Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

Móc ngoặc - kỳ 46

Truyện ngắn của Lanh Nguyễn


Dòng thời gian vẫn trôi đi trong âm thầm lặng lẽ.
Sau hơn hai năm cướp chánh quyền người CS đã tổ chức khá kiện toàn bộ máy kềm kẹp từ trung ương cho tới địa phương.
Dân chúng đã thấm đòn, rất nhiều người chịu không nổi nên tổ chức vượt biên, người ta vượt biên càng lúc càng đông từ khắp mọi nơi đổ dồn về các tỉnh ven biển rồi dùng tàu đánh cá mà trốn đi. Có người may mắn trốn 1 lần là khỏi, cũng có người xui xẻo bị bắt lại nhưng rồi họ cũng lần lượt tìm cách trốn tiếp.
Các xã huyện ở ven biển dồn hết khả năng nhân sự để tăng cường cho đội công an biên phòng.
Những người có thể đọc viết được ở xã Đông Hưng đều được rút vể huyện An Biên trong đó có Thắng nó được tăng cường cho đội công an biên phòng của huyện. 
Chiếc vòng "kim cô" càng lúc càng siết chặc vào đầu của người dân. Người nào có thể trốn được thì đi trốn, người nào không trốn được vẫn phải âm thầm chịu đựng để tiếp tục cuộc sống.

Vòng xoáy đời đang quay cuồng dữ dội đang làm rung chuyển cả trời đất nhưng Long và Hoa vẫn thản nhiên không hề muốn biết, họ vẫn ung dung tuần hai lần chở cá vượt trạm kiểm soát đi ra Rạch Sỏi bán kiếm lời. 
Mỗi chiều thứ ba Long đều đứng lớp dạy thế cho Hoa, nàng ở nhà nấu cơm sớm. Tan học là cả bọn đã có sẵn mâm cơm ngon lành.
Cơm nước xong 2 người xuống vỏ máy chạy thẳng vô Kinh 15 cân cá. 17 gia đình trong ấp Kinh 15 bây giờ đều đi cắm câu lấy cá bán kể cả 2 anh thầy giáo người Miên.
Chiều thứ 3 và chiều thứ 6 mọi người chuẩn bị sẵn sàng hể vỏ máy của Long vừa vào đến là họ thi nhau đem cá tới cân, họ tranh thủ cho chàng về sớm trước khi mặt trời lặn xuống dưới cánh rừng tràm xanh thẩm.
Thường thường thì 7 giờ tối là tất cả đã xong xuôi sẵn sàng lên đường trở về chợ. Mỗi lần thấy trời chuyển mưa là anh Ba Rắn Hổ căn dặn:
- Chú nhớ canh chừng tát nước cái vỏ máy nghen đừng để nước lỏng bỏng cá lội được là lường nó bị nhám, dễ chết lắm. Bạn hàng họ chê chú cân hổng được đem bán cá mắm lổ thắt họng chứ hổng chơi đâu...
Long cười cười trấn an anh ta:
- Chuyện đó tui biết mà anh Ba, nghề ruộng mới là nghề chánh của tui còn thầy giáo chỉ là nghề tay trái thôi.

Tháng chín giữa thu thời tiết lý tưởng, gió mát rượi nhưng trời lại bắt đầu mau tối, mới 7 giờ mà chỉ còn nhìn thấy lờ mờ. Trăng 17 vẫn còn trốn ở đâu đó chưa chịu nhú lên.
Danh Quyền hỏi:
- Anh định về bây giờ hay là ở lại chơi một lát chờ trăng lên thấy rõ đường rồi mới chạy về?
Cô Hoa dành trả lời thế:
- Chắc là phải về liền, em ngồi trước mũi rọi đèn pin cho ảnh chạy. Ở tối quá em sợ lắm.

Chiếc vỏ máy rời bến nhà Ba Rắn Hổ nó băng mình như một lằn tên bay trong đêm tối. Thật ra chạy máy ban đêm cũng chả có gì là khó khăn. Hai bên bờ cây lá đan kín nhưng chính giữa lòng sông tróng trơn mặt nước phản chiếu bóng đêm nên dội lên một làn ánh sáng yếu ớt. Người điều khiển vỏ máy chỉ việc nhắm ngay lằn ánh sáng đó mà chạy thẳng nếu nghe tiếng máy chạy ngược chiều thì người ngồi phía trước nhá đèn pin làm hiệu để cả 2 phía hạ thấp ga lại mà né nhau...
Khoảng nửa giờ sau là ánh trăng 17 bắt đầu lú lên toả ánh sáng dịu dàng. Chiếc vỏ máy cũng đã ra tới phía ngoài con kinh sáng và nó bắt đầu trực chỉ về Xẻo Rô. 
Ngoài kinh sáng con sông đã rộng lại có ánh trăng mờ ảo nên thơ vô cùng.
Trời mát rượi phong cảnh lại hữu tình hai người ngồi sát bên nhau nhưng không ai lên tiếng, chắc là mỗi người đang có một suy nghĩ thầm kín nào đó ở trong lòng. Hay họ không nói chuyện với nhau được nhiều là vì tiếng máy nổ lớn quá làm điếc cả 2 cái lổ tai.
Gần 2 giờ sau thì họ sắp về đến thứ 3. Long hạ nhỏ ga lại nói với nàng:
- Hay là em ghé nhà ngủ cho khoẻ nghen. Mình anh ra Xẻo Rô ngủ cũng được. Sáng sớm hợp chung đoàn với thiên hạ vượt  trạm. Chừng 8 giờ sáng anh trở lại thứ ba rước em về thứ 11.
- Hổng thèm. Em đã nói với anh rồi. Anh ngủ đâu thì em ngủ đó. Ghé nhà làm gì? Má Năm mà biết bả cạo đầu khô khỏi chế nước.
Long cười cười hỏi lại:
- Em tính ngủ trên vỏ máy mà hổng đem mùng theo hổng lẽ ngủ trần cho muỗi nó khiêng em đi mất à?
Hoa đánh vào vai anh vừa cười vừa nói:
- Anh xạo quá đi. Cái mùng của anh để làm gì hả? Ngủ ngoài trời một mình anh hổng sợ lạnh sao mà làm bộ... 

Đến gần chợ Xẻo Rô thì trời đã về khua. Mười giờ tối ở quê người ta đã tắt đèn ngủ hết rồi. Long cột ghe dưới bến nhà Tùa Kía gần cái trại ghe nhưng không đậu vào trong. Cái vỏ máy nầy anh thường ngủ trên đó nên đã chuẩn bị chổ giăng mùng. Hai bên  be anh đặt 4 cái khoen tròn dùng để cắm 4 nhánh tràm nhỏ cao chừng hơn 1 mét rồi buộc dây giăng mùng lên đó.  Thấy Long không đậu trong trại ghe Hoa thắc mắc hỏi:
- Sao có trại tróng mà anh không đem vỏ máy vô trong đậu, đậu phía ngoài rủi mưa thì sao?
- Cái trại ghe của người ta biết chủ là ai mà lên hỏi đậu nhờ. Mình đậu phía ngoài khỏi mất công lôi thôi. Ban đêm đậu ngoài trời trống trải mát mẻ ngủ sướng lắm nếu lỡ có mưa thì mình chui vô trại để đục nhờ cũng chưa muộn...
Cuộc sống trên sông nước nếu có đôi có bạn cũng xem như là một thú an nhàn thần tiên không gì sánh bằng...

Hai đứa mình lênh đênh trên sông nước
Ngày như đêm xuôi ngược khắp An Biên 
Sống an lành dù thế sự đảo điên 
Nào hay biết dân triền miên thống khổ 

Chiếc thuyền tình đang chập chờn sóng vỗ 
Đời giang hồ chưa được chỗ trú thân 
Hai chúng ta tìm kiếm đã bao lần 
Vẫn chưa thấy bình minh cho cuộc sống 

Ta vẫn biết tình yêu là giấc mộng 
Là biển khơi, là trời rộng thênh thang 
Là nhớ thương là ngăn cách đôi đàng 
Là đau khổ là bẽ bàng theo duyên số....

Trời đã định rồi, đố ai thoát khỏi...
Niềm vui chưa được bao lâu thì mùa gió bất lại trở về. Nó không những đem hơi lạnh đến cho mọi người mà nó còn làm cho mùa cắm câu chấm dứt. Không còn cá để chở ra chợ bán nữa. 
Nhưng mùa gió bất lại báo hiệu ngày Tết cận kề nó cũng là lúc biển êm gió lặng và người vượt biển càng ra đi ồ ạt hơn...
Cái Tết năm 1978 là cái Tết sau cùng ở Việt Nam mà Long đón nó cùng gia đình...

Từ ngày CS cướp chánh quyền đến năm 1978 người dân miền Nam đã đón 3 cái Tết Nguyên Đán. Cái Tết đầu tiên khi đất nước không còn tiếng súng, hầu hết dân thôn quê miền Nam đều vui mừng vì người ta tưởng lầm rằng từ nay đã thật sự không còn bị thần chết ám ảnh chực chờ đem đi bất cứ lúc nào. 
Cuộc sống rồi đây sẽ được cải thiện từ từ. Nhưng ai có ngờ đâu:

Dân thôi chết vì đạn bom súng nổ 
Mà khổ vì không có chỗ dung thân 
Từ thị thành cho đến tận thôn lân 
Đang chết dần vì lũ vô thần ấy 

Thằng ăn trộm hôm kia dân mới thấy 
Thì hôm nay nó lại nhảy lên ngôi 
Bàn chủ tịch, thằng ấy nó đang ngồi
Nhìn lạng quạng nó lôi đi cải tạo 

Lúa với gạo chúng ông thầu hết ráo 
Bọn chúng mầy lếu láo chết bây giờ
Thấy chuyện gì thì cũng phải làm ngơ 
Nói bậy bạ ông phơ cho dập xác

Hãy cố gắng mà nghe lời của bác 
Đời chúng mầy sẽ thành rác trôi sông 
Ngụy đi rồi đừng ở đó mà mong 
Đế quốc Mỹ sẽ không quay trở lại

Từ cái Tết thứ nhì trở đi không khí bắt đầu ảm đạm. Hàng hóa cái gì cũng thiếu. Vải vóc để may đồ mới cho trẻ em không có, đường, bột gạo nếp để làm bánh cúng ông bà cũng không. Ngày Tết trông cũng như ngày thường, bởi vì tất cả mọi thứ đều bị CS quản lý chặt chẻ, mua thứ gì cũng cần phải xin giấy. Người dân thi nhau  xuống tàu vượt biên để trốn khỏi cái thiên đường "Xuống Hố Cả Nước"

Chiều qua anh đến nhà em 
Vườn không nhà trống cửa rèm nhện giăng 
Em ơi! Em có nhà chăng? 
Hay là em đã theo trăng xuống tàu? 
Thế là ta đã mất nhau 
Biển xanh sóng dậy chôn bao xác người 
Từ nay mất hẳn nụ cười 
Rừng xanh bị phá, đười ươi xuống thành...

Cái Tết thứ 3 thì thảm sầu hơn nhiều. Những người Lính đi cải tạo đã hơn 2 năm mà vẫn bặt vô âm tính. Ngày trở lại với gia đình vẫn mờ mịch không ai biết. 
Tất cả các nghành nghề đều bị bắt buộc vô hợp tác xã. Những tin đồn từ ngoài bắc, ngoài trung đưa vào làm dân chúng càng hoang mang lo sợ.
Nào là phải tập trung ra ruộng theo tiếng kẻng, ăn uống nghỉ ngơi mọi chuyện đều phải làm theo tiếng kẻng báo hiệu.
Lúa ở trong bồ sẽ bị kiểm tra và bắt buộc phải đem cân cho nhà nước, gà vịt trâu bò chó mèo đều phải đem đi đăng ký...
Những tin đồn đó ngày càng lan rộng, lòng người dân càng hoang mang khiến người ta càng đi vượt biên đông hơn. Mùa Tết, biển êm sóng lặng thuyền lớn thuyền nhỏ đều muốn ra khơi để tìm đường thoát khỏi sự kềm kẹp của cái vòng kim cô quái ác đang siết vô đầu.
Có người đã bị bắt 8, 9 lần mà vẫn không từ bỏ ý định vượt biên. Tên công an lấy khẩu cung hằn học hỏi:
- Ông đã bị bắt 9 lần rồi tại sao lại còn đi vượt biên nữa?
Ông Tàu sống trên đất Việt nầy trả lời không một chút do dự:
- "Nị ga mà hỏi cái cây cột đèn. Nó mà có chưn thì nó cũng đi luôn gồi nói chi tới tui"...

Không khí Tết ở nhà đã thảm sầu ảm đạm, xuống trường lần nầy lại càng thảm hơn. Anh em GV gặp nhau mới có mấy hôm thì Long có tin nhắn phải trở về phòng GD gấp có việc cần.
Trước năm 1975 không biết ở Sài Gòn hay ở ngoài tỉnh thành đã có trường mẫu giáo chưa, chứ ở các Quận dù có đông dân, trù phú cách mấy vẫn chưa có trường mẫu giáo. CS thì cái gì cũng muốn "nhứt cư". Phổ thông, bổ túc còn bầy nhầy như một mớ bòng bong chưa tới đâu cả, vậy mà họ lại muốn tiến sang lảnh vực mẫu giáo. 
Phòng GD An Biên đang chọn một nữ cán bộ để đưa về ty GD học chuyên nghành phụ trách mẫu giáo. Không biết tên khốn nào đã đề nghi rút cô Hoa về phòng GD An Biên rồi đưa nàng ra ty học.
Nghe tin sét đánh Long lên tiếng phản đối mạnh mẽ:
- Sao mà chú cứ tìm cách chặt tay chặt chân tui hoài dị? Đầu năm rút mất thằng Hoàng. Chia trường mất thằng Sơn, Năm Dồi lấy mất thằng Đô bây giờ lại rút thêm cô thủ ủy của tui nữa. Cái trường còn lại toàn là dân mới tinh y như hồi tui mới xuống. Chơi dzị chơi sao bền? Rút cô Hoa đi tới mùa cá lấy ai đi chở cá với tui. Mối mang giá cả một mình cô ta biết chứ tui chỉ có chạy máy thôi còn buôn bán thì bù trất. Làm dzị thì coi như đập bể cái nồi cơm của mình rồi đó. 
Út Nhứt chắc có lẽ đã tính toán bàn thảo  kỹ lưỡng chuyện rút cô Hoa về phòng rồi nên tỉnh bơ trả lời:
- Chiện đó tụi tao tính kỹ hết gồi. Bi giờ tới bãi chường cũng đâu có cái gì cho mầy làm ga tiền. Mầy ở dưới đó huấn liện cho thằng hiệu phó gồi tìm thêm một đứa khác nữa làm phụ tá cho nó, cuối niên học chở lại phòng GD như dzậy thì 2 đứa mầy cũng làm chung một chỗ chứ có "chia lon ghẻ phụng" gì mà mầy cằn nhằn cự nự. 

Trở về phòng GD cái viễn ảnh tối mò như đêm 30 tháng 04. 
Chưa tìm ra được người chủ ghe biển nào có ý định bán ghe đi vượt biên. Ghe thì nhiều, quen chủ ghe cũng không ít. Nhưng cái khó là làm sao mở lời để dọ ý người ta. Nếu chẳng may họ không có ý định vượt biên hay bán ghe mà mình nhào vô hỏi đại thì coi như tàn đời với công an. Rồi sự tin tưởng sẽ không còn nữa. Chính vì thế mà mấy tháng nay Long còn do dự chưa dám mở lời với bất kỳ ai. Bây giờ thời gian không còn. Địa bàn công tác sắp bị đổi. Mọi chuyện sắp bị đảo lộn tùng phèo...
Út Nhứt cho anh 2 tuần lễ để chuẩn bị đưa cô Hoa về phòng. 
Tiền bạc và chức vụ thủ quỷ được Hoa giao lại cho Đào đảm trách. Hai tuần ngắn ngủi còn lại rồi cũng qua nhanh. Thiệt là tình:

Em đi mang cả hồn anh 
Rừng cây ủ rủ, lá xanh đổi màu 
Mình anh "ngoặc móc" làm sao. 
Ghe câu, ghe lưới, ghe cào để ai
Thứ Ba, Mười Một, sông dài...
Vắng em anh nhớ cả ngày lẫn đêm...

Cô Hoa bị rút về phòng làm Long hụt hẫng Mọi trật tự trong cuộc sống đều bị đảo lộn. Chưa đầy tuần lễ là anh đã nhảy tọt lên mui đò Hiệp Lợi trở về phòng.
Nhưng về phòng cũng chỉ để nhìn nhau mà tức. Cô Hoa chưa có việc gì làm ở phòng, mỗi ngày chỉ tới đó trình diện cho có mặt một lúc rồi về nhà nghỉ.
Khóa học ở Ty chưa biết tới bao giờ mới có. Trường mầm non mẫu giáo thì còn nằm trên bảng kế hoạch. 
Chiều chiều qua nhà cô Hoa thăm chơi, 2 đứa cũng chỉ nhìn nhau mà nuốt nước bọt. 
Long cũng không có tinh thần để uống rượu với ông Hai Thiên. Hai người chỉ uống trà mà bàn chuyện thời sự. Ông Hai Thiên hối thúc chuyện tìm mua ghe:
- Mấy tháng tới đây biển êm lắm nếu có ghe là mình có đủ người đi. Cháu ráng tìm đi. Để chậm chạp rủi bị đổi về huyện như con Hoa là mình kẹt lại luôn đó. 
- Vậy chắc là cháu cũng phải liều mạng mà hỏi người ta đại chứ biết làm sao bây giờ...

Về lại trường Đông Hưng Long bàn với Quốc Việt:
- Kết thúc năm học nầy là tôi trở về phòng rồi. Ông muốn tìm ai làm hiệu phó thì cho tôi biết để tôi đề cử luôn nhưng làm ơn nhớ một điều là người đó không thể là mấy anh Bắc di cư nghen. 
Cuối cùng Long đề cử "Minh kinh tế mới" làm hiệu phó chuyên môn. Cái trường còn chỉ hơn phân nửa lớp so với năm trước mà có tới 2 hiệu phó nên Long giao toàn quyền cho Quốc Việt và Minh còn mình thì lẽn xuống các điểm trường tham quan rồi qua luôn bên Sơn và Trần tìm các chủ ghe biển nhậu để chờ cơ hội mở lời dọ ý hỏi mua ghe...

Người dân ở thôn quê bây giờ như kiến bị nhốt trong cái chảo nóng cứ bò quanh quẩn trong chảo, bò lên miệng chảo để nhìn ra ngoài xa, thèm một khoảng trời bao la vô định nhưng đa số những con kiến đó chỉ bò quanh miệng chảo để rồi chui trở vào lòng chảo mà chờ chết. Cũng có không ít con đã liều mình buôn rơi ra ngoài vực thẳm phó mặc cho số phận...
Cái tin đồn nông dân bị ép phải bán lúa cho thương nghiệp càng lúc càng lan rộng làm cho họ đứng ngồi không yên.
Chú Mười trại cưa sau tiệc nhậu đã than với Long:
- Nông dân mình sống được chủ yếu là cậy vào giá lúa. Lúa bán có giá thì mới có tiền mà chi xài chong nhà. Họ ép giá kiểu nầy có khác nào siết cổ, bóp mũi người nông dân cho tới chết đâu, dzị mà cái miệng họ mở ra là oang oang nói "chánh quyền nầy là của người dân". Tui thiệt chán quá đi thầy giáo ơi!

Đi tới đâu cũng nghe thiên hạ than vắn thở dài khiến Long nhớ tới cô Thắm ở Đông Yên người đã bỏ nghề gõ đầu trẻ rồi chuyển sang buôn bán gạo lẻ.. 
Ở không chẳng có cái móc nào để mà cào mà quẹt làm tay chân anh ngứa ngáy khó chịu. Suy đi tính lại Long quyết định đi xay hàng sáo bán gạo lậu như cô Thắm, vừa kiếm tiền vừa giúp ích cho các bạn nhậu của mình.
Ba cái nhà máy xay lúa thì cái ở Tắc Cậu Long có quen nhưng lại khó đem lúa ra đó xay vì bị cái trạm kiểm soát ở Xẻo Rô cản đường. 
Cái ngay chợ Thứ Ba thì nằm gần phòng GD và huyện ủy quá dễ bị rắc rối. 
Long quyết định đến nhà máy xay lúa Thứ 9 bắt mối để họ xay gạo cho mình.

Nghe kế hoạch mua lúa xay gạo bán má Năm ủng hộ 2 tay bà xuống Thứ 9 để lo chuyện xay gạo vì người coi gằng cho nhà máy Thứ 9 vẫn là Hai Khôn con lớn của má hai anh cùng cha khác mẹ với cô Hoa. 
Long và Hoa thì ra chợ bàn với vợ chồng anh Hạnh về giá gạo và số lượng mua vô mỗi kỳ.
Thiệt ra mua bán gạo lậu lúc đó cũng không còn lời nhiều vì chi phí quá cao. Mua dầu lậu để xay lúa, mua xăng lậu để chạy máy mà mỗi chuyến đâu có dám chở nhiều gạo. Cái vỏ máy được trét chai và sơn lại cho thật khô, gạo vô bao lỏng lỏng để cho nó nằm xẹp gọn dưới mấy cái sạp. Mỗi chuyến chở đúng 10 giạ gạo dưới cái vỏ máy khổng lồ để cho bọn công an kinh tế tưởng lầm là vỏ máy không. 
Mà cái quan trọng của 2 người lúc đó không phải là mỗi chuyến hàng lời được bao nhiêu tiền. Họ chỉ muốn được gặp nhau mỗi tuần vài lần dù thời gian bên nhau thật là ngắn ngủi. Mỗi tuần vẫn là chiều tối thứ ba quen thuộc Long đem lúa tới nhà máy cho anh hai Khôn, xay xong là chuyễn gạo xuống vỏ máy liền tay. Long trải cao su và manh chiếu nhỏ trên sạp rổi giăng mùng ngủ giữ gạo. Ba giờ sáng trước khi đò thứ 9 khởi hành là anh một mình chạy thẳng về thứ Ba. 
Cô Hoa cũng nôn nóng không kém vỏ máy vừa cặp bến nhà máy là cô đã chuẩn bị sẵn sàng theo chàng đi buôn lậu.
Chưa đầy nửa giờ sau là họ đã tới gần chợ Xẻo Rô. 
Lúc đó trời vẫn còn tối lắm, chưa đến 5 giờ sáng cho nên Long tắt máy rồi ghé vào một bến vắng giăng lại mùng 2 người tiếp tục chun vào nằm ngủ để chờ đến 6 giờ sáng lúc mà ghe tàu đi qua trạm nườm nượp thì họ sẽ tháp tùng cùng mọi người vượt trạm về chợ...

(Xem tiếp kỳ 47)

Lanh Nguyễn 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét