Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2017

Người Lính Không Số Quân - Kỳ 1

Truyện ngắn của Lanh Nguyễn

Chuyện người Lính không có số quân được viết thành 2 kỳ. Đó là một câu chuyện có thật do người trong cuộc kể lại. Người viết không phải là nhân vật trong đó nên mức độ chính xác không bảo đảm. Vậy cho nên các bạn cứ xem như nó là một câu chuyện tưởng tượng cho vui nghen. Tất cả nhân vật trong chuyện đều được đổi tên.
                                                                        Lanh Nguyễn


Con kinh Cái Sắn dẫn nước từ sông Hậu đổ ra biển Rạch Giá, nó đi qua địa phận 2 tỉnh An Giang (Long Xuyên) và Kiên Giang (Rạch Giá). Dọc hai bên bờ có vô số những kinh đào nhỏ đem nước ngọt vào đồng ruộng mênh mông bạt ngàn.
Sau năm 1954 làn sóng tị nạn cộng sản từ miền Bắc ào ạt vào Nam, được chánh phủ Ngô Đình Diệm cấp đất. Từ kinh H gần Láng Sen vào tới tận kinh 5.
Dân Nam Kỳ ở cặp hai bên bờ kinh Cái Sắn, ít ai chui vào sống trong những con kinh mà người Bắc di cư ở. Nhưng từ Kinh Năm về Rạch Sỏi thì người Nam ở rất nhiều.
Khoảng đường chừng 14 km đó đa số là những người theo đạo Hòa Hảo và Cao Đài họ là những người dân tứ xứ đến lập nghiệp rồi sống lẫn lộn với người Miên.

Gia đình Năm Báo cất nhà tại đầu kinh Ba Chùa không biết từ khi nào. Dân trong xóm không ai thắc mắc, tìm hiểu làm gì bởi mọi người đều giống nhau ở chổ không có ai sinh ra ở vùng đó cả, vùng đất nầy xưa kia là của người Miên mà...
Mãi đến mùng hai tết Mậu Thân, trong khi chiến sự bùng nổ khắp mọi nơi, xã Mong Thọ vẫn bình yên vô sự. Không một tiếng súng, có điều trung đội Nghĩa Quân nằm trấn giữ trong đồn chứ không đi tuần đêm như trước. Lợi dụng điểm yếu đó, tối mùng 2, du kích VC kéo về, chúng bắt Năm Báo đem đến khoảng đất trống gần nhà Long, mở tòa án nhân dân xử tội ông trưởng ấp Hòa Thuận Năm Báo. Chúng gõ cửa từng nhà, lùa dân đến dự phiên tòa lưu động.
Thật ra thời đó ông trưởng Ấp chẳng có làm được gì cả, chỉ là lâu lâu đến thông báo tin tức của nhà nước, nhắc nhở người dân treo cờ vào những ngày lễ lớn và phát thơ cho bà con nếu có.
 Mà Năm Báo tuy có cái tên nghe dữ dội nhưng thật ra hiền khô, nụ cười tươi lúc nào cũng nở trên môi trước khi mở lời nói chuyện với bất kỳ ai, dù là người lớn hay trẻ em. Nhưng ông ta có cái mà VC ghét nhất đó là cái "bí bo".
Năm Báo đạo dòng Hòa Hảo nên để tóc củ tỏi như đàn bà thời đó. Mà Cao Đài và Hòa Hảo là hai giáo phái chống cộng ác liệt, nên bọn du kích quy cho ông ta là ác ôn nợ máu đầy mình. Phiên tòa diễn tiến như thế nào không ai dám kể lại, mặc dù Long nhiều lần hỏi má, hỏi thím Út kế nhà, nhưng không có ai hé răng nói lại lời nào hết. Chỉ biết sáng hôm mùng bốn tết xác ông trưởng ấp bị chặt mất đầu được người ta vớt lên ở vàm Kinh Ba Chùa trước nhà ông.
Đúng là nước ròng không trôi ra biển, chờ nước lớn lội ngược về nhà, cho nên mọi người kháo nhau "Năm Báo chết oan" Nhất định sẽ trở về nhà mà trả thù...

Chú Năm mất đi để lại bốn đứa con, Ánh nhỏ hơn Long 2 tuổi, kế đến là thằng Sáng, thằng Rạng còn Út Đông lúc đó mới được 4 tuổi thôi. 
Thím Năm một nách bốn con, mà con lại còn nhỏ nên sống vất vả vô cùng vì thế bà Tư (bà ngoại Ánh) mới kêu thím dời nhà về gần bà ở, để bà xem chừng mấy đứa nhỏ cho thím rộng thời giờ mà đi buôn bán, hay đi làm ruộng gì đó để nuôi con.
Nhà bà Tư ở sát bên nhà thằng Hùng, kế nữa là nhà thằng Tài rồi mới tới nhà Long. Hôm dời nhà đám thanh niên ai cũng ăn cơm trước ở nhà mình rồi mới tới phụ làm cho thím, cả xóm đi đông như đi họp chợ, người thì lo tháo nhà cũ, kẻ di chuyển cây lá, lớp đào lổ dựng cột nhà mới... mọi người âm thầm làm việc, chỉ khi nào có việc cần mới nói với nhau thôi, không cà rỡn như mọi khi. Bởi thông thường đi phụ dựng nhà là một dịp tốt để mọi người đấu láo với nhau, nhưng lần nầy ai cũng buồn cho gia đình nạn nhân nên không còn vui vẻ tán dóc nữa...

Thím Năm có 20 công ruộng cũng không xa nhà mấy, nhưng từ trước đến nay chỉ có chú là đi làm dần công với người ta mà thôi, còn thím thì ở nhà trông con, bây giờ chồng chết, thím phải ra ruộng mà làm. Con Ánh lúc đó mới học Đệ Thất trường Kiên Thành được nửa năm đầu, nó đành phải thôi học ở nhà coi em...

Mùa chuột mùa cá thằng Sáng đòi theo bọn Long, nhưng nó nhỏ quá đi xa không nổi đến nơi có chuột thì nó vừa mệt vừa mỏi chân vừa than đói bụng nên nó chỉ ngồi lì dưới mấy gốc cây trâm bầu hay vào trại ruộng của người ta mà nghỉ cho đến khi mọi người về thì nó về theo. Bọn Long thấy vậy mỗi thằng lựa cho nó ít con chuột nhỏ để về nhà có cái mà ăn. Tưởng hôm sau nó không theo nữa, ai dè vừa ra khỏi bờ vườn là cả bọn nhìn lại phía sau thấy có một người đang lúp xúp chạy theo. Thằng Hùng lắc đầu:
- Đi còn không nổi mà bắt chuột làm sao được nè trời. Hay là kêu nó ở nhà nghen, tụi mình mỗi thằng ráng bắt thêm ít con rồi cho nhà nó.
Thằng Tài cười:
- Ê! Bộ mầy muốn lấy chuột nuôi con Ánh Lùn cho lớn hả Hùng? Con nhỏ đó nghe nói 13 hay 14 tuổi rồi đó. Nhưng sao mà nó đẹt căm vậy hỏng biết nữa?
Thằng Hùng phùng mỏ lên cự lại:
- Nuôi cái đầu mầy, nhà người ta hoạn nạn như vậy thì giúp đỡ chút đỉnh hỏng được sao? Đầu óc mầy lúc nào cũng nghĩ xấu cho tao không thôi.
Thằng Tài chưa kịp phản pháo lại thì có tiếng con gái léo nhéo sau lưng:
- Mấy anh đi chậm chậm chờ em theo với. Đi gì mà lẹ dzậy? Làm em chạy theo muốn đứt hơi luôn.
Cả bọn giựt mình quay lại, thì ra cái người chạy lúp xúp theo sau tự nảy giờ là con Ánh chứ không phải thằng Sáng. Tư Phụng la nó:
- Con gái, con lứa theo tụi tao làm gì? Đi xa lắm, theo không nổi đâu. Về nhà đi, thằng Hùng vừa đề nghị mỗi đứa tụi tao sẽ cố gắng bắt thêm ít con chuột cho nhà bây có đồ ăn.
 Ánh Lùn vừa thở dốc vừa nói:
- Nhưng mà em muốn bắt chuột bán lấy tiền mua gạo, nhà hết gạo rồi. Hôm qua thằng Sáng bắt được toàn là chuột nhỏ xíu, chuột vạt đâu có ai chịu đếm dùm.
Tư Phụng cười lớn:
- Tụi bây mà bắt chuột nổi gì? Thằng Sáng hôm qua đi chưa tới chỗ là đã vô chòi người ta ngồi nghỉ cho tới lúc về, tụi tao tội nghiệp nên mỗi thằng lựa ít con chuột vạt cho nó đem về ăn. Vậy mà không để ăn, còn đem bán, chuột đó đâu có ai đếm mà bán?
 Ánh Lùn mặt rầu rĩ muốn khóc:
- Vậy mà em tưởng nó bắt được chuột dễ dàng, hôm nay nó không đi nên em đi thế. Em nào biết bắt chuột khó khăn vậy đâu. Nhưng mà có khó em cũng phải ráng, nhà hết gạo rồi, biết làm sao đây? Hay là mấy anh chỉ cách bắt chuột cho em với.
Cả năm đứa im re không có thằng nào lên tiếng hó hé. Đi một hồi thằng Hùng mới nói:
- Thôi Ánh về đi, lội xa lắm, con gái theo không nổi đâu. Hôm nay tui sẽ năn nỉ tụi nó mỗi thằng cho 2 con chuột lớn thì đếm cũng được chục rồi, chắc mua được mấy lít gạo ăn tạm, sau đó tính tiếp.
Thằng Tài định lên tiếng nhưng Long kịp thời bụm miệng nó lại. 
Cả đám đinh ninh con Ánh sẽ vui vẻ tiếp nhận đề nghị của thằng Hùng. Nhưng không, nó cười cười trả lời:
- Cám ơn mấy anh, em chỉ muốn học cách bắt chuột thôi mà, hỏng lẽ mỗi ngày mấy anh đều cho chuột để em bán sao? Em còn phải học đủ thứ để lo cho mấy đứa nhỏ nữa, không chỉ là bắt chuột thôi đâu. Vậy các anh có đồng ý dạy cho em không hay là dấu nghề?
Thằng Tài kéo tay Long ra vọt miệng nói liền:
- Chuyện nhỏ mà. Thằng Hùng bắt chuột giỏi nhất, hôm nay cô theo nó đi, nó sẽ chỉ cô tận tình.
 Ánh Lùn cười tươi:
- Hay là mỗi anh đều truyền bí kíp của mình lại cho em hết đi. Có năm vị sư phụ thì chắc là tốt hơn một rồi...

Con Ánh tuy là gái, lại nhỏ con nhưng có sức chịu đựng bền bỉ dẻo dai, lại thông minh nên học cách bắt chuột rất nhanh, mà học chữ thì lâu chứ học làm việc chân tay đâu có khó khăn gì. Ánh Lùn hội nhập vào bọn Long rất nhanh. Lúc đầu nó được sự hổ trợ của năm người. Nhưng là dân lao động, mà con Ánh thì đang ở tuổi dậy thì, thời gian không bao lâu nó mau chóng biến thành thiếu nữ. Tuy bây giờ nó cũng cao lớn không thua đám con gái khác bao nhiêu nhưng hổn danh Ánh Lùn vẫn không đổi được.Thằng Hùng thì tích cực theo giúp đỡ vì vậy hai đứa nó thành một cặp bài trùng. Mới ra khỏi nhà thì đi chung đoàn 6 người xa nhà thì bắt đầu tách ra thành hai, bốn...

Hai đứa nó thương nhau không có hẹn hò, không đi chơi đó đây, không tình tự, không viết thư tình lãng mạn...
Mà thật ra bốn mùa tụi nó đều gặp nhau trên đồng ruộng vậy thì cần gì hò hẹn nữa...
Thời gian cứ thông thả qua dần, đến giữa năm 1970 thằng Hùng tới tuổi quân dịch nó sắp phải đi trình diện nhập ngũ. Thiệt là tình. Ông trời lúc nào cũng làm khó kẻ nghèo mà...

Tình yêu chân thật đẹp thay 
Gặp nhau ngoài ruộng mỗi ngày vui ghê 
Cùng đi, cùng nói, cùng về 
Giúp em thay tiếng hẹn thề trăm năm 
Tình ta sáng tựa trăng rằm 
Giúp em trọn kiếp có nhằm nhò chi 
Đến ngày nhập ngũ anh đi 
Còn ai chia sẻ mỗi khi em cần 
Trời đày một kiếp gian truân...

Thằng Hùng không trình diện nhập ngũ để thi hành nghĩa vụ quân dịch mà nó định ở nhà trốn quân dịch hầu được ở gần con Ánh, nhưng con Ánh thì khác. 
Nó nói:
- Anh không đi quân dịch thì gia nhập Địa Phương Quân đi.
Hùng gãi đầu do dự :
- Nhưng anh đi rồi em phải làm sao?
 Ánh Lùn cười tươi an ủi :
- Đâu có sao. Thằng Sáng sẽ thay anh mà đi làm với em, nó không chịu đi học nữa mà đòi đăng lính, nhưng mà mới có 14 tuổi đầu ai mà nhận nó.
Hùng buồn rầu tiếp:
- Hay là anh đi lính Nghĩa Quân với tụi nó nghen, dù gì cũng gần nhà hơn.
Cặp mắt con Ánh long lên như có lửa:
- Lính Nghĩa Quân chỉ có giữ nhà thôi, đánh đấm gì được, anh mà vô đó thì thù nhà của em ai trả đây???
Vậy là ngay giữa năm đó đám "Lục Mạt Nhân" tan rả.
Sáu Hiền, Tư Phụng vào lính Nghĩa Quân, Thằng Hùng gia nhập Địa Phương Quân, Long đi học xa nhà chỉ còn thằng Tài bị Lính chê nên ở nhà làm ruộng với con Ánh...
Mùa câu năm đó chị em con Ánh theo cắm câu với thằng Tài. Đi được ít lần thằng Sáng thấy nhiều thứ bất tiện quá nên nó muốn đi một mình. Còn con Ánh vắng thằng Hùng thì buồn lắm, nên cũng muốn đổi nghề ra chợ Số Một buôn bán...

(Cón tiếp...Xin mời quý vị xem tiếp kỳ 2 )
Lanh Nguyễn



2 nhận xét:

  1. Anh LN
    HT xúc động trước hình ảnh đứa con gái nhỏ nhắn mà đôi vai sớm nặng gánh nghe thấy mà thương
    Câu chuyện làm em rất nhớ mình cũng từng có một quãng đời rất gian truân
    Cô bé Ánh em lại bắt đầu thấy mến rồi
    Em mong anh đừng cho đọc giả một cái kết " hụt hẫng " nha
    Xin lỗi vì đã nhiều chuyện , mong tác giả lượng thứ....
    Em chào anh .

    Trả lờiXóa
  2. Hoàng Thị!
    Bài viết chỉ ghi lại lời kể của Ánh. Tui cũng dò la tin tức nhưng không tìm được một chút tia sáng nào.
    Đầu năm không muốn gởi tiếp phần 2 vì kết cuộc thật bi thảm. Nó bi thảm như hầu hết cuộc đời của người Việt Nam chúng ta. Trong khi chúng ta ở đây còn có chút hy vọng nên vui vẻ đón xuân nầy để nhớ xuân xưa. Nhưng những người như Ánh không còn mùa xuân trong cuộc đời để mà hy vọng. Mời bạn xem tiếp phần 2 một kết cuộc đau lòng...

    Trả lờiXóa