), Á (Trung Hoa – Nhật) và dĩ nhiên ở Mỹ tôi biết mình không cường điệu, quá lời. Mỗi lần ăn một món ngon đâu đó, đều chỉ mang theo nỗi nhớ và so sánh với hương vị quê tôi. Và ngôn ngữ mà chúng ta “nói” với nhau, bên ngoài đất nước cũng chỉ là tiếng Việt “mang theo”! Không phải là ngôn ngữ tiếng Việt đang sống, đang hít thở từng nhịp đời trong lồng ngực của quê nhà.  Có thể là tôi quá chủ quan?
- Sau khi hưu trí, vợ chồng H. có dự định về đây sống dưỡng già hông? 
Tôi biết anh rất thương Kim H. Nghe nói khi trong lính, còn độc thân, trong bóp anh lúc nào cũng mang tấm hình học sinh của em gái mình. Đôi mắt anh đã quá nhiều chịu đựng, đã sầu khô những an phận, đợi chờ. Tóc tôi đã trắng màu năm tháng. Anh cũng già đi theo định mệnh an bài. Mỗi người một cảnh. Năm tháng như đang thay da đổi thịt, tô điểm lên đất nước tôi bộ áo rực rỡ muôn màu. Nhưng năm tháng cũng đang đùa cợt, khóc cười trên từng thân phận con người thật bé nhỏ của chúng ta... Tôi chưa kịp trả lời thì một tốp người bước vào quán. Họ cười nói ồn ào, vui vẻ. Hai gái ba trai, tuổi chừng hai mươi. Quê hương tôi ngày nay như cô gái mới lớn tràn đầy hương sắc, nhiệt huyết và cũng thật hồn nhiên, vô tư. Nhưng chừng như cô gái hương sắc nầy đã đánh mất đi nét ngập ngừng, bẽn lẽn của những ngày nào. Tuổi trẻ của thời đại “sóng mạng”. Thế hệ của sự hội nhập, của “mạng toàn cầu”. Tôi biết rõ như vậy, nhưng vẫn cố chấp,  vẫn thương tiếc, ngậm ngùi!  
Một ca khúc trữ tinh vang lên với giọng trầm ấm, đậm đà hương vị hoài mong: 
“Có một không gian nào, đo chiều dài nỗi nhớ
“Có khoảng mênh mông nào, sâu thẳm hơn tình thương
“Ở đâu đây nỗi nhớ, anh mơ về bên em
“Ngôi sao như xuống thấp, cho ta gần nhau hơn.. . (2)
Hai chúng tôi ngồi lặng yên, bên cạnh tiếng cười hồn nhiên không dứt. Gió chợt nhiều hơn, mang hương biển mặn, hanh hanh những hơi nước ven bờ. Ông anh vợ nhắc tôi còn phải đi vài nơi trước khi về nhà cho kịp bửa ăn trưa. Chúng tôi rời quán khi bên ngoài nắng đã lên cao. Buổi sáng đã trễ tràn cho một ngày mới. Chợt nhớ ra, tôi vẫn còn nợ anh câu trả lời. 

NNH

(1): Phôi Pha – nhạc Trịnh Công Sơn

(2): Ở Hai Đầu Nỗi Nhớ – nhạc Phan Huỳnh Điểu, thơ Trần Đình Chính



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét