Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016

Khoảnh Khắc Cuộc Đời - Kỳ 26

Truyện ngắn nhiều kỳ của Lanh Nguyễn


Thắm thoát mà Nhung đã rời Ohio gần hai tuần lễ, Long vẫn bận bù đầu với việc học, việc làm nên cũng không còn thời gian để mà nhớ thương vớ vẩn, cũng không chừng tại chàng chưa yêu nàng sâu đậm nên chỉ cảm thấy tiếc nuối khi nàng không còn ở bên mình mà thôi.
Còn Mỹ Ngọc đã 4 tuần lễ từ khi cái thư viết bằng Anh ngữ gởi đi, chàng cũng không còn mong đợi hồi âm gì nữa.
Hôm nay có bài kiểm tra cuối khoá, nhưng Long chẳng hề thấy một học viên nào có vẻ căng thẳng cả. Hình như không ai quan tâm tới việc được lên lớp hay là học lại lớp cũ. 
Jerry sau khi chấm bàì xong gọi Long lên văn phòng để nói chuyện với bà giám thị già. Họ cho biết bài kiểm tra của chàng đạt 90% nếu Long muốn, họ có thể cho Long sang học những nghề như hàn, tiện, hay sửa chữa đồ điện gia dụng hoặc là làm tóc, làm móng tay v..v.
Chương trình CETA chỉ trả tiền cho những người theo học nghề mà thôi, còn như chàng muốn học lấy credid, để lên Đại Học thì phải trả tiền học phí.
Long chỉ muốn học căn bản tiếng Anh nên xin được học thêm một khóa Anh văn nữa, để khi vào học nghề dễ hiểu hơn. 
Vì đa số học viên ở đây chưa nói rành tiếng Anh nên người ta cho phép học viên được học tiếng Anh một thời gian trước khi vào học nghề. Vì Long mới đến học trong thời gian ngắn nên họ cũng đồng ý để chàng tiếp tục vô học lớp 3 trong khóa tới. 
Jerry sau khi bắt tay từ giã còn dặn dò Long nên đến thư viện thành phố tìm những sách viết cho trẻ em, hoặc những quyển tiểu thuyết ngắn để đọc thêm, đọc càng nhiều càng tốt, sau đó tìm đọc những quyển tiểu thuyết dài hơn để biết thêm nhiều từ ngữ mới.
  
Lúc đó mùa hè vừa mới bắt đầu, miền Đông nước Mỹ có bốn mùa rõ rệt, không giống như ở Việt Nam chỉ có hai mùa mưa và nắng. Mùa Xuân ở Hoa Kỳ khí hậu mát mẻ dễ chịu bao nhiêu thì mùa hè nóng nực, bực bội, khó chịu bấy nhiêu, nó nóng không thua gì ở quê nhà. Lên xe thì máy lạnh được mở hết tốc lực, vô siêu thị hay về nhà thì máy điều hòa không khí chạy không ngừng nghỉ.
Ngôi nhà Long ở xung quanh cây cối xanh tươi nên không khí cũng dễ chịu phần nào, thím Ba muốn tiết kiệm tiền điện, nên chỉ mở hết tất cả những cửa sổ cho mát nhà, chứ không dùng máy lạnh.

Hôm nay tuy là sáng thứ hai nhưng là mùa hè nên học sinh được nghỉ. 
Thông thường thì những gia đình người Mỹ có tiền họ đem con cái đi nghỉ mát ở các thành phố khác, đại đa số về San Francisco để hưởng không khí mát mẻ và phong cảnh hữu tình, ở đó không chỉ có những nhà hàng với nhiều món ăn độc đáo của tất cả các dân tộc trên thế giới mà còn có rất nhiều buổi trình diễn ca nhạc ngoài trời, nhiều viện bảo tàng cũng như di tích lịch sử, nói chung San Francisco là thành phố du lịch được xếp hạng nhất trong nhiều năm.
Cũng như ở Việt Nam người nghèo lúc nào cũng thiệt thòi, trong khi kẻ có tiền đi chơi, thì học sinh con nhà nghèo dùng hết thời gian nghỉ hè để đi làm kiếm thêm tiền trang trải cho việc học. Các em nhỏ con nhà nghèo vì cha mẹ không tiền, nên chúng quanh quẩn ở nhà, chẳng có nơi nào giải trí. Ở thành phố còn có chương trình trại hè, nơi hẻo lánh như Reading thì tuyệt nhiên không có cái gì cho tụi nhỏ vui chơi.
Phượng và Nga quanh đi quẩn lại chỉ có mình Long cho chúng bầu bạn, nên khi biết chàng nghỉ một tuần không phải đến trường, chúng mừng còn hơn được má cho tiền. Sáng sớm là chúng chạy ùa vào rủ chàng chơi hết trò nầy tới trò khác. Long thì chán chơi trò con nít tới tận xương tủy nên nghĩ ra một kế để gạt chúng:
- Hôm nay mình chơi trò mới đi vui lắm, đá banh, đánh cầu, đánh bài hoài chán quá đi thôi.
- Chơi cái gì mà vui hả thầy? Hai đứa cùng hỏi.
- Bí mật, nói trước hổng hay, hai đứa có thẻ thư viện không?
Phượng ngơ ngác trở lời:
- Thẻ thư viện hả, làm gì có? Đâu có ai làm dùm em đâu? Mà làm để chi chớ.
Long chép miệng:
- Đã nói bí mật mà, hai đứa đi thay đồ đi rồi sẽ biết.
Long dẫn Nga và Phượng đến thư viện thị trấn cách đó chừng hai cây số. Ở miền quê đúng là cái gì cũng nghèo thư viện thì nhỏ tí, sách vở lèo tèo trên kệ, so với thư viện trường còn ít sách hơn. Trong phòng đọc sách chỉ thấy lưa thưa vài cặp vợ chồng Mỹ già ngồi xem báo, đọc sách.Thấy ba người Á Châu bước vào mọi người rất đổi ngạc nhiên đều cất tiếng chào:
- Chào buổi sáng Long! Anh cũng tới đọc sách nữa sao?
Long tuy không nhớ tên họ nhưng cũng lịch sự trả lời:
- Chào buổi sáng tất cả mọi người. Mọi người vẫn khoẻ đấy chứ? Không, tôi không tới để đọc sách, tôi tới để mượn ít cuốn sách cho bọn trẻ xem trong dịp hè. Ở nhà chúng không có gì để giải trí cả.
Người quản thủ thư viện ngạc nhiên hỏi:
- Anh không cho chúng tham gia trại hè ở Mason sao?
Long giả bộ cười như mếu nói:
- Chúng tôi cũng muốn cho các cháu tham gia lắm chứ. Nhưng các ông bà thử nghỉ dùm xem gia đình chúng tôi 7 người mà chỉ có 3 người làm bán thời gian với mức lương tối thiểu thì chỉ đủ trả tiền nhà, tiền điện, tiền xăng. Nếu không có foodstamp thì chắc là cả nhà nhịn đói rồi nói chi tới việc cho chúng tham gia trại hè. 
Cả thư viện đồng loạt kêu lên:
- Ôi! Chúa ơi ! Xin lỗi nghe Long. Chúng tôi không hề biết.
Long cười buồn:
- Không sao. Cái đó chỉ là vấn đề tạm thời thôi mà.
Long nhờ người quản thủ thư viện làm cho ba cái thẻ mượn sách, rồi tới khu sách trẻ em tìm cho Phượng, Nga mỗi đứa ít quyển, còn chàng cũng tìm cho mình 2 quyển tiểu thuyết chữ lớn mà mỏng để dễ đọc, vì thật ra Long không hề biết quyển sách nào hay, quyển sách nào dở ra sao. Long đang định từ giã mọi người ra về thì một người Mỹ chận lại nói:
- Chúng tôi vừa bàn với nhau, chủ nhật nầy tụi tôi sẽ đứng ra kêu gọi mọi người trong họ đạo góp tiền để cho hai cháu bé tham gia trại hè. Còn tôi sẽ gọi phone cho  ban tổ chức trại hè xin miễn lệ phí, hoặc giảm giá đặc biệt để các em có thể đến dự.
 Long không ngờ còn có nhiều người tốt bụng như thế, chàng không biết làm gì hơn ngoài cách đến bắt tay cám ơn từng người một, rồi ba chân, bốn cẳng cùng hai đừa nhỏ chạy một mạch về nhà báo tin mừng cho vợ chồng thím ba.
Về đến nhà ba thầy trò mệt muốn đứt hơi Phượng hỏi:
- Bí mật của thầy là vụ đi chơi đó hả?
Long vừa thở dốc vừa  trả lời:
- Không phải vụ đó đâu, bí mật vẫn chưa bật mí mà làm gì mà tụi em gấp dữ vậy?
Vào nhà Long thuật lại chuyện xảy ra ở thư viện, tưởng hai người vui mừng lắm vì con mình được tham dự trại hè khỏi tốn tiền nhưng Long không ngờ thím Ba thì làm thinh không nói gì còn chú thì nói:
- Hai đứa nó nhỏ quá, cho đi một mình tui sợ có chuyện xảy ra không ai lo.
Long lại phải một phen giải thích để cho hai người yên lòng cuối cùng chàng nhấn mạnh:
- Người ta tổ chức trại hè mục đích cho trẻ nhỏ làm quen cuộc sống độc lập, chú thím cứ úm tụi nó mải trong nhà làm sao tụi nó khá nổi trên xứ nầy? Người ta đóng tiền cả ngàn đồng cho khóa hè mình không phải trả đồng nào, đi đâu mà tìm cơ hội tốt như vậy đây? Nếu chú thím không bằng lòng cho tụi nó đi dự, thì ngày mai tui ra đó nói với họ khỏi lo cho mình nữa.
Chú Ba thì gải đầu nhìn vợ hỏi ý kiến:
- Sao bà? Tính sao đây?
- Tính gì nữa? Thầy Long đã nói vậy thì để cho tụi nó đi đi, mỗi tuần mình lên thăm một lần với lại từ đây lên Mason gần xịch, chứ xa xôi gì đâu mà lo.
Long thấy mọi chuyện ổn định xong xuôi thì về phòng mình, đem cái thu băng ra, lấy một cuốn sách của Phượng để đọc thử, rồi thu lại giọng đọc của mình. Hai con bé trố mắt ra nhìn hỏi:
- Thầy làm gì vậy?
Long đưa ngón tay lên môi nói:
- Đã nói bí mật mà, im lặng một lát rồi sẽ biết.
Long tiếp tục đọc hết cuốn sách nhỏ, rồi mở lại băng cát-sét ra nghe lại.
Nhỏ Nga thì kêu lên ngộ quá, còn Phượng thì la:
- Thầy đọc nghe kỳ quá hà.
Long cải lại:
- Kỳ cái gì, đọc nghe hay muốn chết mà chê, em giỏi đọc thử cho tôi nhe coi. 
Nói xong Long bấm nút thu âm bắt nó đọc. Bé Phượng sau gần một năm học Anh ngữ cũng đọc khá trôi chảy, nhưng còn rất nhiều chữ chưa biết, mỗi lần thấy chữ lạ nó dừng lại hỏi:
- Chữ nầy đọc làm sao đây thầy?
Những chữ lạ thì Long cũng như nó, có chữ biết có chữ không. Chữ mà chàng biết thì đọc ra cho nó đọc lại còn chữ nào không biết thì lấy bút chì làm dấu để lấy tự điển ra tra coi, cách phát âm ra sao. Khi Long cho máy chạy lại, lần đầu tiên nghe được chính giọng nói của mình hai đứa cùng cười khắc, khắc. Bé Nga đòi cho nó đọc rồi thu tiếng nói của mình vào. Long chọc nó:
- Biết đọc hông đó ?
Nó vênh mặt lên trả lời:
- Biết chớ! Em có học rồi chớ bộ. 
Thế là ba thầy trò dành nhau đọc đi đọc lại xem ai hay hơn ai. Phải công nhận tụi nhỏ học tiếng anh rất lẹ, giọng đọc không pha âm hưởng Việt Nam, nên nghe hay hơn Long nhiều. Hai đứa nó rất là đắc ý nói:
- Thấy hông em nói rồi mà, thầy đọc thấy  ghê luôn.
Nói xong như sợ Long ký đầu chúng, hai đứa kéo tay nhau chạy ra khỏi phòng. Thế là ba thầy trò sắp lịch lại, cứ chơi banh hay đánh cầu một tí thì vào học anh văn, học mệt thì chơi bài để giết thời gian, đến chiều thì Long đi làm...

(Còn tiếp... Xin mời xem tiếp kỳ 27)

Lanh Nguyễn




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét