Thứ Hai, 12 tháng 6, 2017

Móc Ngoặc - Kỳ 42

Truyện ngắn của Lanh Nguyễn


Ở xứ Mỹ đi cưới vợ đơn giản hơn ở Việt Nam nhiều lắm. Phong tục của người Mỹ thì tui không rành mấy nhưng con trai Việt trên xứ Mỹ thì khoẻ ru bà Rù. Khỏi phải đi làm rể, không phải chạy tiền chạy bạc vắt dò lên cần cổ, không phải học lạy nhất bộ nhất bái sói cả đầu run cả chân...
Chú rể chỉ cần lo chiếc nhẫn cưới là đủ rồi không nghe ai nhắc nhở gì đến đôi hoa tai cả. 
Mọi chi phí cho đám cưới thì cô dâu và chú rể chia đôi cho nên 2 người đó tính kỹ lắm. Không có chuyện đi tiền chợ cho đàn gái lại càng không nghe cái chuyện thách cưới. Nghe tụi nhỏ thông báo chúng cưới nhau là cha mẹ 2 bên mừng muốn chết rồi. Đôi khi bên nhà gái nghe xong còn rơi lệ mừng nữa kìa...
Ở Việt Nam thời xưa có không biết bao nhiêu là thứ lễ nghi phiền phức nó nhiều đến độ tui không thể nào nhớ nổi. Sau nầy người ta chế bỏ bớt còn lại lễ hỏi và lễ cưới mà thôi...
Ở Mỹ đám cưới thường thì nhà trai nhà gái đãi tiệc chung một chỗ cho vui. 
Đám cưới ở quê nhà không như vậy hai họ làm tiệc đãi khách riêng biệt nhau và cũng khác ngày kẻ trước người sau. 
Phía nhà gái gọi đám cưới là lễ Vu Quy, họ đãi tiệc trước khi cô dâu lạy xuất giá theo chồng. Khi mà nhà trai đến rước dâu đi rồi thì bên nhà gái cũng chấm dứt tiệc cưới.
Phía nhà trai thì gọi lễ đó là lễ Tân Hôn, có nơi gọi là Thành Hôn. Nhà trai bắt đầu đãi khách khi rước dâu về tới nơi.
Nếu để ý mà so sánh giữa 2 đám cưới thì lễ Thành Hôn vui hơn lễ Vu Quy nhiều.
Lễ Vu Quy tiễn đưa con gái theo chồng nên gia đình phía nhà gái thiếu đi một người, nếu phải gã con gái mình đi xa lại càng buồn hơn:

Má ơi! Đừng gã con xa 
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu (CD).

Nếu cô dâu có nhiều người yêu thầm hay có một mối tình dang dở thì còn có những chàng trai quê mùa phải núp ở bụi chuối sau hè mà khóc thầm cho số phận hẩm hiu của mình:

Sáng nay em bước theo chồng.
Xe hoa lăn bánh mà lòng anh đau 
Ai làm hai đứa xa nhau 
Xe đi khuất bóng lệ trào đôi mi 
Đau lòng thay phút biệt ly 
Tình xưa đã mất còn gì đâu em...

Lễ Tân Hôn thì được rước thêm người nên cũng vui hơn nhiều. Thường thì phía chú rể rất ít khi có chuyện yêu đương dang dở nhưng đôi khi cũng để lại cho những nàng thôn nữ yêu đơn phương, thất tình thầm lặng...
Các cô gái yêu thầm dù có bị tím ruột bầm gan cũng ít khi thốt ra thành lời. Nếu nỗi đau quá lớn thì nàng sẽ xuống tóc đi tu.

Anh đi mơ lấy tình duyên mới.
Cũng bởi vì em vụn đường tu 
Trời buồn kéo áng mây mù
Em buồn xuống tóc vô tu trong chùa

Sau khi ăn cưới theo kiểu khách mời bên nhà cô Phương xong rồi thì Long và cô Hoa đều không ở lại để hôm sau đi đưa dâu mà họ kéo nhau qua bên nhà Trần đón dâu vì cả 2 phía đàn trai, đàng gái đều là bạn, đều là GV cùng trường nên không thể chỉ đi dự bên nầy mà không đi dự bên kia được.
Rước dâu đãi khách xong rồi họ cũng chưa chịu về nhà, mà lại tiếp tục xuống Vĩnh Long qua Long Xuyên để đi chơi cho biết. Đi đến lúc ngăn chứa tiền bí mật trong ba-lô không còn một đồng nào nữa thì họ đành phải quay về nhà...

Lâu nay móc ngoặc để dành 
Đi chơi mấy bữa tanh bành hết trơn 
Thà là sạch nhách còn hơn 
Đêm đêm ôm nỗi cô đơn một mình
Thu về phong cảnh hữu tình 
Từ nay hai đứa bóng hình có nhau 

Chiếc xe honda từ Long Xuyên về tới chợ Rach Sỏi đã hơn 12 giờ trưa Long hỏi cô Hoa:
- Em muốn xuống bến đò về Thứ Ba tại đây hay là muốn anh đưa em tới Tắc Cậu, rồi đi đò từ Tắc Cậu về nhà cho mau?
Hoa vẫn còn lưu luyến chưa muốn rời nhau:
- Anh định chừng nào thì mình mới xuống trường dzị? Hay là em tới nhà chị Hương ngủ lại đó tối nay nghen. Sáng mai anh đem vỏ máy tới rước em rồi mình cùng nhau về trường luôn...
Long e dè trả lời:
- Hôm trước mình cho tụi nó ở nhà tới 10 ngày. Tính tới hôm nay mới có 6 ngày thôi, xuống trường sớm chỉ có 2 đứa mình thì làm được cái gì mà em đòi đi? Hơn nữa em không về nhà hổng sợ má Năm la rầy sao?
Cô Hoa cười duyên liếc xéo cặp mắt có đuôi làm Long tiêu tan hồn phách:
- Em tính trước hết rồi. Mình rủ vợ chồng chị Hương về Thứ Ba thăm má Năm, bỏ hai ông bà ở đó tụi mình về luôn Thứ 11 rồi vô thẳng Kinh 15 đặt người ta đi cắm câu, 3 hôm sau mình lấy cá đem về, rồi sau đó chở 2 ông bà trở lại Rạch Sỏi luôn như vậy thì nhất cử lưỡng tiện. Anh thấy em giỏi ghê chưa.
- Ờ! Em tính giỏi lắm nhưng mà nhà tập thể chỉ có mình em thôi, em dám ngủ hông?
Cô Hoa che miệng cười khúc khít:
- Bộ em ngu sao mà phải ngủ một mình? Có anh để làm gì hả???

Mùa khai giảng niên học 77-78 chuyện xây dựng trường rất thuận lợi không còn là vấn đề khó khăn nữa, nhưng năm học 77-78 lại xảy ra vô số biến cố trọng đại không ai lường trước được.
Đội ngũ GV bắt đầu đi vượt biên khá nhiều, hết chỗ nầy đến chỗ khác hết tỉnh nầy đến thành phố nọ. Hôm nay nghe tin đứa nầy trốn thoát hôm kia nghe tin đứa khác bị bắt vô kinh làng Thứ 7 lột vỏ tràm. 
Còn trường Đông Hưng Cô Kim đi vượt biên chưa bao lâu thì cô Tiền nối gót trong thầm lặng không ai hay. 
Đô nhảy qua bên chánh quyền huyện Uỷ. Cô Định về thị trấn Thứ Ba, cô Thúy về ty GD. Trường có thêm 13 lớp bốn mới và 1 lớp 5. Số GV cần bổ sung lên đến 18 người. Nhưng hình như lúc đó số người xin học sư phạm cấp tốc không còn nhiều nữa cho nên phòng GD không cung đủ nhu cầu mà chỉ giải quyết nửa số cần mà thôi. Họ yêu cầu GV thay phiên nhau dạy tăng buổi...
Cũng may trước đó Trường Đông Hưng có số lượng học sinh "ma, lớp ma" khá nhiều nên chưa tới nổi thiếu hụt GV trầm trọng.
Đông Hưng bây giờ GV quá đông nên phòng quyết định tách ra làm 2 trường Đông Hưng A&B. 
Nếu đúng như dự tính lúc bãi trường thì Hoàng sẽ làm hiệu trưởng trường mới tách ra, nhưng lúc đó lại có 1 tay hiệu trưởng ở Đông Thạnh vượt biên nên Út Nhứt đem Hoàng vào đó thế chỗ. Vì thế mà Long phải chọn 3 người khác 1 trưởng và 2 phó để làm việc chung cho 2 trường của Đông Hưng.
Lúc đầu anh chọn Đực, Sơn, Bằng nhưng phòng giáo dục bác đề nghị đó. Họ không cho bằng làm hiệu phó vì Bằng là dân gốc Bắc Kỳ 54. 
Mà Bằng và Đực lại là bạn khá thân nên anh ta nói:
- Không cho thằng Bằng làm hiệu phó thì em cũng không muốn lãnh đâu. Sang năm em và Nga sẽ làm đám cưới. Sau đó thì tụi em xin về thị xã cho gần nhà để tiếp tục đi dạy. Nếu ty GD không chấp thuận thì tụi em sẽ bỏ nghề rồi tìm 1 nghề khác mà làm để sống tạm. Chứ chỉ trông chờ vào tiền lương 2 vợ chồng có $100 tháng chắc là cả nhà phải cạp đất ăn thôi.
Long bỏ công phân tích thiệt hơn cho Út Nhứt nghe nhưng ông ta vẫn cương quyết từ chối:
- Chuyện đó thì nhất định không được. Mầy tìm đứa nào thì tìm nhưng tụi Bắc Kỳ Công Giáo thì nhất định là không. Còn nó muốn xin về thị xã cũng không phải dễ đâu. Chên đó không thiếu người như dưới mình, làm gì còn có chỗ chống cho tụi nó. Mà bây giờ nếu nó bỏ nghề thì làm cái giống gì để sống? Sắp tới đây người ta sẽ đưa tất cả vô hợp tác xã gồi, long bong ở ngoài đói gả guột chứ hổng phải chơi đâu nghen.
Đực cũng không phải tay vừa nó nhìn Long mà cười hì hì:
- Trời sanh voi sanh cỏ. Ở đâu cũng có kẻ hở mà anh, thế nào mình cũng tìm được một kẻ hở để chui chứ. Em không giỏi luồng lách như anh nhưng học cũng được 8 thành công lực rồi. Nếu em bỏ nghề thì em sẽ tìm anh mà hợp tác...
Tìm không được tay chân thân tín ở gần Long đành giao trường mới cho Sơn và Trần rồi chọn đại Quốc Việt từ Vân Khánh mới chuyển qua làm hiệu phó.
Trước lạ sau quen bộ máy của trường cũng ì ạch chạy từ từ...
Khai giảng niên học mới chừng hơn tháng thì Ty giáo dục hâm nóng lại kế hoạch xóa nạn mù chữ.
Năm rồi dư người mà còn không làm nên cơm cháo gì ráo trọi, năm nay người đã thiếu mà còn gánh thêm cục nợ "xóa mù" cho những người "đui chữ" thì thiệt tình hết chuyện để nói mà...

(mời các bạn xem tiếp kỳ 43)

Lanh Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét