Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

Móc Ngoặc - Kỳ 47

Truyện ngắn của Lanh Nguyễn


Phong trào vượt biển bằng cách đi chui ở tỉnh Rạch Giá bây giờ đang là cơn sốt. Ngày một ngày hai, hôm trước hôm sau là có nghe tin người nầy đi lọt lưới kẻ nọ bị bắt lại. 
Đi chui là những mẫu chuyện vui, cười ra nước mắt. Có người lập kế hoạch kỹ lưỡng từng chi tiết nhỏ nhưng đến khi xuống tàu vẫn gặp trục trặc nên bị công an biên phòng nó tóm cổ. 
Cũng không ít người vô tình được bắt theo ghe đúng lúc người ta chuẩn bị đi chui...
Cái chánh quyền tồi bại đó đã tạo ra không biết bao nhiêu là nghịch cảnh trái ngang, con xa cha, vợ xa chồng, người dân quê phải rời bỏ ruộng đồng để dấn thân vào lòng biển cả mênh mông vô tận. 
Những gia đình muốn vượt biên thông thường thì người ta tách ra đi làm nhiều chuyến, để khi sui rủi người đi bị bắt thì kẻ còn lại giữ được căn nhà đang ở, như thế thì cả gia đình không phải ra ngủ ngoài thớt thịt trong nhà lòng chợ. 
Nhưng cũng không ít người chỉ muốn chết sống có nhau, cả gia đình không rời xa nửa bước. 
Thiệt đúng là:

Thời mạt vận cửa nhà ly tán 
Người Việt Nam đại nạn vương mang 
Vợ chồng, cha mẹ lìa tan 
Mỗi người mỗi ngã hai hàng lệ rơi 

Lũ đười ươi thay người cầm lái 
Nên con thuyền đất nước phải nghiêng
Toàn dân liều chết vượt biên
Trẻ già, lớn bé xuống thuyền ra khơi 

Người dân Việt Nam thời buổi đó nếu có ai hỏi họ cái quyết định nào là quyết định khó khăn nhất, quan trọng nhất trong cuộc đời thì 100 người được hỏi sẽ có cùng một câu trả lời đó là "quyết định đi vượt biên". Những người có kiến thức, có sự hiểu biết về chủ thuyết tự do, chủ thuyết CS, thì người ta bỏ nước ra đi để tìm tự do đã đành. Nhưng người dân chài lưới, dân lao động, dân làm ruộng quanh năm lam lũ với mái tranh với vườn rau ruộng lúa không hề biết một tí gì về cái chủ thuyết vô thần đó, vậy tại sao họ cũng liều mình bỏ nơi chôn nhau cắt rún, bỏ mái nhà thân yêu mà ra đi?
Cho dù họ dư biết hiểm nguy đang rình rập chực chờ trước mắt.

Cậu Út của cô Thúy gia đình có 5 người đang thừa hưởng căn nhà hương quả trên đường đi Hà Tiên. Căn nhà lầu rất khang trang nhưng ông ta quyết định đi vượt biên cả gia đình một lần. Ông không muốn đi trước một mình vì sợ có chuyện bất trắc xảy ra thì vợ và 3 đứa con chưa quá 10 tuổi của ông không thể nào sống nổi trong cái chế độ khắc nghiệt hiện tại. Nhưng nếu cả 5 người đi cùng 1 chuyến, lỡ bị bắt thì không còn nhà để ở dù rằng căn nhà đó là nhà hương quả của ông bà cha mẹ để lại chứ không phải là nhà do ông tự tạo ra...
Vì tương lai 3 đứa con ông ta quyết tâm đánh ván bài liều. Một liều, ba, bảy cũng liều ông quyết định lập kế hoạch vượt biên. 
Vợ ông tính cẩn thận lại lo xa, nếu lỡ như đi không lọt, nhà bị mất 2 vợ chồng có thể sống rày đây mai đó cũng không sao, nhưng còn 3 đứa con nhỏ thì không thể nào sống bụi lây lấc như vậy được. 
Hai vợ chồng ông suy đi tính lại quyết định dùng kế ngụy trang.
Khi cô Thúy được rút về làm cán bộ ty GD ông ta bắt cô Thúy chuyển hộ khẩu đến nhà ông và bắt nàng dời chỗ đến ở chung trong nhà. Bước kế tiếp ông xuống Đông Hưng nhờ vợ chồng cô Phương mua cho ông một miếng đất nhỏ, cất lên đó một căn nhà lá vừa phải rồi xin chuyển hộ khẩu cả gia đình về xã Đông Hưng ở luôn.
Mục đích của Cậu Út là muốn cho cô Thúy làm sở hữu chủ căn nhà lầu ở chợ Rạch Giá dùm, để cậu yên lòng mà vượt biên. Nếu chẳng may bị bắt lại thì gia đình còn có căn nhà đó để ở.
Vợ chồng Trần ít có giao thiệp hoà đồng với dân chúng ở đó như Long nên mọi việc họ đều nhờ anh lo dùm.
Số gia đình cậu Út là số bị lưu vong cho nên đi một lần đã lọt tót sang Thái Lan, như vậy là cô Thúy một mình ngang xương được sở hữu căn nhà lầu 2 tầng rộng thênh thanh ở ngoài chợ còn cô Phương thì sở hữu căn nhà lá ở trong quê. Bị lập nghiệp làm ruộng rẫy, khõ đầu trẻ trong ấp Vàm Sáng xã Đông Hưng.
Vậy mới nói trời kêu ai nấy dạ, số hưởng thì được hưởng, số cày thì phải đi cày...

Mua lúa đi xay gạo chui để bán, tuy có hơi cực và cô đơn hơn đi mua cá nhưng mà "có còn hơn không". 
Hai người gặp nhau được vài giờ đồng hồ đã là có phước lắm rồi nhưng phước đó chưa hưởng được bao lâu thì nhiều biến cố trọng đại xảy ra liên tục.
Đầu tiên thì ty GD đã có lịch bắt cô Hoa ra học khóa tổ chức chương trình lập ngành mẫu giáo cho các huyện. 
Vậy là nàng Hoa phải khăn gói ra ở tạm nhà với cô Thúy trong thời gian thụ huấn.
Vắng Hoa, Long chỉ chở gạo mỗi chiều thứ sáu rồi đem chiếc honda ra chợ chở Hoa đi chơi, tối về ở tạm luôn trong nhà Thúy. Sáng thứ hai mới về nhà mình chơi rồi hôm sau lại trở về các điểm trường chứ không về ở trong căn nhà tập thể tại chợ thứ 11.

Càng gần ngày bãi trường Long càng về trên phòng GD thường xuyên hơn. Nhưng thay vì ở chung với Tường hay Mạnh thì anh đến ở chung với vợ chồng Tòng và Hương. Hai đứa nó bây giở có được một đứa con gái sắp đầy tháng.
Hôm ăn đầy tháng tình cờ thằng Thắng cũng tới dự. Không biết nó với Tòng nói lén gì về anh mà hôm sau thằng Thắng rủ xuống chiếc tàu tuần của nó nhậu.

Thắng được rút về huyện hơn tháng nay được tăng cường vào đội công an biên phòng nó được cho chỉ huy chiếc tàu tuần vốn dỉ là chiếc ghe cào lớn của người đi vượt biên bị bắt lại. Đáng lý ra về huyện Long không muốn dính dáng gì đến phía công an nữa nhưng ông Hai Thiên khuyên:
- Muốn đi vượt biên an toàn cháu phải tìm hiểu cặn kẻ đám công an biên phòng xem thử coi cách thức tụi nó tuần tiểu ngoài biển như thế nào để mình biết đường mà tránh tụi nó. 
Vì vậy mà khi thằng Thắng mời xuống chiếc ghe của nó chơi Long không từ chối chỉ cười cười hỏi lại:
- Dưới ghe có mồi nhậu hông dzị? Đừng nói với tui ghe biển mà hổng có khô để nhậu à nghen.Thắng cười giòn:
- Hổng có thiệt chớ đừng gì nữa. Tàu tui là tàu tuần chứ có phải ghe cào đâu mà có khô. Gặp ghe câu ghe cào của dân, xin cá xin mực thì bị thiên hạ chửi gủa mà gồi họ có chịu cho mình đâu. Còn gặp tàu vượt biên mình gượt nó ban ngày có khi gượt còn không kịp ban đêm nó tắt đèn thì kể như mình hút gió hổng kêu. 
Nhưng mà tui gủ anh nhậu thì mồi màn gụ đế phải có gồi mới dám gủ chứ khơi khơi ai mà gủ gê làm gì. 
Thiệt tình mà nói chơi với công an khác nào giỡn với lửa. Mọi lời nói cử chỉ đều phải tính toán phòng hờ cẩn thận không thể hớ hênh không thể xí xóa 9 bỏ thành mười như những ban ngành khác được. Thiệt là tình.

Nào ai biết trong lòng người khác 
Bọn công an tàn ác vô cùng 
Vượt biên mà bị chúng lùng 
Kinh Làng Thứ Bảy, giăng mùng đếm sao

Vậy cho nên 3 độ nhậu rồi mà Long không hề hé miệng tìm hiểu hay gợi ý để cho chúng nó nói về việc làm của đám công an biên phòng. 
Thằng Thắng cũng không đá động gì tới lý do tại sao nó rủ Long xuống chiếc tàu tuần của nó để nhậu.
Cho tới một hôm Long từ dưới Thứ theo đò Hiệp Lợi mới vừa bước lên bến chợ thì gặp thằng Thắng:
- Chiều nay qua nhậu với tụi tui nghen. 
- Hôm nay hơi kẹt. Hết tiền rồi chờ lãnh lương đi. 
Thằng Thắng cười lớn:
- Tui gủ anh mà, hổng ai bắt anh hùn đâu mà than hết tiền. Tới chơi đi có chiện hay lắm tui sẽ kể cho anh nghe.

Gần 4 giờ chiều thì Long bước xuống chiếc tàu tuần của công an biên phòng An Biên đang neo dưới bến phòng công an. Thắng và 4 đứa công an khác chưa về tàu chỉ còn Thà giữ tàu đang lui cui nấu nướng. Thấy Long tới nó mời:
- Anh ngồi chơi, anh Thắng đang đi phụ lấy khẩu cung chên phòng công an từ sáng tới giờ chắc là sắp về tới gồi đó.
Long làm như không chú ý tới chuyện Thắng đang đi đâu và làm gì chỉ hỏi nó:
- Em đang làm món gì để một hồi nữa nhậu dzị?
- Luột mấy con tép bạc thôi chứ có làm cái giống gì đâu. 
- Có cần anh giúp gì không?
- Xong hết gồi. Chờ mấy người đó về là mình bắt đầu thôi. Nhưng mà hôm nay chắc phải dẹp tiệm sớm vì khuya nay là tụi em ga khơi nữa gồi. 
Thiệt là một cơ hội tốt để anh tìm hiểu về sinh hoạt cũng như việc tuần tra vùng ven biển của đám công an biên phòng cho nên Long không dễ gì bỏ qua.
Anh đến bên Thà móc gói thuốc ra mời nó hút rồi bắt đầu hỏi thăm nó để tìm hiểu những gì mình muốn biết...

Ông Tư Đồ là ông già vợ của anh vợ thằng Sang con chú Mười trại cưa. Ở miền quê người ta gọi sự liên hệ giữa chú Mười và Tư Đồ là "sui bạn". 
Ông ta có 4 người con gái mà tui tạm gọi là tứ đại mỹ nhân. Vợ chồng ông lúc nào cũng muốn có thêm 1 đứa con nữa dù là trai hay gái gì thì cũng tốt thôi, nhưng bà vợ không biết sao, sanh tới đứa thứ tư thì bị tịt ngòi. 
Kiếm một thằng cu tí để nối dõi tông đường cũng không được. 
Tìm một cô con gái để thành ngũ long công chúa cũng không xong ông Tư Đồ ấm ức lắm nhưng không dám hó hé đi tìm của lạ bên ngoài. Bởi gì tài sản của nhà ông vốn được bắt nguồn từ phía bên vợ. 
Long biết nhà ông ta có 2 chiếc ghe biển lớn đều do 2 thằng con rể làm tài công nhưng bây giờ 2 chiếc ghe đó bị đem vô hợp tác xã hết rồi. 
Cá tôm mực... đánh bắt được đều đem về bán cho trạm thu mua hải sản với giá quy định. Mỗi chuyến tàu ra biển thu về được bao nhiêu tiền thiệt tình không ai biết. 
Đã nhiều lần anh muốn làm quen với ông Tư Đồ nhưng chưa có cơ hội vì nhà ông ta không có con nít trong độ tuổi đi học. 
Hai đứa con gái lớn thì gã chồng cho 2 anh tài công của ông. Đứa thứ 3 gã cho anh vợ thằng Sang con chú Mười, còn đứa con gái Út thì 2 tuần nữa sẽ làm đám cưới. Hôm đó ông Tư Đồ qua nhà sui bạn mời đám cưới con gái Út của mình, đúng vào lúc Long và chú Mười đang nhậu ăn mừng vừa bán xong 60 giạ lúa cho nhà chú.
Chú Mười đã nốc hơn một xị đế rồi nên ăn nói mạnh miệng lắm. Chào hỏi vừa xong là chú hối bà vợ đem chén đũa ra mời anh sui bạn. 
Ở thôn quê trong những buổi nhậu có những tục lệ rất dễ thương. 
Nếu mình đã hẹn với người ta để đi nhậu mà đến trễ thì bị phạt rượu. 
Nói, kể chuyện hay ca hát hay thì được thưởng. Mà thưởng hay phạt bao nhiêu rượu thì tùy từng hôm, từng tiệc nhậu. 
Còn một tục lệ nữa đó là "chào sân". Người ta đang nhậu mà mình xớn xác bước vào giữa tiệc nếu được mời thì mình phải chào sân. Thông thường thì chào sân 3 ly để gọi là theo một đoạn đường với người đã đi trước.
Ông Tư đồ là một chiến sĩ rượu đế dũng cảm vừa ngồi vào bàn đã xin phép anh sui bạn:
- Từ nãy giờ anh Mười và chú nầy uống bao nhiêu thì tui hổng gỏ nhưng tui là kẻ đến sau vậy xin phép được chào sân gồi mới nói tới chiện mồi màn nghen.
Làm 3 ly xây chừng rượu đế một lúc trong khi cái bụng trống rổng thì nó nóng phải biết. Chú mười gắp cho ông ta 3 con tép bạc lớn rồi ân cần lột vỏ dùm luôn:
- Vô vài miếng mồi đi anh Tư. Mà anh qua tui thăm chơi hay có chiện gì hông dzị? 
Ông Từ Đồ miệng còn nhai mấy con tép bạc vừa trả lời:
- Thì có chiện gì đâu. Chỉ là qua mời anh chị 2 tuần nữa tới nhà tui dự đám cưới con Út Mận. 
- Anh gã nó dzìa đâu dzị? 
- Cũng gần đó thôi anh, chồng nó là con chai của anh Sáu Bảnh ở gần nhà tui. 
Long giật mình nghĩ thầm con trai Sáu Bảnh hổng lẽ thằng hai Cáo làm ở trạm biên phòng, vậy ra cha nầy cũng có dây mơ rể má với CS rồi. Hú hồn mình chưa hỏi mua ghe ông ta. 
Ông Tư Đồ vớt vào mấy con tép bạc nên mát lòng chiến sĩ. Ông quay sang Long hỏi:
- Chú em nầy bà con với anh Mười như thế nào đây? Nói cho tui biết để dễ bề xưng hô coi.
Long chưa kịp trả lời thì chú Mười trả lời dùm:
- Anh hổng biết người nầy thiệt sao? Là thầy giáo Long hiệu chưởng ở xã mình đó.
Ông Tư Đồ Kêu lên:
- Ái chà! Dữ ác hông. Tui nghe tên thầy lâu gồi mà hôm nay mới có dịp uống chung. Dzô với tui một ly coi, chước lạ sau quen mà.
Câu chuyện trước lạ sau quen bắt đầu rơm rả. Đệ tử Lưu Linh, tứ hải giai huynh đệ nên rất dễ làm quen. Chú Mười luôn miệng kể về Long cho ông Tư Đồ nghe:
- Anh Tư biết hông? Hồi năm gồi cũng may nhờ thầy giáo đây giải dùm cho tui 2 bộ cột nhà nên mới có tiền mà lo cho thằng Sang ga griêng được đó. Thiệt là tình cái thời buổi gì sao mà khó sống quá chời quá đất dzị hổng biết nữa? À còn anh? Hai cái ghe biển lúc nầy đi mần có khá hông dzị?
Ông Tư Đồ ngửa cổ làm cạn nửa ly vừa mới cưa đôi với chú Mười, ông khà một tiếng lấy hơi để than:
- Khá gì nổi mà khá anh ơi. Mực cá tôm bắt về đều phải đem cân cho chạm thu mua gáo chọi, mà tụi nó thu vô giá gẻ thúi gẻ tha. Có mấy ghe bạn họ đem cân lậu ga ngoài cho bạn hàng cá ngày xưa, dzị mà hể bị phát hiện là tụi nó cắt luôn dầu của chủ ghe. 
Chuyến nào mà mình bị thất gồi cân cho nó ít quá, nó cũng bớt dầu của mình nữa đó anh. Mà dầu ít thì mình đâu có đi xa bờ được dzậy là tiếp tục bị thất thu. Cái vòng lẩn quẩn đó nó làm tui muốn điên cái đầu. 
Ngưng một chút cho thấm thía nỗi đau của tình đời ông Tư Đồ lại than tiếp:
- Tui định bán bớt một chiếc ghe gồi cho 2 anh em tụi nó nhập chung lại với nhau, mình làm lai gai sống đắp đổi qua ngày chờ thời cơ thôi, nhưng mà đâu có ai muốn mua ghe để mần ăn chong cái thời buổi khó khăn nầy. Người ta chỉ mua ghe đi vượt biên thôi. Mà muốn bán ghe cho người vượt biên thiệt là khó khăn dàn trời. Mình đâu có biết người nào muốn đi vượt biên mà kêu họ để bán ghe, làm bậy bạ lỡ kêu lầm, lộ chiện, mất ghe còn ở tù nữa chứ đâu phải chiện chơi anh.

Long còn đang phân vân không biết có nên làm quen để bắt mối liền tay hay là để tìm hiểu từ từ rồi sau nầy mới tính thì chú Mười khều anh nói:
- Thầy giáo có cách nào giúp cho anh Tư tui hông? Thầy ga vô chợ liền liền có quen ai muốn mua ghe đi vượt biên thì làm ơn chỉ dùm cho ảnh đi. Chứ thầy nghĩ coi thời buổi nầy không tìm cách bán ghe liền tay, để ít lâu nữa thế nào họ cũng lấy luôn ghe mình chứ cái hợp tác xã như bây giờ có chắc gì còn hoài đâu. Cũng như đất đai của tui nè gồi người ta cũng phải tập chung lại hết chứ có ai còn làm ăn cá thể được nữa đâu mà mong.
Ông Tư Đồ nghe dzậy thì rót cho Long một ly rồi tiếp lời:
- Nếu được như anh Mười nói. Thầy làm ơn dọ dùm tui đi. Nếu mà bán được chiếc ghe thì tui nhứt định hậu tạ thầy xứng đáng. 
Long uống cạn ly rượu với ông Tư Đồ rồi anh mới hỏi:
- Chú nói cô Út gã vô nhà Sáu Bảnh vậy có phải chồng sắp cưới của cô Út là hai Cáo làm công an ở trạm biên phòng chỗ đầu kinh hông vậy?
-Thì nó chớ còn ai nữa. Xóm đó chỉ có 1 gia đình Sáu Bảnh thôi chứ đâu có ai chùng tên họ đâu nè. Thầy quen với thằng gể tui hả? 
Long thấy chuyện không có dấu hiệu khả quan nên giả lả:
- Dạ cũng có nhậu chung nhiều lần lắm rồi đó chú.
Ông Tư Đồ mừng rỡ:
- Dzị là coi như chỗ quen biết gồi. Dzậy thầy có hứa giúp tui hông dzị?
Cục mỡ bành ky đang để trước miệng con mèo đói vậy mà nó còn chần chừ lo sợ tên ăn thịt mèo đang cầm cái cây cù móc đứng canh. Thấy Long do dự làm thinh chú Mười tiếp lời:
- Thầy đừng lo chỗ anh Tư với tui gất thân tình. Tui hiểu gỏ gia đình ảnh lắm tuy là ở vùng "giải phóng" nhưng mà là nhà mần ăn. Thầy đừng có lo cái chiện bẻ chỉa giữa chừng.
Long nốc một hơi cạn sạch ly rượu đế để lấy hết can đảm mà trình bày cho 2 chiến sĩ Lưu Linh nghe:
- Nói thiệt với 2 chú chuyện vượt biên người ta nói với nhau hà rầm coi như công khai nhưng mà sự thật thì không phải vậy. Họ rất kín tiếng và rất thận trọng khi bước vào cuộc. Chuyện nói chơi, nửa thiệt nửa giả thì không sao, một lời hứa chắc với hai chú thì tui không dám hứa. Nếu chú Tư có mời tui xuống ghe chơi cho biết thì tui phải đi để không phụ lòng chú. Dzậy hôm nào ghe về bến chú nhớ chừa chừng 1 ký mực để nhún dấm tui sẽ mang qua lít đế rồi chú cháu mình làm lai rai. Mọi chuyện khác thì tới đâu hay tới đó nghen. Chú Tư thấy sao?

Để cho ông Tư Đồ có thêm lòng tin Long móc trong bóp mình ra khoe một món đồ mà anh đã lượm được trong phòng hỏi cung của công an huyện mấy hôm trước:
- Chú Tư biết thằng Thắng con chú Út Chiến ở gần nhà Sáu Bảnh hông dzị? Nó cũng làm công an biên phòng mà ở trên huyện. Hôm lên công an huyện chơi với nó tình cờ tui lượm được chai dầu song thập, mà cái nhản dầu ngộ lắm nghen hổng có 1 chữ nào là chữ Tàu hay chữ Việt mình hết. Hai chú nhìn thử coi nè.
Long kéo cái giấy căn cước cũ thời VNCH của mình còn giữ lại rồi bun cái lằn rách moi tờ 100 đô ra khoe. Hai ông già chụm đầu vô xem.
- Cái nầy tui bảo đảm hổng phải nhãn dầu song thập gồi. Mà thầy lụm chong phòng công an có khi nào nó là tiền nước ngoài của mấy người vượt biên đem theo hông dzị?
Thời đó nghe nói cũng có những ghe biển bán cá đổi dầu với người Thái Lan không biết ông Tư Đồ có nằm trong tốp ghe đó không mà ông quả quyết đó là tiền nước ngoài nhưng ông không nói là tiền đô-la Mỹ. 
Nhậu tàn tiệc ông ta vỗ vai Long dặn:
- Ba ngày sau là tụi nhỏ đem tàu về nghỉ tới qua đám cưới mới đi tiếp, chú em có gảnh muốn xuống ghe tui nhậu chơi cho biết thì qua giờ nào cũng được. Cứ qua đi khỏi mang gụ làm gì mất công, bên tui thiếu gì. Hay là ghé đây gước anh Mười theo chơi cho vui.
Chú Mười cười lớn:
- Thôi nghen nhậu ở nhà tui thì được còn qua bên đó thì để thầy Long đi mình ên đi đừng lôi kéo tui theo làm gì...

(Mời xem tiếp kỳ 48)

Lanh Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét