Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016

Khoảnh Khắc Cuộc Đời - Kỳ 44

Truyện ngắn nhiều kỳ của Lanh Nguyễn


Long vừa úp điện thoại xuống thì chuông cửa kêu lên "tính teng, tính teng " Ông Paul  vừa bấm nút mở cửa vừa cười nói:
- Lâu rồi nhà mới có người tới viếng. Không biết là khách của ai đây.
- Chắc là của anh Long rồi. 
Bảo vừa dứt lời là có tiếng chân người và tiếng gõ cửa vang lên. Long vội bước ra mở cửa:
- Chào thầy, thầy có khoẻ không? Phước cùng một đứa bạn mở lời.
- Mời hai em vào nhà. 
Long giới thiệu với Paul:
- Đây là Phước học trò cũ của trường tôi dạy hồi ở Việt Nam tới chơi, còn kế bên là bạn nó.
 Quay sang bạn Phước, Long hỏi nó:
- Em tên gì tự giới thiệu luôn đi.
- Dạ em tên Hùng, ở chung phòng với Phước.
- Ngồi chơi nghen, để tôi nấu nước pha cà phê.
Bảo nhảy xuống giường:
- Để đó em làm cho.
Lúc đó Paul đang chuẩn bị ra cửa để đi chơi cuối tuần với bạn bè.
Bốn người ngồi bàn chuyện tào lao một hồi Long nói với Hùng:
- Em ở Giục Tượng cũng gần nhà tôi lắm đó. À mà em đâu có học với tôi ngày nào, sao cứ gọi bằng thầy hoài, ngại quá đi. Hay là kêu anh như Bảo cho tiện, dễ thân thiện hơn.
Nghe vậy Phước cũng lên tiếng:
- Thì em cũng đâu có học thầy ngày nào, chỉ là thầy làm Hiệu Trưởng trường em học thôi mà.
Long cười lớn:
- Vậy chắc là em cũng muốn gọi bằng anh chứ gì? Thì tất cả cứ kêu anh đi cho nó đều. Mà thiệt ra gọi thầy nghe không vui, vì bây giờ mình đâu còn cơ hội làm lại nghề cũ nữa.

Bốn người thả bộ xuống phố. Bảo nói:
- Dưới kia có chỗ quảng cáo thuốc hút, có mấy người đứng ở gốc đường phát thuốc không. Ai đi ngang qua nó cũng mời, rồi cho một gói hút thử, mình đi xuống đó kíếm ít gói hút chơi khỏi tốn tiền.
Long nghe thấy cũng lạ nên theo chúng.Tại khu thương mại, mỗi góc đường có một người vai choàng một cái khai đưa ra phía trước chứa đầy thuốc hút, nam có, nữ có, mỗi người quảng cáo cho một hiệu thuốc khác nhau,  từ More, Kent , Winston, Marlboro... còn những hiệu thưốc lâu đời như 3 số 5 hay Lucky hoặc con mèo... thì không thấy. Bốn anh em rảo 2 vòng, hai túi quần và mấy cái túi áo lạnh đã đầy cứng thuốc gói đủ hiệu. 
Bốn người vào phòng trọ của Phước và Hùng chơi cho biết. 
Đây là một cái khách sạn cũ xưa, vì nó quá lổi thời nên không thể cạnh tranh với những khách sạn mới mở sau nầy, cho nên người chủ đem cho mướn tuần, mướn tháng, căn phòng rộng chừng 24 mét vuông có một cái bàn nhỏ, hai cái ghế, một cái giường ngủ nhỏ được tụi nó kéo xuống làm thành 2 cái giường, phía trên là nệm, phía dưới bằng lò xo được phủ giấy carton cho đở cấn lưng. Thấy vậy Long hỏi:
- Em nào ngủ trên giường trải giấy vậy?
Hai đứa cùng trả lời "em".Thật ra thì mỗi thằng thay phiên nhau một tuần. Không thấy bếp nấu ăn Long hỏi:
- Không có nhà bếp, vậy nấu ăn ở đâu?
Chúng nó chỉ nồi cơm điện được giấu trong thùng giấy rồi trả lời:
- Đầu tháng tụi em mua đồ ăn ở nhà hàng nấu sẵn, có khi vịt, gà, heo quay gần cuối tháng hết tiền thì bỏ hột gà vô dầm nước mắm, cũng xong.
Bảo không thấy nhà tắm, cầu tiêu đâu, nên thắc mắc hỏi:
- Không có nhà cầu tụi bây giải quyết bầu tâm sự ở đâu?
- Có nhà cầu chứ, nhưng mà ở ngoài, mỗi tầng lầu có một nhà vệ sinh công cộng, muốn đi tao dẫn đường cho.

Nhìn nơi ăn chốn ở của tụi nhỏ như vậy Long cảm thấy mình thật may mắn quá chừng. Ở Ohio một mình thủ hết nửa căn nhà, phòng tắm, nhà bếp rộng mênh mông, còn nhà của Paul tuy có chật chội hơn đôi chút, nhưng ở San Francisco nhà cửa đắt đỏ, ở như vậy là quá tốt rồi không thể nào có chổ tốt hơn được.
- Hai đứa em ăn nhà hàng thường, vậy hôm nay dẫn tôi tới nhà hàng nào ngon nhất thử đi, mới có 9 tây kể như còn trong những ngày đầu của tháng mà đúng không?
Phước và Hùng êm re chưa dám hó hé thì Bảo lên tiếng:
- Tụi nó mà trả tiền hết bốn người,  thì hột gà dầm nước mắm cũng không còn, chắc là chỉ còn nước mắm chan cơm thôi. Vậy ai ăn nấy trả đi .
Long cười nói:
- Tôi kêu dẫn tới ăn thử, chứ có kêu bao ăn thử đâu? Mới qua Mỹ chỉ hơn một năm mà quên tiếng Việt lẹ vậy.
Ba đứa chúng cùng thở phào cười nhẹ nhỏm:
- Vậy thì anh bao hết ba đứa em phải hông?
Long cười, cười hối chúng
- Lẹ lên đi nhiều chuyện quá.

Cuộc sống hối hả chạy theo thời gian không kịp thở đó, làm người ta không có giờ rảnh mà nghĩ đến vấn đề khác. Thắm thoát mà Long đã đi làm được ba tuần lễ rồi , lảnh hai cái check mà vẫn chưa có thời gian đi gởi ngân hàng. Bên Ohio chàng mở tài khoản với bank Well Fargo mà bên San Francisco nhà bank đó nằm phía ngoài rìa thành phố còn bên trong thì chỉ thấy Bank of America và nhiều bank khác lạ hoắt. 
Khi nói chuyện chơi với Paul, chàng đem vấn đề khó khăn của mình ra hỏi. Ông ta cười to:
- Chuyện đó dể dàng thôi.Thứ hai, sáng sớm anh đến Bank of America mở một tài khoản mới rồi hôm nào có thời gian anh đến chi nhánh của Well Fargo đóng  tài khoản cũ, rút hết tiền ra đem về là xong ngay thôi, đâu có vấn đề gì khó khăn mà lo.
Rồi ông ta bắt đầu chỉ cho chàng biết có bao nhiêu loại tài khoản, từ tiết kiệm định kỳ cho đến loại ký ngân phiếu, loại nào có đóng tiền lệ phí hàng tháng, loại nào miễn khỏi phải đóng v..v.. Sau cùng ông ta đưa cho chàng một miếng giấy nhỏ và nói:
- Đây là phiếu báo nhận thư bảo đảm, anh phải tự mình đến bưu điện có ghi địa chỉ trong đó để nhận, nhớ đem theo giấy tờ có hình cho nhân viên bưu điện xem.

Sáng thứ hai Long có 2 giờ để làm những việc cần thiết nên phải dậy thật sớm để đến trạm bưu điện lãnh thư, cứ tưởng là mất nhiều thời gian lắm nhưng thật bất ngờ chưa quá 5 phút sau khi đưa mảnh giấy là người ta trao cho chàng cái thơ rồi. Nhìn thấy ngoài bao thư đề trường City College of Cincinnati Long hồi họp mở ra, đúng là cái check tiền học của 7 tháng rưởi. Tổng cộng đã học được 915 giờ với số tiền là 2868 $ sau khi trừ đi thuế an sinh xã hội. Thật là quá bất ngờ,  từ hôm về lại San Francisco tuy đã nghe bà giám thị cho biết mình sẽ nhận được đầy đủ tiền học,  nhưng trong lòng Long không tin tưởng mấy, chỉ đến khi cầm được tờ check trên tay thì mới tin đó là sự thật. Thì ra người Mỹ cũng giữ chữ tín đấy chứ.

Long vào một chi nhánh của bank of America nằm trên đường từ nhà đến trường học. Sáng sớm nên chưa có nhiều khách, chàng đến bàn có đề bảng "mở tài khoản mới". Tiếp Long là một cô gái Mỹ hao hao giống Julia làm tim chàng muốn nhảy khỏi lòng ngực. Nhưng nhìn kỹ bảng tên trên áo ghi là Rebeca, Long biết mình lầm.  Sau khi biết Long muốn mở tài khoản mới,  cô ta giải thích tường tận còn kỹ hơn Paul rất nhiều sau cùng cô ta đề nghị - Nếu anh không cần ký nhiều chi phiếu thì nên mở loại mỗi tháng ký 3 tờ checks, loại nầy vừa có tiền lời thả nổi không kém hơn loại tiết kiệm định kỳ bao nhiêu, nhưng mức tối thiểu để được mở loại nầy phải là 2500$ anh cũng cần phải giữ số tiền trong tài khoản lúc nào cũng trên số ấy, nếu sụt dưới mức quy định anh phải trả lệ phí cho tháng đó là10$ còn như anh muốn ký hơn số check ấn định thì từ cái thứ tư trở đi mỗi cái là 25 xu. Vậy anh định mở thứ nào và gửi vào bao nhiêu?
Long đem hết số checks mình có được gồm 2 cái của Gallo, 4 cái của sở thất nghiệp, hai cái của trường học và chỗ làm cũ  bên Ohio.
- Tôi có tổng cộng 8 cái checks chắc là mở loại cô vừa chỉ đó.
Sau khi làm thủ tục mở tài khoản xong cô ta đưa cho Long một tập checks tạm nói:
- Cái nầy chỉ dùng tạm thời, trong hai tuần lể đầu, sau đó ngân hàng sẽ gởi tới anh một hộp checks có in tên và địa chỉ nhà trong đó. Anh có thắc mắc hay cần giúp đỡ gì nữa không?
- Cám ơn cô, thắc mắc thì tôi không có, nhưng tôi muốn hỏi xem cô có biết chi nhánh nào của Well Fargo bank gần đây nhất không thôi. Vì bên Ohio tôi có mở tài khoản ở đó, bây giờ tôi muốn chuyển nó về đây luôn cho tiện vậy mà.
- Ô! Cái đó thì dể lắm, anh cũng không cần tìm đến họ làm gì. Anh chỉ cần điền số tài khoản cũ vào mẫu đơn nhỏ nầy rồi ký tên là xong. Chúng tôi sẽ bắt họ chuyển số tiền đó vào tài khoản mới cho anh.
Nói xong cô ta lôi trong hộc tủ ra một tờ đơn đưa cho Long.
Mọi chuyện diễn ra quá dễ dàng và nhanh chóng chưa hết 1 giờ đã hoàn thành xong tất cả, giờ trống còn nhiều, mà trở về nhà rồi lội trở xuống trường thì không dư bao nhiêu thời giờ nên Long chỉ còn cách ghé vô quán gà chiên mua 2 cái cánh và một ly 7up. Ăn uống xong cũng còn dư gần 20 phút, chẳng lẽ chiếm ghế người ta ngồi hoài Long bèn chậm rải thả bộ về trường Alemany. Vừa đi lửng thửng ngang qua văn phòng trường thì Long giật mình khi thấy Mỹ Ngọc từ trong đó đi ra. Thật bất ngờ cho cuộc hội ngộ không mong chờ đó. Không biết nàng có mong gặp lại hay không mà giọng nói như mừng rở lắm vậy:
- Ủa! Anh về đây hồi nào vậy, sao không cho em hay?
- Tôi về hơn tháng rồi.
- Rồi anh ở đâu? Sao không lại nhà em chơi?
- Tôi ở chung nhà với người ta, còn nhà của Ngọc làm sao mà nhớ được?
Rồi nàng khoe:
- Em vừa mới xin đổi trường hôm nay nè. Ngày mai bắt đầu học ở đây rồi. Em học lớp 200 từ 8 giờ tới 12 giờ còn anh học ở phòng nào?
- Tôi học trên lầu từ trưa cho tới chiều rồi đi làm luôn, không có về nhà.
Hình như nàng chép miệng muốn nói "anh xạo ghê", nhưng không biết sao nàng lặng thinh, Long chào nàng rồi bỏ lên lầu trong khi những học viên khác ùa ra, đổi qua lớp khác học đi về nhà...

(Còn tiếp... Xin xem tiếp kỳ 45)

Lanh Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét