Truyện ngắn của Phạm Hồng Ân
Năm tôi lên đệ nhị, gia đình Bình nhướng bán nhà, về Sài Gòn sống trong một chiếc ghe chài, chở hàng mướn kiếm sống trên khắp sông ngòi miền đông và miền nam đất nước. Bình về cầu đập (kinh 16) cất một mái lá nhỏ, tiếp tục học hành. Chúng tôi lại tụ ở đó, vui chơi và tung hoành theo thú riêng của mỗi người. Từ nơi đây, nếu băng ngang đường Lê Phú Nhung, bạn sẽ gặp xóm Tin Lành. Xóm này là xóm đạo. Chúa nhật, cư dân kéo nhau ra nhà thờ đầu xóm để làm lễ. Và không tuần nào, vắng mặt một con chiên tên Nhu, từng quen với tôi, từ thời cô bé còn học đệ ngũ. Sau này, Nhu ra đời, làm thư ký trong căn cứ hải quân tiền doanh yểm trợ ở ngay Cà Mau. Và lạ một điều, giữa cái xóm đạo nghiêm trang như thế, lại xuất hiện thằng bạn Sáng của tôi ngoại đạo, có người cha hành nghề thầy pháp, mỗi ngày cắp nải đi khắp nơi kiếm tiền, nuôi Sáng ăn học. Khi chiến tranh bùng nổ bạo tàn, Sáng cũng gia nhập hải quân, lưu lạc theo các giang đoàn, rồi biệt tích luôn.
Cuối năm đệ nhị, tôi cùng các bạn đồng lớp, khăn gói lên Cần Thơ thi tú tài I. Thời đó, miền nam chỉ độc nhất Cần Thơ là có hội đồng thi. Má tôi phải vay tiền cho tôi đi thi, và dặn tôi đủ mọi chuyện. Vì đây là lần đầu tôi xa nhà, đi đến một nơi lạ. Tội nghiệp Nguyệt, từ nhà thuốc tây Cà Mau, sáng sớm đã vội chạy ra bến xe trao tôi một phong bì, rồi thỏ thẻ.
- Đây là món quà, dành tặng riêng anh. Nhưng, đợi xe chạy, anh mới được quyền mở ra, nghe chưa?
Tôn trọng ý Nguyệt, nên khi xe qua cầu quây, tôi mới run run mở coi. Thì ra là một số tiền, Nguyệt giúp tôi trang trải trong những ngày trọ thi. Cầm phong bì, tôi cứ vân vê trong tay, và cứ áy náy trong lòng. Số tiền này làm sao nàng có? Chắc chắn Nguyệt phải dành dụm từng cắc từng đồng, phải nhịn ăn sáng, phải tích trữ thật lâu mới được như vậy? Nghĩ đến đó, những giọt nước mắt của tôi chợt rơi xuống...
Quả thật, năm đó, không phụ lòng má, không phụ lòng Nguyệt, tôi đã đậu Tú Tài I một cách dễ dàng. Cũng năm đó, sau kỳ thi, một bạn thơ trong văn nghệ Chân Trời, tên Trí, vì thất vọng điều gì, nên muốn bỏ xứ lên Sài Gòn lập nghiệp. Anh ta rủ rê, vẻ cho tôi một tương lai đầy hứa hẹn.
- Mi có bằng tú tài I, lại giỏi văn thơ, nên theo tau lên Sài Gòn tìm việc làm trong các tòa báo. Biết đâu sẽ trở thành nhà văn hay nhà thơ nổi tiếng. Lúc đó, tha hồ bán sách, tiền vô ào ào.
Anh ta đã đánh trúng ước mơ của tôi, khiến tôi nôn nao, khoái chí. Nhưng vẫn còn lưỡng lự, chưa biết có nên bỏ học không? Biết ý, Trí lại bồi tiếp.
- Mi thấy đấy, biết bao văn nghệ sĩ đều nổi tiếng từ Sài Gòn, và đều xuất thân từ thành phần nghèo khổ. Nghe tau đi. Ví dụ, không thành công thì trở về, mấy hồi. Mùa này là mùa bãi trường mà.
Đêm đó, trên cái bàn lộ thiên trước cửa bi da Tô Thanh, thầy Sử và Thành Giút đưa tiễn chúng tôi bằng những chai bia nghĩa tình. Thầy Sử khuyên tôi, nếu không như nguyện ước của mình, hãy trở về đây cho kịp niên học tới.
Sài Gòn mênh mông và xa lạ một cách lạnh lùng. Chẳng ai để ý tới hai gã nhà quê lạc lõng trong một thành phố tương đối phồn hoa. Ngày nào, hai đứa cũng đi gõ cửa khắp nơi. Người ta chỉ cần nhìn bộ vó, là đã lắc đầu, ngao ngán. Không ai đi mướn một tên vô danh tiểu tốt, nuôi cơm, để suốt ngày ngồi làm thơ vớ vẩn, trách đất than trời. Đói quá, chúng tôi đành phải tìm cách xuống bến tàu Phạm Thế Hiển, hỏi thăm cho được tông tích chiếc ghe chài của gia đình Bình nhướng. Lúc đó là mùa hè, Bình nhướng đã về đây, phụ với ông già chở mướn kiếm sống.
Bình rước chúng tôi lên ghe chài. Ba má Bình hoan hỉ đón chúng tôi bằng những nụ cười. Thu Vân đang lui cui trong khoang ghe, thèn thẹn ngó ra, bằng tia mắt lộ vẻ ngạc nhiên. Chúng tôi được ba Bình xếp ngủ trên mui ghe, trong một cái chòi nhỏ chứa neo và vài ba khoanh dây thừng. Bữa cơm thì xuống khoang ghe, ăn chung với cả gia đình. Trong bữa cơm, ba Bình tuyên bố, chiếc ghe không có việc gì làm, tôi để các chú ở nhờ, cho đến khi các chú kiếm được việc ở nơi khác, lúc đó tính sau. Ngày qua ngày, đêm qua đêm, Sài Gòn vẫn khép kín hy vọng, giam hãm mơ ước của chúng tôi. Tối nào, tôi cũng thức khuya, nhìn trăng lơ lửng trên cao, mà nhớ về Cà Mau, thương tiếc từng bữa ăn với má. Cho tới một ngày, tôi quyết định rời khỏi ghe chài, mò qua Tân Định, kiếm cho được anh tư tôi.
Rất may, anh tư tôi còn lẩn quẩn ở Sài Gòn, chưa về Long Khánh làm việc. Anh tư chở tôi lại ghe chài, cám ơn ba má Bình, và buộc tôi thu xếp trở về Cà Mau, tiếp tục đi học. Tôi từ giã mọi người, ngó Thu Vân thầm hẹn ngày trở lại, rồi vội vã bước lên bờ. Trí vẫn ở lại, sau đó tôi không có dịp gặp, mãi cho tới hôm nay.
(còn tiếp)
PHẠM HỒNG ÂN
Lê Minh Dã Tràng (Hiền Ự), Hàn Lệ Cung Thy (Bình Nhướng) 1967 |
Cuối năm đệ nhị, tôi cùng các bạn đồng lớp, khăn gói lên Cần Thơ thi tú tài I. Thời đó, miền nam chỉ độc nhất Cần Thơ là có hội đồng thi. Má tôi phải vay tiền cho tôi đi thi, và dặn tôi đủ mọi chuyện. Vì đây là lần đầu tôi xa nhà, đi đến một nơi lạ. Tội nghiệp Nguyệt, từ nhà thuốc tây Cà Mau, sáng sớm đã vội chạy ra bến xe trao tôi một phong bì, rồi thỏ thẻ.
- Đây là món quà, dành tặng riêng anh. Nhưng, đợi xe chạy, anh mới được quyền mở ra, nghe chưa?
Tôn trọng ý Nguyệt, nên khi xe qua cầu quây, tôi mới run run mở coi. Thì ra là một số tiền, Nguyệt giúp tôi trang trải trong những ngày trọ thi. Cầm phong bì, tôi cứ vân vê trong tay, và cứ áy náy trong lòng. Số tiền này làm sao nàng có? Chắc chắn Nguyệt phải dành dụm từng cắc từng đồng, phải nhịn ăn sáng, phải tích trữ thật lâu mới được như vậy? Nghĩ đến đó, những giọt nước mắt của tôi chợt rơi xuống...
Quả thật, năm đó, không phụ lòng má, không phụ lòng Nguyệt, tôi đã đậu Tú Tài I một cách dễ dàng. Cũng năm đó, sau kỳ thi, một bạn thơ trong văn nghệ Chân Trời, tên Trí, vì thất vọng điều gì, nên muốn bỏ xứ lên Sài Gòn lập nghiệp. Anh ta rủ rê, vẻ cho tôi một tương lai đầy hứa hẹn.
- Mi có bằng tú tài I, lại giỏi văn thơ, nên theo tau lên Sài Gòn tìm việc làm trong các tòa báo. Biết đâu sẽ trở thành nhà văn hay nhà thơ nổi tiếng. Lúc đó, tha hồ bán sách, tiền vô ào ào.
Anh ta đã đánh trúng ước mơ của tôi, khiến tôi nôn nao, khoái chí. Nhưng vẫn còn lưỡng lự, chưa biết có nên bỏ học không? Biết ý, Trí lại bồi tiếp.
- Mi thấy đấy, biết bao văn nghệ sĩ đều nổi tiếng từ Sài Gòn, và đều xuất thân từ thành phần nghèo khổ. Nghe tau đi. Ví dụ, không thành công thì trở về, mấy hồi. Mùa này là mùa bãi trường mà.
Đêm đó, trên cái bàn lộ thiên trước cửa bi da Tô Thanh, thầy Sử và Thành Giút đưa tiễn chúng tôi bằng những chai bia nghĩa tình. Thầy Sử khuyên tôi, nếu không như nguyện ước của mình, hãy trở về đây cho kịp niên học tới.
Sài Gòn mênh mông và xa lạ một cách lạnh lùng. Chẳng ai để ý tới hai gã nhà quê lạc lõng trong một thành phố tương đối phồn hoa. Ngày nào, hai đứa cũng đi gõ cửa khắp nơi. Người ta chỉ cần nhìn bộ vó, là đã lắc đầu, ngao ngán. Không ai đi mướn một tên vô danh tiểu tốt, nuôi cơm, để suốt ngày ngồi làm thơ vớ vẩn, trách đất than trời. Đói quá, chúng tôi đành phải tìm cách xuống bến tàu Phạm Thế Hiển, hỏi thăm cho được tông tích chiếc ghe chài của gia đình Bình nhướng. Lúc đó là mùa hè, Bình nhướng đã về đây, phụ với ông già chở mướn kiếm sống.
Bình rước chúng tôi lên ghe chài. Ba má Bình hoan hỉ đón chúng tôi bằng những nụ cười. Thu Vân đang lui cui trong khoang ghe, thèn thẹn ngó ra, bằng tia mắt lộ vẻ ngạc nhiên. Chúng tôi được ba Bình xếp ngủ trên mui ghe, trong một cái chòi nhỏ chứa neo và vài ba khoanh dây thừng. Bữa cơm thì xuống khoang ghe, ăn chung với cả gia đình. Trong bữa cơm, ba Bình tuyên bố, chiếc ghe không có việc gì làm, tôi để các chú ở nhờ, cho đến khi các chú kiếm được việc ở nơi khác, lúc đó tính sau. Ngày qua ngày, đêm qua đêm, Sài Gòn vẫn khép kín hy vọng, giam hãm mơ ước của chúng tôi. Tối nào, tôi cũng thức khuya, nhìn trăng lơ lửng trên cao, mà nhớ về Cà Mau, thương tiếc từng bữa ăn với má. Cho tới một ngày, tôi quyết định rời khỏi ghe chài, mò qua Tân Định, kiếm cho được anh tư tôi.
Rất may, anh tư tôi còn lẩn quẩn ở Sài Gòn, chưa về Long Khánh làm việc. Anh tư chở tôi lại ghe chài, cám ơn ba má Bình, và buộc tôi thu xếp trở về Cà Mau, tiếp tục đi học. Tôi từ giã mọi người, ngó Thu Vân thầm hẹn ngày trở lại, rồi vội vã bước lên bờ. Trí vẫn ở lại, sau đó tôi không có dịp gặp, mãi cho tới hôm nay.
(còn tiếp)
PHẠM HỒNG ÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét