Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2017

Về Quê Ăn Tết

Truyện ngắn của Lanh Nguyễn

Những người sống ở tỉnh thành ngày xưa khi nghe hai tiếng "về quê" thì lúc nào cũng liên tưởng đến cảnh đẹp mơ màng thơ mộng mà các thi sĩ, văn sĩ hay nhạc sĩ mô tả. Nào là đồng lúa chín vàng thơm mùi rạ mới, nào là  lủy tre xanh uốn quanh con đường dẫn vào làng,  nào là cây đa rợp bóng trước cổng đình, con đò nhỏ với cô lái đẹp "nghiêng thùng đổ nước" v.v...
Nghe kể, rồi đọc nhiều tiểu thuyết viết chuyện đồng quê, thế nên Thưởng muốn về quê ăn Tết một lần cho biết, nó kêu Chi Huyền lại nói:
- Tụi mình năm nay theo thằng Long về nhà nó ăn Tết chơi cho biết đi. Hai mươi mấy cái Tết ở thành phố rồi, tao thấy chẳng có gì khác nhau cả. 
Phú ngồi ngắm cảnh trên băng đá kế bên tượng Đức Khổng Tử cũng góp ý:
- Ừ! Ý kiến hay đó! Tụi bây đi cho tao theo tham gia với.
Chi Huyền cười:
- Nhà mầy bên Chợ Lách cũng là miền quê rồi, về nhà thằng Long thì có khác gì nhau đâu? Vậy mà cũng đòi theo.
Phú gân cổ lên cải:
- Khác xa chớ mậy. Tại tụi mầy không biết nên nói vậy thôi.
Thưởng ngạc nhiên hỏi lại:
- Khác thiệt à? Đâu khác chổ nào mầy nói thử tao nghe coi. Nếu nói không thông phạt mầy 4 ly phê đá đó.
- Còn như tao mà nói đúng lý thì tụi mầy phải bao lại 4 ly sinh tố à nghen? Chịu thì thằng Long làm trọng tài vì nó ở quê nên biết rõ tao nói đúng hay sai.
Chi Huyền hùa theo:
- Chịu liền. Dù gì hai thằng tao có thua chỉ tốn thêm mỗi thằng một ly sinh tố, còn mầy thua thì bị tới 3 ly cà phê, lời quá mà, ngu sao không cá?
Phú cười hì hì:
- Vậy thì hai đứa bây chuẩn bị tiền xuống “Căn-Tinh" mà trả tiền sinh tố đi.
- Ba đứa bây nhiều chuyện quá, khác chỗ nào tao cũng muốn nghe mầy nói coi có lý không đây? Long chen vào.
Phú tằng hắng lấy hơi:
- Ba thằng bây ngoáy sáu cái lỗ tai mà nghe nhà thông thái phân tích nè. Tao chỉ đơn cử một vấn đề mà 3 đứa bây thích nghe nhất thôi.
Thưởng nóng ruột la lên:
- Sao mà mầy dài dòng quá vậy? Sợ thua thì thôi tụi tao không có ép đâu.
- Còn lâu. Muốn cá thêm gói Capstan hông? Phú trả lời.
Chi Huyền cười lớn:
- Đúng rồi! Uống cà phê mà thiếu thuốc hút thì giống như đi giầy không mang vớ thôi. Đâu có đúng điệu nhà nghề.Thằng nầy biết điều à. Chơi thì chơi chứ. Bộ tụi tao hai thằng không lẽ chạy mầy sao?
- Vậy thì tao nói cho tụi mầy nghe. Ở chỗ tao người ta trồng cây ăn trái như mận, chôm chôm, nhãn, xoài, mít, măng cục, sầu riêng v.v… nên thiên hạ gọi là miệt vườn; còn chỗ thằng Long trồng lúa không thôi, nên người ta gọi là miệt ruộng.
Chi Huyền ôm bụng cười ha hả:
- Vậy là mầy thua rồi. Nhà nó hè năm ngoái tao có xuống chơi. Sau nhà có trồng xoài, dừa, mít đu đủ nhóc luôn, thôi đi xuống  "căn tinh" trả tiền cà phê thuốc hút đi. Muốn đi chơi chung thì đi, ai mà cấm cản mầy đâu? Đừng bày đặt chuyện xạo lôi thôi quá.
Phú vẩn bình thản:
- Tao biết nói bây nhiêu đó, tụi mầy chưa thấy sự khác biệt đâu. 
Đúng! Miệt ruộng, chung quanh nhà người ta cũng có trồng cây ăn trái nhưng không nhiều, trồng để có bóng mát cho căn nhà là chủ yếu. Nếu chỉ nói có bây nhiêu thì đời nào tụi mầy chịu thua? Cái mà tao sắp nói thì tụi mầy sẽ cứng họng. Tâm phục, khẩu phục mà.
Thưởng nóng ruột không chịu nổi la lên:
- Vậy thì nói lẹ đi. Mầy chờ cho căn tinh đóng cửa rồi quỵt nợ luôn à?
- Muốn trả tiền sinh tố thì nghe nè. Con gái hai vùng khác nhau lắm. Tụi mầy đã từng nghe qua câu "Gái nào đẹp bằng gái Nha Mân". Mà Nha Mân hay Chợ Lách đều là miệt vườn trái cây, không khí trong lành mát mẻ, bóng cây râm mát suốt ngày, nước phù sa sông Tiền, sông Hậu làm cho làn da các nàng trắng mịn hồng hào nhìn thấy là hồn phiêu, phách lạc. Còn con gái xứ ruộng quanh năm dầm mưa dãi nắng, chân cẳng đống phèn, da ngâm ngâm đen, so với gái miệt vườn làm sao sánh nổi? Đúng hông? Vậy còn chưa chịu xuống căn tinh uống sinh tố sao?
Cả ba thằng yên lặng hồi lâu rồi Chi Huyền lên tiếng phản đối:
- Nước da ngâm ngâm đen, nước da bánh ít đó cũng là nét đẹp trông mặn mà, mạnh khoẻ, gái miệt vườn trắng đẹp nhưng yếu xìu dễ bệnh hoạn tốn tiền thuốc.
- Tao đâu có nói bên nào tốt bên nào xấu. Chỉ là phân tích sự khác biệt của hai miền thôi mà, thua thì chịu chứ cải chầy, cải chối đâu đáng mặt anh hùng mậy…

Vậy là ba mạng theo Long về quê ăn tết. Trưa ngày 26 Âm lịch cả bốn đứa về tới Mong Thọ. Chi Huyền nói:
- Xe của thằng Phú tính làm sao? Chở qua sông được không? 
- Chở qua sông làm gì? Thì gởi  chung một chỗ với xe tao luôn đi.
- Nhưng mà tao đâu có quen với chủ nhà. Phú nói.
- Mầy không quen nhưng tao thì quen. Nói chơi thôi, bà con ở xóm nầy tao đều quen hết, một chiếc hay một chục chiếc xe thì cũng gởi được không mất đâu mà sợ. 
Long chạy xe vào nhà chú Sáu Phát; hai đứa con chú chạy ra vòng tay:
- Thưa anh hai mới về.
Thím Sáu trong nhà sau ra hỏi:
- Long về nhà ăn Tết hả con.
Long cũng vòng tay đáp lễ:
- Thưa thím con mới về.
Rồi chỉ ra đường nói tiếp:
- Có ba đứa bạn con cùng về quê ăn Tết với mình. Thím cho con gởi thêm một chiếc xe nữa nghen?
- Thì con ra kêu tụi nó dắt xe vào đi. Chật một chút đâu có sao.
Long chưa kịp nói lời cám ơn thì chú Ba Tấn nhà kế bên đang đứng trước cửa nói vọng qua:
- Nhà anh Sáu phía trước chật lắm, con kêu tụi bạn dắt xe qua bên chú đi. Phía bên chú rộng hơn nhiều.
Rồi không đợi Long có đồng ý hay không, chú Ba đem tấm ván lót đường qua bắt lên thềm nhà mình, chú nói:
- Tụi cháu chạy xe vô nhà đi.
Ba thằng ở chợ ngạc nhiên quá đổi chỉ còn dương to sáu con mắt mà nhìn. Long lên tiếng:
- Nhìn cái gì? Mầy chạy lên miếng ván đó được không? Nếu không thì xuống xe tao chạy vô nhà cho.

Chiếc ghe tam bản nhỏ vừa cập bến.Thưởng mới vừa bước xuống thì một chiếc vỏ vọt chạy ào sát một bên, những lượn sóng đổ dập tới làm chiếc ghe chồng chành mạnh. Thưởng loạng chạng sắp té thằng Tài buôn cặp chèo bước tới chụp cứng, rồi đỡ Thưởng ngồi xuống. Nó cười nói với Long:
- Tao biết mấy anh bạn của mầy ở chợ, đi sông không quen nên đem chiếc tam bản qua rước, chứ nghe lời cô Vân bơi chiếc xuồng chắc là anh bạn nầy đã nhảy xuống sông mò cá chốt rồi.
Thưởng bị té hụt chưa hoàn hồn nói:
- Tại tao sơ ý đứng thôi, chứ đi ghe đi xuồng dễ ồm có khó chi mà sợ.
Bên kia bờ sông ba đứa em của Long và mấy đứa trẻ hàng xóm bu quanh đầu cầu, ghe vừa đến là chúng đưa tay ra kéo 3 chàng công tử lên bờ, rồi thi nhau chào hỏi. Long giới thiệu gia đình mình với ba đứa bạn, xong xuôi đâu đấy mới nói:
- Nước sông đang lớn, tụi mầy có muốn xuống tắm không? Một lát chiều tối nước ròng lục bình và rác từ trong những con kinh nhỏ chảy theo ra ngoài, nước dơ lắm đó.
Bốn người thay quần ngắn xuống cây cầu dưới mé sông để tắm, thằng Tài cũng xuống tham gia:
- Mấy anh ở chợ mà có biết lội không vậy? Tài hỏi.
Chi Huyền trả lời:
- Hai đứa tui thì không biết nhưng Phú ở cồn chắc là biết.
Phú nghêng mặt nói: 
- Bộ tính lội đua qua sông sao mà hỏi vậy anh bạn?
- Đua thì đua chớ. Tui sống ở ruộng chẳng lẽ sợ anh sao?
Chi Huyền muốn gở gạt tiền sinh tố nên nói:
- Hay là cá một lít đế đi. Đua không thì có hứng thú gì?
Tài cười hì hì trả lời:
- Cá hay không thì tối nay tụi tui cũng đãi mấy anh mà. "Khách tới nhà không trà thì rượu". Nhưng lội đua mà có cá độ thì hăng hơn.
Thưởng công bằng hơn nó đề nghị:
- Đua với anh Tài, thằng Phú có thua nó không phục đâu hay là đua với thằng Long đi cho công bằng.
Tài ôm bụng cười ha hả:
- Anh đua với tui thì còn có cửa chứ đua với thằng đó thì thua chắc, tui quăng 2 ăn một.
- Anh nói vậy nghĩa là sao? 
Tài giải thích :
- Thì là nếu anh thua thằng Long thì anh mua 1 lít đế, còn nó thua anh thì tui mua 2 lít chứ sao.
Thưởng cười:
- Bạn bè không cần vậy đâu, cá cho vui mà 2 đều đi. Tui theo thằng Phú anh theo thằng Long.
Chi Huyền vọt miệng nói to:
- Còn tao làm trọng tài. Đứa nào thua tao cũng có rượu nhậu. Bây giờ tao đếm một, hai, ba là bắt đầu lội qua tới đầu cầu ngang sông, leo lên ngồi, rồi lội về liền ai về tới cầu bên nầy trước thì thắng. Hai đứa có ý kiến gì không?
Phú hỏi:
- Nghỉ bao lâu bên kia sông? 
- Nghỉ lâu mau tùy mầy miễn sao về bên nầy trước là thắng. Chi Huyền trả lời.
Phú thấy Long yên lặng tưởng bạn sợ thua nên hăng hái giục:
- Sao mậy? Đồng ý chơi hông mà êm re vậy?
- Mầy về đây là khách, còn tao chủ nhà đâu ai để cho bạn bè mất hứng mà mầy lo. Nhưng thằng Tài nó lội sông với tao hồi nhỏ tới giờ nó nói thiệt mà mầy không tin thôi thì để tao chứng minh cho mầy thấy chứ cá độ ăn mầy kì lắm.
- Thằng nầy phách quá sao mầy biết tao sẽ thua? 
- Tại mầy hỏi nghỉ bên kia sông bao lâu, tụi tao lội qua, lội lại 2, 3 bận còn chưa nghỉ lần nào nữa huống chi mới có một bận.
Phú nổi gió:
- Mầy xạo quá. Chi Huyền đếm đi.
Tiếng ba vừa dứt Phú đã bún chân lội ra sông. Thưởng thấy Long còn ngồi trên cầu nên hỏi:
- Mầy không nghe nó đếm rồi sao còn ngồi đó. Hay là sợ thua?
Long cười cười: 
- Muốn mua rượu thì từ từ làm gì gấp dữ vậy, nhà tao ở đây chạy đi đâu được mà mầy lo? 
Đợi Phú ra tới 1/4 sông Long bún mình lặn theo...
- Ê! Nó không lội theo mà làm gì vậy? Chi Huyền hỏi.
Tài cười trả lời: 
- Nó lặn qua sông một hơi, khi nó trồi lên mặt nước là tới sát bờ bên kia rồi. Hơi nó dài lắm mấy thằng tui còn chịu thua, anh Phú lội kiểu đó làm sao mà kịp nó?

Chiều tối thằng Tài qua hỏi:
- Mầy muốn tối nay nhậu bằng mồi gì? Bên tao có khô cá đuối, hay là làm đại con gà đi rồi mai đi chợ mua con khác để dành cúng mùng ba.
Thưởng hỏi:
- Ở đây thường thường anh uống với mồi gì thì bây giờ làm vậy đi. Vịt gà làm chi cho tốn công. À hay là thịt chuột đi.
- Thịt chuột tháng nầy không ngon đâu, chuột nái không hè, còn chuột con nhỏ rí hôi lông lắm, chừng mưa xuống có cỏ non chuột mới mập.
Chi Huyền hỏi :
- Vậy mùa nầy ở đây có thứ gì để làm mồi nhậu? 
- Cá, tôm, lươn, rắn... Đủ thứ nhưng tối rồi làm sao mà kiếm được?
Long hỏi:
- Bên mầy có cám không vậy? Nếu có thì rang cho tao chừng 2 lon sữa bò là đủ rồi. Nhiều quá dư bỏ uổng.
- Cám thì thiếu cha gì. Năm nay má tao nuôi tới 2 con heo lận.
- Vậy về hỏi thím Út xin cho tao đi, rang xong thì đem qua liền, còn tao thì đi móc đất sét.
Ba đứa kia la lên:
- Ê! Nhậu mồi gì cũng được nhưng tụi tao là người nghen mậy, không phải heo đâu mà cho ăn cám rang.
- Tụi mầy lộn xộn quá. Tao biểu nó rang cám chứ có nói nhậu bằng cám rang đâu mà tụi mầy cự.
Nói xong Long vào trong nhà đem ra một cái thau mủ rồi xách cây đèn bảo ra mé mương sau vườn móc đất sét, ba đứa bạn theo bén gót. Vừa vào tới nhà thì thằng Tài ôm thau cám rang thơm phức qua.
- Mùi gì mà thơm quá vậy ta? Chi Huyền lên tiếng.
Thằng Tài trả lời:
- Cám rang vừa tới, thứ nầy làm mồi bắt tôm càng thì khỏi chê.
Ba chàng công tử tranh nhau hỏi:
- Bắt bằng cách nào chỉ tụi tui với coi. Vụ nầy chơi vui à nghen.
Long cười cười:
- Thằng nào muốn tham gia thì ngồi xuống đây nhồi đất sét cho nhuyễn vo tròn từng cục bằng cổ tay con nít rồi lăn vô cám làm mồi chài tôm.
Thăng Tài chỉ cách nhồi đất cho 3 anh bạn mới còn Long thì đem cái chài cá ra. Bốn người nhồi hết đống đất sét mà cám còn dư khá nhiều thằng Tài hỏi:
- Bây nhiêu đủ chưa? Hay mầy muốn thêm nữa thì tao đi móc thêm đất?
- Đủ rồi! Chài đủ nhậu thôi mà, bán buôn gì đâu mà làm cho nhiều?
Năm người đi ra con đường đất trước nhà, thằng Tài cầm đèn đi trước ba người kia theo kế bên Long ôm thau đất nhồi trộn cám đi sau cùng. Chi Huyền hỏi:
- Mầy đi sau thấy đường không vậy? 
- Anh khỏi lo cho nó, mắt nó đi đêm còn sáng hơn con chó phèn nhà nó nữa.
Thằng Tài đi một khoảng tới chỗ trống thì dừng lại hỏi:
- Chỗ nầy được hông?
- Mầy cứ tới dưới đầu cầu mỗi nhà là được rồi.Tao bỏ mồi chừng mười bến là ăn không hết, tìm mấy chỗ trống làm chi rủi có gốc cây trôi tấp vô mất công lặn xuống gở chài lắm.

Bỏ hết thau mồi, cả bọn trở lại chỗ đầu tiên. Long mang chài ra, tay trái cong lên như cánh cung, máng một phần lưới chài lên đó còn hai bàn tay thì chia đều cái chài ra làm hai phần rồi nhún mình lấy trớn tung chài xuống sông, cái chài cá từ từ bung lớn ra rồi chụp ào xuống mặt sông, nó dần dần chìm xuống nước. Chừng một phút thì Long nhảy xuống mé sông lội qua phía bên kia cầu, ba thằng bạn ngạc nhiên hỏi:
- Sao nó không đứng trên cầu mà lội qua bên kia làm chi cho ướt mình hết vậy?
- Đứng trên cầu ngược nước kéo chài lên cá không vô túi chài mà lọt ra ngoài hết. Thông thường nó đi chài trên chiếc xuồng, hôm nay có mấy anh theo chơi nên nó mới đi bộ.
Long kéo chài lên xong thì tìm một khoảnh đất trống ngồi xuống, chàng hảng hai chưn ra, giũ cá từ trên xuống dưới rồi mới banh chài ra giũ trong túi chài, hai tay nhanh nhẹn như nhà chài cá chuyên nghiệp. Cá, tôm tép liên tục rớt ra, Tài hai tay chụp lia lịa bỏ vô cái thùng thiết, ba chàng công tử thấy ham quá cũng thi nhau chụp tiếp. Tài dặn chừng:
- Mấy anh coi chừng chụp nhằm cá chốt nó đâm lủng tay đó nghen.
Chài chừng năm, sáu bến vừa tôm vừa cá gần 1/4 thùng thiết. Chi Huyền nói:
- Hay mầy chỉ tao dải thử coi sao, thấy dễ quá mà.
Thằng Tài hớt ngang trả lời thế:
- Kiểu chài ba mớ nầy dễ học lắm, chỉ một lần là biết liền. Có điều khi bung ra được lớn hay nhỏ, tròn hay méo tùy người giỏi hay dở, chứ chài kiểu thì khó học hơn nhiều. Tui học hoài mà không được, nên chán quá bỏ luôn.
Rồi nó tài lanh giành lấy cái chài chỉ cho 3 người bạn mới. Long hỏi:
- Bốn thằng bây đinh chơi bao lâu? Có cần tao đi bỏ mồi xóm dưới để một lát nữa tụi mầy xuống đó chài không?
- Ừ! Mầy về nhồi thêm mồi đi tụi tao chút nửa về đi tiếp.
Bốn thằng vừa chài cá vừa la dậy xóm làm đám con nít chạy bu theo coi rần rần. 
Đi xuống xóm dưới ngang nhà bác Tám thì gặp cô Út Hường bước ra xem hỏi:
- Mấy anh làm gì mà vui quá vậy cho em đi theo với.
Thằng Tài nhanh miệng trả lời:
- Bạn của thằng Long xuống chơi muốn chài cá thử nên tui theo chỉ dùm.
- Em biết rồi, con Vân cho hay hồi chiều.
Rồi cô ta tự giới thiệu với 3 người lạ:
- Em là Hường bạn học chung với Vân em anh hai, còn 3 anh, anh nào là Phú, anh nào là Thưởng còn anh Chi Huyền thì em thấy mặt rồi, tuy là năm ngoái tụi em chưa có tới  trình diện nhưng mà nhìn lén rồi. 
Nói xong cô nàng cười khúc khít.
Ba thằng khỉ gió nghe tiếng con gái là thôi cười, thôi giởn dương mắt nhìn. Qua ánh đèn bão lờ mờ tụi nó nhìn cô Út trân trân. 
- Dân ruộng cũng có người đẹp ác ôn vậy sao? Thằng Thưởng kề tai Long hỏi nhỏ.
Chi Huyền lên tiếng:
- Người đẹp hỏi hai thằng mầy kìa. Bộ bị thôi miên rồi sao mà chết trân không trả lời vậy?
Út Hường cười tươi nói:
- Em nói chơi thôi chứ hồi chiều nầy tụi em nhìn lén biết hết trơn rồi. Mà mấy anh có muốn đi tát đìa bắt cá không vậy? Vui lắm đó. Ngày mai nhà em tát tới 2 cái đìa luôn, muốn đi chơi cho biết thì theo em.
Nói xong Út Hường không chờ trả lời, mà bỏ vô nhà. 
Năm người về tới nhà. Cá đợt đầu được 2 cô em phân loại ra làm sẵn, tôm tép được chặt râu làm sạch. Nhanh đứa em kế hỏi:
- Anh hai định làm gì ăn?
- Tôm càng nướng hết đi còn tép thì lột vỏ bầm nhuyễn nấu cháo, cá lòng tong, cá chốt thì kho quẹt ăn kèm. 
- Nhưng nhiều quá ăn không hết đâu. Hay là lấy giỏ rộng bớt phân nửa mai ăn đi.
- Ừ! Mấy đứa tính sao vừa thì cứ làm vậy đi. Má định chừng nào gói bánh?
- Chiều mai.

Chuyện ngày mai cho đến mùng một Tết thì còn rất nhiều, nào là trang trí sửa soạn nhà cửa đón Xuân, gói bánh tét, quết bánh phồng, giết heo mổ lấy thịt, đốt pháo, thăm viếng bà con lối xóm v.v... còn cái vụ tát đìa bắt cá ăn tết với cô Út Hường nữa, nếu các bạn còn tò mò muốn biết thì xin mời xem kỳ tới còn bây giờ mùi tôm càng nướng thơm lừng làm sao mà nhịn nổi? 
Năm thằng tui phải vô "lì ít lam". Lời mời ngọt ngào của cô Út tạm gác ngoài tai nếu sáng mai còn nhớ thì tính sau vậy...
(Còn tiếp... )

Lanh Nguyễn

4 nhận xét:

  1. Trời trời!
    Hoa tìm được tấm hình nầy mấy đứa bạn tui nó thấy sẻ nhớ chít luôn. Ta nói nó đúng y chang cái cảnh lúc tụi nó mới học chài cá dzị đó haha...Cám ơn đã rất chịu khó nha anh bạn hiền

    Cái chài vải ra méo xẹo
    Tướng ẹo ẹo thấy mà thương
    Chài bung chưa được nửa đường
    Mất luôn dây dụi, té mương cái đùng
    hihi...

    Trả lờiXóa
  2. Nét hồn nhiên của những cậu con trai " miệt vườn " ngày ấy thật đầm thắm và cũng " quậy " tưng bừng ...
    Theo tôi nghĩ có lẽ đây là một góc tuổi mới lớn của tác giả , vì chỉ có như vậy tác giả mới đưa ra được sự khác biệt của " miệt ruộng " và "miệt vườn "
    Tác giả oi ! Miệt vườn và miệt ruộng bây chừ đã bị đô thị hoá , không còn những cô con gái mộc mạc , chân mang guốc mộc vói tâm hồn chân chất ....
    Cảm ơn tác giả với cái chân quê....

    Trả lờiXóa
  3. Hoa Trần ơi ! Cho mình hỏi là ảnh minh hoạ hình như là cái lưới của ghe cào mà
    Mình nhớ không lầm thì cài lưới chài cá miệt sông rạch miền tây đâu có lớn dử dzậy ,
    Nói vậy thôi chứ nhìn ảnh minh hoạ mình nhớ quê lắm
    , nhớ nhất lúc giao thời tan tác , nhiều nguòi dân miệt ruộng đã dùng cái chài nầy nuôi sống cả nhà ... Thời ấy khổ cực lắm nhưng chan chúa tình người
    Cảm ơn anh Hoa nhe !!!!




    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Hoàng Thị. Theo mình biết lưới chài ở vùng mình ên cũng có vài kích cỡ lớn nhỏ. Ở đây có lẽ là chài loại lớn nên thấy bự to ra.

      Xóa