Thứ Tư, 4 tháng 1, 2017

Khoảnh Khắc Cuộc Đời - Kỳ 62

Truyện ngắn nhiều kỳ của Lanh Nguyễn


Bây giờ thì Long có cuộc sống hơi thừa thời gian. Trước đây thay vì chạy theo thời gian không kịp thở. Bây giờ chỉ có mỗi việc đi làm. Cơm nước thì chị Thủy và hai cô em nấu sẵn, quần áo thì dưới tầng hầm đã có máy giặt, máy xấy ở đó, tiện lợi vô cùng. Còn chuyện học hành sau thời kỳ bỏ bê do phải giúp người mới tới, lại thêm dọn nhà, rồi chỗ ở không yên nên Long bỏ học luôn.
Cũng vì bỏ học dọn nhà nên không còn gặp lại Mỹ Ngọc. Phước cũng đổi đối tượng để theo đuổi nên nó cũng không còn đến tìm Thông và Như Loan nữa. Buổi chiều trước khi Long đi làm Hùng thường tới chơi rồi khi chàng rời khỏi nhà nó vẫn còn ở lại...
 Nhiều thời gian dư thừa quá, cho nên Long thường viết thư kể chuyên ở San Francisco từ cảnh trí thành phố, sinh hoạt của dân chúng, rồi tới chuyện xảy ra trong chỗ làm nhất, nhất Long đều kể cho Ngọc Lan nghe. Hai người tuy sống ở hai thành phố khác nhau nhưng cũng có nhiều ấn tượng trong đầu về thành phố phía bên kia. 
Trò chơi kết bạn thư tín nầy xem ra rất thú vị. Thuở còn đi học Long thường thấy trên báo mục nầy, nhưng mà làm gì có cơ hội để tham gia. Cho nên bây giờ có dịp chàng cố hết sức mình, nắn nót từng chữ viết, từng câu văn để mỗi tuần viết cho Ngọc Lan một lá thư...
Trước đây mỗi sáng Long thường thức giấc lúc 10 giờ để chuẩn bị cho buổi ăn sáng rồi đến trường. Bây giờ không đi học, khoảng thời gian đó thật không biết dùng để làm gì. Đem băng cát-sét ra nghe hoài cũng chán. 
Long nhìn quanh căn nhà mình ở thấy màu sơn đã cũ lại còn có nhiều nơi nổi mốc nên đề nghị với chị Thủy để cho mình sơn lại. Sơn nhà thì cũng chỉ mất có mấy hôm, rồi thời gian trống trải cũng trở lại. Long bắt đầu kéo dài giờ ngủ ra thêm, nhưng mà thói quen đã có từ lâu nên rất khó thích nghi, chàng chỉ nằm đó thôi chứ không ngủ được.

Chị Thủy và Kim Liên thì học buổi sáng, nên 12 giờ tan học, 15 phút sau đó là đã về tới nhà rồi, họ cũng chẳng có chuyện gì làm sau khi ăn cơm trưa xong. Ba người thường hay đấu láo cho vui để giết thời gian. Long hỏi:
- Chị học Anh văn thể nào rồi? Nhắm đến khi hết trợ cấp đi làm được chưa?
Chị ta cười trừ:
- Học chơi cho có, chứ học chữ sau quên chữ trước mất tiêu, có nhớ được gì đâu. Điệu nầy hết chợ cấp không biết lấy gì mà sống đây?
Long nghe vậy thì hồn vía lên mây. Thôi chuyến nầy bỏ mạng nữa rồi. "Chạy ông mồ gặp ông mả", đúng là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Chàng cố tươi cười nói:
- Hay là chị chỉ học đàm thoại thôi, khỏi cần nhớ mặt chữ.
Chị Thủy ngạc nhiên hỏi lại:
-Cậu nói vậy nghĩa là sao? Nói dễ hiểu chút coi.
Long vừa buồn cười vừa tội nghiệp chị ta nên từ từ giải thích:
- Nghĩa là chị chỉ học thuộc lòng những câu dùng để nói chuyện thông thường hằng ngày mà thôi, còn mặt chữ thì chị không cần nhớ làm chi cho nhức đầu.
Kim Liên nghe vậy thì mừng lắm reo lên:
- Được à, cái đó thì em chịu, học cách nào chỉ cho em với.
Long dắt hai người vào tiệm bán sách, tìm mua cho họ những bộ sách học anh ngữ đàm thoại cấp tốc, vừa có luôn băng cát-sét trong đó.

Chị Thủy hồi ở Việt Nam làm thợ cắt tóc cho nên Long hỏi:
- Hồi xưa chị cắt tóc cho nam, hay cho nữ vậy?
Chị Thủy trả lời :
- Nam, nữ gì cũng có, mà uốn tóc thì nhiều hơn.
- Vậy sao chị không thử làm nghề cắt tóc lại coi. Mà chị cắt tóc cho đàn ông bằng tông-đơ hay bằng kéo vậy?
Chị ta cười hì hì:
- Chời ơi, đã nói là thợ mà, tông-đơ hay kéo, cái nào mà xài hỏng được? 
- Vậy để chủ nhật, tôi dẫn chi đi mua đồ nghề, rồi mình tìm khách  quen làm ở nhà thử xem sao.
Chị Thủy cũng khéo tay lắm, lúc ban đầu thì Long hy sinh đưa đầu mình cho chị ta thử, thấy cắt coi cũng đẹp nên mấy đứa kia đồng ý cho chị cắt, để tiết kiệm tiền. 
Ngoài tiệm người ta cắt 5$ một cái đầu, chị chỉ lấy 3$ thôi, tuy sự cách biệt không nhiều, nhưng đối với những người nhận tiền trợ cấp, hay đi làm với đồng lương thấp thì nó cũng đáng kể lắm.
Kim Liên khi thấy chị Thủy làm ăn có đồng ra đồng vào thì hỏi Long:
- Em ở Việt Nam làm thợ may đồ đó. Anh xem coi ở đây em làm được gì?
- Cô may được đồ gì nói thử xem.
Kim Liên hãnh diện trả lời:
- Quần tây, áo sơ mi, áo kiểu thứ nào may cũng được. Nhứt là quần tây em mà nhìn thấy kiểu mới là nhái lại y chang.
Long cười pha trò:
- Thôi vậy là cô giàu to rồi. Ở đây tôi thấy trong mấy tiệm bán quần áo, người ta bán một cái  quần mấy chục đồng, mà tiền vải có vài đồng thôi. Mua đồ may sẵn còn không vừa ý nữa, vì vậy tôi chỉ mặc toàn quần Jean cũ, mua ở Goodwild mà thôi.
- Anh nói nghe thấy ham, nhưng mà làm cái gì thì không chịu chỉ gỏ cho người ta biết.
Long thôi cười nói:
- Trước tiên mình nên tìm mua một cái máy may, loại lớn. Nếu có ai đặt may quần áo thì cô may, không có người đặt may thì tôi đi nhận hàng đem về cho cô may gia công, kế bên hảng tôi làm, có nhiều hảng may đồ lắm. Cô thấy thế nào?
Kim Liên cười nói:
- Chời ơi! Em là thợ may chánh hiệu con nai vàng mà, biểu em may đồ gia công thì chết còn sướng hơn.
Long phân bua:
- Tôi không có kêu cô may gia công, mà chỉ nói, nếu không có ai đặt may quần áo kìa. Còn cô mà may đẹp thì thiên hạ kéo tới rần rần, chừng đó giàu có mấy hồi.
- Nhưng mà biết mua cái máy may ở đâu bây giờ?
- Chuyện đó thì cô khỏi lo, tôi sẽ đi hỏi dùm cho cô.
Rồi Long cũng tìm mua dùm Kim Liên được một cái máy may công nghệ loại lớn, chàng còn dẫn nàng đi vô những tiệm bán quần áo nổi tiếng để nàng xem những kiểu quần mới.
 - Đồ nầy cô muốn xem kỹ thì tôi sẽ mua đem về cho cô nghiên cứu, bao giờ xem xong rồi thì đem lại trả, miển là đừng làm dơ của họ là trả  lại được. Long nói cho Kim Liên biết.

Vậy là Kim Liên coi như có một tiệm may tại tư gia. Mới đầu có ít người quen đặt may quần tây, hoặc lên lai quần mua ở chợ, dần dần được mọi người giới thiệu cho nhau, Kim Liên cũng kiếm được không ít tiền hàng tuần. Hai người có thu nhập, không biết họ vui mừng ra sao còn riêng Long thì trút được nổi lo sợ, ám ảnh trong lòng...
 Cuộc sống êm đềm, bình dị trôi qua, những điệp khúc nhàm chán đó cứ lập đi, rồi lập lại không có gì thay đổi.
 Sáng sớm Khi Long còn ngủ thì 3 người kia đi học, trưa về cơm nước xong đôi khi có người tới cắt tóc hay đến may quần áo, lúc thì Kim Liên và chị Thủy cùng bận rộn bù đầu, có lúc họ cũng ngồi không, sơn móng tay. Còn Long thì, từ lúc ngủ thức dậy cho tới chiều đi làm chẳng có gì để làm cả. Nhất là buổi sáng, nằm lăn qua, lăn lại trên giường, nghỉ đến những ngày bận rộn ở Ohio, rồi bổng dưng nhớ dai dứt về Nhung nhớ những ngày thứ bảy đi chơi cùng nàng và hai đứa nhóc tì, nhớ qua tới Julia với những đêm ái ân cuồng nhiệt, nhưng hai người đó như bóng chim tăm cá, không biết ở nơi nào...
Những nỗi buồn vô cớ cứ nối tiếp nhau đến rồi đi, qua rồi trở lại. Long chỉ còn biết chia sẻ với người bạn mới chưa biết mặt, bằng những dòng thư mà thôi. 
Cho đến một buổi sáng mùa thu trời còn xe lạnh, Long đang quấn mình trong chăn với giấc ngủ êm đềm, thì cửa nhà có ai mở. Long không buồn mở mắt cho tới khi có người kéo tấm chăn phủ đầu ra nói:
- Anh thức dậy đi, cạo gió dùm em một chút coi, em ớn lạnh quá chời nè.

(Còn tiếp Xin xem tiếp kỳ 63)

Lanh Nguyễn





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét