Truyện ngắn của Phạm Hồng Ân
Xóm Huỳnh Long, sau này,có thêm gia đình chú tư tôi đến trú ngụ. Chú là em ruột ba tôi, nhưng hai người có quan niệm về cuộc sống khác nhau xa lắc. Ba tôi muốn dừng lại, tĩnh tâm, và tận hưởng những gì cuộc đời đãi ngộ. Chú tôi lại thích phiêu lưu, đi tìm cái tuyệt đối của chân lý, nên cứ thất bại thảm sầu. Vì không được như ý, chú hút thuốc liên miên, hút đến ốm o gầy mòn, rồi ho xù xụ quanh năm. Chú chuyên nghề thầu khoán, nhưng gia đình lại nghèo. Người ta đồn chú mê bài đến đỗi phải sạt nghiệp. Với tôi, chú tư rất hiền lành, rất thương yêu con cháu. Kẻ làm gia đình lâm cảnh túng quẫn, có thể là thím tư, người đàn bà tối ngày ngồi sòng bài và mê đánh số đề đến bỏ ăn bỏ uống. Gia đình chú tư tôi định cư ở đây không lâu, vội vàng kéo nhau về Vũng Tàu. Ba má tôi đành bó tay, không giúp được gì, trước hoàn cảnh khắc nghiệt mỗi ngày mỗi đổ ập xuống gia đình chú thím.
Thời gian chú tư còn ở đây, có năm, ba tôi đứng ra tổ chức giỗ nội tôi. Ngày đó rất tưng bừng. Tất cả các cô chú, anh em, con cháu...hội ngộ với nhau hết sức vui vẻ. Anh ba tôi từ Bạc Liêu chở cô bảy và các em, các cháu về dự giỗ. Đầu tiên, tôi nhìn thấy chiếc xe Huê Kỳ. Mừng hơn nữa, đó là một trong những chiếc xe nhà của cô bảy tôi - một thương gia giàu có vùng Bạc Liêu. Chiếc xe tuyệt đẹp. Nó bóng loáng từ trong ra ngoài. Nó sạch sẽ đến độ không có một hạt bụi nào có thể nằm phơi mình trên đó được. Vậy mà anh ba tôi còn liệng cho mỗi anh em tôi mỗi chiếc nùi giẻ.
- Này, lau xe cho anh ba. Một lát, anh chở tụi bây đi chơi.
Đêm đó, cả nhà không ngủ được. Mà muốn ngủ, cũng không có chỗ ngủ. Những chiếc giường, bộ ván...ưu tiên cho các em bé. Có người mệt quá, tìm chỗ mắc võng lên, nhưng rồi ...cũng đong đưa cho có lệ. Tất cả chia thành từng nhóm. Nhóm người lớn. Nhóm thanh niên, nhóm con nít. Mỗi nhóm một vẻ. Nhóm người lớn nhắc lại chuyện xưa. Nhóm thanh niên nói về cuộc sống riêng tư. Chỉ có nhóm con nít là đùa giỡn, chọc ghẹo nhau và lục đục ăn uống suốt đêm.
Ba, chú tư, cô tôi và anh ba ngồi trong phòng khách, trên cái bàn cổ, trước bàn thờ gia tộc. Bữa giỗ vắng mặt anh hai và anh tư tôi. Có lẽ hai người này bận công việc riêng, nên không về. Tôi ngồi chồm hổm trước hiên với các em tôi, nhưng tai vẫn tò mò lắng nghe câu chuyện của người lớn. Lúc đầu, còn lõm bõm hiểu được. Sau đó, tôi đành chịu thua, khi họ hăng say đối thoại với nhau qua ngôn ngữ của người miền trung. Tôi còn một người cô thứ năm ở Sài Gòn. Tôi chưa lên Sài Gòn lần nào, nên chưa biết mặt cô tôi. Chỉ lơ mơ nhớ lời anh tư kể lại, cô góa chồng từ thời còn trẻ, và ở vậy nuôi đứa con trai đến lúc trưởng thành.
Đến năm lên đệ ngũ, một buổi sáng đến lớp, tôi bỗng thấy không khí trong trường có vẻ là lạ. Hôm nay, học sinh không vào lớp. Tất cả đứng dọc trước hiên, nhốn nháo nhìn một tốp đàn anh lớp đệ nhất đang kéo bục gỗ ra sân trường, trước một máy phát thanh đặt sẵn. Các giáo sư rút vào văn phòng hiệu trưởng, ngồi im trong đó. Tôi rón rén vào lớp, thấy các bạn tôi đang chụm vào nhau, gục đầu, lo lắng. Chừng nửa tiếng sau, có tiếng đập cửa thình thịch, rồi có tiếng hét vang lên.
- Toàn lớp ra ngoài tập họp. Toàn lớp hô to khẩu hiệu: Đả đảo Ngô Đình Diệm độc tài. Đả đảo Ngô Đình Diệm gia đình trị.
Tôi bàng hoàng, không biết chuyện gì đã xảy ra? Nhưng cũng run sợ đưa tay lên cao, miệng lập lại lớn khẩu hiệu mà gã học sinh lớp đệ nhất vừa mới phát ra.
Lúc này, tôi mới biết đàn anh của chúng tôi hung dữ thật! Ngày thường, họ cư xử với đàn em rất tốt. Gặp nhau, bao giờ cũng chào hỏi, nhỏ nhẹ nói chuyện rất thân mật. Hôm nay, sao lại quay ngược 180 độ? La lối, nạt nộ, chưởi bới, hùng biện...thấy phát ớn? Trên bục gỗ, xuất hiện một cặp trai gái, trong ban đại diện học sinh trường trung học An Xuyên. Chị này là chị hai của thằng bạn học chung lớp. Chị vốn rất hiền, ngoài giờ học, chị dành tất cả thì giờ cho gia đình, xuống bếp nấu ăn và chăm sóc các em.. Bây giờ, chị bỗng hùng hồn đứng trước toàn thể học sinh, bất chấp sự cho phép của nhà trường, dõng dạc tố cáo chế độ Ngô Đình Diệm, tố cáo luôn hiệu trưởng trường trung học An Xuyên là độc tài, gia đình trị. Chị dẫn bằng chứng, ông hiệu trưởng đã tự ý cho phép người lao công cất nhà riêng trong khu đất của trường, và lập một chuồng gia súc nuôi heo cho ông hiệu trưởng. Chuồng này rất mất vệ sinh, làm ô nhiễm môi trường không khí vốn trong sạch của học đường. Chị lớn tiếng kết luận, đó là một chế độ độc tài, gia đình trị cần phải phá bỏ, tiêu diệt.
Tôi thấy sai sai ở một chỗ nào đó, nhưng trí óc non nớt của tôi không thể trình bày được. Khi về tới nhà, tôi mới biết, người ta đã đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Nền đệ nhất cộng hòa đang sụp đổ. Ba tôi là viên chức thân cận của chế độ, vừa chạy bán sống bán chết từ chỗ làm việc để về tới nhà.
Đêm đó, cả nhà không ngủ được. Má tôi sợ bóng tối. Vì bóng tối đồng lõa với gian ác. Mà điều gian ác, có thể xảy đến với ba tôi, như đã xảy đến với gia đình Tổng Thống, và sẽ xảy đến với các cận thần. Ba tôi phải hy sinh để bảo toàn tính mạnh. Ông phải ra đi, trốn thoát khỏi đây, bôn ba nơi xứ lạ quê người.
Từ ngày ba tôi rời Cà Mau, căn nhà bỗng dưng hoang vắng lạ thường. Chị ba và các cháu ôm nhau nheo nhóc. Anh em tôi cũng rã rời, không còn ý chí để đi học nữa. Vì mọi chi tiêu trong nhà, mỗi tháng, đều trông cậy vào tiền lương ba tôi. Má tôi vội vã ra đầu tiểu lộ cất một cái quán nhỏ, bán tạp hóa kiếm tiền. Quán vừa lợp lá, gia đình đã thấy một ông cảnh sát cầm súng đến, hùng hổ ra lệnh dỡ quán. Má tôi chạy đến cầu cứu bà chủ rạp Huỳnh Long. Bà chủ nghĩ đến ba tôi - một viên chức có đạo đức, có lòng nhân từ với mọi người - nên bà bằng lòng cho má tôi cất quán trên vùng đất của bà.
Nền đệ nhị cộng hòa ra đời, sau khi các tướng lãnh loại bỏ lẫn nhau. Ấp chiến lược bị phá vỡ. Các đồn lính mọc lên. Khu dinh điền của chế độ cũ biến thành trại lính địa phương quân, súng đạn ngợp trời. Chiến tranh bắt đầu tăng tốc độ. Làng quê không còn yên tĩnh nữa. Điều đáng nói, khi ấp chiến lược xóa bỏ, dân nông thôn lợi dụng sự cởi trói đó, ùn ùn kéo nhau vào thành phố. Gia đình lính từ đâu cũng chạy về trại lính để được gần chồng. Thế là, hai bên bờ kinh 16, nhà cửa mọc lên như cỏ. Chẳng bao lâu, con kinh thơ mộng ngày nào bị che lấp lại bởi hai dãy nhà ô hợp. Rồi cũng chẳng bao lâu, dòng nước trong xanh mềm mại biến thành dòng nước đen kịt, đầy rác rưới ngược xuôi trên đó. Má tôi bon chen, sẵn cơ hội, giành một miếng đất nhỏ gần trại lính, cất quán cà phê, bán cho lính.
Càng ngày, gia đình tôi càng bệ rạc. Chị ba không chịu nổi, đành bỏ Cà Mau về Chương Thiện, ôm theo mấy đứa con còn nhỏ dại. Má tôi sắp bán căn nhà trong xóm Huỳnh Long, dồn anh em tôi ra cái quán ở đầu tiểu lộ. Bây giờ, anh tư tôi mới trở lại thăm quê. Anh tư trở lại, chị Rạng không còn ở đó nữa. Gia đình chị dời về Cần Thơ mấy năm rồi, tôi cũng chẳng hay. Tôi tưởng anh tôi đau khổ lắm, vì lỡ đánh mất một cái gì đã thuộc về mình. Lạ thay, anh tôi vẫn tỉnh bơ, điềm nhiên nói cười như một người bình thường. Năm nay, tôi đã thực sự lớn. Tôi vừa tròn 15 tuổi, đang học thi để lấy bằng trung học đệ nhất cấp. Tôi chưa hiểu rõ về tình yêu, nhưng tôi cũng cảm thấy cô đơn, khi tâm hồn tôi không có bóng dáng của một người con gái. Rồi tôi chợt ngộ ra, chỉ có ngôn ngữ mới bắt đầu tình cảm một cách phong nhã. Và ngôn ngữ kỳ diệu đó, chính là ngôn ngữ thơ.
(còn tiếp)
PHẠM HỒNG ÂN
Xóm Huỳnh Long, sau này,có thêm gia đình chú tư tôi đến trú ngụ. Chú là em ruột ba tôi, nhưng hai người có quan niệm về cuộc sống khác nhau xa lắc. Ba tôi muốn dừng lại, tĩnh tâm, và tận hưởng những gì cuộc đời đãi ngộ. Chú tôi lại thích phiêu lưu, đi tìm cái tuyệt đối của chân lý, nên cứ thất bại thảm sầu. Vì không được như ý, chú hút thuốc liên miên, hút đến ốm o gầy mòn, rồi ho xù xụ quanh năm. Chú chuyên nghề thầu khoán, nhưng gia đình lại nghèo. Người ta đồn chú mê bài đến đỗi phải sạt nghiệp. Với tôi, chú tư rất hiền lành, rất thương yêu con cháu. Kẻ làm gia đình lâm cảnh túng quẫn, có thể là thím tư, người đàn bà tối ngày ngồi sòng bài và mê đánh số đề đến bỏ ăn bỏ uống. Gia đình chú tư tôi định cư ở đây không lâu, vội vàng kéo nhau về Vũng Tàu. Ba má tôi đành bó tay, không giúp được gì, trước hoàn cảnh khắc nghiệt mỗi ngày mỗi đổ ập xuống gia đình chú thím.
Thời gian chú tư còn ở đây, có năm, ba tôi đứng ra tổ chức giỗ nội tôi. Ngày đó rất tưng bừng. Tất cả các cô chú, anh em, con cháu...hội ngộ với nhau hết sức vui vẻ. Anh ba tôi từ Bạc Liêu chở cô bảy và các em, các cháu về dự giỗ. Đầu tiên, tôi nhìn thấy chiếc xe Huê Kỳ. Mừng hơn nữa, đó là một trong những chiếc xe nhà của cô bảy tôi - một thương gia giàu có vùng Bạc Liêu. Chiếc xe tuyệt đẹp. Nó bóng loáng từ trong ra ngoài. Nó sạch sẽ đến độ không có một hạt bụi nào có thể nằm phơi mình trên đó được. Vậy mà anh ba tôi còn liệng cho mỗi anh em tôi mỗi chiếc nùi giẻ.
- Này, lau xe cho anh ba. Một lát, anh chở tụi bây đi chơi.
Đêm đó, cả nhà không ngủ được. Mà muốn ngủ, cũng không có chỗ ngủ. Những chiếc giường, bộ ván...ưu tiên cho các em bé. Có người mệt quá, tìm chỗ mắc võng lên, nhưng rồi ...cũng đong đưa cho có lệ. Tất cả chia thành từng nhóm. Nhóm người lớn. Nhóm thanh niên, nhóm con nít. Mỗi nhóm một vẻ. Nhóm người lớn nhắc lại chuyện xưa. Nhóm thanh niên nói về cuộc sống riêng tư. Chỉ có nhóm con nít là đùa giỡn, chọc ghẹo nhau và lục đục ăn uống suốt đêm.
Ba, chú tư, cô tôi và anh ba ngồi trong phòng khách, trên cái bàn cổ, trước bàn thờ gia tộc. Bữa giỗ vắng mặt anh hai và anh tư tôi. Có lẽ hai người này bận công việc riêng, nên không về. Tôi ngồi chồm hổm trước hiên với các em tôi, nhưng tai vẫn tò mò lắng nghe câu chuyện của người lớn. Lúc đầu, còn lõm bõm hiểu được. Sau đó, tôi đành chịu thua, khi họ hăng say đối thoại với nhau qua ngôn ngữ của người miền trung. Tôi còn một người cô thứ năm ở Sài Gòn. Tôi chưa lên Sài Gòn lần nào, nên chưa biết mặt cô tôi. Chỉ lơ mơ nhớ lời anh tư kể lại, cô góa chồng từ thời còn trẻ, và ở vậy nuôi đứa con trai đến lúc trưởng thành.
Đến năm lên đệ ngũ, một buổi sáng đến lớp, tôi bỗng thấy không khí trong trường có vẻ là lạ. Hôm nay, học sinh không vào lớp. Tất cả đứng dọc trước hiên, nhốn nháo nhìn một tốp đàn anh lớp đệ nhất đang kéo bục gỗ ra sân trường, trước một máy phát thanh đặt sẵn. Các giáo sư rút vào văn phòng hiệu trưởng, ngồi im trong đó. Tôi rón rén vào lớp, thấy các bạn tôi đang chụm vào nhau, gục đầu, lo lắng. Chừng nửa tiếng sau, có tiếng đập cửa thình thịch, rồi có tiếng hét vang lên.
- Toàn lớp ra ngoài tập họp. Toàn lớp hô to khẩu hiệu: Đả đảo Ngô Đình Diệm độc tài. Đả đảo Ngô Đình Diệm gia đình trị.
Tôi bàng hoàng, không biết chuyện gì đã xảy ra? Nhưng cũng run sợ đưa tay lên cao, miệng lập lại lớn khẩu hiệu mà gã học sinh lớp đệ nhất vừa mới phát ra.
Lúc này, tôi mới biết đàn anh của chúng tôi hung dữ thật! Ngày thường, họ cư xử với đàn em rất tốt. Gặp nhau, bao giờ cũng chào hỏi, nhỏ nhẹ nói chuyện rất thân mật. Hôm nay, sao lại quay ngược 180 độ? La lối, nạt nộ, chưởi bới, hùng biện...thấy phát ớn? Trên bục gỗ, xuất hiện một cặp trai gái, trong ban đại diện học sinh trường trung học An Xuyên. Chị này là chị hai của thằng bạn học chung lớp. Chị vốn rất hiền, ngoài giờ học, chị dành tất cả thì giờ cho gia đình, xuống bếp nấu ăn và chăm sóc các em.. Bây giờ, chị bỗng hùng hồn đứng trước toàn thể học sinh, bất chấp sự cho phép của nhà trường, dõng dạc tố cáo chế độ Ngô Đình Diệm, tố cáo luôn hiệu trưởng trường trung học An Xuyên là độc tài, gia đình trị. Chị dẫn bằng chứng, ông hiệu trưởng đã tự ý cho phép người lao công cất nhà riêng trong khu đất của trường, và lập một chuồng gia súc nuôi heo cho ông hiệu trưởng. Chuồng này rất mất vệ sinh, làm ô nhiễm môi trường không khí vốn trong sạch của học đường. Chị lớn tiếng kết luận, đó là một chế độ độc tài, gia đình trị cần phải phá bỏ, tiêu diệt.
Tôi thấy sai sai ở một chỗ nào đó, nhưng trí óc non nớt của tôi không thể trình bày được. Khi về tới nhà, tôi mới biết, người ta đã đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Nền đệ nhất cộng hòa đang sụp đổ. Ba tôi là viên chức thân cận của chế độ, vừa chạy bán sống bán chết từ chỗ làm việc để về tới nhà.
Đêm đó, cả nhà không ngủ được. Má tôi sợ bóng tối. Vì bóng tối đồng lõa với gian ác. Mà điều gian ác, có thể xảy đến với ba tôi, như đã xảy đến với gia đình Tổng Thống, và sẽ xảy đến với các cận thần. Ba tôi phải hy sinh để bảo toàn tính mạnh. Ông phải ra đi, trốn thoát khỏi đây, bôn ba nơi xứ lạ quê người.
Từ ngày ba tôi rời Cà Mau, căn nhà bỗng dưng hoang vắng lạ thường. Chị ba và các cháu ôm nhau nheo nhóc. Anh em tôi cũng rã rời, không còn ý chí để đi học nữa. Vì mọi chi tiêu trong nhà, mỗi tháng, đều trông cậy vào tiền lương ba tôi. Má tôi vội vã ra đầu tiểu lộ cất một cái quán nhỏ, bán tạp hóa kiếm tiền. Quán vừa lợp lá, gia đình đã thấy một ông cảnh sát cầm súng đến, hùng hổ ra lệnh dỡ quán. Má tôi chạy đến cầu cứu bà chủ rạp Huỳnh Long. Bà chủ nghĩ đến ba tôi - một viên chức có đạo đức, có lòng nhân từ với mọi người - nên bà bằng lòng cho má tôi cất quán trên vùng đất của bà.
Nền đệ nhị cộng hòa ra đời, sau khi các tướng lãnh loại bỏ lẫn nhau. Ấp chiến lược bị phá vỡ. Các đồn lính mọc lên. Khu dinh điền của chế độ cũ biến thành trại lính địa phương quân, súng đạn ngợp trời. Chiến tranh bắt đầu tăng tốc độ. Làng quê không còn yên tĩnh nữa. Điều đáng nói, khi ấp chiến lược xóa bỏ, dân nông thôn lợi dụng sự cởi trói đó, ùn ùn kéo nhau vào thành phố. Gia đình lính từ đâu cũng chạy về trại lính để được gần chồng. Thế là, hai bên bờ kinh 16, nhà cửa mọc lên như cỏ. Chẳng bao lâu, con kinh thơ mộng ngày nào bị che lấp lại bởi hai dãy nhà ô hợp. Rồi cũng chẳng bao lâu, dòng nước trong xanh mềm mại biến thành dòng nước đen kịt, đầy rác rưới ngược xuôi trên đó. Má tôi bon chen, sẵn cơ hội, giành một miếng đất nhỏ gần trại lính, cất quán cà phê, bán cho lính.
Càng ngày, gia đình tôi càng bệ rạc. Chị ba không chịu nổi, đành bỏ Cà Mau về Chương Thiện, ôm theo mấy đứa con còn nhỏ dại. Má tôi sắp bán căn nhà trong xóm Huỳnh Long, dồn anh em tôi ra cái quán ở đầu tiểu lộ. Bây giờ, anh tư tôi mới trở lại thăm quê. Anh tư trở lại, chị Rạng không còn ở đó nữa. Gia đình chị dời về Cần Thơ mấy năm rồi, tôi cũng chẳng hay. Tôi tưởng anh tôi đau khổ lắm, vì lỡ đánh mất một cái gì đã thuộc về mình. Lạ thay, anh tôi vẫn tỉnh bơ, điềm nhiên nói cười như một người bình thường. Năm nay, tôi đã thực sự lớn. Tôi vừa tròn 15 tuổi, đang học thi để lấy bằng trung học đệ nhất cấp. Tôi chưa hiểu rõ về tình yêu, nhưng tôi cũng cảm thấy cô đơn, khi tâm hồn tôi không có bóng dáng của một người con gái. Rồi tôi chợt ngộ ra, chỉ có ngôn ngữ mới bắt đầu tình cảm một cách phong nhã. Và ngôn ngữ kỳ diệu đó, chính là ngôn ngữ thơ.
(còn tiếp)
PHẠM HỒNG ÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét