Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

Năm Dậu Nói Chuyện Gà

Truyện ngắn của Lanh Nguyễn


"Gà Tình Nghĩa"
Còn hơn tuần lễ nữa là đếnTết con gà rồi. Thay vì đi tìm tài liệu để viết về những biến cố trọng đại xảy ra trong lịch sử của những năm Dậu hay là những điển tích nói về gà để viết cho quý vị xem chơi trong ba ngày xuân tui lại có tật lười lại không chịu khó, thôi thì xem đở câu chuyện gà bên lề đi nghen...

Gà có rất nhiều loại có thể tôi không kể hết nhưng mà cũng ráng thử xem, tới đâu hay tới đó.
Trước tiên thứ gà mà tôi thích nhất là "gà nòi" người Bắc gọi là gà chọi. 
Gà nòi nuôi để đá, chứ không phải nuôi để ăn thịt, vì thịt gà nòi dai nhách, lúc trẻ ăn còn không nổi, huống hồ già rồi, ăn phải thịt gà nòi thế nào cũng phải tới thăm nha sĩ.
Tuy thích gà nòi, thích coi đá gà, nhưng vốn làm biếng, tôi lại không thích nuôi chúng, vì mấy tay chủ gà nói lung tung quá, không tài nào nhớ nổi, nào là phải nuôi chúng trong lồng, phải dẫn chúng đi quần sương, phải phun nghệ phải làm tùm lum tá lả... nghe là đã nhức đầu rồi...
Dù rất thích coi đá gà nhưng tôi lại không bao giờ dám cá độ, lý do đơn giản là tôi không biết coi vẩy, cũng như không biết ghép cựa... nên sợ thua tiền. Thằng bạn hiền ở xóm hay nói:
- Hổng biết gì ráo trọi mà hể ở đâu có đá gà là mầy đòi theo coi, coi để lượm xác gà thua về nấu cà-ri hả?
Có lần tụi tôi nấu cà-ri thiệt, nhưng chỉ húp được nước mà thôi còn thịt gà nòi thì nhường cho anh mực chị phèn. 
Nghe nó hỏi vậy tôi trả lời:
- Hổng biết mới muốn đi coi để học hỏi chứ, không học làm sao mà biết để khi cần thì giúp mầy?
Nhưng thấy vậy chứ nuôi gà đá khó lắm, học chưa xong thì bị mất Nước. Lúc ban đầu chánh quyền CS cấm không cho cờ bạc, cá độ nên các trường gà bị dẹp. Rồi thì vượt biên qua Mỹ cái vụ đá gà được gán cho cái tội hành hạ súc vật nên họ cấm còn dữ hơn do dzị mà chưa học được...

Gà tre, là loại gà nhỏ con nhưng đẻ say dữ lắm, một con gà mái có thể đẻ từ 16 trứng trở lên mới chịu ấp, nhưng trứng gà tre đã nhỏ mà gà con lại càng nhỏ hơn, nên ít ai chịu nuôi loại gà nầy để ăn thịt. Vậy mà thằng em rể tôi 6 năm trước hổng biết ai dụ nó nuôi gà tre làm kiểng. Thấy nó bày binh bố trận cất chuồng giăng lưới để nuôi gà kiểng tôi can:
- Gà tre có gì đẹp mà nuôi? Hơn nữa nó ị thúi cả nhà làm sao mà làm kiểng cho được? Nuôi ăn thịt thì nhét kẻ răng còn không đủ, đâu có thịt thà gì, coi chừng bị lỗ tiền cất chuồng à nghen.
Nó cười tươi như hoa nở, rồi hăng hái trả lời:
- Mấy anh cán bộ miền Bắc trong cơ quan nói "ở ngoài ấy người ta mua gà tre làm kiểng giá tới mấy triệu đồng một con" lận đó anh hai.
Tôi ôm bụng cười, nhớ lại hồi năm 1975 thuở mà cán bộ ngoài Bắc vô Nam đi đâu họ cũng tuyên bố: 
Ti-vi ngoài Bắc chúng chạy đầy đường, còn cà chớn thì nhiều vô số kể ăn không hết phải đem làm dưa nữa đấy.
Tôi định nhắc lại chuyện cũ cho nó nghe nhưng sợ nó giận, nên đành lái câu chuyện qua ngã khác:
- Em cói chừng bị họ gạt, tốn công, mất của.
- Hổng có đâu, tụi nó nói nuôi đi, mỗi con gà trống lớn nó mua lại 500000 đồng. 
Tôi cố công giải thích cho nó nghe:
- Có giá vậy, tại sao tụi nó không nuôi mà kêu em? Đâu có ai dọn sẵn cơm cho em ăn bao giờ.
- Tại tụi nó không có đất rộng để nuôi thôi, còn nhà mình thì đất thênh thang không nuôi uổng, tiền vốn đâu có bao nhiêu.
Vậy là nó xây cái chuồng gà tre "hiện đại" lại được tay cán bộ khác giới thiệu mua cặp gà giống 500000 đồng.
Lâu lâu tôi hay gọi về thăm mấy đứa cháu, mỗi lần nói chuyên với chúng xong, tôi không quên hỏi xem gà tre của ba tụi nó ra sao...
Tới khi gà lớn thì tay cán bộ cho biết: "bây giờ ở ngoài đó gà tre nhiều quá rồi" nên không ai mua nữa, vậy là cái chuồng gà "hiện đại" của nó trở thành chuồng gà "hại điện"...

Gà mọi, không biết tại sao mấy đứa em bạn dì của tôi gọi là gà mọi. Nó là giống gà có ít lông giống như gà nòi, nhưng lại không phải gà nòi để đá mà là nuôi để làm thịt ăn, chúng được đồng bào Thượng ở Kon-Tum nuôi, đồng bào Thượng không dùng lúa hay bắp làm thức ăn nuôi gà, mà chỉ thả lang cho chúng ra ngoài tìm sâu bọ, côn trùng ăn. Thịt chúng rất ngọt, không mỡ, da giòn, không dai mấy, nếu so với gà của dân quê, vùng đồng bằng nuôi, thì thịt gà mọi ăn ngon gấp mấy lần, nhất là món gỏi gà... Vợ chồng tôi được dịp thưởng thức là nhờ lên thăm người dì thứ Tám ở trên đó...

Gà ác, lông màu trắng nhưng da lại xanh đen, nhìn vô là không dám ăn rồi, nhưng ông già vợ tôi nói "Bổ lắm, tốt cho sức khoẻ của mầy ". 
Ba vợ tôi, thấy tôi đi làm ban đêm, đôi khi ban ngày phải thức sớm để chở ông đi nơi nầy, nơi nọ khi cần, cho nên hốt về cả đống thuốc bắc để tiềm gà ác. 
Ông ta vốn là Thầy thuốc Bắc hồi xưa, cho nên vụ nầy ổng rành sáu câu. Tuần nào tôi cũng phải xực một nồi "gà ác tiềm thuốc bắc", thấy thịt gà ác có màu đen đen, tôi hơi ớn, cho nên tôi chỉ có húp nước và ăn thuốc mà thôi, còn thịt gà thì chừa lại, bà xã tôi tiếc của nên xơi luôn, bỏ uổng... 
Món nầy bổ béo đâu không thấy, chỉ nghe bà xã khen ngon. Thiệt là chồng uống thuốc mà vợ khen ngon lạ đời...

Gà nhà. Ở thôn quê hồi xưa coi như mỗi nhà đều có nuôi gà, không nhiều thì ít. Gà nuôi để dành đãi khách hoặc làm đám tiệc, túng túng, thiếu tiền thì chộp một vài con đem ra chợ bán lấy tiền xài đỡ. 
Gà nhà thường nuôi là gà mái để cho nó đẻ vừa lấy trứng, vừa ấp trứng lấy con, còn gà trống khi lớn lên chút xíu là bị bắt làm thịt rồi, chỉ để lại một con gây giống mà thôi, vì vậy một nhà có vài chục con gà mái mà chỉ có một anh gà trống. Ấy vậy mà đôi khi nhà kế bên hơi nghèo một tí thì họ sẽ không nuôi con gà trống, để đở tốn lúa. Thế là anh gà trống nhà lân cận kia trúng mánh, anh ta ra tay tế độ gây giống dùm cho lối xóm. 
Gà mái có mòng nhỏ, màu nhạt, lúc chưa kêu ổ thì mặt tái mét, chỉ khi kêu "cót cót" thì mòng mới hồng lên chút xíu, lúc đó chị ta mới đi tìm gà trống. Nếu không có gà trống thì trứng gà chỉ để dành uống soda sữa mà thôi, không nở ra con được. 
Có điều lạ, tôi để ý thấy, đám gà nhà có 2 vấn đề mà tôi nghĩ hoài hổng ra. 
Thứ nhất gà mái hổng thấy ghen, một anh gà trống đi đâu chỉ cần quào quào cái chân dưới đất, mồi màng có hay không cũng chẳng cần biết, vậy mà một đàn gà mái ùa vào theo, gà trống đúng là sướng thấy sợ...
Thứ nhì nhà nào khá khá có khi chừa tới hai con gà trống, vậy mà anh em nhà gà chia đều mấy chị gà mái ra để gieo giống, gà trống cùng nhà, tôi chưa hề thấy chúng đá nhau, chỉ khi nào nó nghe tiếng gáy của gà hàng xóm thì nó mới ngứa mình mà gáy lại thôi.
Có thằng chơi cắc cớ lấy lọ nghẹ đen bôi lên mòng gà trống, anh em nhà gà nhìn nhau không được, thế là choảng nhau quá cở thợ mộc, tới khi máu rửa sạch lọ nghẹ thì chúng mới hiểu ra mình bị gạt nên lầm... buồn thay...

Gà móng đỏ. Móng gà nguyên thủy màu vàng nhợt. Sở dỉ tôi gọi là gà móng đỏ vì có lần tôi xem phim bộ "Xóm gà" thấy cái tựa phim tôi cứ tưởng nơi đó có trường gà đá độ ăn tiền, vì khoái gà nòi nên tôi hăng hái xem thử coi mấy tay tổ đá gà, họ xem lông, xem vẩy gà độ như thế nào. Coi hoài mà hổng thấy trường gà ở đâu mà chỉ thấy... 
Vậy thôi nghen, tôi không kể được, sợ bà xã hát bài “tím bầm" thì tội cho hai cái bắp vế lắm. Bạn nào muốn biết gà móng đỏ ra sao thì mời xem phim “Xóm gà" sẽ rõ...

Gà tình nghĩa, tên nầy là tự tôi đặt ra để kể cho cạc bạn xem chứ không có ai gọi như vậy đâu, đừng tra tự điển mất công. 
Số là lúc má tôi còn tại thế, năm nào tôi cũng dùng mấy tuần lễ vacation để về thăm, có khi đi cả nhà, nhưng thường nhất là đi một mình, tôi vốn không phải dân có tiền cho nên vấn đề quà cáp cho bà con bạn bè lối xóm rất ư là hạn chế, ngoài những chiếc quần jean cũ mua ở Goodwill, có khi được đám bạn ở Mỹ cho, tôi chỉ mua thêm dầu gió nước xanh và xà bông tắm cũng như ít thuốc hút mua trên phi cơ... mà thôi
Sở dỉ có cái màng cho quần jean cũ là vì lần đầu tiên khi tôi về, mấy thằng bạn thấy tôi mặc quần jean cũ tụi nó nói:
- Quần nầy thấy chắc lắm, lội ruộng hết cả năm hổng chừng còn chưa rách nữa à.
Mấy đứa con của tụi nó la lên:
- Trời, trời, đồ "mốt" hiện đại của người ta mà ba nói để dành lội ruộng, quần nầy càng cũ màu càng bạc, mà càng bạc màu thì càng đẹp, càng rách càng tốt, khỏi phải vá...
Lần đó tôi trở về Mỹ chỉ còn lại một bộ đồ dính da, mấy lần sau về tôi cộ đủ 2 thùng, mỗi thùng 70 lb nhưng xóm tôi vốn là nghèo rớt mùng tơi cho nên hai thùng hàng đó chỉ như là hạt muối bỏ biển mà thôi ...

Tôi nhớ có lần sắp đến ngày trở lên Sài Gòn để về lại Mỹ,  đang ngồi đấu cờ tướng với chú Sáu Đông thì Út Phước đem tới một con gà mái tơ đưa cho má tôi, cô ta nói :
- Thím Hai! Ba con biểu "Đưa cho thiếm con gà nầy làm thịt đãi anh hai, ảnh sắp trở về Mỹ rồi".
Các bạn biết đó, ở bên nầy ngày nào cũng thịt gà, thịt heo ăn riết rồi ngán bỏ xừ, cho nên về Việt Nam tôi chỉ khoái thịt chuột, cá lòng tong, cá chốt kho tiêu hay là mắm kho, mắm chưng mà thôi... nhưng ở xứ mình mấy thứ đó thường quá, để dành cho dân ruộng, nó không quý chút nào, muốn đãi Việt Kiều phải là gà vịt. Nhưng xóm nghèo mà, gà vịt rất hiếm, hơn nữa lúc đó vừa trải qua cơn chết đói hụt nên dân xóm tôi còn thê thảm lắm, vậy mà ba Út Phước đem đãi tôi con gà mái tơ. Má tôi đời nào chịu lấy bà nói:
- Con đem về đi, anh hai con nó chỉ khoái thịt chuột thôi. 
- Nhưng chuột thì mấy anh kia ngày nào cũng đem tới, nhà con mấy kỳ rồi đâu có cho anh hai món gì. Lần nầy thím mà không nhận thì ba con đem quà của anh hai trả lại đó.
Vậy là ngày hôm đó tụi tôi đành phải nhậu gỏi gà chứ hổng phải chuột nướng ngũ vị hương. Trận chiến vừa bắt đầu chưa được bao lâu thì Sáu Hiền tới nhập bọn, nhìn thấy gỏi gà trộn rau ghém y lên tiếng:
- Sao vậy? Hôm nay ngán hương đồng cỏ nội rồi sao mà chơi thịt gà vậy?
- Làm sao mà ngán đặc sản quê mình được? Mới ăn có mấy ngày thôi mà, chỉ tại Bác Ba đem con gà qua cho, không làm thịt nó thì sợ ổng buồn, chứ thứ nầy tao ngán thấy bà cố...
- Cha chả, ông nầy chơi trội à nghen, dám đem con gà mái giống ra đãi mầy tao cũng phục ổng luôn.
- Mầy nói cái gì? Gà giống hả? Là sao ? Nói rõ coi ...
Sáu Hiền chưa kịp trả lời thì thằng cháu tôi lên tiếng kể:
- Hôm qua cậu đang nói chuyện bên nhà cậu Tư, con thì đang bàn công việc với dì Út phía trước, con nghe ông Ba và bà Ba nói chuyện ở nhà sau như vầy:
- Tối nay bà bắt con gà mái tơ của mình, cột sẵn để sáng kêu con Phước đem lại đằng thím Hai cho, mà đáp lễ nó.
- Trời đất ! Nhà mình còn chỉ có một con duy nhất làm giống, cho nó rồi lấy gì gầy giống để sang năm làm đám giỗ bà nội xấp nhỏ?
- Sang năm còn lâu mà, tới đó rồi hãy tính, chứ bà nghỉ coi năm nào nó cũng đem đồ về cho mình hết, mà mình với nó có bà con bà kía gì đâu? Nhận của người ta hoài không cho lại coi sao được?
- Ừ! Ông nói nghe cũng phải, nó chẳng qua là bạn của con mình thôi, lấy đồ của nó hoài không cho lại thì mất mặt con mình quá...
Tôi đang gấp miếng gỏi gà chấm muối ớt, có lẻ chấm nhiều ớt quá nên cay, nước mắt chợt muốn ứa ra nên vội vàng lấy tay dụi mắt, mấy thằng bạn thấy vậy hỏi:
- Mầy bị gì vậy? Bộ bây giờ ăn cay không nổi nữa à.
- Nổi chớ, nhưng hổng biết đứa nào chơi ác, muối không để nhiều mà để toàn là ớt hiểm nên cay muốn chết luôn...
Tôi kêu thằng cháu vô buồng hỏi nhỏ:
- Nhà ông Ba bây giờ nghèo lắm hả con?
- Cậu nghỉ coi, mấy dì, mấy cậu con ông Ba có gia đình ở riêng hết rồi, ông bà Ba sống với dì Út Phước mà dì Út đi dạy như mẹ con, lương tháng còn chưa đủ cho dĩ xài. Hai ông bà còn có 5 công đất làm ruộng sống đấp đổi thôi. Mà hổng phải chỉ có nhà ông Ba nghèo đâu, xóm mình ai cũng nghèo sặc máu hết...
Tôi chợt hối hận vì đã kêu tụi nhỏ cắt cổ con gà giống, suy nghỉ mãi không biết làm thế nào để chuộc lại lỗi lầm ham nhậu của mình... Nhớ trước khi đi vượt biên có mấy lần tôi chở hột vịt từ lò ấp trứng đem lên Cần Thơ bán nên hỏi đứa cháu:
- Mấy lò ấp trứng vịt có ấp trứng gà hông dậy con?
- Có chớ cậu, bây giờ có nhiều người nuôi gà công nghiệp lắm đó.
Nghe tới gà công nghiệp là tôi chán rồi, gà nuôi hàng loạt trong chuồng, bằng thức ăn riêng của nó tuy là mau lớn nhưng mà thịt nhão nhẹt, mỡ một chống ăn chẳng có ra hồn gì hết, ở Mỹ tôi chỉ mua mấy cái cánh và đùi mà thôi, mấy phần khác thì không rớ tới, vì thế tôi nói:
- Gà công nghiệp chỉ có dân chợ ăn thôi, dân ruộng ai mà thèm.
Thằng cháu tôi giải thích:
- Cậu nuôi gà công nghiệp mà thả lang ngoài vườn tuy chậm lớn hơn nuôi chuồng nhưng thịt ngon hơn nhiều, lại ít mỡ.
Tôi kêu thằng cháu chở tôi ra lò ấp trứng, định mua chừng vài chục con gà con cho nhà bác Ba nuôi, ai dè họ nói muốn mua phải đặt trước 3 tuần thì mới có, tôi chán nản định kêu nó về nhưng thằng cháu tôi còn đang rù rì rủ rỉ gì với mấy người trong lò ấp trứng, không biết họ nói gì với nhau mà một lúc sau thì có người ra nói:
- Hiện tại đang có 250 con gà con nở được 5 ngày rồi, tụi tôi đang chờ người đặt hàng đến nhận, nhưng mà họ đã trễ hẹn hết một ngày rồi, nếu chú muốn mua liền thì phải lấy hết, còn không thì tụi tôi chờ người ta tới nhận.
Tôi hỏi ý thằng cháu thì nó nói:
- Nếu cậu có khả năng thì mua hết đi, rồi muốn cho ai tùy cậu, còn chuyện nuôi gà thì ai mà hổng muốn, lúc đầu chỉ cho chúng ăn tấm, mà gà con thì đâu có tốn bao nhiêu tấm, khi lớn lên thì mới cần lúa hay thức ăn gia súc, lúc đó mới cần nhiều tiền, nhưng mà nếu mình không có lúa thì bán lại ít con gà rồi mua lúa mấy hồi...
Nghe nó nói có lý tôi liền chơi luôn 250 con gà con và 5 bao tấm, rồi nhờ chủ lò chuyển luôn về nhà liền, tối đêm đó trước khi lên xe đò về Sài Gòn tôi dặn thằng cháu đem đám gà và mấy bao tấm chia lại dùm cho gia đình đám bạn ở xóm tôi...

Mấy tháng sau chưa tới ngày đám giỗ ba tôi thì nhà tôi gà tình nghĩa đã được đem tới cả chục con để cúng đám giỗ...

Lanh Nguyễn


5 nhận xét:

  1. Câu chuyện thật cảm động . Trong cái nghèo đói chất chứa một ân tình
    Nhà H Thị lúc giao thời cũng khổ tơi bời , bà mình gởi con gà cho bầy cháu , ba má tôi bàn với nhau đem con gà ra chợ bán thì sẽ mua đươc thúc ăn vài ngày. Còn đám em nheo nhóc của mình thì chầu chực sẻ được ăn cháo gà ... Khi dọ cơm lên chỉ thấy cá kho thì có đứa khóc không chịu ăn cơm ... Nghĩ mà thương
    Năm gà anh Lanh Nguyễn kể chuyện gà vui quá , thế mà H Thị lại cười ra nước mắt ,thiệt là tai...
    Cảm ơn câu chuyện rất đời thương mà làm đắng lòng người đọc

    Trả lờiXóa
  2. Hoa Trần tìm nơi đâu bầy gà con xinh xằn dễ thương quá chừng

    Thanks H Trần

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết cảm động quá a/LN ơi , ước gì dân VN mình đối với nhau còn được nghĩa tình tràn lan như vậy hé , vì bây giờ đọc truyện , nghe tin tức người dân nghèo khổ quá nên khg còn nghỉ đến sức khỏe cho nhau , cứ mà đầu độc lẫn nhau ... buồn và nản ghê .

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn Hoàng Thị và Katie. Lúc đầu tui cũng nghĩ như mọi người cứ tưởng là dân Việt Nam mình mất hết tình người rồi. Nhưng không đúng.
    Số người mất nhân tính thiệt đúng là đầy rẩy nhất là bọn tham quan đang thế chổ của các cường hào ác bá thời phong kiến. Nhưng những người có tấm lòng nhân ái giúp đở kẻ khốn cùng cũng phải là ít đâu. Vào dịp Tết người ta thể hiện nhiều nhất.
    Thôi thì chúng ta hãy làm cái gì mà mình nghĩ là đúng, không thẹn với lương tâm là được rồi. Còn người khác làm gì thì kệ họ. Tôi vẫn tin tưởng "Trời Cao Có Mắt".

    Trả lờiXóa
  5. Anh LN ơi!
    HT thấy rỏ rồi . Hồi xưa trời cao có mắt chứ giờ thì không có đâu anh . Ở Việt Nam giờ mấy tên " đày tớ " của nhân dân nó giàu lắm anh , anh có nghe câu nói là nhân dân làm chủ hông ? Đôi lúc đày tớ nó đành chủ thê thảm
    Anh nói tròi cao có mắt làm bà con ở Việt Nam nghe thêm đắng lòng....

    Trả lờiXóa