Truyện ngắn của Phạm Hồng Ân
Một thời gian sau, khoảnh đất trước hiên nhà tôi xum xuê cây trái. Ba tôi trồng kiểng, trồng hoa trong các chậu cổ của Tàu, giờ đây, hoa nở đầy sân. Ngày hoa nở, ba tôi cắt vào, đem chưng trên bàn thờ gia tộc. Buổi sáng, ba thức sớm pha trà, dâng nhang, cúng bái. Hương trà, hương trầm, cộng với hương hoa...trộn thành thứ hương thơm tuyệt vời, làm lòng tôi lâng lâng một cách diệu kỳ. Rồi cổ nhạc trung phần vang lên từ cái máy thu thanh. Giọng ngâm thơ ấm áp của Hồ Điệp. Giọng ngâm làm buổi sáng đọng lại, làm tách trà ngưng quyện khói, làm lòng ba tôi chùn xuống, mơ màng nhớ đến quê nội Quảng Bình.
Má tôi vốn nông dân. Ngày xưa là con của một địa chủ vùng Cai Lậy. Dù con địa chủ, má vẫn lam lũ ra đồng, hòa hợp cùng cuộc sống tá điền. Má học cấy, học cày, học võ, học cả gia chánh. Má quan niệm chỉ có học, mới có thể trở thành người tốt cho xã hội. Khác ba, má thực tế hơn nhiều. Má trồng toàn những cây ăn trái, như: ổi, mận, cam, quít...Dưới mỗi gốc cây, má gieo thêm rau cải, quanh năm ăn không hết. Ổi má trồng là ổi tám tháng, chưa đầy năm, trái đã tượng oằn cây. Ổi chín, thơm phức cả vùng. Tôi dẫn lũ con gái đến phá. Chúng trèo lên trèo xuống làm gãy nhánh, trái non đua nhau rớt đầy. Anh năm tôi phải xách roi ra, rượt chạy tán loạn.
Khoảnh đất giáp ranh với tiểu lộ là khoảnh đất hẩm, thấp lè tè. Người ta phải đào một cái giếng nhỏ để thảy đất lên cho cao ráo. Sẵn đất mới, anh năm tôi thử mua chuối con đặt vào. Chuối khoái bùn non, lớn nhanh. Cây nào cây nấy mập ú, trông khoái mắt. Gần cây ổi một chút, anh năm tôi dựng một khung xà ngang, tập thể dục mỗi ngày. Anh tôi là một trong những lực sĩ có thân hình đẹp nhất trong ty thanh niên. Anh đã đoạt nhiều giải thể thao trong tỉnh.
Má tôi mê cải lương ngay từ thời thiếu nữ. Tiếng hát Út Trà Ôn từng làm má tôi xuyến xao suốt thời tuổi trẻ của má. Sau này là: Hữu Phước, Thành Được, Út Bạch Lan, Minh Cảnh...thay phiên đi vào lòng má. Lúc còn ở cư xá Cảnh Sát, mỗi khi có gánh hát về rạp Huê Tinh, bao giờ bà chủ Huê Tinh cũng ghé tặng má hai vé thượng hạng. Ba tôi rất ghét cải lương. Ông chê cải lương là loại hình thương vay khóc mướn, chỉ để ru ngủ con người. Cho nên vé của ba, má dắt anh em chúng tôi thay thế. Coi riết, chúng tôi bị nhiễm nặng. Anh năm tôi tìm cách học đàn vọng cổ. Anh thọ giáo anh Sơn, là thợ hớt tóc ở tiệm Hoàng Sơn bên hông chợ Cà Mau. Từ ngày nhận anh năm tôi làm đệ tử, mỗi đêm trăng sáng, anh Sơn thường ôm đàn xuống xóm tôi, bắt ghế ngồi giữa đồng khô, cao hứng cất lên tiếng hát vang dội cả xóm làng. Anh năm tôi cũng có riêng một cây đàn, ngồi kế bên phụ họa. Tôi và đám con nít bu quanh, chỉ chờ anh Sơn xuống câu, xúm nhau vỗ tay rân trời.
Tôi cũng bắt chước gánh hát, lập thành một nhóm đồng ấu. Đào kép là những thằng em, những đứa cháu trong nhà. Tôi bắt em tôi, là thằng Báo làm hề. Cháu tôi, thằng Lộc đóng vai đào. Tôi là kép chánh, kiêm luôn đạo diễn. Khán giả là đám con nít hàng xóm đã từng theo tôi đi chọc phá thiên hạ. Tuồng tích là những bản cải lương được in thành tập, bán đầy trong các tiệm sách ngoài chợ. Chị ba tôi là Mạnh Thường Quân, xung phong xuất tiền để chúng tôi thực hiện sở thích. Gánh hát "sống" chẳng được bao lâu, ba tôi dùng roi quất vào mông từng đứa. Cả gánh đều quỳ gối, thút thít hứa bỏ nghề.
Năm 1961, tôi thi lên đệ thất. Vì hiểu sai một bài toán, nên bị đánh rớt. Má tôi phải ghi danh cho tôi học trường bán công Nguyễn Hiền Năng. Lúc này, tôi mặc đồng phục có vẻ người lớn một chút. Vẫn áo sơ mi trắng bỏ vô quần, nhưng là quần tây xanh chững chạc. Tôi bắt đầu ít chơi với đám con nít hàng xóm, chỉ chơi với đám bạn cùng lớp. Tôi không còn nhảy dây với con gái, đánh đáo với bọn con trai, hay rống gân cổ ca sáu câu vang rân xóm làng. Trò chơi của tôi bây giờ là banh bàn, bi da hoặc cặp kè vài thằng lang thang các ngõ ngách trong chợ.
(còn tiếp)
Một thời gian sau, khoảnh đất trước hiên nhà tôi xum xuê cây trái. Ba tôi trồng kiểng, trồng hoa trong các chậu cổ của Tàu, giờ đây, hoa nở đầy sân. Ngày hoa nở, ba tôi cắt vào, đem chưng trên bàn thờ gia tộc. Buổi sáng, ba thức sớm pha trà, dâng nhang, cúng bái. Hương trà, hương trầm, cộng với hương hoa...trộn thành thứ hương thơm tuyệt vời, làm lòng tôi lâng lâng một cách diệu kỳ. Rồi cổ nhạc trung phần vang lên từ cái máy thu thanh. Giọng ngâm thơ ấm áp của Hồ Điệp. Giọng ngâm làm buổi sáng đọng lại, làm tách trà ngưng quyện khói, làm lòng ba tôi chùn xuống, mơ màng nhớ đến quê nội Quảng Bình.
Má tôi vốn nông dân. Ngày xưa là con của một địa chủ vùng Cai Lậy. Dù con địa chủ, má vẫn lam lũ ra đồng, hòa hợp cùng cuộc sống tá điền. Má học cấy, học cày, học võ, học cả gia chánh. Má quan niệm chỉ có học, mới có thể trở thành người tốt cho xã hội. Khác ba, má thực tế hơn nhiều. Má trồng toàn những cây ăn trái, như: ổi, mận, cam, quít...Dưới mỗi gốc cây, má gieo thêm rau cải, quanh năm ăn không hết. Ổi má trồng là ổi tám tháng, chưa đầy năm, trái đã tượng oằn cây. Ổi chín, thơm phức cả vùng. Tôi dẫn lũ con gái đến phá. Chúng trèo lên trèo xuống làm gãy nhánh, trái non đua nhau rớt đầy. Anh năm tôi phải xách roi ra, rượt chạy tán loạn.
Khoảnh đất giáp ranh với tiểu lộ là khoảnh đất hẩm, thấp lè tè. Người ta phải đào một cái giếng nhỏ để thảy đất lên cho cao ráo. Sẵn đất mới, anh năm tôi thử mua chuối con đặt vào. Chuối khoái bùn non, lớn nhanh. Cây nào cây nấy mập ú, trông khoái mắt. Gần cây ổi một chút, anh năm tôi dựng một khung xà ngang, tập thể dục mỗi ngày. Anh tôi là một trong những lực sĩ có thân hình đẹp nhất trong ty thanh niên. Anh đã đoạt nhiều giải thể thao trong tỉnh.
Má tôi mê cải lương ngay từ thời thiếu nữ. Tiếng hát Út Trà Ôn từng làm má tôi xuyến xao suốt thời tuổi trẻ của má. Sau này là: Hữu Phước, Thành Được, Út Bạch Lan, Minh Cảnh...thay phiên đi vào lòng má. Lúc còn ở cư xá Cảnh Sát, mỗi khi có gánh hát về rạp Huê Tinh, bao giờ bà chủ Huê Tinh cũng ghé tặng má hai vé thượng hạng. Ba tôi rất ghét cải lương. Ông chê cải lương là loại hình thương vay khóc mướn, chỉ để ru ngủ con người. Cho nên vé của ba, má dắt anh em chúng tôi thay thế. Coi riết, chúng tôi bị nhiễm nặng. Anh năm tôi tìm cách học đàn vọng cổ. Anh thọ giáo anh Sơn, là thợ hớt tóc ở tiệm Hoàng Sơn bên hông chợ Cà Mau. Từ ngày nhận anh năm tôi làm đệ tử, mỗi đêm trăng sáng, anh Sơn thường ôm đàn xuống xóm tôi, bắt ghế ngồi giữa đồng khô, cao hứng cất lên tiếng hát vang dội cả xóm làng. Anh năm tôi cũng có riêng một cây đàn, ngồi kế bên phụ họa. Tôi và đám con nít bu quanh, chỉ chờ anh Sơn xuống câu, xúm nhau vỗ tay rân trời.
Tôi cũng bắt chước gánh hát, lập thành một nhóm đồng ấu. Đào kép là những thằng em, những đứa cháu trong nhà. Tôi bắt em tôi, là thằng Báo làm hề. Cháu tôi, thằng Lộc đóng vai đào. Tôi là kép chánh, kiêm luôn đạo diễn. Khán giả là đám con nít hàng xóm đã từng theo tôi đi chọc phá thiên hạ. Tuồng tích là những bản cải lương được in thành tập, bán đầy trong các tiệm sách ngoài chợ. Chị ba tôi là Mạnh Thường Quân, xung phong xuất tiền để chúng tôi thực hiện sở thích. Gánh hát "sống" chẳng được bao lâu, ba tôi dùng roi quất vào mông từng đứa. Cả gánh đều quỳ gối, thút thít hứa bỏ nghề.
Năm 1961, tôi thi lên đệ thất. Vì hiểu sai một bài toán, nên bị đánh rớt. Má tôi phải ghi danh cho tôi học trường bán công Nguyễn Hiền Năng. Lúc này, tôi mặc đồng phục có vẻ người lớn một chút. Vẫn áo sơ mi trắng bỏ vô quần, nhưng là quần tây xanh chững chạc. Tôi bắt đầu ít chơi với đám con nít hàng xóm, chỉ chơi với đám bạn cùng lớp. Tôi không còn nhảy dây với con gái, đánh đáo với bọn con trai, hay rống gân cổ ca sáu câu vang rân xóm làng. Trò chơi của tôi bây giờ là banh bàn, bi da hoặc cặp kè vài thằng lang thang các ngõ ngách trong chợ.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét