Thứ Tư, 15 tháng 4, 2020

Tản Mạn Ngày Làm Việc Cách Ly

Tùy bút của Thầy Nguyễn Ngọc Hoàng 

Con số màu đỏ của chiếc đồng hồ để bàn hiện rõ 5:45 sáng, tôi thức dậy như thường lệ. Nhưng hôm nay không phải vội vã như mọi khi, tôi thư thả dành khoảng 10 phút ngồi thiền rồi mới rời khỏi giường. Vệ sinh, tắm vội và ngồi vào phòng làm việc lúc 6:30. Đã gần một tháng làm việc tại nhà, tôi vẫn chưa thích nghi, vẫn chưa có được những thói quen cần thiết. Đâu óc, phản ứng vẫn còn “bức rức”, khó chịu vì mọi thứ thiết bị đều ở xa tầm tay và nhất là mọi thứ nối kết, chuyển tải rất chậm, chậm đến nổi khiến chứng “tăng huyết áp” có cơ hội phát triển… Mấy tuần lễ đầu, công ty còn thỉnh thoảng nếu có những vấn đề cấp bách, nhân viên được cho phép vào chỗ làm dù thật giới hạn. Nhưng sau ngày 27 tháng 3 thì tất cả phải làm toàn thời tại nhà, không được phép vào công ty dù bất cứ lý do hay hoàn cảnh gì xảy ra. Không có ngoại lệ.

Ngồi trong phòng làm việc tại nhà, tôi có nhiều thời gian “nhìn ngắm” lại chính mình, suy nghĩ nhiều đến những cuộc sống con người trong quan hệ xã hội, quan hệ với môi trường thiên nhiên và nhất là với những thói quen trong tương quan hằng ngày… Sau hơn một tháng bị “cấm túc” hay “cách ly” tại nhà, chừng như mọi người sẽ thấy rằng tính “động” dễ dàng hơn là “tĩnh”. Mà tĩnh hay “ngồi yên” trong nhà là thương mình, thương người và thể hiện lòng yêu nước cao! Không dễ chút nào phải không các bạn, hay chỉ lấy gia đình tôi là thí dụ. Bà xã đứng ngồi không yên, tìm hết chuyện này làm đến chuyện khác, vào youtube thường xuyên để học nấu ăn các món mới. Là một người “rất năng động” tự dưng lại bị “chôn chân” cả tháng, đối với bà ấy là cả cực hình, như đang “nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”! Nấu ăn, đọc sách, làm vườn,.. và bà xã lại có dịp lẩm bẩm, thấm thía: “Trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê”… của cụ Tản Đà.

Thật khó cầm lòng trước những hình ảnh cả thế giới đang phải sống, phải làm việc trong hoàn cảnh “cách ly” toàn xã hội và đương đầu với cơn đại dịch Coronavirus, bắt nguồn từ Vũ Hán – Trung Quốc. Đến hôm nay ngày 14 tháng Tư, số người nhiễm bệnh đã gần chạm hai triệu, tử vong trên một trăm hai mươi ngàn người và tiếp tục gia tăng… 

Những con số mang đến nhiều ý nghĩa, quan điểm, nhận định và cảm xúc khác nhau. Trên hết là nỗi đau buồn chung của nhân loại, sự hoang mang, sợ hãi trước bao nhiêu diễn biến không thể dự kiến trước của giới y học toàn cầu về cơn dịch bệnh gây nên bởi Coronavirus. Bên cạnh là những chính kiến, sự so sánh những con số trong từng quốc gia và sự hoài nghi lẫn nhau giữa sự thật và quan điểm chính trị… Mạng xã hội trở thành diễn đàn “muôn màu vạn trạng”, ca ngợi chỉ trích, tôn vinh nguyền rũa, xót thương căm phẩn,… trong tâm bão của cơn đại dịch toàn cầu!
Để cuối cùng, sâu thẵm phía sau những con số thay đổi, gia tăng hằng giờ, hằng ngày đó là gì các bạn biết không? Sâu thẵm phía sau những con số đó, là nước mắt… Những giọt nước mắt mặn hơn biển rộng của triêu triệu con người. Những giọt nước mắt vẫn từng dòng trôi xuôi trong bao kiếp đời hệ lụy cưu mang. Những con số biết nói, nhưng không phải bằng ngôn ngữ mà bằng cảm xúc tình người, bằng nỗi đau chung của mỗi con người chúng ta vượt lên trên biên giới đại lý, màu da, tôn giáo và mọi chính kiến.  
Hình ảnh những người bác sĩ, y tá, nhân viên phục vụ trong các bệnh cách ly đã trở thành những biểu tượng đẹp, những người hùng ở tuyến đầu trong trận chiến quyết liệt nhất giữa sống và chết, giữa tài năng, tấm lòng và kẻ thù “vô hình” cùng khắp quanh ta. Mất mát, tổn thương là điều không thể tránh khỏi trong mọi cuộc chiến tranh. Và có lẽ cơn đại dịch Coronavirus toàn cầu lần này, là một trong những cuộc chiến rộng lớn và tàn khốc nhất của lịch sử loài người?
“… Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng
“Nắng vàng phai như một nỗi đời riêng
“Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
“Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh
“Có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ
“Có hồn ai đang nhè nhẹ sầu đêm…  (1)

Giữ khoảng cách xã hội (social distance) sẽ trở thành một thói quen mới của con người? Quan điểm về cuộc sống, ý niệm tha nhân và nhất là thái độ đối môi trường thiên nhiên; giao dịch kinh tế sẽ có cái nhìn mới, thiết lập mối quan hệ mới trên toàn cầu? Các sinh vật đang chung sống với chúng ta chừng như muốn lên tiếng nhắc nhở lòng tôn trọng, sự chia sẻ môi trường để cùng nhau chung sống hòa bình? Thượng đế đang thách thức niềm tin của con người trong cuộc sống mà nền khoa học hiện đại đang lần hủy hoại lòng từ tâm và đức tin? Vận tốc đòi hỏi trong mọi phương thức tiện nghi đời sống đang đẫy lùi ý niệm và giá trị của thời gian, của lòng kiên nhẫn? Câu hỏi sẽ luôn nhiều hơn câu trả lời. 

Có lẽ các bạn cũng như tôi, đang chờ đợi cho mọi an lành sẽ đến với chúng ta, đến với toàn thể nhân loại toàn cầu. Mong gặp lại bạn trong một bài viết khác, khi cơn đại dịch Coronavirus qua đi và để lại cho chúng những tấm lòng thương cảm với tha nhân. Mong lắm và nguyện chúc các bạn cùng gia đình luôn an vui trong tình yêu thương cho nhau một đời không dứt..!

Durham, North Carolina
Thân mến,
Nguyễn Ngọc Hoàng 


(1) Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng – Trịnh Công Sơn

2 nhận xét:

  1. Chuyển lời của Kim Trúc:

    Đọc bài viết của thầy, quả đúng là những người bị bắt buộc TRỐN DỊCH như KT, bà xã của thầy và triệu người trên thế giới là không phải dễ dàng, thương nhứt các em học sinh, các em, các cháu trẻ luôn SINH ĐỘNG mà giờ phải bị gò bó trong nhà, hãy tưởng tượng...

    Với con dịch ác độc nguy hiểm này (như người đã tạo ra nó), cuộc sống bị đảo lộn tất cả, xưa thì... hãy ra ngoài hướng không khí trong lành, hãy đi gặp bạn bè, đừng dí đầu vô máy điện toán và tivi cả ngày vv...

    Bây giờ thì ngược lại tất cả, ai cũng sống trong bất an, hoang mang không biết tương lai ra sao nữa, hệ lụy và ảnh hưởng kinh tế, tinh thần, cho cả thế giới lâu dài ...

    Đây là lúc rảnh để các đầu bếp học hỏi và trổ tài, có quá nhiều thời gian và điều kiện nhưng nhà lại không đủ nhiên liệu, lại không muốn bon chen đi chợ, vì sợ bệnh lây lan và nhiêu khê sau đó.

    Nhưng KT tin rằng tất cả rồi sẽ qua và sẽ được tốt đẹp hơn.

    Xin chúc thầy và gia đình luôn vui khỏe và nhiều nghị lực nha.
    Thân mến KTP

    Trả lờiXóa
  2. Quả thật đúng như lời Kim Trúc nhắc: lứa tuổi mình mà còn như vầy, thì tội nghiệp các em học sinh và các trẻ con biết chừng nào!

    Bà xã và tôi, buồn buồn là “lôi” bài hát “Anh Đi Chống Dịch Carona” của KT ra nghe… là lên tinh thần và vui cười trở lại ngay!

    Mến chúc KT cùng gia đình nhiều sức khỏe, an lành vượt qua cơn đại dịch này…
    NNH

    Trả lờiXóa