Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2020

Chuyện, Chỉ Có Tôi Biết - Kỳ 6

Truyện ngắn của Phạm Hồng Ân 

Tôi vẫn nhớ mồn một trong đầu, thời học trò của mình. Nhớ nơi tôi bắt đầu. Bắt đầu từ một thị xã nhỏ xíu, tận cùng đất nước. Bắt đầu từ những xóm nghèo, người dân quanh năm cơ cực. Tôi lớn lên ở những xóm nghèo đó. Xóm Huỳnh Long, xóm Công Chức, xóm Lò Tương. Rồi tới cái trại lính bề bộn, nheo nhóc vợ lính, con lính...Xóm Huỳnh Long, ngoài căn nhà ngói khang trang của ông Chín Chúc làm ở Dinh Điền, và ngôi nhà tôle tàm tạm của ba tôi, các gia đình còn lại đều là dân lao động vất vả. Họ là dân Miên, dân Tàu trộn lẫn với dân ruộng từ các nơi mất an ninh đổ về. Xóm Công Chức cách đó không xa, họ là những viên chức cấp thấp, lương ba cọc ba đồng, mỗi ngày đi làm với chiếc xe đạp cũ mèm. Ở đó, tôi biết bà cảnh sát Long, có những đứa con, một thời nổi tiếng ở chợ Cà Mau. Dỉ nhiên còn Tý và Cúc, con ông giám thị Nhựt, cùng học chung lớp với tôi. Lúc phong trào thơ Cà Mau lên cao điểm, bộ ba: Cúc, Loan và Sương thường đi với nhau, thì phía sau vài thước, luôn có tôi,
Hiền và Tuyên bám theo sau để tìm hứng cho những vần thơ của mình. Xóm Công Chức, ngày xưa, không ai không biết cậu học sinh tên Điệp, lúc nào cũng trầm ngâm, lầm lầm lì lì. Bây giờ anh ta là một doanh nhân khá giả, điều hành nhà hàng Phương Trang nổi tiếng ở thành phố San Diego (Mỹ). Đầu hẻm, phía bờ kinh, nếu quên cây me keo xanh um, lúc nào cũng mơ màng soi bóng xuống dòng nước êm đềm, là một điều thiếu sót đáng trách. Dưới tàng cây rợp mát đó, sau này, mọc lên một cái quán tạp hóa, mà người đứng bán là một cô gái trắng trẻo, tên Thu Hai. Tôi cũng không bao giờ quên, cái xóm lặng lẽ nhất và cũng là cái xóm có nhiều người đẹp nhất - lần lượt lọt vào cặp mắt "thơ thẩn" của tôi suốt quãng đời học trò - đó là xóm Lò Tương. Gọi xóm Lò Tương, vì trước khi vào xóm, có một cái Lò Tương nằm chình ình ở đầu đường. Quán má tôi nằm dưới bờ kinh 16, đối mặt với Lò Tương, nên ngày nào cũng ngửi được mùi hương của đậu nành, khi nước tương bắt đầu cho ra lò. Lúc đó, bao giờ má tôi cũng cầm tô chạy một mạch qua lò, mua cho được dòng nước tương nguyên chất này. Nước tương lò này rất mặn mòi, thơm thơm, ngon miệng. Chẳng cần thịt cá chi cho tốn tiền, cơm nguội chan với nước tương nóng, cứ thế mà lua, bảo đảm sẽ sạch nồi không hay. Trong xóm, trí thức nhất, phải nói đến giáo sư Đức, dạy pháp văn cho chúng tôi. Đây là vị giáo sư lớn tuổi nhất trong số giáo sư của trường trung học An Xuyên. Thầy rất đạo mạo, khó khăn với các trò lười biếng. Nhưng lại cởi mở, vui vẻ với các trò siêng năng, học giỏi. Trần Thúy Ngân là cô học trò ngoan ngoãn được thầy thương yêu nhất trong lớp. Đáng kể nhất là các nữ sinh láng giềng: Xuân, Mánh, Lành...đã có lần đi vào thơ văn con cóc của tôi. Căn nhà sát bên trại lính là căn nhà của hai cô: Hoàng và Phụng. Hoàng đi xa, làm nhân viên cho ty bưu điện Cao Lãnh. Còn Phụng, sau này, có tiệm vàng trong chợ Cà Mau. Đi ngược về hướng rạp Huỳnh Long, thoát khỏi cái khu nghèo này, mới tới các dãy phố lầu của người Hoa, chạy dài tới chợ Cà Mau. Dòng sông Cái chảy xuôi theo, phố tới đâu, nước tới đó. Nước làm tươi mát phố phường. Nước làm thịnh vượng chợ búa. Một trong những căn phố lầu đầu tiên, cách kinh 16 một con đường, là tiệm thuốc tây An Xuyên. Hai cô bán thuốc trong đó, là Hồng và Nguyệt. Bạn thơ Trương Chí Thảo từng trọ nơi đây, và đã để lại một thiên tình sử thật diễm tuyệt. Tôi để ý Nguyệt hơn, vì nàng rất cảm thông với những người làm thơ, dễ xúc động trước hoàn cảnh bất hạnh của bằng hữu. Qua thêm vài căn nữa, tới nhà của ông giám thị Núi, ông là giám thị của trường tiểu học Cà Mau - một ngôi trường có chu vi lớn nhất và xưa nhất thị xã. Có lẽ vì quá xưa, nên trường có những cây bàng, cây điệp to lớn. Những cây này chắc đã là cổ thụ. Vì da chúng dầy cứng, mốc thếch và nổi gai sần sùi, vô ý chạm vào là chảy máu. Ông Núi có đứa con trai học chung với tôi từ thời tiểu học, tên Huỳnh Minh Giám. Giám có người chị là Huỳnh Lệ Châu, rất hiền và thùy mị. Đặc biệt, Lệ Châu có người chị cả bị tâm thần rất tội nghiệp. Chị này lúc nào cũng ngồi cú rũ trước cửa, lần nào tôi đi qua, chị đều đứng dậy đón đường, rượt tôi chạy muốn nín thở. Sát bên là nhà một thương gia, Giang Hữu Tuyên trọ học trên lầu. Tuyên, năm trước, từ Giá Rai lên, trọ học ở nhà Cao Sĩ Lợi, xóm Lò Tương. Nhà Lợi đến nhà tôi rất gần, nên Tuyên thường kiếm tôi tán dóc hoặc khoe thơ. Tuyên may mắn theo tàu sang Mỹ từ năm 1975. Những năm tháng định cư ở Virginia, anh đã thành lập tờ Việt Báo Hoa Thịnh Đốn và xuất bản một thi phẩm "Trời mưa tôi đi phát báo". Tên tuổi anh được các thi văn hữu miền đông bắc Hoa Kỳ nhắc đi nhắc lại nhiều lần, trong các cuộc họp về tác giả và tác phẩm. Rất tiếc, anh đột ngột lâm bệnh, rồi mất đi, lúc tuổi đời còn tràn đầy sức sống. Đi thêm một đỗi xa, gần đến nhà thương thí của thị xã, là nhà của Trần Thanh Quyên, cũng học chung lớp với tôi. Nơi đây, nhà thơ Dạ Linh Phương đã từng trọ, học những năm trung học đệ nhị cấp. Dạ Linh Phương sau này đi Thủ Đức. Khi tôi lên Sài Gòn học đại học, Quyên mới chạy đến báo tin nhà thơ đã tử trận, trên chính quê hương dấu yêu của anh. Cà Mau có một nhà thương thí rất lớn, do Pháp để lại. Nhà thương gồm những tầng biu-đinh kiến trúc theo lối Âu Châu, kết hợp nhau lại thành một khu chữa bệnh rất lớn. Đặc biệt, bất cứ ai cũng được quyền đến khám và điều trị. Nhà nước lo hết. Bệnh nhân không phải trả một xu.
Phía trước nhà thương, là bến đò Rạch Rập. Muốn đến Rạch Rập, khách phải qua đò. Rạch Rập giống như một ốc đảo riêng biệt, bên kia sông. Tôi cũng có nhiều bạn học nơi đó, nhưng chưa bao giờ tôi đặt chân đến đây, mặc dù chỉ để tìm nguồn cảm hứng cho thi ca. Chỉ có một lần, Nguyệt nhã ý mời tôi qua thăm trại cây Nhơn Hòa. Ngó chiếc xuồng mong manh nàng bơi đang nhấp nhô trong làn sóng bạc đầu, tôi rụt rè, lắc đầu từ chối.

Dãy phố lầu tiếp tục đan nhau, quanh co cho tới chợ Cà Mau. Trước khi tới chợ, chúng ta sẽ gặp chùa Bà, một ngôi chùa cổ kính của người Hoa, quanh năm nhang khói sực nức. Mỗi lần đến rằm tháng bảy, chùa có tổ chức thí vàng và cho khách thập phương mượn tiền làm ăn. Lâu lâu, nhà chùa che rạp, mướn gánh hát tàu về hát suốt đêm. Những lúc đó, đường xá trước chùa đầy người, muốn đi qua, khó chen chân cho lọt. Sát chùa là ty Cảnh Sát. Đây là nơi ba tôi làm việc lúc còn chế độ Ngô Đình Diệm. Đằng sau ty là cư xá. Ở đó, tôi đã từng sống những ngày tháng thơ ấu êm đềm, trong vòng tay ấm áp của ba má, mà tôi đã kể ở trên. Tới đây, muốn đi tắt tới công trường Bạch Đằng, bắt buộc chúng ta phải rẽ trái. Con đường này, có nhà của nhà văn Trần thị NgH. Nhà văn, tôi nhớ không lầm, tên thật là Trần thị Nguyệt Hồng. Bà viết văn rất sớm và nổi tiếng cũng rất sớm, từ thời thập niên 60. Qua khỏi nhà bà một đỗi, là nhà của Thành Giút, cũng một tay thơ văn có hạng, nhưng rất tiếc, anh viết rất âm thầm và thời gian làm bạn với ngòi bút quá ngắn.

Công trường Bạch Đằng hiện ra rất rộng lớn. Chính giữa có một cột cờ cao nghệu. Lá cờ vàng ba sọc đỏ lúc nào cũng phất phới giữa trời cao. Xung quanh công trường là những hàng quán và cửa tiệm sầm uất. Chỉ ở phía trước, ngôi chợ vươn lên như một vòm nấm to lớn. Nhưng muốn bước vào cổng chính, người ta phải đi qua một khoảng sân lộ thiên rộng. Nơi đó, quang gánh ngổn ngang, đầy đủ các món ăn được bày bán. Từ: bánh tầm xíu mại, bún nước lèo, cháo gà, cơm thịt nướng...đến bánh khọt, bánh cóng, bánh xèo, bánh da lợn, chè đậu, chè trôi nước...vv...Muốn ăn ngon hơn, hãy đợi đến khuya, gần đi ngủ, bạn cũng đến chỗ này, thưởng thức mì, hủ tiếu, cháo lòng, xí quách...vừa thổi vừa ăn rất ngon miệng. Nếu cần, bạn quay qua xe chè, tráng miệng bằng chén táo xọn, hay ly sâm bổ lượng - bảo đảm về ngủ một giấc tới sáng. Xe chè chở hàng chục chè đủ loại trên đó, luôn được giữ nóng thơm ngon trong suốt thời gian buôn bán. Xe chè đã đi vào lịch sử ẩm thực Cà Mau. Nó đã trở thành một nét văn hóa ẩm thực, không thể thiếu được ở đời sống cộng đồng. Chủ nhân xe chè độc đáo này là ba má cô Tiếu - một nữ sinh trường trung học An Xuyên. Ngày nào, sau giờ học, khi màn đêm vừa buông xuống, Tiếu đều đi theo xe ra chợ Cà Mau, phụ cha mẹ đưa những chén chè nóng hổi đến tận tay thực khách. Tiếu bây giờ đang ở Mỹ, định cư tại San Diego, trên facebook lấy tên là Vivian Ta.

(còn tiếp)

PHẠM HỒNG ÂN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét