Thứ Tư, 8 tháng 4, 2020

Tản Mạn Đời Thường - Kỳ 9

MỘT MẢNH TÌNH QUÊ
Tản mạn của Thanh Hà 

Cuộc đời dẫu có phù vân
Ở trong mây nổi, có phần thiên thu 
( Nguyên Sa )


1/-
Giống như câu truyện Tái Ông Thất Mã, trong hoạ có phúc, trong phúc có hoạ. Có thăng cũng có trầm, và ngược lại. Từ trong cái xui rủi vẫn xuất hiện điều tốt lành để bù trừ cho tai ương đang gánh chịu.

Lần về V N vừa rồi, tôi nghĩ sẽ đi thăm Phú Quốc trước khi hòn đảo ngọc này biến thành đặc khu “người nước lạ” thuê. Thế rồi dịch coronavirus bùng nổ nên tôi đổi ý đặt vé đi Đà Nẳng thăm cô bạn thân mấy năm chưa có dịp gặp. Định rằm tháng giêng âm lịch là bay. Cuối cùng huỷ vé cùng lý do như trên.

Không được đi con đường như ý định ban đầu vạch sẵn, tôi đi theo hướng khác. Chứ dể gì tôi chịu bó gối ngồi yên một chỗ.


Hoá ra những con đường không định trước này lại mang rất nhiều ý nghĩa tinh thần với tôi.

Có con đường đưa tôi đi tìm chính nguồn cội. Có con đường đưa tôi khám phá những góc khuất mới mẻ mà ta cứ tưởng là nhỏ nhặt, tưởng đã am tường hết rồi nào dè đâu càng đi ta càng thấy kiến thức mình hãy còn quá nông cạn khô khan. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” cổ nhân nói không hề sai chút nào.
Có con đường đưa tôi về thăm quê hương họ hàng của ông ngoại mà nếu không vì biến cố dịch Wuhan , tôi chẳng hề nghĩ có ngày sẽ thực hiện. Hoặc nếu muốn cũng khó mà thực hiện, bởi mùa xuân là thời điểm vợ chồng em gái bận túi bụi chuyện cơm áo gạo tiền không thể dành cho những chuyến đi chơi xa được. Mà tôi về VN luôn vào mùa xuân tương đối ít nóng và cần có người thân “dẫn” mới dám chường mặt ra đường.

Đó là sự thật chứ không hề phóng đại.
Có gì mỉa mai đáng buồn bằng mình trở về quê hương nơi được sinh ra và trưởng thành, nơi mọi người chung quanh đều nói cùng ngôn ngữ, cùng lịch sử phong tục tập quán, cùng ăn những thức ăn như nhau…mà bước ra khỏi bốn bức tường căn nhà gia đình thì luôn mang một cảm giác bất an, luôn thấy nguy cơ rình rập mọi phía không vậy ? 

Trái lại, dong ruổi qua nhiều xứ sở lạ xa mà tôi lại thấy an toàn, bình lặng dù ngôn ngữ khác biệt, dù phong tục tập quán khác biệt, dù gout ẩm thực khác biệt ?
Đây là tâm trạng của nhiều bạn bè tôi chứ không chỉ riêng mình.

Miền Tây sau tết tương đối yên tĩnh, chưa ai bị nhiễm virus nên mọi người dù lòng hoang mang lo âu, bàn tán không ngớt nhưng sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường. Ngoại trừ lễ hội rằm tháng giêng cúng sao hạn, lễ giỗ Đình Thần Nguyễn Trung Trực, Phó Cơ Nguyễn Hiền Điều, chùa chiền… thì hạn chế mức tối đa việc tụ họp cúng kiếng.

2/-

Cao Lãnh
Có phải bắt nguồn từ việc tôi được mời ăn cưới , mà tiệc đãi ở tận Cao Lãnh. Là quê hương bản quán của ông ngoại tôi, khiến tôi nghĩ nhớ về những họ hàng hậu duệ của ông ngoại mà mấy chục năm rồi chúng tôi mất tin tức kể từ khi má tôi qua đời 15 năm trước ?
Tôi nói với các chị em :
—Không biết bây giờ cậu ba, cậu tư, dì bảy, dì tám…con ông chú sáu như thế nào hén . Có còn khoẻ mạnh, sống hay chết nữa ?
—Ừ, không biết thế nào. Ngày má mất mọi người vô dự đám tang gần như không thiếu một ai, từ đó tới giờ không có tin tức nữa.
—Đáng lẽ chị em mình phải đi thăm mấy dì mới phải, vì mình là hàng con cháu. Hồi xưa ông bà ngoại , ba má còn sống thì mấy dì vô thăm viếng thường xuyên, giờ ngoại má không còn thì tụi mình là con cháu phải đi thăm ngược lại.

Các chị em mỗi người một câu, bàn tán. Rồi nhắc thêm tên những bà con khác ngoài ấy. Tôi lại nói :
—Hay là qua tết chị em mình cùng ra thăm họ , nhất là dì bảy dì tám. Gặp lại mình, chắc chắn họ mừng lắm. Mấy dì thật hiền , mà thương ông bà ngoại và ba má mình quá trời.
—Ý kiến hay đó. Để tụi em sắp xếp công việc rồi mấy chị em mình đi.
—Mà có ai nhớ nhà của dì bảy, dì tám ở đâu không ?
Không ai nhớ hết. Vì lần thăm sau cùng của một trong các chị em cách nay đã 25, 30 năm. Riêng tôi lúc 9 hay 10 tuổi được bà ngoại dẫn cùng với chị ba ra ăn cưới dì tám. Chỉ nhớ lúc ấy phải qua mấy lần đò, mấy lần xe lôi mới đến nơi.
Tất nhiên cảnh vật đã đổi dời nhiều lắm rồi. Mà địa danh thì nhớ mơ hồ chứ không rõ ràng sao lần cho ra ?

Chị hai man mán số điện thoại của dì tám chị ghi lại trong cuốn sổ , mà chẳng biết cuốn sổ nằm ở đâu, phải về lục lại. Rồi nếu có tìm ra cuốn sổ, chẳng biết số điện thoại cũ đó dì còn xử dụng ? 

Mỗi người một câu, mỗi đặt thí dụ thế nầy thế nọ, sự hăng hái hơi giảm. Cuối cùng mấy chị em phân công:
—Cứ tính thế nầy : chị hai về lục lại cuốn sổ điện thoại, chắc chắn là nằm trong xó tủ nào đó rồi tìm số điện thoại của dì tám gọi cho dì xem có liên lạc được không. Nếu liên lạc được rồi thì út thu xếp công việc định ngày qua tết đi.

Chị hai tìm được cuốn sổ điện thoại, gọi cho dì, nghe tiếng chuông reo không ai bắt máy. Hôm sau gọi nữa thì dì nghe. Thật may ! Dì mừng quá trời. Hỏi thăm cách đi thế nào, địa danh làng, xã, quận…dì giải thích lộn xộn cả buổi trời không ai hiểu gì hết. Giọng nói dì vẫn còn minh mẫn rõ ràng, nhớ hết mọi chuyện cơ mà.

Em út hỏi số nhà, dì nói dì chẳng nhớ. Hỏi vậy trước nhà có đặc điểm gì để dễ nhận dạng, dì nói không biết tả đâu. Hỏi vậy chỗ đó tên là gì, dì không trả lời ngay câu hỏi mà cứ lập đi lập lại :
—Các con cứ đến Chi Bộ đầu tiên, tiếp tục thêm chút xíu gặp cây cầu , trước cầu có con đường rẽ phải các con theo con đường đó chạy hoài lát tới nhà dì hà, dễ lắm. 
Mọi người lắng nghe cuộc đàm thoại mà cứ nhấp nhổm vì sốt ruột. 
Trời ơi, phải đi thế nào, đến đâu, Cao Lãnh dẫu gì cũng là một vùng đất rộng lớn có gần 200.000 dân, dì giải thích như thế biết đâu mà lần.

Tìm dì như thể tìm chim
Chim bay biển Bắc, con tìm biển Nam (Ca Dao sửa lời)

Dì cứ lập đi lập lại nhiều lần là cứ đến Chi Bộ đầu tiên, đi thêm lát sẽ tới nhà dì thôi. Chúng tôi cùng tâm trạng, khóc cười không ra tiếng. Chi Bộ đầu tiên nào?  Đó là cơ quan gì vậy? Nói khơi khơi ai biết nằm nơi mô? 
Dì ơi là dì. Giải thích thế thì làm sao chúng con tới nơi đây. Hỏi dì :
—Các em có ai ở nhà với dì không, cho con nói chuyện với.
—Mấy đứa nó đi làm hết, chiều mới về lận con ơi. Hay chiều con gọi lại , em nó sẽ chỉ dẫn rõ ràng hơn.
—Dạ, để chiều con gọi lại nghe dì.
Rốt cuộc chúng tôi liên lạc với con dì, em cho biết “ địa danh ấp Đông Bình, xã Hoà An. Nhà thì hơi khó tìm, nhưng các chị khi đến Cao Lãnh rồi gọi cho em, em sẽ giải thích thêm từng giai đoạn mới tìm được”.

Thế là sáng hôm sau bốn chị em lên đường, rể út làm tài xế.
Tôi cứ tưởng dì tám dặn “nhớ đến Chi Bộ đầu tiên rồi tới cây cầu” là chuyện lẩm cẩm ( xin lỗi dì ) của những người ở đầu thế kỷ 20 đời sống còn lạc hậu nhà không có số lẫn tên đường phố chỉ cần hỏi thăm thôn làng tên người cần tìm thì ai cũng biết, bởi chi bộ là danh từ để chỉ một chi bộ của cơ quan gì đó mà cơ quan thì có hàng trăm trong bất luận tỉnh huyện thành nào, ai dè lại có thật cái Chi Bộ Đầu Tiên đó chứ !

Hình như đặc điểm của dân các vùng Cao Lãnh, Đồng Tháp là khi mình hỏi đường, họ chỉ dẫn rất tận tình và luôn kèm theo khoảng cách km. Mười người đều nói y như mười. Nhưng khái niệm về khoảng cách con đường được hình dung trong đầu họ hơi chênh lệch so với thực tế ấy. Mà độ lệch nầy không phải nhỏ đâu nhé. Giống như toạ độ trong bản đồ 1/1000 vậy.

Chẳng hạn đến trung tâm thị xã tìm được một chỗ rộng ngừng xe để gọi điện cho cô em họ ngay trước toà nhà Vincom đồ sộ.( Bây giờ đi qua bất cứ tỉnh thành nào cũng thấy toà nhà kiến trúc theo lối Tây ấy sừng sững ngạo nghễ). 
Cô em giải thích con đường xong kèm theo câu :
—Chạy khoảng 3 km nữa gặp trường… gì đó thì gọi tiếp cho em .
Tới trường…gì đó quên mất tên rồi, gọi em. Em giải thích đi như thế nào, thêm vào là khoảng 2 cây số nữa. v..v..

Lát sau, gọi cho em , em hỏi đã đi đến đâu . Trả lời đến…nhìn sang bên phải hoặc trái thấy tên một cơ quan , đọc tên . Em nói là chạy lố, phải quay đầu xe chạy ngược lại. Đến ngã ba ( hay tư ) rẽ đường khác, đi thêm từng nầy km là tới địa phận ấp Đông Bình, sẽ hướng dẫn tiếp…

Lát sau, (độ chừng vài cây số) thấy xuất hiện dòng chữ ấp Đông Bình trên bảng hiệu cửa hàng quán xá hai bên đường. Yên tâm đi đúng hướng rồi. Giờ thì tìm cây cầu như dì tám dặn. 
Nhưng trước khi cây cầu xuất hiện, phải tìm “Chi Bộ đầu tiên “ hãy !!!

Mấy chị em bảo nhau thôi cứ xem như sẵn dịp mình rong chơi cho biết khắp thị xã luôn.

Chạy hoài không thấy cây cầu nào. Ngừng xe ,em út kéo kính xuống hỏi cậu trẻ đang đứng trò chuyện với ai bên vệ đường :
—Em ơi cho chị hỏi thăm Chi Bộ đầu tiên ở đâu vậy em ? 
Tuy hỏi chứ trong bụng hơi ngại , sợ cậu cho là ngớ ngẩn. Ai ngờ cậu sốt sắng trả lời ngay lập tức :
—Chi bộ đầu tiên hả ? Anh chị tiếp tục đi thẳng 500 m, tới vòng xoay giữa có đặt tượng bông sen thật to đó thì bỏ một lối ra, đến lối thứ nhì chạy tiếp ( 2 hay 3 cây số gì đó ) sẽ gặp chi bộ đầu tiên à.
—Cám ơn em nhé.
A thì ra cái chi bộ quái quỉ nầy không phải chỉ là một phân bộ trong ngành nào hay cơ quan nào, mà có địa danh hẳn hoi. Dì tám nói đúng chứ không vì tuổi cao nên nhớ lộn, con xin lỗi dì lần nữa.

Chạy theo lời chỉ dẫn, quả tình em rể nhìn sang trái có khoảng đất nho nhỏ xung quanh cây cối mọc, một căn nhà cũng nho nhỏ trước sân có dựng tấm bảng đề rõ ràng Chi Bộ đầu tiên phía dưới có thêm hàng chữ gì đó mà xe chạy nhanh nên không đọc kịp ! Sau đó người em họ có kể lai lịch về cái chi bộ nầy nhưng tôi không thích nhắc đến chút nào đâu.

3/-
Qua Chi Bộ đầu tiên khoảng 300 m cây cầu hiện ra thật. Rẽ phải vào làng, cảnh vật bỗng khác hẳn. Đường làng tuy được tráng nhựa đủ rộng cho xe bốn bánh lưu thông nhưng vẫn cho ta cảm giác rất bình yên mộc mạc. Mất thêm vài cây số, ngừng lại hỏi thăm vài cư dân ngồi trước cửa nhà họ, ở đây không cần nói số nhà, chỉ cần nói tên, thứ.. cả xóm đều biết và chỉ dẫn tường tận. Tất nhiên đều không quên kèm theo bao nhiêu km, mấy trăm mét…v..v.. Ở đây đúng thật thời gian như ngừng lại, quay về thời xa xưa ấy.

Hai bên vệ đường dài chục cây số toàn xoài là xoài, tàng cây vươn cao có đoạn như các cánh tay giao nhau che bóng mát dù mặt trời 10 giờ lên khá cao. Trong xe một giọng ca khe khẽ cất lên :

Trả lại em yêu , khung trời đại học
Con đường Duy Tân, cây dài bóng mát
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát
Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhạt (Trả Lại Em Yêu, Phạm Duy )

Là chị ba. Chắc chị tiếc nhớ thuở xưa mỗi sáng hai chị em đèo nhau trên chiếc Honda 50, chở tôi đến trường văn khoa xong mới quay về trường luật của chị , luôn đi ngang con đường Duy Tân. Con đường nầy với chị em tôi có những kỷ niệm rất thơ mộng tuy không thành dấu ấn quá đậm sâu nhưng mỗi khi nhắc đến cũng khiến lòng bâng khuâng xao xuyến về một thời thanh xuân hoa gấm ( nếu có dịp tôi sẽ kể về ).

Tôi đã từng đi qua các con đường có những hàng cây xanh giao nhau tạo nên mái che rợp mát như con đường làng nầy ở nhiều thành phố khác nhau ở nhiều miền đất xa lạ. Lần nào được đi xuyên qua những con đường như thế, tôi luôn có cảm giác an toàn, được chở che bảo vệ bởi thiên nhiên. Luôn khiến tôi sống lại chuỗi ngày xanh vô tư lự. Cho dù tôi còn đi nhiều lần qua những con đường tương tự thì cảm giác vẫn nguyên vẹn như ban đầu.

Em rể kêu :
—Cảnh thơ mộng quá các chị em xuống chụp hình đi nào.

Lục tục xuống xe, đứng dàn hàng ngang để cậu em rể thâu hình vào điện thoại. 

Em rể rất galant, luôn chìu chuộng các chị vợ và vợ hết mực. 
Ghi lại gương mặt mình là một việc, cái chính là muốn níu giữ lại thoáng chốc phù du quang cảnh các chị em đứng giữa con đường làng rợp bóng lá xoài trông quá thanh bình yên tĩnh dù lúc ấy con virus Wuhan đã gây tội ác khá nhiều nơi trên quả địa cầu rồi. 

Thời gian sẽ làm chị em tôi già thêm, nếp nhăn trán, mắt sẽ hằn sâu thêm, tóc sẽ nhiều sợi trắng thêm, lưng còng gối mỏi thêm. Nhưng con đường với tàng cây xoài rợp bóng nầy sẽ còn đọng dài lâu trong tâm tưởng —như con đường Duy Tân mà ngày xưa chị em tôi thường đi ngang để đến trường vậy.

Xe tiếp tục một đoạn nữa thì thấy dáng cô em họ đứng cạnh đường chờ sẵn. May quá, vì nếu không thì quả đúng như dì tám nói nhà nào cũng giống nhà nào không có điểm đặc biệt để phân biệt được. Nhà nào cũng có một khoảng sân vườn, mà trước mặt, hai bên chái , sau hè đều trồng xoài cả. Xoài cơ man nào mà kể.

Dì nhớ, kêu tên đúng từng đứa. Nhắc lại kỷ niệm về những người đã mất, về đoạn thời gian ngắt quãng không tin tức, về cuộc sống hiện tại, sức khoẻ, đôi lúc nghẹn ngào rưng lệ.

Nhằm ngày rằm nên được ăn bữa chay ngon quá chừng.

Rồi cũng phải chia tay.
Tất nhiên có xoài làm quà mang về.
Chúng tôi tiếp tục đi tìm dì bảy, là chị ruột dì tám.

4/-

Theo hướng dẫn của con dì tám, chúng tôi còn luồn lách qua nhiều cây cầu, ngõ hẹp mà tôi không tài nào nhớ nổi để đến bến đò Kênh Ngang. Còn phải ngừng xe hỏi thăm nhà dì bảy… ( tên dì ), người dân lại sốt sắng chỉ dẫn, tất nhiên luôn luôn thêm vào câu: vài trăm mét, hoặc 1 km, 2 km…một đặc tính đáng quí về sự cẩn thận của người dân Cao Lãnh, Đồng Tháp (tình cờ dun rủi tôi có dịp trở lại các tỉnh này vài lần nữa, phải hỏi thăm đường dài dài nên mới có lời kết luận trên ). 
Tuy được hướng dẫn tận tình, thế mà cũng quay đầu xe tới lui mấy bận mới vào đến đúng nơi cần tìm. 
Nhà dì nằm lọt giữa khoảng sân rộng đầy bóng mát của những cây xoài cao ngất, chung quanh đằng trước mặt chái hè, sau nhà…toàn xoài là xoài, chen lẫn ít bụi chuối oằn trái.
Căn nhà sàn toàn bộ bằng gỗ ván,  tiêu biểu vùng Cao Lãnh ngày xưa mà dì dượng vẫn giữ nguyên vẹn dáng nét cổ để con cháu đời sau nhớ biết.

—Dù bây giờ nước đâu còn để mà ngập lụt nữa. Ngược lại ngày dân ở đây sẽ đói vì hạn hán ngập mặn chắc không xa đâu. Dượng bảy nói.

Dì dượng mừng về chuyến viếng thăm bất ngờ của chúng tôi, lọ mọ đem xoài chín cây ra đãi. Chúng tôi –nhất là tôi– chiếu cố tận tình. Bởi vị ngon ngọt thoảng hương, bởi an tâm về nguồn gốc bio. Chị tôi ngồi bên khều nhẹ :

—Ê, ngưng ăn đi chứ. Ăn gì hết trái này qua trái kia sạch dĩa nhà dì vậy.
Dì dượng nghe được , chen vào :
—Các con cứ ăn thoải mái , cây nhà lá vườn còn đầy trên cây kìa. Tiếc là mấy đứa nhỏ đi làm hết, dì dượng yếu quá không hái được.

Tôi tiếc hùi hụi. Dọc đường trở ra , thấy nhiều nơi chưng mâm xoài bán bèn kêu em rể ghé lại mua hai chục ký cộng thêm với xoài nhà dì tám ( xoài nhà dì tám loại gì không hiểu mà cho trái to tướng như xoài tượng ( em họ nói không phải xoài tượng) vị ít ngọt mà tôi thì “ hảo ngọt “ nên phải mua thêm xoài thanh ca )
. Đây mới thật sự tìm về “ hương xưa vị cũ “.

5/-
Chia tay. Dì dượng tiễn ra tận ngõ. Từ nhà dì thêm quãng đường khoảng 60 m có giòng sông chận ngang. Muốn ra phố phải qua đò. Xe chúng tôi quay ngược lại theo con đường cũ xa hơn.

Dì đưa tay chỉ xuống bến sông, nhắc lại kỷ niệm cũ mà trên đường đi các chị em tôi đã kể. Mặc dù đây là lần thứ hai trong cùng một ngày tôi nghe, nhưng câu chuyện vẫn làm tôi nghẹn ngào không cầm được nước mắt.

Câu chuyện như sau :

Sau một đêm mưa, con đường đất lầy lội trơn trượt. Buổi sáng trời mây ảm đạm, có hai phụ nữ trung niên cùng hai ông già dắt díu nhau ra bờ sông chờ đò. Hai ông lão, người gần 90, người trẻ hơn vài tuổi. 
Đò cập bến-hay đúng hơn là chiếc xuồng nhỏ đưa hành khách sang sông-,ông lão lớn tuổi chầm chậm bước xuống thuyền với sự trợ giúp của một trong hai phụ nữ. Lời chia tay đã trao đổi trước ở nhà vì biết đến phút cuối sẽ không thể nào phát thành lời bởi cơn xúc cảm trào dâng.

Dưới xuồng là ông lão già nhất với một phụ nữ trung niên.
Trên bờ là ông lão nhỏ tuổi hơn với phụ nữ trung niên kia.
Chiếc xuồng từ từ rời xa bến…
Hai ông lão nhìn nhau qua đôi mắt vốn đã nhoà càng nhoà nhạt hơn bởi màn lệ tuôn chảy ướt đôi má nhăn nheo. 

Cánh tay ông lão dưới đò vẫy vẫy chào từ biệt người đứng trên bờ.
Cánh tay ông lão trên bờ vẫy vẫy chào từ biệt người ngồi dưới đò.
Hai phụ nữ trung niên cùng lấy khăn chậm nước mắt.
Ông lão ngồi dưới xuồng cứ chốc chốc đưa tay chùi hai giòng lệ lăn dài trên má, ngó lên bờ giơ tay vẫy tiếp
Ông lão trên bờ cứ đứng tựa vào cây gậy run run, lúc đưa tay chùi hai giòng lệ lúc ngó xuống đò giơ tay vẫy vẫy.
Hai phụ nữ trung niên nghẹn ngào khóc không thành tiếng.
Đò cập bến bên kia . Thiếu phụ đỡ ông lão lên bờ. Nhìn sang bên nầy sông, bóng hai người già trẻ vẫn còn đứng ngó qua trong bầu không gian âm u vắng lặng.

Ông lão anh bước đi chầm chậm, với sự trợ giúp của thiếu phụ một bên, cây gậy một bên. Chợt ngó xuống chân, mới biết mình mang hai chiếc dép khác nhau.
Ông lão em lững thững quay về nhà, thiếu phụ cầm tay dắt một bên, cây gậy một bên. Chợt ngó xuống chân, mới biết mình mang hai chiếc dép khác nhau.

Thì ra cụ lão anh đã mang nhầm một chiếc dép của cụ lão em.
Cụ lão em đã mang nhầm một chiếc dép của cụ lão anh. 

Cụ lão anh chính là ông ngoại chúng tôi. Cụ lão em là ông chú sáu, em ruột của ông ngoại.
Hai thiếu phụ trung niên: một người là má chúng tôi. Thiếu phụ kia chính là dì bảy con của ông chú sáu.

Ông ngoại có gần mười anh em trai gái, nhưng chỉ có ông ngoại và ông chú sáu sống thọ. Những người kia đều mất sớm bởi bịnh hoạn, bởi chiến tranh. 
Ngoại và ông chú có nét mặt giống nhau, rất yêu thương gắn bó. Ngoại là anh nhưng sức khoẻ có phần mạnh hơn ông chú, lúc cuối đời má thu xếp mỗi năm
đưa ngoại về thăm ông chú. 

Lần hai ông lão mang nhầm dép cũng là lần hội ngộ cuối cùng ở cõi trần gian.
Bây giờ linh hồn hai người đã về nơi chốn vĩnh hằng. 
Má chúng tôi cũng nối gót về theo.
Chỉ còn dì bảy ở lại trong số bốn người hôm chia tay ở bến đò Kênh Ngang. 

Thanh Hà

April, 2020


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét