Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2016

Khoảnh Khắc Cuộc Đời - Kỳ 16

Truyện ngắn nhiều kỳ của Lanh Nguyễn


Từ ngày có thím Ba ở dưới chân dốc, mỗi khi đi uống cà phê Long thường ghé qua, hai nhóc tì đôi khi đòi theo uống ké, buổi trưa chúng hay tìm Long chọc ghẹo.Thấy nhà chàng có bộ bài, chúng cũng rủ chơi bài ăn búng. Hai đứa nầy láu cá vô cùng, chúng nó thua Long không dám búng mạnh, sợ chúng sưng tay, sưng trán, còn Long thua, chúng búng thẳng tay, búng xong còn khen đã quá. 

Con nít đứa nào cũng thích nghe kể chuyện, cho nên Long lại tiếp tục nói phét với tụi nó nữa.
Chiếc tàu có người bị Thái Lan bắt cóc, được Cao Ũy chiếu cố đặc biệt, cho mở hồ sơ sớm hơn. Phái đoàn Mỹ cũng phỏng vấn sớm hơn, sốt sắng hơn trong việc liên lạc tìm người thân ở Mỹ, chưa đầy hai tháng thím Ba đã được tuyên thệ rồi. Cao Ũy còn ép chánh phủ Thái tìm kiếm người bị cướp bắt đi.
Một chiến dịch quy mô kết hợp giữa Hải Quân và Cảnh Sát Thái được tung ra, họ lục xét tất cả các hoang đảo nhỏ của Thái Lan và giải cứu hơn trăm người tị nạn bị bọn cướp giam giữ. May mắn cho thím Ba, Hằng cũng nằm trong số người được giải cứu.
Lúc nầy trên đảo cây cối bị chặt làm củi đốt quá nhiều, cho nên những nơi gần nhà, không còn cây nhỏ có thể dùng làm củi nấu ăn được, muốn có củi phải đi xa vô rừng mấy trăm mét. Thằng Tú thấy nhà Long có cưa, có búa tốt nên rủ Long cưa cây, chẻ củi bán. 
Ở không lâu ngày Long cũng muốn làm việc gì đó cho giản gân cốt nên đồng ý liền. Hai người xách búa xách cưa lên đồi đốn cây thông lớn cưa ra làm củi để bán. 
Suốt hai ngày trời, lớp cưa, lớp bửa, lớp chẻ, lớp phơi, vỏn vẹn chỉ được hai thước củi. 
Xuống chợ hỏi giá những người cần mua, người ta cho biết mỗi mét củi giá 10$, tính ra một ngày công chỉ có 5$,  nhớ lại thời gian mua bán hàng lậu trên biển, tiền bạc làm ra quá dễ dàng, không biết tiếc kiệm để dành khi cần, không bao giờ nghĩ tới ngày mai, Long chợt hối hận vô cùng.
Bài học quí giá đó mang theo Long suốt đời.

Rồi Long cũng được tuyên thệ sau thím Ba một tuần lễ. Mười chín tháng trên đảo, giờ ánh sáng mới vừa hé mở. Long dùng gần hết số tiền còn lại để sửa soạn cho ngày rời đảo, chàng mua một cái va li nhỏ, đôi giày tây và may hai bộ đồ mới, hôm tuyên thệ người ta hỏi Long có thân nhân ở Mỹ không, Long mạnh dạn trả lời có, vị hôn thê của mình rời đảo bảy tháng trước rồi, người phỏng vấn hỏi chàng địa chỉ ở Mỹ.
Long lắc đầu, anh ta ái ngại nhìn Long nói:
- Chúng tôi sẻ cố gắng liên lạc tìm dùm anh, nhưng trong một tháng không tìm được bắt buộc chúng tôi sẽ giao anh cho một hội nhà thờ nào đó, sang Mỹ tự anh đi tìm lấy. Rồi anh ta hỏi thêm:
- Để cho việc tìm kiếm mau hơn, anh có biết cô ta ở thành phố hay tiểu bang nào không vậy?
- Hình như là San Francisco tiểu bang California thì phải.

Đến nay đã hơn ba tuần mà chưa có tin tức gì, Long hơi thất vọng. Hôm tiễn thím Ba rời đảo Long bần thần khó chịu, khi nhìn ba người chỉ ôm trong mình bọc quần áo cũ rích, Long nghĩ thầm, mình độc thân cần gì va li đẹp thôi thì cho hai đứa nhỏ để chúng nó mừng, qua Mỹ có Mỹ Ngọc rồi đâu cần lo lắng gì nữa .Thế là chàng đem chiếc va li duy nhất của mình đưa cho thím. Thím Ba từ chối mấy lần không chịu nhận, nhưng Long cười nói:
- Thím cứ lấy đi không cần phải ngại, qua Mỹ tôi sẻ liên lạc đòi tiền lại chứ có cho không đâu mà thím mừng.
Thím Ba cảm động nói cám ơn nhiều. Trước khi xuống tàu ra đi, thím còn nhắc hai ba lần:
- Thầy nhớ nghen, địa chỉ của ba xấp nhỏ tui đưa cho thầy rồi đó, tới Mỹ là phải viết thơ liền, còn như không gặp được cô Ngọc thì sang Ohio ở với tụi tui cho vui...

Hai tuần sau Long rời đảo. Ngồi trên chiếc tàu cao tốc sang trọng của Cao Ũy liên hiệp quốc Long không biết mình đang vui hay có chút buồn. Con tàu từ từ rời xa cầu supply để lại sau lưng biết bao kỷ niệm vui buồn của 19 tháng qua. Hòn đảo nhỏ dần theo tầm mắt, mà hình ảnh từ ngày mới đến, cho tới lúc cùng Ngọc yêu nhau, cứ chập chờn lúc ẩn lúc hiện, như những đoạn phim không đầu, không đuôi nối tiếp chạy vòng vòng...

Hai chiếc xe bus chở gần 100 người tị nạn đổ trước trại chuyển tiếp tại Kuala Lumpur thủ đô Mã Lai. Mọi người sau khi làm thủ tục nhập trại, được ban điều hành hướng dẫn về chỗ ở cùa mình. Vì là trại chuyển tiếp chỉ ở tạm một vài ngày rồi lên máy bay đi định cư, nên Cao Ũy tổ chức rất là đơn giản. 
Trại được cất thành những căn nhà không vách ngăn, mỗi cái dài chừng năm chục mét, chính giữa là đường đi lại, hai bên hai dãy giường ngủ, trên dưới đều nhau. Mỗi người được cấp một giường ngủ, cơm ngày hai bữa xếp hàng lãnh, không cần phải nấu nướng, nước được cấp một thùng để rửa mặt, lau mình, còn tắm thì chắc là không đủ rồi.
Thông thường hôm sau  khám sức khoẻ, nếu không có gì trở ngại ngày thứ ba lên phi cơ đi định cư, vì vậy cho nên dân tị nạn rất sợ nghe loa phóng thanh gọi tên mình trong ngày thứ nhì. Nếu xui rủi bị gọi tên, có hai bệnh thường gặp, thứ nhứt máu dơ, thứ nhì nám phổi. 
Bệnh máu dơ là trong máu có chứa các loại vi trùng do chơi bời bậy bạ mà ra, bệnh này chỉ cần uống trụ sinh hai tuần lễ có thể lên phi cơ được rồi. Còn nếu bị nám phổi thì coi như bị tuyên án tù khổ sai, nhanh nhất là một năm, sau một năm thử lại, nếu mà vẫn còn bị, thì tiếp tục uống thuốc nữa .

Không biết có phải số khổ của Long chưa tới hồi kết thúc hay sao, mà chiều ngày thứ nhì Long được thông báo bị nám phổi, nghe xong Long tối tăm mặt mũi, trời đất như quay cuồng sụp đổ. Mười chín tháng ở đảo đã mõi mòn lắm rồi, tiền bạc thì cạn sạch mà giờ đây lại phải nhận án tù khổ sai một năm, thật là không có gì chán bằng. 
Long uể oải xách túi quần áo chuyển qua khu B. Ở khu B cũng không khác khu A là mấy, mọi sinh hoạt đều giống nhau, chỉ hơn được cái là nước cấp hai thùng để có thể tắm giặt. Tại đây có năm dãy nhà chia thành năm láng, mỗi láng chứa hơn trăm người, Long được vào thế chỗ một người vừa hết hạn tù mới đi định cư hôm qua.Trên Long là Tấn một thanh niên quê ở Gành Hào, Cà Mau. Những người xung quanh nhiều vô số kể, Long quá chán nản nên chả thèm để ý đến họ. Có gia đình bảy, tám người, chỉ vì một người mắc bệnh phổi mà cả bọn bị nhờ nên cùng nhau kẹt lại hết.
Thằng Tấn có thâm niên chín tháng vì thế nó bắt đầu vui vẻ yêu đời, nó thường vái trời phật phù hộ cho kỳ tái khám tới được khỏi bệnh. Nó nói:
- Kỳ tới tái khám, em mà dính nữa, chắc là em tự vận mất thôi, chớ sống làm sao nổi.
- Tại sao phải tự vận, không khỏi thì uống thuốc tiếp cho tới khi hết bịnh, mắc chứng gì mà tự vận?
Nó buồn buồn trả lời:
- Anh không biết đâu, mới hai tháng trước có người tái khám bị kẹt lại lần nữa, anh ta chán nản quá, ra cái cây cao phía sau, thắt cổ tự tử, bây giờ không ai dám ra đó vào ban đêm nữa. 
Những người trong trại thấy vậy tổ chức tuyệt thực tập thể, để phản đối, đòi phải được đi định cư và trị bịnh bên Mỹ. Long tò mò hỏi:
- Rồi sau đó thế nào? Có gì thay đổi không? Hay là vẫn như cũ?
- Thay đổi thì chưa, do số  người tham gia tuyệt thực quá đông, nên phái đoàn Mỹ hứa giải quyết nhanh chóng, nhưng tới hôm nay cũng vậy, chưa thấy gì khác lạ.

Cuộc sống nhàm chán ở trại chuyển tiếp, chậm chạp, lặng lẽ trôi qua trong âm thầm, sáng xếp hàng lãnh cơm sáng, trưa xếp hàng nhận nước tắm, chiều xếp hàng lãnh cơm chiều. Cả ngày chỉ mỗi có việc xếp hàng, xếp hàng và xếp hàng. Buổi tối Long và Tấn thả bộ lòng vòng trong hàng rào của khu trại, nhìn người đi lại bên ngoài mà thèm sự tự do chạy nhảy, có khi hai anh em ngồi trong căn tinh nhâm nhi cà phê thuốc lá, tuy là được khuyên bỏ thuốc nhưng mà buồn chán quá, không hút thuốc thì làm gì nhỉ?
Ba tuần sau một biến cố lớn xảy ra, làm cả trại mừng như được tái sinh. Mỹ giải quyết khẩn cấp cho đi định cư tất cả những ai bị bệnh phổi, một tuần sau khu B hoàn toàn trống trải Long được rời trại đi Mỹ trên chiếc Boeing 747 trong một đêm đẹp trời, xếp lại sau lưng, hai mươi tháng nhọc nhằn, vui buồn lẫn lộn với một cuộc tình không đoạn kết...

   (Còn tiếp...Nếu các bạn muốn biết kết cuộc ra sao xin mời xem tiếp phần sau "Chuyện tình  trên xứ Cờ Hoa" tức là KKCĐ từ kỳ 17 trở lên thì sẽ rõ)

Lanh Nguyễn




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét