Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

Chuyện, Chỉ Có Tôi Biết - Kỳ 7

Truyện ngắn của Phạm Hồng Ân 

Nếu đứng quay mặt về cửa chính của chợ, phía bên tay trái của bạn, ngày xưa là một dãy hàng gòn, tới mùa, tung bông trắng xóa mặt lộ. Sau này, người ta cất một khán đài ở đó. Khán đài chỉ nhộn nhịp quan khách trong những ngày lễ hội. Ngày thường, là nơi trú ẩn của bọn trẻ khắp nơi. Chúng đến đó để đùa giỡn, chọi đáo, đánh đu, đánh bài, hoặc chia phe nhau đánh lộn. Mỗi tháng, ty thông tin mang máy chiếu bóng ra chiếu tại đây. Khán đài là chỗ để căng màn ảnh và cũng là nơi khán giả con nít hung hăng chiếm đóng. Khi tôi về xóm Huỳnh Long, khán đài đã dẹp đi. Thay vào đó, là nhà in và nhà sách Trần Hoàng Tỷ, bề thế và sang trọng mọc lên, làm công trường Bạch Đằng nổi bật thêm lên. Chủ nhân nhà sách chỉ có một cô con gái duy nhất. Cô này cũng học trung học An Xuyên. Cô rất hiền lành, duyên dáng. Thường thay mẹ bán sách trong những lúc nghĩ học. Lúc này là lúc tôi thường lang thang với các bạn thơ đi " cọp" báo ở một sạp báo bên ngoài tiệm sách. Cứ mỗi lần máy bay Air Việt Nam đáp xuống phi trường Cà Mau, chúng tôi canh giờ mò đến sạp báo, mở từng tờ báo từng tạp chí...xem có bài mình đăng không? "Cọp" riết, chúng tôi trở thành những tay xếp báo không công cho chủ sạp. Tội nghiệp, mỗi ngày, khi thấy bóng dáng "lũ ăn hại" thấp thoáng, ông đều chìa hàm răng trống hoác, ngó chúng tôi cười mếu máo.

Năm đệ tam là năm tôi lang thang với Long nhiều nhất. Thường lang thang trên con đường Phan Đình Phùng, đoạn từ trường trung học đổ xuống sân vận động. Vì nơi đó có nhiều bóng hồng, mà Long và tôi thích ngó. Chỉ ngó thôi, chớ không chọc ghẹo chi hết. Đây có phải là bản năng của tuổi dậy thì, hình như Thượng Đế đã ban tặng cho con trai? Những bóng hồng ở đó, là Nhan, Sáng, Lý, Hải, Liên, Tiểu muội, Thu Vân...Và cũng vì, chỗ đối diện với giáo đường, là ngôi nhà của ba má Bình nhướng. Hằng ngày, em gái Bình - tên Thu Vân - ngồi bán thuốc lá với kẹo bánh trên một cái sạp ven đường. Tôi không thấy Thu Vân đến trường, chỉ thấy nàng dãi nắng dầm mưa, lam lũ bán buôn lo cho gia đình. Mỗi đêm, sau khi lang thang một vòng, chúng tôi đến nghỉ chân trên sạp thuốc lá của Vân. Đôi khi có thêm Hiền ự, Bình thì dỉ nhiên luôn có mặt thường trực rồi. Lần nào cũng có những đốm lửa của thuốc lá rực đỏ trong bóng đêm hiu hắt. Chúng tôi tán dóc hoặc ngâm thơ, ca nhạc tình, hay đưa mấy bóng hồng lên làm đề tài bàn tán. Có bữa, chúng tôi kéo vô nhà thờ, họp dưới bãi cỏ của tháp chuông. Tiếng ngâm thơ, ca hát lớn tiếng, làm một ông linh mục bực mình, hầm hầm ra đuổi chúng tôi rời khỏi giáo đường.

Cuối đường Phan Đình Phùng, có một sân vận động khá rộng. Thời đệ nhất cộng hòa, nơi đây thường có những trận đá banh rất ngoạn mục. Qua đệ nhị cộng hòa, chiến tranh lan rộng, thị xã Cà Mau không còn bình yên như trước nữa, nên sân banh bỏ hoang, cỏ mục um tùm. Chỗ này, tự dưng biến thành chỗ kín đáo cho các cặp tình nhân, ban đêm, đưa nhau vào trong hò hẹn. Nếu quẹo phải, bạn sẽ đến cầu quây. Cầu cũng do người Pháp dựng lên. Đây là loại cầu quây, nghĩa là khi chiếc tàu lớn muốn chạy ngang qua cầu, người ta sẽ quây cho đoạn giữa cầu tách ra, để chiếc tàu chạy qua an toàn. Xong, họ quây lại, cho đoạn giữa xếp lại như cũ. Bạn đừng vội lên cầu, hãy quẹo trái, bạn sẽ tới bến xe đò. Bến có đủ loại xe chạy khắp các tỉnh miền nam. Có chuyến lên thẳng Sài Gòn, vượt qua hai bắc Cần Thơ và Vĩnh Long, đến chiều tối mới tới Hòn Ngọc Viễn Đông. Đầu đường này là bàn bi da của Nguyễn Minh Tân. Cuối đường là bàn bi da Thanh Nhã (hay Phong Nhã, lâu quá quên rồi) của Dương Cao Thượng. Đây cũng là nơi nhà thơ Thiên Hà trú ngụ, lúc còn trẻ.

CHUYỆN NGOÀI LỀ
Tôi đang viết tới đây, bỗng nghe tiếng điện thoại reo. Nhấc lên, thì là Nghê Việt Long từ Cà Mau gọi đến. Long nhắc tôi về thời lang thang ngày xưa. Nhắc tôi về chiếc áo hoa dù mà tôi mặc quanh năm suốt tháng. Gặp trời lâm râm mưa, áo thấm ướt, dán chặt vào người. Chờ cho hơi nóng của cơ thể làm áo khô đi, tôi và Long lại lang thang. Nhắc tôi về đôi dép nhựt tôi mang. Có một bữa, quai dép bị đứt, tôi phải dừng lại, kiếm cọng chì xỏ ngang, rồi điềm nhiên tiếp tục cuộc chơi. Bạn nhắc, khiến tôi nhớ bộ quần áo bạn tặng tôi, để thay đổi với chiếc áo hoa dù tội nghiệp. Và đôi dép cao su cũ bạn cho, vài ngay sau, thay thế đôi dép đứt quay. Vâng, ngày xưa tôi nghèo lắm, chỉ có một bộ đồng phục mặc đi học. Lên đệ nhị và đệ nhất, không đủ tiền mua sách giáo khoa, phải mượn sách bạn, thức đêm thức hôm để chép lại. Nhân viết đoạn hồi ký này, xin thành thật cám ơn Nghê Việt Long đã có tấm lòng tốt với tôi, và luôn cư xử với bạn bè bằng tình nghĩa rất chân thật. Ngược lại, bạn Long đã thiếu nợ tôi một tấm hình - tấm hình của Tiết cố nhân. Tấm hình vừa được nàng trao tặng, chưa kịp ngắm nghía kỹ, Long đã giựt lấy bỏ vào túi. Và giữ mãi báu vật của tôi trên 50 năm. Mãi đến hôm nay, đòi quá, long mới gởi qua internet trả lại. Bây giờ, hình đã phai màu, nhưng tình cảm ngây ngô xưa, vẫn chưa phai lợt. Tôi nói chuyện với Long mà nước mắt rưng rưng. Những hình ảnh năm xưa vẫn quay cuồng quay cuồng trong tâm trí...

TIẾP TỤC CHUYỆN TRONG LỀ
Bàn bi da của Tân là nơi tập họp của bọn học trò trang lứa. Tôi còn nhớ mấy tay thường đến đây: Bé, Chiến, Lý Cá Hai, Long, Diển, Khéo, Trung...và nhiều nhiều nữa. Các bạn đến để đánh bi da, để đấu láo, để chờ nhau, để si, để gài độ nhậu...Đôi khi, quắt cần câu, có bạn nằm thẳng trên bàn bi da đánh một giấc tới sáng. Tôi ít đến nơi này, vì những năm đó, ngoài giờ lang thang với Long, tôi còn phải vùi đầu học thi tú tài. Tân có rất đông anh em, nhưng tôi chỉ biết được vài người, như: Long, Dung, Mai, Tuyết và Bích Vân (lúc này còn rất nhỏ). Ba Tân là chú ba Đấu, là một nhân sĩ thanh liêm, làm việc cho nhà nước cả hai nền cộng hòa: đệ nhất và đệ nhị. Chú ba biết rành về ba tôi, hai người từng là bạn với nhau thời thanh niên. Vừa qua, nhân dịp hội Cà Mau tổ chức tất niên ở San Jose, tôi và Khéo có đi tham dự. Đêm đó, gặp lại thầy Sử và các em của Tân: Mai, Vân, Phượng, Ngân...Quen thêm một cô bạn ở Cà Mau, Mã Thuyên Kim. Ngoài ra, gặp lại các bạn cũ: Bỉnh, Á, Châu, Thăng, Chiến, Trung, Thành, Mỹ Dung, Tú Quỳnh..., rất vui. Sáng sau, tôi và Khéo có tìm đến thăm chú thím ba. Tội nghiệp, vừa bước vào cửa, chú đã nhận ra ngay. Hai chú cháu bắt tay, mừng rỡ vô cùng. Chú ba, năm nay, gần trăm tuổi rồi, nhưng vẫn khỏe mạnh, hoạt bát, vui vẻ. Chú nhắc chuyện ngày xưa, say sưa nói về ba tôi, về việc nước, về hoàn cảnh của mỗi người. Tôi ngồi nghe, rưng rưng nước mắt khi nghe chú nhắc đến vận mệnh của đất nước. Còn thím ba thì đang nằm trên giường bệnh, nhưng dường như nghe rõ từng lời chú nói. Tôi thấy, lâu lâu thím nở nụ cười, lâu lâu nấc lên, xúc động theo câu chuyện. Lúc ra về, chú đưa chúng tôi ra tận đường cái. Lên xe rồi, tôi còn cố gắng nhìn theo bóng dáng chú. Chợt hai dòng nước mắt lăn xuống, vì bóng dáng chú, phảng phất hình ảnh của ba tôi, trong những năm tháng xa xưa.

Cuối đường, có thêm một bàn bi da nữa. Ngôi nhà này, ngày xưa, nhà thơ Thiên Hà đã từng ở. Thời đó, Dương Cao Thượng là bạn học chung lớp với tôi, cũng ở đây. Và một người nữa, Tô Thanh Nhân, sau này là nhạc sĩ trong chế độ mới. Thế nhưng, người phục vụ bàn bi da, thường đem bi ra cho khách đánh, là một cô bé dễ thương, má bầu bầu, cũng học trường trung học An Xuyên. Bên hông bàn bi da, con đường Nguyễn Hiền Năng chạy dài. Nếu quẹo trái, bạn sẽ đi đến nhà Trần Quốc Việt, tức nhà thơ Vân Triều, có em gái là Thanh Nam - sau này về làm dâu cho gia đình tiệm thuốc tây Kim Đồng. Thời đó, Việt đang học đệ tam chung với tôi, bỗng bỏ vào bưng theo mấy ông giải phóng. Sau năm 1975, ra Cà Mau, làm tới chức giám đốc ngân hàng tỉnh. Nếu quẹo phải, đầu tiên sẽ đến nhà Lý Cá Hai, tức Diễm Ca Hồng. Trước nhà thi sĩ, có một cái quán hớt tóc của anh Sơn, chồng bà Đầm (cũng học lớp tôi). Hai vợ chồng này qua Mỹ theo diện HO, định cư ở Santa Ana (California). Đi tới thêm một chút, bên phải, là nhà Lưu Xông Pha, tức nhà thơ Hoài Diễm Từ. Nhà thơ ở với hai em gái, cùng sách vở đến trường. Em kế tên Lưu Bạch Hạc, có một thuở làm đảo điên trái tim các chàng trai si tình.

(còn nữa)

PHẠM HỒNG ÂN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét