Thứ Hai, 13 tháng 4, 2020

Đêm Nay Tay Em Đâu Rồi?

Tùy bút của Thanh Hà 

1/-

Lúc truyền hình chưa ra đời, hoặc chỉ mới có nhưng còn rất hạn chế chỉ dành cho người khá giả thì radio rất phổ biến mà mọi người đều cố gắng có trong nhà để nghe tin tức, kịch, cải lương, tân nhạc, thậm chí cả các mục quảng cáo thời ấy nghe cũng rất thú vị. Chắc chẳng mấy ai quên kem đánh răng Hynos với hình anh Chà-và cười tươi hàm răng trắng bóng. Hoặc dầu khuynh diệp Bác Sĩ Tín, xà bông Cô Ba….

Lúc ấy tôi chỉ là cô bé học năm đầu tiên trường trung học, đêm nằm trong giường chưa ngủ thường lắng nghe những bài nhạc phát ra từ radio. Giọng ca trầm ấm, truyền cảm, thánh thoát, dịu êm…(tuỳ ca sĩ nam nữ ), điệu nhạc dìu dặt cùng ca từ tinh tế ru tôi vào giấc nam kha dễ dàng. 
Một trong vô vàn bài hát ấy như sau :

Bàn tay.. đưa anh ra khỏi lòng người
Một đêm kêu lên hơi thở tuyệt vời
Bàn tay êm ái, ôi bàn tay khoan khoái
Nhạc ru tiếng khóc trần ai (Một Bàn Tay, Phạm Duy )

Trong đêm thanh vắng, nghe giọng ca truyền cảm của nam ca sĩ Duy Khánh hoặc giọng trầm buồn nức nở của ca sĩ Thanh Thuý thầm thì những lời tình tứ tôi dù chưa hiểu hết ý nghĩa nhưng vẫn cảm nhận được qua giọng hát tiếng nhạc.
Bài Một Bàn Tay được tôi thu vào bộ nhớ cùng với hàng trăm bản nhạc tuyệt vời khác.

Âm nhạc tượng trưng cho hoà bình. Âm nhạc khiến người xích lại gần người hơn. Âm nhạc là liều thuốc hữu hiệu xoa dịu những linh hồn đau khổ. Âm nhạc khiến ta tạm quên những lo âu chiến tranh chết chóc.

Không chỉ Phạm Duy mới viết về bàn tay phụ nữ, mà còn các nhạc sĩ khác nữa :

Bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa
Vẫn tóc mây bay má môi hồng thắm…
(Giáng Ngọc, Ngô Thuỵ Miên )

Hoặc :

Ru mãi ngàn năm từng ngón xuân nồng
Bàn tay em năm ngón anh ru ngàn năm
Giận hờn sẽ quên
Dáng em trôi dài trôi mãi trôi trên ngàn năm
( Ru em từng ngón xuân nồng, Trịnh Công Sơn )

2/-

Về cái đẹp phụ nữ, mỗi quốc gia có những quan niệm khác nhau. 

Thế giới Ả Rập (Trung Đông) xem mái tóc phụ nữ có ma lực khơi dậy nhục dục nơi đàn ông nên cần phải tuyệt đối trùm khăn kín mít không được để hở một sợi tóc nào ra ngoài.

Trung Hoa đầu thế kỷ 20 trở về trước có tục bó chân những thiếu nữ danh gia vọng tộc, bé gái tuổi lên 5, lên 6 đã bị mẹ dùng mảnh vải dài bó chặt hai bàn chân để khi trưởng thành vẫn có bàn chân tí teo hình thù dị dạng méo mó vì xương không được tăng trưởng tự nhiên, đi từng bước nhỏ như con lật đật tật nguyền đau đớn đeo mang suốt đời. Khi chọn vợ hoặc dâu, điều trước tiên là họ nhìn xuống chiếc hài trước để phán xét. Hài nhỏ chừng nào thì giá trị cô gái càng tăng vì sở hữu bàn chân nhỏ. 

Đây là chuyện có thật ở nước Trung Hoa xưa. Tôi từng đọc qua sách báo nói nhiều về điều nầy. Ngay chị bạn tôi gốc Thượng Hải chính gốc cũng xác nhận. Trong tác phẩm của nữ văn sĩ Mỹ Pearl Buck giải Nobel 1938 Gió Đông, Gió Tây (hình như vậy) có kể về câu chuyện một bé gái phải chịu đựng đau đớn triền miên thế nào vì bị bó chân.

Thế hệ trẻ hiện nay chắc cho là chuyện hoang đường không tin đâu. 
Không ai hiểu vì sao hủ tục man di mọi rợ nầy được xem là thẩm mỹ, là thước đo nét đẹp phụ nữ ???

Có dân tộc thiểu số ở Miến Điện quan niệm phụ nữ cổ dài mới là đẹp nên từ nhỏ đã bắt đầu đeo vòng cổ, mỗi năm lại thêm vào một chiếc mới để kéo cho cái cổ dài ra hết mức có thể.

Một bộ lạc nào đó bên Phi Châu (hay Nam Mỹ ?) cho rằng thân hình phụ nữ càng “phì nhiêu, màu mỡ” thì càng hấp dẫn quyến rũ. Thế thì các nhà bào chế thuốc giảm cân, các phương pháp nhịn ăn, các spa giúp giữ dáng liễu phải đóng cửa phá sản hết.

Ngoài ra còn có bộ lạc “ cà răng , căng tai “ cả đàn ông lẫn đàn bà.

Ngày xưa ở miền Bắc Việt Nam một phụ nữ đẹp nhất thiết phải có hàm răng nhuộm đen nhánh.

Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua
( Ca dao Mười Thương )

Lấy chồng cho đáng tấm chồng
Bỏ công trang điểm má hồng răng đen ( Ca dao )

Năm quan mua lấy miệng cười
Mười quan chẳng tiếc, miệng người răng đen ( Ca dao )

Chẳng thế mà các thi sĩ thời tiền chiến cũng ca ngợi :

Nụ cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè trước giậu thưa
( Nắng Mới, Lưu Trọng Lư )

Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu toả nắng 
( Bên Kia Sông Đuống, Hoàng Cầm )

Còn với dân Tây phương, khỏi cần nói ai cũng trả lời được, một phụ nữ có lực hấp dẫn khó cưỡng nổi là đôi chân dài.
A những đôi chân dài, ngôn ngữ thời hiện đại ở VN tả là : “ chân dài tới nách “, “ chân dài miên man “. Tự điển giải thích tĩnh tự miên man có nghĩa là: hết cái này sang cái khác, kéo liền theo nhau không dứt. Còn đồng nghĩa với từ liên miên.
Vậy người ta tả đôi chân dài miên man có nghĩa là khi nhìn thấy đôi chân dài thì trong lòng người được chiêm ngắm lập tức dấy lên nhiều ý niệm “tà dâm” theo sau nó hả ? He he. 
Ngôn ngữ thời-trước tuy cũng cùng một ý như trên, nhưng “thanh tao” hơn vì viết bằng chữ Hán, nên người ta phát âm mà không thấy “ phàm phu tục tử “, không thấy ngượng ngùng, có khi còn được khen là văn hay nữa chứ. Hic !

Trường túc bất tri lao ( chân dài không biết mệt )

3/- 

Từ cổ chí kim Chân, Thiện, Mỹ được xem như ba lý tưởng căn bản con người luôn hướng tới. Cái đẹp – Mỹ– như đã nói ,tuỳ theo vùng miền và thời đại có khác nhau nhưng Chân, Thiện thì nhất quán, bất khả luận bàn. 

Tôn giáo nào cũng đều khuyên dạy người ta sống có đạo đức, chân thật, thương người như thể thương thân. Ngoại trừ tà đạo thì mới chủ trương bắn giết, hành hạ hung bạo với đồng loại. 

*Mà hình ảnh bàn tay là tiêu biểu, là tượng trưng cho cái Thiện trong mỗi con người theo đúng nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.

Chẳng thế mà người ta hay dùng những câu như : 
—Đưa bàn tay ra cứu vớt trong cơn hoạn nạn
—Chúng ta năm châu bốn biển cùng siết chặt tay nhau tương thân tương ái
—Những tấm áp phích biểu tượng cánh tay giơ lên năm ngón xoè ra hứng chim bồ câu
—Nhiều cánh tay các màu da đen vàng trắng hợp lại tượng trưng cho sự bình đẳng không phân biệt chủng tộc.

—Hình ảnh tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng... kết thúc các kỳ hội họp đều chụp ảnh đứng cạnh nhau cánh tay người này chéo qua cánh tay người kế cạnh để nắm bàn tay tỏ tình thân ái kết đoàn.

—Nhớ những buổi sinh hoạt học đường ngoài trời, học trò đứng thành vòng tròn nắm tay nhau hát vang những bài hùng ca :

Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang…
…Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam…
( Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, Nguyễn Đức Quang )

Đó là trên bình diện rộng lớn. Còn thu hẹp hơn là sự tiếp xúc giữa đồng nghiệp, giữa sếp lớn với nhân viên, giữa bác sĩ và bệnh nhân, giữa bạn và bạn, giữa hai người yêu, giữa ông bà cha mẹ anh chị em con cháu. Luôn luôn có bàn tay đưa ra cho bàn tay nắm lấy.

Thuở tôi mới về với chồng, tôi còn lạ lẫm với môi trường sống, với những người không cùng ngôn ngữ, phong tục tập quán nên việc giao tế khá bỡ ngỡ xa cách.
Tôi lại nhút nhát , nên thường sau khi chào thăm hỏi sức khoẻ mọi người, tôi tìm một góc kín đáo ngồi. Chồng tôi hiểu tâm trạng đó, nên anh chốc chốc nắm tay tôi vuốt ve nhè nhẹ kèm theo ánh mắt đầy yêu thương thay cho lời nhắn nhủ rằng : Anh lúc nào cũng bên cạnh bảo vệ em, em đừng lo ngại gì. 
Cử chỉ tế nhị của anh giúp tôi can đảm, dần tự tin hẳn lên.

Vẫn còn rất nhiều lần anh nắm tay tôi để tỏ tình yêu thương, để khích lệ hay an ủi khi tôi khóc tang ngoại, ba mẹ, em gái, để truyền cho tôi nghị lực lúc anh ngã bệnh (mà đáng lẽ ra phải là ngược lại ).

Một người làm thơ vô danh đã viết :

Mơ một bàn tay nắm bàn tay
Môi kề môi hương yêu dâng đầy
Và đôi mắt chìm trong đáy mắt
Chưa kịp nhìn nhau đã đắm say
( Đi giữa vàng rơi )

Lại một câu thơ khác chiêm bao chồng về thăm :

Người về sưởi ấm bàn tay
Người về ôm trọn héo gầy dáng thu
( Tưởng bóng ai về )

4/-

Thế mà vào cuối năm 2019 đầu năm 2020 khi mà khoa học đã tiến bộ vượt bậc, con người đã nghĩ đến chuyện bán vé đưa người lên cung trăng du lịch bỗng bị đại dịch coronavirus Wuhan vô hình ập xuống gieo rắc tai ương toàn địa cầu, gây ra bao cái chết oan uổng tức tưởi cho mọi tầng lớp xã hội không từ một ai. 

Vì nó mà giờ đây mọi tập quán được xem là chuẩn mực của xã hội văn minh đều đảo lộn.
Vì nó mà sự biểu lộ tình cảm qua cái nắm tay có thể bị xem là tội phạm ( vì nguy cơ cố tình gây lây nhiễm )
Vì nó mà người phải cách xa người ít nhất 2 m. Dường như chúng ta trở lại sống thời Trung Cổ hay sao nhỉ.

Thôi nhé :
Những hẹn hò từ nay khép lại , TCS “

Thôi nhé, đừng :
 “nép vào lòng anh, má kề bên nhau ta nhắc chuyện ngày qua cho mối duyên thêm mặn mà, Đôi Ngả Chia Ly, Khánh Băng )”

Ngay cả giây phút tiễn người thân về cõi vĩnh hằng cũng không được một cái vuốt mắt như tiếng hát Thanh Thuý nức nở nghẹn ngào :

Một mai đưa anh thăm thẳm lìa đời
Mùa đông khăn tang mây bỏ đường dài
Bàn tay thương nhớ ôi gặp anh băng giá 
Lạ lùng tay khép làn mi ( Một Bàn Tay, Phạm Duy )

May ra, chỉ còn mỗi vẫy tay chào, nhưng từ xa :

Vẫy tay vẫy tay chào nhau
Một lần đầu và một lần cuối
Vẫy tay vẫy tay chào nhau
Một lần cuối và trọn cuộc đời
( Lần Đầu Lần Cuối, Vũ Chương–Dạ Cầm )

Vì đâu nên nỗi ???
Bao giờ chúng ta được trở lại sống cuộc sống bình thường như trước ?
Hỏi ai không ai biết, không ai trả lời được câu hỏi nầy.

Thanh Hà

April, 2020

2 nhận xét:

  1. Chuyển lời từ Kim Trúc:

    Hi Thanh Hà, cô văn sĩ dễ thương mà KT luôn ái mộ, rất thích lối hành văn thật hay và dí dỡm nhưng rất THẬT CỦA BẠN , cám ơn thật nhiều đã cho tôi đọc những bài văn đã đưa tôi đồng hành với bạn từ những kỷ niệm đẹp trở về thực tại, đưa tôi từ Âu châu đến Việt Nam vv...những bài hát mà tôi cũng thích giống bạn, chúc vui vẻ và nhiều sức khỏe để tiếp tục sáng tác nha TH

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Trúc Lan đã có nhận xét tích cực về bài viết của TH. Sở đoản của TH được tới đâu thì TH tận dụng tới từng ấy thôi hà. Ngược lại TH rất ái mộ tài năng ca hát và thơ của TLan lắm. Lâu lâu rồi TH có viết 1 nhận xét về 1 bài thơ Đường Luật của TL nhưng khi gởi đi thì nó biến mất tiêu , thử lần nữa mà không được nên ..nghỉ gởi luôn, hi hi. TH chờ nghe TL trong những bài hát tới nữa. À mà hình như bạn có ba chị em phải hôn, người nào cũng có tài ca hát hết, thích quá.
      Chúc TL và gia quyến luôn an lành mạnh khoẻ . Thân mến, T.Hà

      Xóa