Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

Khoảnh Khắc Cuộc Đời - Kỳ 23

Truyện ngắn nhiều kỳ của Lanh Nguyễn


Long nằm gác tay lên trán đăm đăm nhìn lên trần nhà, cái trần nhà được sơn màu trắng ngà sạch sẽ vô cùng, không một vết bẩn, chàng cố chờ đợi mỏi mòn để xem coi có con thằn lằn nào chạy ra tìm mồi săn muỗi hay không, nhưng mà ở xứ Mỹ nầy có rất nhiều nơi không tìm ra được muỗi vì vậy giống thằn lằn thường không có đất để sống. 
Long nhớ nhà vô cùng, chả biết giờ nầy gia đình mình sống ra sao, ba mình chẳng biết có bị ảnh hưởng gì khi chàng đào nhiệm vượt biên, còn má nữa, chắc là buồn lắm, xa núm ruột thân yêu, xa đứa con trai mà bà ta đặt hết hy vọng của cuộc đời mình, xa niềm hãnh diện đối với bà con nội ngoại của bà, thì chắc không còn nỗi buồn nào hơn. 
Long nhớ những đứa em, đứa cháu của mình, nhớ mảnh ruộng sau nhà, nhớ ngôi trường thân yêu lúc còn mài đủng quần trên ghế, nhớ bục giảng, nhớ đám học trò dễ thương với lối chọc phá đáng yêu của chúng, tất cả giờ đang ở xa tích tận bên kia bờ Thái Bình Dương, còn lại gì ở nơi đây? Ngoài cuộc chạy đua vất vả với thời gian, sáng  sợ không kịp giờ đi học, trong lớp thì sợ nghe không kịp bài giảng của thầy, phải dùng máy ghi âm để ghi lại, chiều đi làm sợ làm không bắt kịp với người làm chung, tất cả mọi thứ đều phải chạy theo cho kịp với thời gian. 
Có những lúc đang chùi nhà vệ sinh, hay hút bụi, hoặc đổ rác Long cũng giận mình lắm, chẵng hiểu tại sao mình lại vượt biên. 
Nếu vì bị bạc đãi hay tù đày, thì đám bạn sĩ quan của chàng mới phải gánh chịu, nếu là vì kinh tế thì cũng không hẳn vì chàng vốn vô sản mà, làm bao nhiêu thì xài bấy nhiêu, ở đâu cũng như vậy mà thôi. 
Tất cả chỉ tại Long mà ra, cái gì của chánh quyền mới Long cũng đều thấy chướng tai, gay mắt, không thích. 
Từ sách giáo khoa, hệ thống giáo dục, tổ chức kinh tế, chánh trị cái quỉ gì Long cũng chê cho nên vượt biên là giải pháp tốt nhất đối với chàng, để khỏi phải chướng tai gay mắt. 
Suy đi nghĩ lại Long tự nhủ vậy cũng tốt, tất cả chỉ là số mạng.

Long lấy giấy viết ra, gần hai năm mới viết thơ về nhà, chàng không hề hé môi nói về cuộc sống buồn chán cực khổ mà chỉ kể sơ về cuộc hành trình vượt biên và đại khái cuộc sống hiện tại, chàng đang cố gắng học lại Anh ngữ để chuẩn bị đi làm sau nầy. Long cũng viết cho Mỹ Ngọc một lá thư ngắn nói sơ về sinh hoạt của chàng và hỏi xem chuyện gì đã xảy ra mà nàng có thái độ lạ lùng khó hiểu như vậy.
Cuộc chạy đua với thời gian vô hạn định nầy đã khiến Long không có ý thức được gì về mốc thời gian, mới đó mà thứ bảy lại đến.
Nhung hớn hở đến sớm để chở Long đi chơi, nhưng hai đứa nhỏ hình như đã đoán biết trước ý định của nàng, thường thứ bảy không đi học chúng thức trễ. Nhưng không, hôm nay chúng vẫn thức đúng giờ đi học, như ngày thường và quần áo thì chỉnh tề đang ngồi sẵn chờ đợi.
Nhung thấy chúng như vậy qua một phút ngở ngàng rồi ôm bụng cười nghiêng ngửa Long ngạc nhiên hỏi:
- Có chuyện gì vui mà Nhung cười dữ vậy?
Nhung vẫn chưa hết cười nói:
- Hồi mới ra nhà dì em ở trọ để đi học, mỗi sáng chủ nhật anh Quân sang rủ chị Hiền đi chơi, đều bị dì em thả con kỳ đà nầy ra cản mũi, em bây giờ mới biết nỗi khổ của anh Quân ngày xưa đã phải gánh chịu.
Hai đứa bé vẫn hồn nhiên vô tư không hề biết là Nhung đang trách chúng nên vừa thấy nàng bước vào là chạy ngay lại ôm eo ếch. 
- Cô ..cô làm ơn cho tụi em đi chơi với, ở nhà hoài chán quá đi. Làm ơn đi mà cô. 
Long thấy tình cảnh như vậy cũng phải bật cười:
- Thôi, đúng là trời trả báo rồi, phải chịu vậy thôi còn trách ai bây giờ. Mà hôm nay Nhung định đi đâu chơi?
- Hôm nay không đi chơi mà đi công việc. Em sẽ chở anh lên Columbus cho biết, tiện thể em gởi ít đồ về cho gia đình. Đường đi hơi xa không biết hai đứa nhỏ ngồi nổi không mà chúng đòi theo đây.
Rồi quay sang Phượng, Nhung hỏi:
- Ngồi hai giờ xe lận đó, nhắm đi nổi không mà đòi?
- Có ha ..i giờ thôi mà cô làm như lâu dữ vậy, cho em theo thì mấy giờ em cũng chịu.
- Nhung nầy. Chừng bao nhiêu tiền thì mình đủ gởi 1 thùng đồ vậy ? Long hỏi.
- Cái đó còn tùy, nếu anh gởi bưu điện 1kg thì tiền gởi và đồ đạc khoảng 100 đồng là đủ rồi, còn anh muốn đến dịch vụ vận chuyển thì phải gởi ít nhứt 10 kg người ta mới nhận, cước phí là 4 đồng 1 kg, hàng hoá bên trong thì tùy anh mua thứ gì cũng được.
Long ngần ngại nhìn Nhung tiếp:
- Chú thím Ba có gởi cho Long 300$ để mua vé máy bay qua đây, nhưng mà mình đi bằng xe bus nên số tiền ấy vẫn còn đó, mấy hôm trước Long đưa lại mà chú thím không nhận. Hay là Nhung xem coi mua thứ gì gởi về Việt Nam được thì làm dùm mình luôn với. 
- Tưởng chuyện gì khó khăn lắm, mới làm anh do dự, chuyện dễ như ăn cơm sườn mà cũng ngập ngừng không chịu nói. Anh đúng là nhát gái.
Thím Ba vừa xuống tới, sau khi chào Nhung thím nói:
- Cô đi Columbus hả, vậy làm ơn mua dùm ít cây thuốc lá và ít thùng bia cho ông nhà tui đi.
- Được mà, thím có dư bao nhiêu thì đưa đây, tôi hôm nay bao nhiêu cũng không đủ xài.
Thím Ba trở lên lầu một lúc sau đem một bịch foodstamp xuống đưa cho Nhung:
- Tất cả có 300 đồng. Cô mua dùm 15 cây thuốc, 5 thùng bia còn lại thì cô muốn xài cái gì thì tuỳ ý.
Nhung nhận tiền, từ giã thím rồi dắt tất cả ra xe lên đường.

Bốn người như một gia đình nhỏ, lên xe cũng um trời đất như Mỹ, lúc hát, lúc ca, lúc kể chuyện lúc cải nhau như vỡ chợ. Long nói:
- Kể ra cho tụi nhỏ theo mình cũng vui đó chớ. Nếu chỉ có hai người đi, có khi mình không biết chuyện gì để nói, chỉ là lâu, lâu lén nhìn nhau một cái rồi thôi.
Nhung cười lớn:
- Tại anh dở thôi chứ bộ, nếu là em thì thiếu gì chuyên để nói.
- Vậy cô nói thử nghe đi. 
Bé Phượng chen vô.
- Con nít mà đòi nghe chuyện người lớn làm gì?
Phượng cải: 
- Em lớn rồi chớ bộ.
Còn Nga thì làm bộ bịt hai lổ tai nói:
- Cô cứ nói đi, em không nghe được gì đâu. 
Nhung la lên:
- Hai đứa bây quậy quá, một lát nữa bỏ đói cho coi.
Phượng vẫn chưa thôi:
- Cô, cô đừng bỏ đói, em không nói ra cô kết thầy em đâu mà sợ.
- Ai nói vậy? Thầy em hả?
Phượng cười khắc khắc trả lời 
- Má em nói chớ ai mà dám nói.
Nhung quay ra phía sau hỏi nó:
- Rồi thầy em nói gì?
Long sợ Phượng nói tùm lum bậy bạ nên rầy nó:
- Con gái gì nhiều chuyện thấy sợ. Em không sợ sau nầy ế chồng à.
Bé Phượng êm re không dám nói nữa còn Nhung thì muốn biết Long nghỉ gì nên hỏi dồn:
- Vậy chớ thầy em nói gì? Mà sao em êm ru vậy? Bộ sợ ế chồng thiệt hả.
- Thôi mà Nhung tha cho nó đi, mình đâu có nói gì, có hỏi nữa thì cũng vậy thôi mà.

Xe vào thành phố Columbus. Nhung vào tiệm tạp hóa Hiệp Hưng, nàng đi tìm người chủ tiệm nói nhỏ những gì mà Long không hề biết. Sau đó hai người vào trong văn phòng nhỏ của tiệm, một lúc sau có người phụ bán hàng đem ra mấy thùng giấy lớn bỏ phía sau cốp xe. Long định lên tiếng thì Nhung chận họng liền:
- Khỏi hỏi, em biết anh muốn nói gì rồi. Chắc là anh đang thắc mắc, lần trước em nói phiếu thực phẩm chỉ để mua đồ ăn thôi chứ gì? Thì người ta vẫn bán cho mình đồ ăn đấy chứ, nhưng mà mình lấy thứ gì thì tùy mình, còn giá cả họ tính sao thì tùy họ, đôi bên du di với nhau là được rồi. Người Việt Nam thông cảm giúp đỡ nhau mà. Kẻ có dư Foodstamp không biết làm gì, người bán hàng có hàng hóa cũng cần phải có người mua chứ.
- Nhưng làm vậy có phạm vào luật pháp Mỹ hay không? 
Long hỏi.
- Phạm gì, trái luật thì đúng hơn, nhưng làm sao bắt họ được đây? Mua bằng tiền mặt hay bằng foodstamp thì có khác gì nhau đâu nè? Chỉ là giá cả thỏa thuận có chút chênh lệch, ví dụ một cây thuốc lá nếu anh dùng tiền mặt thanh toán thì chỉ có 7đồng bao luôn thuế còn nếu anh dùng foodstamp trả thì anh đưa họ 10 đồng foodstamp chỉ đơn giản vậy, anh muốn lấy thứ gì cũng được hết. Mà anh thử nghĩ xem như nhà thím Ba không xài hết foodstamp tháng nầy vài ngày nữa qua tháng mới có hơn 600 nữa cứ như vậy chồng lên mãi, không xài thì tiền đó cũng vất đi thôi.
Long thấy có cái gì đó không ổn, nhưng không biết nói sao đành làm thinh.

Nhung sau khi rời khỏi tiệm tạp hóa Hiệp Hưng liền chạy sang tiệm gilf shop Thanh Tâm. Tại đây có bán đủ các mặt hàng để làm quà tặng từ vải vóc, kem thoa mặt, dầu nước xanh, đồng hồ đeo tay, hộp quẹt zipo, bút máy v...v
Nhung dặn dò hai đứa nhỏ chỉ được đi xem đồ vòng quanh trong tiệm đừng có ra ngoài để khỏi bị lạc, rồi nàng kéo tay Long đi vòng quanh giải thích món hàng nào mua về Việt Nam có giá trị kinh tế cao, nếu gia đình không xài nó thì có thể đem ra bán lại dễ dàng. Đi một vòng  xong, nàng đến tìm cô chủ xin hai thùng giấy carton cứng đựng khoảng 10 tới 15 kg rồi nàng bắt đầu mua hàng, vừa kêu chủ tiệm lấy hàng vừa giảng lại cho Long nghe. 
Phải công nhận nàng có nhiều cái hay, hiểu biết sâu xa trong cuộc sống thực tế, những gì nàng nói với Long xem ra chí lý vô cùng. 
Nàng nói:
- Nếu anh muốn mua vải soa đen cho 3 đứa em gái và má anh may quần thì không nên cắt ra từng khúc, cứ để nguyên một miếng dài có lợi hơn nhiều, vải áo cũng vậy Những món hàng nhỏ như hộp quẹt, bút máy bộ đội miền bắc thích lắm, bán rất có giá v..v .
Long thì như vịt nghe sấm có biết gì đâu:
- Thì tùy Nhung tính đi, mình dốt chuyện nầy mà.
Chừng hơn một giờ mọi việc đều xong, hai thùng hàng được dán kính, bằng băng keo vô cùng chắc chắn một gởi về Cần Thơ, một về Rạch Giá. Bốn người ra xe đi tìm nhà hàng Việt Nam ăn trưa. Nhung nói:
- Trên nầy có tiệm phở bắc ngon lắm, anh hồi ở Việt Nam có từng ăn qua chưa?
- Mình ở vùng kinh Bắc di cư mà, suốt mấy chợ gần nhà như Kinh B, Tân Hiệp, Kinh 8 tiệm phở nhiều lắm, thử qua hết rồi, nhưng 2 năm nay thì chưa .
Hai đứa nhỏ thì nói:
- Tụi em chưa biết nè, cho thử đi cô. 
Nhung cười tươi :
- Vậy thì hôm nay chúng ta đi ăn phở.
Ăn uống xong thì cả cái gia đình mới nầy đi tìm công viên, sở thú, phong cảnh để giải trí, hai đứa nhỏ được vui chơi thoả thích còn hai người lớn thì nói chuyện trời trăng mây nước với nhau cho đến 6 giờ chiều thì tất cả lên xe trở về nhà.
Kể từ hôm ấy lịch trình ngày thứ bảy có thêm phần hai đứa nhỏ và gia đình nhỏ nầy sống vui như một gia đình Mỹ thực thụ.

(Còn Tiếp... Xin đón xem tiếp kỳ 24)

Lanh Nguyễn


Ghi chú: Giá hàng hóa năm 1980 rất là rẻ 1 cây thuốc lá 7$, thùng bia cũng khoảng đó, dầu gió nước xanh 8$ một lố vải soa pháp 1$ 1 mét,  xăng chỉ có 60xu một gallon bây giờ vật giá mắc gấp ba tới 5 lần tùy mặt hàng. Lương tối thiểu lúc đó 3$10 một giờ bây giờ lương tối thiểu ở San Francisco và Oakland đã sắp đụng tới mức 15$/1 giờ rồi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét