Truyện ngắn của Phạm Hồng Ân
Ba tôi cất nhà ở xóm Huỳnh Long, lúc tôi 10 tuổi, học lớp nhất trường tiểu học thị xã. Tôi còn nhớ, căn nhà rất đẹp, mái lợp tole, nền tráng xi-măng từ trước tới sau. Mặt tiền, có một sân hiên rộng, và một khoảnh đất trống chạy dài, đâm thẳng ra tiểu lộ. Trước đó, gia đình tôi chuyên ăn nhờ ở đậu, dựa theo chính sách cấp dưỡng của nhà nước. Khi lên vài tuổi, tôi đã sống trong căn nhà ở khu cư xá cảnh sát, gần chợ Cà Mau. Sau đó, chẳng bao lâu, gia đình lại dời về một gian phòng, nằm phía sau khu Tòa Án.
Lúc ở cư xá cảnh sát, tôi còn nhỏ lắm, đang học chữ i-tờ và đi đâu cũng lủi thủi bên mẹ. Cư xá nằm phía sau một dinh thự to lớn do người Pháp xây dựng. Đây là một lối kiến trúc lạ, phối hợp giữa nghệ thuật Châu Âu và Á Đông. Dinh thự này chia làm hai phần, một bên là Tòa Cảnh Sát và một bên là Tòa Hiến Binh. Tuy còn bé tí, nhưng tôi biết phân biệt viên chức người Pháp và viên chức Việt. Tôi không ưa những ông tây mũi lõ, thường liếc dọc liếc ngang bằng đôi mắt xanh lè. Viên chức Việt thì khúm núm, nhút nhát đến độ khiếp nhược. Tôi chỉ nể ba tôi. Vì ba tôi lúc nào cũng nghiêm trang, công bằng và không bao giờ chịu khuất phục trước thái độ hống hách của người Pháp. Khi nhà dọn về khu Tòa Án, tôi không còn thấy bóng dáng của người Pháp tới lui trong thị xã nữa. Lúc đó, tôi đã tự đi học một mình. Buổi sáng, mặc đồng phục, áo trắng bỏ vô quần cụt đen, theo các bạn cùng lớp đến trường.
Xóm tôi có tên Huỳnh Long, vì bên hông xóm có rạp chiếu bóng Huỳnh Long khá lớn. Hơn nữa, toàn bộ đất đai ở đây đều thuộc về ông chủ Huỳnh Long và ông hội đồng Vạn. Muốn dựng nhà trong xóm, phải có phép của hai ông chủ đất này. Ông Huỳnh Long còn trẻ, đứa con trai đầu của ông xấp xỉ tuổi với người anh thứ năm của tôi. Ông là một doanh nhân đang lên, đang tìm mọi cơ hội để vươn lên trong xã hội. Còn ông ba Vạn là một ông già, râu tóc bạc phơ, đi đâu cũng có cây gậy trên tay. Nhưng ông ít khi ra đường, ai cần gì thì chịu khó đến nhà ông. Thỉnh thoảng, trời đẹp, tôi thấy ông chống gậy thơ thới ra vòng đai Ấp Chiến Lược ngó đồng cỏ mênh mông, hoặc thả hồn theo mây bay, như nhớ lại thời quá khứ hoàng kim nào đã vụt mất.
Rạp Huỳnh Long ngó ra con kinh 16. Đầu kinh chỉa thẳng ra sông Cà Mau, nhưng bị chặn lại bởi con đường dẫn đến Lò Nhang. Lúc tôi ở đây, con kinh rất đẹp. Nước trong xanh, đến nỗi thấy rõ từng đám rong rêu dưới đáy. Hai bờ kinh, lác đác vài hàng cây cô đơn, nhưng đầy bóng mát. Rất tiếc, thời đó, chẳng cặp tình nhân nào can đảm dắt nhau ra đây hóng mát, để hôm nay tôi có cơ hội ghi lại chuyện tình lãng mạn của họ trong trang hồi ký này. Chỉ có chuyện tình anh tư tôi, tôi vẫn còn in trong trí, nhưng nó cũng mờ mờ ảo ảo, như bóng dáng và cuộc đời của nhân vật trong chuyện.
Anh tư tôi lên Sài Gòn học, lúc tôi còn cởi truồng tắm mưa với mấy đứa con gái trong xóm. Anh tôi chỉ về Cà mau vào thời gian bãi trường hoặc tết nguyên đán. Ba tháng hè, anh mở lớp luyện thi trung học. Lớp học là sân hiên nhà tôi. Bàn ghế được tận dụng từ phòng khách trong nhà. Và để che mưa tránh nắng, chị ba tôi mua tặng lớp một tấm bạt lớn, đủ che kín chu vi sân hiên. Người học sinh lớn nhất trong lớp, có lẽ là chị Rạng. Nhà chị ở sau rạp Huỳnh Long. Chị sống với một người em gái. Hai chị em có một quán nước ở trước cửa rạp, trên bờ kinh 16. Quán chỉ mở cửa lúc rạp vừa lên đèn. Và bán tới khi rạp hát đóng cửa. Chị Rạng hiền lành, tóc dài, thường vắt ngang một bên vai. Chị thích mặc áo bà ba, màu hoa cà. Tôi đoán vậy, vì bao giờ đến lớp, chị thường mặc chiếc áo này. Màu áo làm động lòng anh tư tôi, nên anh có viết thành truyện ngắn Chiếc Áo Màu Hoa Cà đăng trên tờ tuần báo văn nghệ ở Sài Gòn. Có một lần, chị nghỉ học. Có lẽ vì trời mưa hay bận việc gia đình? Đêm đó, buồn tình, anh tư kéo tôi ra quán nước ngồi, tới khi rạp hát tắt đèn. Quán chị Rạng nguyên là một thùng xe cũ, được tay thợ mộc nào gọt giũa, sơn phết lại, tạo thành một cái quán nhỏ rất nghệ thuật. Quán thiết kế như kiểu một bar rượu, giống loại bar tôi thường thấy lúc còn ở Tòa Cảnh Sát, các viên chức người Pháp thường tới lui phía trước con đường. Chủ nhân và khách chỉ cách nhau một tấm ván ngắn, dùng để đặt những ly rượu. Anh tư và tôi ngồi trên ghế cao, ngó chị Rạng đang làm thức uống cho khách. Chúng tôi gần nhau đến đỗi tôi thấy cả nốt ruồi đen trên ngấn cổ trắng ngần của chị. Chắc chắn, anh tôi còn thấy những cái khác nữa, nên mãi thẫn thờ ngó chị Rạng, trong lúc bàn tay cứ mân mê hoài chai bia 33.
Tôi không còn thú vị nữa, vì ly kem đã cạn từ lúc nào.. Anh tôi vẫn cù cưa với chị Rạng bằng thứ ngôn ngữ tôi không hiểu được. Chán quá, tôi xin phép anh tư, đi dạo một vòng. Một vòng trước rạp hát, trong khi trời đã bắt đầu về khuya. Tôi đoán, phim sắp vãn. Vì ông tài phú bán đồ nhậu đang khua dao loảng soảng để cất đi. Đối diện ông tài phú là bà hai bán thuốc lá, bà cũng đang xếp gọn những mớ tạp nhạp vào quang gánh, sẵn sàng rời khỏi nơi đây. Có vài chỗ đã đóng cửa. Có vài người còn lóng ngóng vô phía trong, hình như đang nóng ruột chờ người thân họ. Chỉ có ông Tỷ bán nước mía, tôi đang đứng gần, là cố ép thêm vài cây mía nữa, chờ vãn hát, vớt thêm cú chót.
Khi đèn rạp hát đã tắt tối thui, anh tư tôi mới tự nguyện bấm đèn pin, đưa hai chị em chị Rạng về nhà. Tôi lết bết theo sau, nghĩ về một giấc ngủ ngon lành cho tới sáng. Nhưng chưa hết, khi cô em gái vào nhà, chị Rạng còn đứng đẩy đưa với anh tôi một lát. Cho tới khi tôi than buồn ngủ, anh tôi mới vội bấm đèn pin, dẫn tôi trở về.
(còn tiếp)
PHẠM HỒNG ÂN
Ba tôi cất nhà ở xóm Huỳnh Long, lúc tôi 10 tuổi, học lớp nhất trường tiểu học thị xã. Tôi còn nhớ, căn nhà rất đẹp, mái lợp tole, nền tráng xi-măng từ trước tới sau. Mặt tiền, có một sân hiên rộng, và một khoảnh đất trống chạy dài, đâm thẳng ra tiểu lộ. Trước đó, gia đình tôi chuyên ăn nhờ ở đậu, dựa theo chính sách cấp dưỡng của nhà nước. Khi lên vài tuổi, tôi đã sống trong căn nhà ở khu cư xá cảnh sát, gần chợ Cà Mau. Sau đó, chẳng bao lâu, gia đình lại dời về một gian phòng, nằm phía sau khu Tòa Án.
Lúc ở cư xá cảnh sát, tôi còn nhỏ lắm, đang học chữ i-tờ và đi đâu cũng lủi thủi bên mẹ. Cư xá nằm phía sau một dinh thự to lớn do người Pháp xây dựng. Đây là một lối kiến trúc lạ, phối hợp giữa nghệ thuật Châu Âu và Á Đông. Dinh thự này chia làm hai phần, một bên là Tòa Cảnh Sát và một bên là Tòa Hiến Binh. Tuy còn bé tí, nhưng tôi biết phân biệt viên chức người Pháp và viên chức Việt. Tôi không ưa những ông tây mũi lõ, thường liếc dọc liếc ngang bằng đôi mắt xanh lè. Viên chức Việt thì khúm núm, nhút nhát đến độ khiếp nhược. Tôi chỉ nể ba tôi. Vì ba tôi lúc nào cũng nghiêm trang, công bằng và không bao giờ chịu khuất phục trước thái độ hống hách của người Pháp. Khi nhà dọn về khu Tòa Án, tôi không còn thấy bóng dáng của người Pháp tới lui trong thị xã nữa. Lúc đó, tôi đã tự đi học một mình. Buổi sáng, mặc đồng phục, áo trắng bỏ vô quần cụt đen, theo các bạn cùng lớp đến trường.
Xóm tôi có tên Huỳnh Long, vì bên hông xóm có rạp chiếu bóng Huỳnh Long khá lớn. Hơn nữa, toàn bộ đất đai ở đây đều thuộc về ông chủ Huỳnh Long và ông hội đồng Vạn. Muốn dựng nhà trong xóm, phải có phép của hai ông chủ đất này. Ông Huỳnh Long còn trẻ, đứa con trai đầu của ông xấp xỉ tuổi với người anh thứ năm của tôi. Ông là một doanh nhân đang lên, đang tìm mọi cơ hội để vươn lên trong xã hội. Còn ông ba Vạn là một ông già, râu tóc bạc phơ, đi đâu cũng có cây gậy trên tay. Nhưng ông ít khi ra đường, ai cần gì thì chịu khó đến nhà ông. Thỉnh thoảng, trời đẹp, tôi thấy ông chống gậy thơ thới ra vòng đai Ấp Chiến Lược ngó đồng cỏ mênh mông, hoặc thả hồn theo mây bay, như nhớ lại thời quá khứ hoàng kim nào đã vụt mất.
Rạp Huỳnh Long ngó ra con kinh 16. Đầu kinh chỉa thẳng ra sông Cà Mau, nhưng bị chặn lại bởi con đường dẫn đến Lò Nhang. Lúc tôi ở đây, con kinh rất đẹp. Nước trong xanh, đến nỗi thấy rõ từng đám rong rêu dưới đáy. Hai bờ kinh, lác đác vài hàng cây cô đơn, nhưng đầy bóng mát. Rất tiếc, thời đó, chẳng cặp tình nhân nào can đảm dắt nhau ra đây hóng mát, để hôm nay tôi có cơ hội ghi lại chuyện tình lãng mạn của họ trong trang hồi ký này. Chỉ có chuyện tình anh tư tôi, tôi vẫn còn in trong trí, nhưng nó cũng mờ mờ ảo ảo, như bóng dáng và cuộc đời của nhân vật trong chuyện.
Anh tư tôi lên Sài Gòn học, lúc tôi còn cởi truồng tắm mưa với mấy đứa con gái trong xóm. Anh tôi chỉ về Cà mau vào thời gian bãi trường hoặc tết nguyên đán. Ba tháng hè, anh mở lớp luyện thi trung học. Lớp học là sân hiên nhà tôi. Bàn ghế được tận dụng từ phòng khách trong nhà. Và để che mưa tránh nắng, chị ba tôi mua tặng lớp một tấm bạt lớn, đủ che kín chu vi sân hiên. Người học sinh lớn nhất trong lớp, có lẽ là chị Rạng. Nhà chị ở sau rạp Huỳnh Long. Chị sống với một người em gái. Hai chị em có một quán nước ở trước cửa rạp, trên bờ kinh 16. Quán chỉ mở cửa lúc rạp vừa lên đèn. Và bán tới khi rạp hát đóng cửa. Chị Rạng hiền lành, tóc dài, thường vắt ngang một bên vai. Chị thích mặc áo bà ba, màu hoa cà. Tôi đoán vậy, vì bao giờ đến lớp, chị thường mặc chiếc áo này. Màu áo làm động lòng anh tư tôi, nên anh có viết thành truyện ngắn Chiếc Áo Màu Hoa Cà đăng trên tờ tuần báo văn nghệ ở Sài Gòn. Có một lần, chị nghỉ học. Có lẽ vì trời mưa hay bận việc gia đình? Đêm đó, buồn tình, anh tư kéo tôi ra quán nước ngồi, tới khi rạp hát tắt đèn. Quán chị Rạng nguyên là một thùng xe cũ, được tay thợ mộc nào gọt giũa, sơn phết lại, tạo thành một cái quán nhỏ rất nghệ thuật. Quán thiết kế như kiểu một bar rượu, giống loại bar tôi thường thấy lúc còn ở Tòa Cảnh Sát, các viên chức người Pháp thường tới lui phía trước con đường. Chủ nhân và khách chỉ cách nhau một tấm ván ngắn, dùng để đặt những ly rượu. Anh tư và tôi ngồi trên ghế cao, ngó chị Rạng đang làm thức uống cho khách. Chúng tôi gần nhau đến đỗi tôi thấy cả nốt ruồi đen trên ngấn cổ trắng ngần của chị. Chắc chắn, anh tôi còn thấy những cái khác nữa, nên mãi thẫn thờ ngó chị Rạng, trong lúc bàn tay cứ mân mê hoài chai bia 33.
Tôi không còn thú vị nữa, vì ly kem đã cạn từ lúc nào.. Anh tôi vẫn cù cưa với chị Rạng bằng thứ ngôn ngữ tôi không hiểu được. Chán quá, tôi xin phép anh tư, đi dạo một vòng. Một vòng trước rạp hát, trong khi trời đã bắt đầu về khuya. Tôi đoán, phim sắp vãn. Vì ông tài phú bán đồ nhậu đang khua dao loảng soảng để cất đi. Đối diện ông tài phú là bà hai bán thuốc lá, bà cũng đang xếp gọn những mớ tạp nhạp vào quang gánh, sẵn sàng rời khỏi nơi đây. Có vài chỗ đã đóng cửa. Có vài người còn lóng ngóng vô phía trong, hình như đang nóng ruột chờ người thân họ. Chỉ có ông Tỷ bán nước mía, tôi đang đứng gần, là cố ép thêm vài cây mía nữa, chờ vãn hát, vớt thêm cú chót.
Khi đèn rạp hát đã tắt tối thui, anh tư tôi mới tự nguyện bấm đèn pin, đưa hai chị em chị Rạng về nhà. Tôi lết bết theo sau, nghĩ về một giấc ngủ ngon lành cho tới sáng. Nhưng chưa hết, khi cô em gái vào nhà, chị Rạng còn đứng đẩy đưa với anh tôi một lát. Cho tới khi tôi than buồn ngủ, anh tôi mới vội bấm đèn pin, dẫn tôi trở về.
(còn tiếp)
PHẠM HỒNG ÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét