Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

Khoảnh Khắc Cuộc Đời - Kỳ 12

Truyện ngắn nhiều kỳ của Lanh Nguyễn


Những ngày kế tiếp thật là vui nhộn, hàng hóa được đặt theo yêu cầu của bạn hàng. Từ đường, sữa, ca cao cho tới pin đèn, vải vóc nói chung thứ hàng nào dân tị nạn ở đảo cần Mã Lai đều đáp ứng. Tiền đúng là vô như nước, ai cũng vui vẻ nhất là gia đình anh Tám, đang chờ đi Úc. Khuya nay trên đường về anh Tám khều tay Long nói:
- Ông nầy, hay là mình đóng thêm một chiếc xuồng nữa đi, thằng Sơn và mấy đứa em vợ tui năn nỉ quá.
- Đóng thêm thì được rồi, nhưng ai đóng đây? Rồi ai sẽ mua hàng?
Anh Tám nhanh nhẹn trả lời:
- Thì tui chớ ai, tui chịu trách nhiệm đóng xuồng, mới dám nói với ông chớ, còn mua hàng thì quá dễ, ông kêu nó theo sát mình là được rồi. 

Vậy là hôm sau anh Tám và Sơn xách búa lên rừng, hạ cây làm thêm một chiếc xuồng nữa.
Dân Việt và dân Tàu cái gì giỏi thì không rõ, chứ copy hay bắt chước thì thiệt không có ai bằng. Chiếc xuồng thứ hai chưa kip hạ thủy thì đêm nay đã thấy lác đác trên biển hai ba chiếc khác rồi.
Bây giờ tuy nhóm của Long có tới hai chiếc nhưng lợi tức không nhiều hơn bao nhiêu vì xuồng càng lúc càng nhiều, giá cả càng ngày càng cạnh tranh khóc liệt. Những người quen biết ai cũng tham gia vào băng của Long, khi chiếc thứ ba ra khơi thì nhóm của Long hơn mười mạng. Dưới xuồng thì có Long, anh Tám, Sóc, Sơn, Hận, Hoàng, Thông, Sáu và Cư. Trên bờ thì Ngọc, chị Tám, Bích và Phượng (vợ Sóc và Hoàng ). Cả bọn cùng đi, cùng về, nói nói, cười cười thật là vui vẻ. Những người ở gần nhà cũng được vui lây. 

Đảo Pulau Bidong bây giờ người đông như kiến, hòn đảo chừng vài chục cây số vuông mà chứa trên 50.000 người, họ sống chùm nhum, chen chúc ở bãi trước, nơi có đồn cảnh sát Mã Lai, văn phòng Cao Ũy tị nạn liên hiệp quốc, nhà thương, nhà thờ, chùa, trường học ban điều hành trại... nói chung nó có đầy đủ các cơ quan như một thị trấn. Ngoài chợ bán đủ cả các mặt hàng, nhưng bạn không thể tìm đâu ra được thịt heo vì đa số dân Mã theo đạo Hồi nên thịt heo bị cấm, những nghề phục vụ cho khách hàng như quán cà phê, tiệm hớt tóc, hay tiệm may quần áo, không thiếu thứ nào cả. 
Bấy giờ là thời kỳ đăng ký vượt biên bán chính thức nên mỗi ngày đều có người mới cặp bến. Có tàu đến được đảo may mắn an toàn, nhưng cũng có không ít tàu bị cướp bóc, hảm hiếp thê thảm. 
Bọn hung thần ác sát Thái Lan lúc nầy không những cướp của mà còn hảm hiếp phụ nữ nữa, nếu thanh niên trên tàu chống cự, chúng thẳng tay giết chết quăng xác xuống biển, có tàu bị cướp tới 4, 5 lần, có tàu bị chúng đâm thẳng vào cho chìm để phi tan hành động hảm hiếp giết người của chúng. Nếu ngoài biển khơi mà có mặt ông Táo thì cái sớ ghi tội ác của bọn mặt người lòng thú Thái Lan sẽ dài hàng cây số.

Nước lúc nào cũng chảy, không khí lúc nào cũng chuyển động con người lúc nào cũng cần phải sống, trong bất cứ hoàn cảnh nào, bản năng sinh tồn trong con người cũng vô cùng mảnh liệt cho nên dù bị cướp bóc, hảm hiếp hoặc bị thả trôi trên biển cả, nhưng khi lên đảo rồi mọi chuyện đều gởi theo dòng nước, nhờ dòng nước đem tất cả khổ đau tủi nhục trả lại cho lũ khốn nạn kia.
Sau vài ngày đến đảo thì tất cả mọi người từ từ hội nhập với đời sống mới. Kẻ may mắn không bị cướp thì đem tiền ra xài, người bị cướp hết tiền thì cố gắng ra  công sức làm việc để kiếm chút đỉnh tiền phòng thân, người giàu thì mua hàng tươi ăn, kẻ nghèo thì xếp hàng lãnh đồ supply từ Cao Ũy tị nạn. Ai cũng tạm vui vẻ sống qua ngày chờ đi định cư ở vùng đất mới.
Phái đoàn phỏng vấn đến thường xuyên hơn. Mỹ, Canada, Úc mỗi tháng đến một lần các phái đoàn nước khác như Pháp, Thụy Sỉ, Hòa Lan, Bỉ v..v.. tới đột xuất bất thường.
Nhà cửa bây giờ rất hiếm hoi, người còn vàng thì mua lại những căn nhà ở khu A, B, C, D và E người không tiền thì mò lên khu F và G hai khu nầy tuy nhà rẻ hơn nhưng cũng tốn mấy trăm đồng cho một căn. Gia đình nào không mượn được tiền thì cố gắng làm mướn hoặc tự đốn cây cất nhà cho mình. Cây cối lúc nầy cũng rất hiếm, phải đi sâu vào rừng hàng 100 mét mới có. Những nơi trước đây nam nữ thường dùng làm chổ tâm tình, tán gẩu thì bây giờ bị chặt phá lấy củi, chỉ còn trơ lại những gốc cây lỏm chỏm trên mặt đá như những nấm xương khô. 
Nam ,nữ muốn tình tự mát mẻ phải ra gần bãi sau, hay vào tuốt tận trong rừng.

Gia đình ông Ba. Chẳng biết ông tên gì, nhưng chỉ biết là thứ ba, trước năm 1975 lái xe bồn cho hãng xăng Shell. Ông Ba đi với bà vợ và bốn đứa con 2 thằng con trai lớn trên dưới khoảng 25 tuổi thằng lớn tên Phong đứa kế tên Trần hai cô gái nhỏ là Hằng với Nga, tàu ông đi chẳng may chết máy giữa biển, cứ trôi theo dòng nước về hướng Mã Lai, tàu cướp Thái Lan hết chiếc nầy đến chiếc khác, ghé viếng liên tục, chúng lục xét lấy tiền của, vàng bạc nữ trang, phụ nữ thì bị chúng thay nhau hảm hiếp, ông nhanh trí dùng dầu nhớt bôi bẩn mặt mũi cho vợ con nên tránh khỏi, tuy nhiên vì bị lục xét nhiều lần, nên ông bị chúng lấy "sạch sành sanh". Khi được Hải Quân Mã Lai kéo vô bờ. Những cô gái trẻ trên tàu ông đi, có người bị hiếp tới đi không nổi phải kè vô nhà thương. Chiếc tàu chở hơn 300 cuộc đời tàn tạ đó khi lên đảo làm mọi người rơi lệ, người nào có thân nhân bạn bè được dẫn đi tạm trú trong những căn nhà chật chội của họ, người nào lên trước thì tạm ở hàng dừa kế đồn cảnh sát, trong khi chờ mượn tiền mua nhà hay cất nhà, nhưng vì tàu quá đông nên những người lên sau phái bò lên đồi tìm chỗ ở tạm.
Sau nhà Long có khoảng sân rộng là chỗ dùng để nhậu và uống cà phê hằng ngày. Gia đình chú ba bò lên tới đó thì lết bánh đi không nổi nữa. Chú vào nhà, hỏi xin  tạm trú phía sau, chờ tới khi cất được nhà sẽ dời đi. 
Bây giờ đang là đầu mùa mưa nên trời hay mưa bất chợt.
Đêm ấy mọi người đi bãi về, sau khi thanh toán tiền bạc xong đang nhâm nhi cà phê thuốc lá thì trời đổ xuống cơn mưa thật lớn. Hai vợ chồng Hoàng và Sóc cất nhà ở phía sau nên tung cửa chaỵ về trước, vừa ra khỏi cửa Bích thấy một đám người đang run rẩy chịu đựng dưới cơn mưa đầu mùa nó la lên:
- Trời ơi!  Sao đứng đây vậy? Ướt hết rồi, vô nhà đở đi chớ.  
Rồi Bích đẩy họ vô nhà, mọi người ai về nhà nấy nhường chỗ cho gia đình chú Ba. Sau khi nghe chú thuật lại chuyến hải hành kinh hoàng đó nhóm của Long cùng nhau vô rừng phụ đốn cây cất nhà cho gia đình chú.     
         
Nhà cửa cất xong, chú ba rất cảm kích bọn Long nên muốn ra bãi xem coi có phụ giúp được việc gì không.
Bây giờ trên bãi không còn người lội tàu nữa mà chỉ có xuồng là xuồng, nó nhiều vô số kể. 
Không biết có người nào rảnh rỗi để ngồi đếm thử xem có bao nhiêu chiếc xuồng, nhưng theo Long đoán chắc là không dưới 100 chiếc. Vì xuồng quá nhiều mà chỉ có một chiếc ca nô nên dân chèo xuồng không còn sợ nữa, mạnh ai nấy tìm cách tránh, mỗi người đều có tính hiệu riêng với đồng bọn trên bờ, để tránh bị bắt khi cặp bến, nhưng đã là buôn bán lậu thì ai cũng chịu cảnh hên xui, có người ít bị mất hàng, có người bị mất liền tù tì, có người lâu lâu mới bị hốt một lần. 
Ba chiếc xuồng của Long cứ mỗi khi có bố ráp thì lâu lâu cũng bị bắt một chiếc, có lúc xui xẻo bị cả hai nhưng chưa có khi nào cả ba chiếc cùng gặp nạn cả. Chú ba thấy Long làm ăn khắm khá nên muốn xin được làm cò mồi bán hàng cho chàng, chú đề nghị:
- Ông giáo à, tui đề nghị như vầy. Ông cho tôi mượn ít tiền, khi xuồng ông cặp bãi tui mua giá cao một chút, ba cha con tui vác về chợ sang lại kiếm chút cháo được không?
Long rất thông cảm hoàn cảnh của ông nên cười nói:
- Chú muốn đi bãi sang hàng thì tôi cho mượn tiền, không sao đâu, còn giá cả thay đổi chóng mặt, vả lại tụi nó, đầu một đống sạn không làm giá với nó được đâu. Mà chú cần bao nhiêu? Tôi nói Ngọc đưa cho chú.
Chú suy nghĩ một hồi rồi trả lời:
- Hay là ông giáo bán thiếu cho tui đi, về chợ tui sang lại rồi trả tiền sau.
- Vậy cũng được, tôi sẽ dặn Ngọc ghi sổ cho chú.

Từ hôm đó trở đi chú Ba chính thức gia nhập đội quân buôn lậu của Long, nhưng chú nằm vòng ngoài chỉ mua lại hàng của chàng, cho tới ngày không còn tàu hàng nữa chú chưa hề mua qua bất cứ món hàng nào khác ngoài ba chiếc xuồng của Long, mặc dù sau nầy chú cũng có không ít tiền. Mỗi lần xuồng cặp bãi, có ai trả giá món hàng nào, chú thường thúc hối họ:
- Ông tính sao? Mua hông? Hổng mua tôi chặt đẹp luôn đó.
Vì ổng hay làm gỉá mua dành, mua giựt nên những người sang hàng trên bãi có đứa tặng cho ông cái tên "Ông già lựu đạn", có đứa nghe ông nói từ chặt đẹp liền miệng nên tặng cho ông biệt danh "ông già chặt đẹp".
Chú ba cũng thường gọi Long là ông giáo, những người mua hàng tưởng lầm Long tên là Giáo nên mỗi khi thấy chùm xuồng 3 chiếc ra ám hiệu, sắp vào bờ thường bảo nhau "Băng thằng Giáo sắp vô kìa". 

Chuyện đi bãi buồn vui lẫn lộn, trúng mánh thì mặt mày hớn hở cười nói huyên thuyên, bị hốt hàng thì buồn xo, mặt mày bí xị như cái bánh bao chiều, chuyện nhiều kể hoài không hết, tới tết chưa thôi...
Gần hai tuần lễ mà tụi cảnh sát Mã Lai không hề bắt một xuồng nào, mọi người đang vui vẻ tận hưởng món quà cùa thượng đế ban cho, có người còn đưa tin.
- Cảnh sát trưởng ở đây, bị đổi rồi đó, mấy người có biết không? 
Người khác lại nói:
- Chắc tại ăn cướp no quá bị người ta thưa chứ gì. 
Người nói qua, kẻ nói lại nhưng tuyệt nhiên, không một ai biết chính xác chuyện gì đang xảy ra.Tại sao tụi nó lại êm ru bà rù vậy?

Rồi một đêm bất thần, nó đem sáu chiếc ca nô xuất trận một lượt, súng dài súng ngắn lăm le như sắp đánh nhau với kẻ thù không bằng. Đợt đầu chúng đi sát bờ, xuồng nào gần bờ chúng bắt tấp vô, nếu mà bỏ chạy chúng bắn văng nước tùm lum, dân chèo xuồng hồn vía mất hết, riu ríu tấp vô, tự động khiên hàng qua cho chúng còn những chiếc xuồng nào ở xa thì chèo qua đảo nhỏ ở phía sau, cách Pulau Bidong chừng 2 cây số núp lại, chờ cho tình hình yên ổn mới quay về sau. Nhưng mà...
Sáu chiếc ca nô của tụi nó sau khi chất hết hàng vào đồn, chúng trở lại phục kích lần nữa hốt cho trọn ổ để mọi người khỏi phân bì với nhau.
Ba chiếc xuồng của bọn Long trong trận đầu, bán chưa được 1/4 hàng bị hốt hết trên bãi, thiệt hại cả chục ngàn. Hôm sau mọi người hăng hái tưởng như mọi khi, nó bắt một ngày rồi nghỉ hai ba ngày, nhưng thật bất ngờ xuồng chưa tới bờ ca nô đã tới. Bọn Long chia làm ba ngả chạy nhưng, sức người đem so với máy móc thì thiệt không cân xứng chút nào. Chưa đầy một giờ chúng tóm cổ bốn năm chục chiếc, kéo hết vào bãi cắt người canh giữ rồi bọn chúng trở ra biển tiếp tục lùng kiếm số còn lại. 
Mấy người chèo xuồng lén lén, từ từ chất hàng lên bãi rồi rút xuồng trốn đi, mấy thằng Mã Lai canh giữ cũng làm lờ không nói. Bị thêm một vố nặng nề nữa bọn Long hơi mất tinh thần nên khi về nhà bèn họp bộ tham mưu lại Long nói:
- Ngày mai trước khi xuất quân mình phải ra đồn cảnh sát xem coi nó có bao nhiêu chiếc ca nô. Nếu nó còn sáu chiếc thì mình xù không đi, nếu là một chiếc như mọi khi nó không cách gì bắt hết tụi mình. Chiều hôm đó cả bọn ra bãi trước, chia nhau ra tìm, kết quả mọi người cùng nói, chỉ có một chiếc duy nhất đậu dưới cầu supply mà thôi. Tin chắc như vậy cho nên mọi người hy vọng đêm nay sẽ gở lại vốn, rồi họ hăng hái ra đi.
Không biết tên khốn nào làm quân sư quạt mo cho bọn cảnh sát, nó bài kế độc như thịt vịt xiêm lai. Năm chiếc ca nô kia chúng đem dấu đâu không biết nhưng khi xuồng gần tới bờ, chúng pha đèn chói cả mắt, rồi mở máy rượt bắt, không đứa nào thoát nổi. Lần nầy xuồng nào chúng bắt được đều được buộc chùm lại nối đuôi nhau kéo về đồn. Khi xuồng bị kéo về gần tới đồn cảnh sát, những người chèo xuồng phía trước bắt đầu nhảy xuống nước bỏ xuồng lội vào bờ, bọn Long ở phía sau cũng sợ quá vội nhảy theo trốn.

Liên tiếp một tuần lễ chúng hốt sạch sẻ không còn một chiếc xuồng nào cả, những xuồng chúng kéo về bãi trước được chất thành đống đổ dầu châm lửa đốt. Sau đó chúng lên núi tìm những chiếc xuồng mới đóng, hoặc còn dấu lại đem đốt đi luôn cho có bè có bạn...
Nhìn nồi cơm mình bị người ta đập bể nhiều người tức đến độ muốn ăn tươi nuốt sống tụi Mã Lai, nhưng mà tức thì tức chớ làm gì được nhau. 
Bây giờ cả bọn đang thất nghiệp chẳng biết làm gì, cả ngày hết đi tắm suối, xuống chợ vào quán cà phê tụm lại, nói chuyện tầm phào, chiều tối kéo nhau ra bãi xem tàu hàng mà tiếc nuối những ngày qua. 
Cuộc vui nào rồi cũng phải kết thúc, tàu bán hàng đêm nào cũng nhận được tín hiệu bất ổn, nó thấy những cây đèn pin cứ tiếp tục vẻ những vòng tròn đáng ghét nên rồi chúng từ từ không đến nữa. Trả lại sự yên lặng cho biển cả về đêm. 
Bãi đêm, chợ nổi, bị xóa tên một cách triệt để, nhưng chợ trước vẫn tấp nập, tưng bừng không hề suy giảm, số lượng hàng hóa vẫn đều đều nhập vào trực tiếp, qua sự cung cấp của Mã Lai, bạn hàng chợ vẫn làm việc của họ, chỉ khác người cung cấp hàng không phải dân chèo xuồng, mà là Mã Lai. 

Người trên đảo bây giờ quá đông nên các phái đoàn gấp rút tìm cách giải quyết vì sợ bệnh dịch xảy ra bất ngờ thì không có cách gì chận đứng nổi.
Úc và Canada tăng tốc độ nhận người. Mỹ cũng phân loại ưu tiên giải quyết nhanh hơn, những người không ưu tiên được chuyển trại qua Phi Luật Tân. Mấy ngày này ai nấy bận rộn theo dõi tin tức cho việc đinh cư của mình.  
Gia đình anh Tám đi Úc, Hận theo diện trẻ em vị thành niên đi Mỹ, Hoàng và Sóc đi Úc, còn gia đình Mỹ Ngọc có ưu tiên một nhưng không liên lạc được với thân nhân bên Mỹ nên chưa tuyên thệ.
Long và Mỹ Ngọc tiễn chân hầu hết các thành viên trong băng thằng giáo đi định cư, bây giờ hai người rất là buồn họ thấy trống vắng, nhớ bãi như cọp nhớ rừng, có hôm nằm ngủ trưa trên đồi giật mình tỉnh giấc họ tưởng như mình đang chèo xuồng mua hàng ngoài khơi. 
Má Mỹ Ngọc, từ lâu đã đồng ý chấp nhận cuộc tình giữa Long và Ngọc. Bà còn đi xem bói, xem tử vi. Bà hay nói:
- Tuổi hai người không hợp mấy, khi cưới nhau không được làm lễ rước dâu. Ý thường nói với những người chung quanh qua Mỹ ổn định chỗ ở xong sẽ cho hai người làm đám cưới.
Buổi trưa hôm đó Ngọc hí hửng sang tìm Long nói:
- Em báo cho anh một tin mừng nè .
- Tin mừng gì? Em có baby hả?
Ngọc đánh vào lưng Long nói:
- Ham quá! Không ph ..ải, Cao Ũy tìm được anh của em bên Mỹ rồi, chắc là vài hôm nữa sẽ được tuyên thệ thôi.
- Vậy là em đi trước anh rồi.
- Chớ sao, qua đó em sẽ bảo lãnh lại anh. Mà nè ráng chờ đi Mỹ đó nha, không có nửa chừng gặp cô nào mới tới, mết người ta rồi cuốn gói đi nước khác là chết với em đó.
Long không nói gì, biết tánh Mỹ Ngọc hay ghen, từ ngày đi theo bán hàng ở bãi, nàng thường ngắc nhéo mỗi khi có cô nào liếc mắt đá lông nheo với Long vì vậy chàng bàn qua chuyện khác:
- Em đổi tiền Mã thành tiền Mỹ hết chưa?
- Rồi,  anh muốn giữ hay vẫn đưa em cất?
Vừa nói xong Ngọc đổi ý như sợ Long lấy lại thiệt .
- Nhưng  hổng được đâu. Anh giữ tiền mà còn ở lại đây rủi có đứa nào đó dụ anh đi nước khác rồi em làm sao?
Long chỉ vô trán Ngọc nói:
- Thì có rồi nè, con nhỏ nầy chớ còn ai nữa.  

(Còn tiếp... Xin xem tiếp kỳ 13)


Lanh Nguyễn

2 nhận xét:

  1. Thành thật xin lỗi bạn Hoa và tất cả bà con đọc giả vì tôi thấy kỳ 11&12 ngắn quá nên đã nhập chung lại với nhau thành 1. Nhưng tôi lại quên sửa số cho nên cái tựa đề ở trên mới bị nhảy con số 12 rồi thành ra kỳ 13. Nhưng câu chuyện thì liên tục. Sorry. LN

    Trả lờiXóa
  2. Đây là bài Kỳ 12, khi post em cũng nhầm theo anh ghi là 13. Bây giờ em đã chỉnh sửa xong. Trên facebook cái link vẫn còn bài 13 nhưng khi click vào thì đúng là bài 12 theo tuần tự. Cảm ơn anh Lanh và độc giả của Blog THKT

    Trả lờiXóa