Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

Móc Ngoặc - Kỳ cuối

Truyện ngắn của Lanh Nguyễn


Cái vỏ máy của trường Tây Yên C bị hai tên hiệu trưởng và hiệu phó chôm làm phương tiện đi vượt biên cho nên Long buộc lòng phải đòi lại cái vỏ máy của trường Đông Hưng. Anh đến tìm Út Nhứt trình bày:
- Tây Yên C có 7 điểm trường mà toàn là kinh rạch không hà, không có cái vỏ máy làm sao tui đi tới đi lui được? Hay là chú cho tui lấy lại cái vỏ máy cũ ở Đông Hưng đi nhen. Mà đúng lý ra cái vỏ máy đó không phải là tài sản của trường Đông Hưng đâu nghen chú. Nó là của huyện ủy tặng cho tui lúc trước đó chú còn nhớ hông?
- Nhưng mà mầy lấy đi gồi tụi nó ở dưới lấy cái gì mà đi? Út Nhứt trả lời.
Long cười cười:
- Dzậy chớ chú định nói với tui ở trên nầy đi tới đi lui bằng cách nào thì chú nói với tụi nó y như vậy đi. Chứ cái vỏ máy đó là công của tui mà. Mà nói thiệt nghen chú cái vỏ máy nầy nó hên dàn trời luôn đó. Làm cái gì mà dùng nó thì lúc nào cũng suông sẻ hết. Mà mình cũng chưa có giao nó lại cho Đông Hưng mà, bất quá chú tìm cho tụi nó cái khác cũng được chớ có sao đâu. Hơn nữa trên hai lá be ở phía trước mũi ghe còn vẽ chữ huyện ủy An Biên chứ có phải vẽ chữ trường Đông Hưng đâu...

Con người ta cái gì cũng do số mạng đã định sẵn. Ông trời đã xếp đặt cho những cuộc gặp gỡ bất ngờ. Trường Tây Yên C có 32 GV tất cả. Đùng một cái 2 người trưởng phó xách vỏ máy chở người đi vượt biên rồi cùng nhau bỏ trốn theo họ luôn. Long lãnh nhiệm vụ đến đó xây dựng lại niềm tin cho GV và dân chúng. Nhưng mà đến giờ phút đó đâu có còn ai tin tưởng ai mà đi xây dựng. Người người đều muốn ra đi, chỉ là người ta còn dè dặt chưa dám nói với nhau thôi.
Cái người mà phòng GD chọn làm hiệu trưởng mới đó là Cô Hà Kim Hoàng. Cô ta còn trẻ lắm khoảng chừng 19, 20 tuổi là cùng. Năm rồi được bầu làm GV tiên tiến lại có thâm niên là đoàn viên đoàn TNCS từ ở trong trường sư phạm cấp tốc. Cô không đẹp nhưng cũng rất dễ nhìn ít nói nhưng rất siêng năng chăm chỉ, không hợp với tánh tình cà rởn của Long. 
Vậy cho nên Long rất thận trọng để tìm hiểu coi cô nàng thuộc về phe nào. 
Mà nghĩ lại cũng ngộ, thời VNCH trong trường sư phạm có dạy môn "Quản Trị Thanh Tra Học Đường" vì vậy những người mới vừa tốt nghiệp từ trường Sư Phạm ra, họ cũng có thể điều hành một trường học ngon lành. 
Thời CS khóa sư phạm cốc tốc chỉ có 3 tháng mà thôi. Thời gian học chánh trị đã chiếm hết 1/3 rồi. Chưa nói đến việc phải học lý thuyết. Còn thời gian thực tập để dạy học sinh không biết được mấy bữa thì nói chi đến việc quản lý hay điều hành một ngôi trường. Vậy mà huyện An Biên lúc đó có không biết bao nhiêu anh chị hiệu trưởng hiệu phó tốt nghiệp từ trường Sư Phạm Cấp Tốc Teresa. Nhưng xét cho cùng họ vẫn còn hơn 2 người hiệu trưởng nguyên là GV "khiến chán" họ chỉ mới vừa học xong lớp nhứt (theo như anh ta khai còn sự thật học tới lớp mấy thì chỉ có mình anh ta là rõ mà thôi)

Bảy điểm trường của Tây Yên C chỉ có 1 căn nhà tập thể ở tại ngã tư Kinh Dài với Thứ Ba còn lại 6 điểm trường kia GV đều ở nhờ nhà dân chúng. 
Cái căn nhà tập thể đó trước đây anh hiệu trưởng cũ lấy làm văn phòng cho trường Tây Yên C rồi ở luôn trong đó cho tiện. Nay căn nhà đó cô hiệu trưởng mới cũng muốn ra ở riêng với một cô giáo cùng quê Sa-Đéc. Vậy cho nên Long bỗng chốc biến thành người vô gia cư.
Căn nhà của chú hai Thời nơi mà 2 cô giáo ở trước đây, trong nhà họ có cô con gái lớn nên Long không muốn xin vào ở. Bởi vì cái gương của Phạm Công Bình còn sờ sờ ra đó. Suy đi tính lại Long quyết định ở tạm trên cái vỏ máy của mình một thời gian trong khi chờ tìm hiểu tình hình thực tế ở nơi đây.

Ngang cửa điểm trường ở ngả tư Kinh Dài có một trại ghe khá rộng anh đến đó xin đậu nhờ.
Chủ nhà là ông Ba Phan đang làm tài công cho ghe biển cũng ít khi về nhà. Trong nhà còn lại 3 cô con gái nhỏ đứa lớn nhất độ chừng 14 hay 13 tuổi gì đó còn đứa nhỏ nhất 7 hay 8 tuổi là cùng. Nhà còn thêm một đứa con trai lớn 17 tuổi đang theo ghe lưới với ông Ba.
Thật ra xuống Tây Yên C nơi mà tất cả mọi chuyện đã đi vào nề nếp rồi thì tay HT chẳng có việc gì làm cả ngoài cái chuyện ruồi bu đó là đi dự lớp và xét giáo án. Làm HT đã quá nhàn rỗi thế cho nên làm cố vấn lại còn nhàn rỗi hơn.
Long chỉ cần ít hôm chỉ vẽ lại cho cô Hoàng một vài điều quan trọng mà trước đây mình đã học qua cũng như truyền lại cho cô ta một ít kinh nghiệm của mình và cách thức làm các báo cáo...
Vì trường có nhiều biến cố trọng đại nên phòng GD ra lịnh mỗi tuần lễ họp nội bộ và làm báo cáo một lần. Long dùng vỏ máy chở các GV luân phiên mỗi tuần một điểm họp khác nhau vì vậy mà vỏ máy của Long lúc nào cũng đầy ắp người. 
Út Đen trạm biên phòng thắc mắc hỏi:
- Sao anh không chọn một điểm nào đó để làm phòng họp mà cứ xây tua như uống gụ hoài dzị? Bộ hổng thấy mệt sao?
Long cười giòn:
- Thì họp GV cũng chỉ để kiếm chuyện, kiếm bạn nhậu thôi chứ ông tưởng họp để làm cái gì? Ông nhậu hoài một chỗ ai mà chịu nổi, dzị cho nên tui phải cho xoay tua lòng vòng cho nó công bằng dzậy mà. Sao? Độ rày có gặp được mối nào chưa mà thấy mặt mày tươi rói dzậy ông bạn ???

Người CS chuyện gì ngu dốt thì không biết chứ chuyện móc ngoặc, tham nhủng, báo cáo dỏm hay bán tài sản công kể cả bán Nước thì thiệt là tài tình. Nghe một biết mười làm một trăm...
Út Đen còn tổ chức bán bãi cho nhà anh Sáu Thìn nhà ở gần đầu Kinh Dài.
Sáu Thìn ra đi để lại căn nhà kê tán rộng thênh thang đồ đạc trong nhà tất cả còn nguyên vẹn. Long vừa hay tin đã tức tốc chạy về ủy ban huyện xin liền căn nhà đó để cho mình ở tạm trong thời gian công tác nơi đây.
Người vượt biên càng lúc càng nhiều, GV bỏ nước càng lúc càng đông không phải chỉ ở An Biên mà toàn tỉnh Kiên Giang toàn miền Nam. Báo cáo chắc chất đầy ở phòng tổ chức nên họ quyết định lập đảng bộ trong trường học để tiện việc kiểm soát GV.

(Tôi đã đọc được rất nhiều bài viết nói về việc kết nạp đoàn TNCS hay kết nạp vào đảng CS rồi. Người ta viết rằng: "rất khó vô đảng". Muốn thành đảng viên cần phải: Nào là phải phấn đấu, phải hy sinh, phải làm gương, phải tiên phong..v..v.
Chuyện họ viết thực hư ra sao tôi không rõ mà tôi cũng không cần tìm hiểu xem họ nói đúng hay chỉ phịa ra cho thêm ly kỳ. Tôi chỉ ghi lại đây những gì mà Thầy Long đã chứng kiến tận mắt mà thôi...)

Cô Hoa mãn khóa học về lại phòng GD An Biên nhưng cô lại không có đất dụng võ. Ngành mẫu giáo cũng chưa bắt đầu nên Út Nhứt giao cho cô phụ trách tổ chức đội thiếu nhi quàng khăn đỏ trong trường Thị Trấn Thứ Ba. 
Mà đội thiếu nhi, đoàn TNCS đều là tiền thân của đảng CS cho nên cô Hoa lại tiếp tục bị đưa đi học khóa dự bị làm đảng viên cùng với 2 cán bộ phòng và 7 người HT khác trong đó có cô Hoàng. 
Có điểm đặc biệt là trong 10 người được đưa ra trường đảng ở Rạch Giá học lần đó không có một người nào là GV lưu dụng của chế độ cũ cả.
Còn lại một mình, Long cũng bỏ trường rồi dù về nhà chơi ít hôm.
Tại nhà anh gặp lại người bạn cũ thời Trung Học, người bạn nầy đến tìm anh để rũ đi vượt biên...
Kế hoạch vượt biên được lập ra rất nhanh chỉ không đầy 2 tháng sau là Long đã sang đến trại tị nạn Poulau Bidong. 
Cô Hoa bị kẹt lại trong chuyến đi đó, nhưng mãi tới 13 năm sau khi gặp lại nhau Long mới biết ngày hôm đó cô không đến điểm hẹn như đã hứa nên không bị bắt. 
Còn cả tốp người của gia đình người mua ghe và con gái  chủ tàu đều bị công an biên phòng tóm gọn. 
Bây giờ gia đình cô cũng là một đại gia miệt ruộng không như thầy Long vẫn còn là kẻ long bong không nhà. Âu cũng là số mạng...

Gởi người xưa 

Ngày xuống thuyền em không đành bỏ đảng 
Có phải chăng em chán chuyện hẹn hò 
Để bao người chờ đợi phải lỡ đò 
Rồi tất cả bị công an hốt ổ 

Em yêu ơi! Sao nỡ gây cảnh khổ ? 
Để bạn bè không còn chỗ dung thân 
Đêm từng đêm trăn trở biết bao lần 
Anh tự hỏi. Vì đâu ra nông nổi 

Bốn mươi năm qua, sao dời vật đổi 
Anh vẫn còn trôi nổi, sống lang thang 
Mừng cho em có cuộc sống giàu sang 
Thương bao kẻ bị nhà tan cửa nát 

Bản tình ca mình không cùng chung hát 
Anh có buồn nhưng không nát con tim 
Gặp nhau rồi anh khỏi phải đi tìm 
Bao nhung nhớ đã chìm trong ký ức...

Còn cái ghe của ông Tư Đồ bán cho nhà ông Ba Thạch khi mọi người đến điểm hẹn để xuống "tắc xi" mà đi ra tàu lớn họ cũng bị hốt ổ.
Lần trở về Việt Nam gặp lại bác Ba Thạch. Ông ta than:
- Phải hồi xưa bác tin tưởng mà giao hết mọi chuyện cho cháu thì cả gia đình không chịu cảnh khổ như bây giời...

Chuyến tổ chức vượt biên của thầy Long đã được kể trong bài viết  "7 Ngày đêm lênh đênh trên biển" rồi. Quý vị nào muốn biết thì xin mời vào trang blog Tha Hương Hay blog Kiênthành Rạch Sỏi mà xem lại...
Tiếp theo sau đây xin mời quý đọc giả ghé mắt qua câu chuyện  "Khoảnh Khắc Cuộc Đời". Để quý vị có cái nhìn mới về cuộc sống thật sự của một anh giáo làng trên đảo tị nạn cũng như những ngày đầu định cư trên xứ Mỹ như thế nào. 
Chuyện móc ngoặc đến đây xin kết thúc. Xin cám ơn tất cả quý vị đã bỏ công theo dỏi với những comments khích lệ tinh thần cho người viết.


Lanh Nguyễn






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét