Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016

Khoảnh Khắc Cuộc Đời - Kỳ 42

Truyện ngắn nhiều kỳ của Lanh Nguyễn


Sáng thứ năm Long vào chi nhánh trường City College của San Francisco ở đường  Alemany ngôi trường nầy có 3 tầng, mỗi tầng có 6 phòng học được chia làm 5 cấp lớp 100, 200, 300, 400 và 500 khi học xong lớp 500 thì được chuyển về trường chính để học nghề hoặc học lấy tín chỉ.
 Long đến ghi danh, rồi làm bài kiểm để xếp lớp. Chàng được trao cho một 100 câu hỏi để trả lời trong thời hạn một tiếng đồng hồ. Long làm xong ngồi chờ kết quả. Chàng được xếp vào lớp 400. Cấp lớp nầy có 6 lớp tất cả mỗi lớp cách nhau 2 giờ, lớp đầu tiên bắt đầu 8 giờ sáng và lớp cuối cùng bắt đầu 6 giờ chiều đến 8 giờ tối. Mỗi người được xin học tối đa là 2 lớp. Long chọn 2 lớp buổi chiều vì buổi sáng để dành đi tìm việc làm. Người phụ trách đưa cho chàng 2 cái phiếu nhập học và nói:
- Bây giờ gần đến tết rồi, khoá học cũng sắp kết thúc anh sẽ nhập học vào ngày 2 tháng giêng, đó là khóa mới, chúc anh may mắn.

Long lại vào Trung tâm tị nạn xin việc làm. Lần nầy tiếp chàng là cựu trung tá Hải Quân Nguyễn Văn Tạo, ông ta sau khi xem xét hồ sơ của chàng liền cho biết:
- Hiện có rất nhiều công ty đang cần người, vì chánh quyền thành phố vừa ban hành luật mới bắt buộc phải chia đều phần trăm việc làm cho tất cả các sắc dân, kể luôn người Việt Nam chúng ta. Theo đơn xin việc của anh, anh kê khai có hai kinh nghiệm, dạy học và dọn dẹp vệ sinh vậy anh có gì để chứng minh cho lời khai của mình không? Ví dụ như văn bằng tốt nghiệp, thẻ lương hay sự vụ lệnh bổ nhiệm...
- Tôi đi chui, chứ  có phải người Hoa đi đăng ký đâu mà mang theo giấy tờ? Nhưng mà nếu có ai hỏi về nghề nghiệp cũ của mình, chắc là tôi có thể giải thích cho họ hiểu được. Còn về việc làm ở Mỹ thì tôi có thơ giới thiệu của xếp cũ. Nói xong Long trao thơ cho ông ta xem.
Ông Tạo xem xong có vẻ hài lòng nên nói:
- Hiện tại có 3 công việc rất thích hợp cho anh, thứ nhất làm phụ giáo cho trường Middle School, thứ nhì clean up cho bệnh viện thành phố, thứ ba cũng là clean-up cho hãng làm xúc xích Gallo, ba chỗ nầy đều cần có kinh nghiệm, chúng tôi có cho mấy người tới phỏng vấn rồi nhưng họ đều không nhận với 2 lý do không kinh nghiệm và tiếng Anh yếu nói không hiểu. Vậy anh có muốn thử không chúng tôi sẽ lấy hẹn và chở anh đến cho họ phỏng vấn.
- Vậy ông làm ơn xin cho tôi phỏng vấn cả ba nơi đi, chỗ nào nhận thì tôi đi làm, giờ nào cũng được.
Ông Tạo bắt điện thoại lên gọi một hồi rồi cho biết:
- Trường học thì tôi hẹn cho anh 9 giờ ngày mai, còn nhà thương thì 11 giờ trưa, vậy sáng mai đúng 8 giờ 15 phút anh phải có mặt tại đây, không được trễ hẹn,  còn Gallo thì phải chờ tới 4 giờ chiều, vì người phỏng vấn anh làm ca tối 5 giờ họ mới bắt đầu, nên họ không thể vào sớm hơn 4 giờ chiều được.

 Chín giờ sáng hôm sau Long đã có mặt tại văn phòng trường Martin Lurther King, phỏng vấn chàng là một ông Hiệu Trưởng da đen, ông ta hỏi về trình độ chuyên môn, học trường nào, tốt nghiệp năm nào, dạy ở đâu và dạy bao lâu, cuối cùng thì ông ta hỏi:
- Nếu mà học sinh không làm bài tập ở nhà, khi đến lớp anh phát hiện ra, thì anh giải quyết thế nào?
Long chỉ cười rồi trả lời gọn:
- Cái đó còn tùy. Ông ta ngạc nhiên nhìn chàng hỏi lại:
- Anh nói tùy là nghĩa làm sao?
- Xin lỗi ông, vì ông không cho biết em học sinh đó, không làm bài tập đã bao nhiêu lần rồi. Mới là lần đầu hay đã nhiều lần. Nếu là mới lần đầu thì chỉ nên nhắc nhở cảnh cáo, còn như đã nhiều lần không làm bài tập thì bổn phận của người thầy là phải tìm hiểu xem học trò mình vì lý do gì không làm bài tập, để rồi có cách giải quyết gíúp đõ kip thời. 
Có nhiều lý do mà học sinh không làm bài tập ở nhà, có thể nó không hiểu được bài giảng nên không làm bài, có thể  nhà nó nghèo đã dùng hết thời gian ở nhà để phụ gia đình, nên không còn thời gian làm bài tập, cũng có thể nó ham chơi v..v.Tôi nói tùy là tuỳ trường hợp mà có biện pháp khắc phục khác nhau. Vậy ông muốn tôi giải quyết trường hợp nào?
Ông Hiệu Trưởng đứng dậy bắt tay Long:
- Cám ơn anh, câu hỏi vừa rồi chỉ để thử xem anh có đúng là đã từng học qua ngành sư phạm hay chưa. Vì anh không có bất cứ giấy tờ gì để chứng minh cả, nên chúng tôi cần phải thông qua hội đồng nhà trường hy vọng là tuần sau sẽ gặp lại anh.

Ông Tạo chở Long đến bệnh viện thành phố, lần nầy thì phỏng vấn dễ hơn vì có giấy giới thiệu từ công ty Apking nên họ chỉ nói chuyện bao đồng để xem trình độ Anh văn mà thôi còn về việc làm, thì cũng giống như ở Ohio. Phỏng vấn xong người ta cho biết, khi nào người xin nghỉ việc chính thức rời bỏ đi, thì họ sẽ gọi vào thế chỗ. Khi lên xe về lại Trung tâm tị nạn ông Tạo bắt tay Long nói:
- Cám ơn anh. Hôm nay anh đã gở lại sỉ diện cho chúng tôi, hai lần trước thất bại quá, tôi sợ họ không nhờ mình tìm người cho họ nữa. Chiều nay hẹn anh 3 giờ rưởi. Long cũng cám ơn ông ta đã chở mình đi phỏng vấn rồi hân hoan vui vẻ ra về.

Bảo vừa vào nhà Long đã hỏi:
- Muốn đi ăn gà chiên không? Anh vừa mới thấy tiệm bán gà chiên hôm nay nè.
- Phải ngang trường học không? Chỗ đó ai mà không biết, tại anh không chịu hỏi thôi.
Long hơi cụt hứng:
- Vậy có đi không? Hay ở nhà?
- Ngu sao hổng đi, mà nè,  anh tìm được việc rồi sao mà đãi ăn vậy.
- Chưa, chỉ mới xin đi học được thôi, còn việc làm thì chưa.
Bảo cười ngất:
- Học chán chết bà mà đãi ăn nổi gì, tưởng là tìm được việc làm ngon 7$, 8$ một giờ ai dè... Mà thôi có ăn là đã rồi đi đi chớ, bộ tính đổi ý sao. Nói xong nó kéo tay Long ra cửa.

Bốn giờ chiều Long đến văn phòng làm việc của hãng làm xúc xích Gallo Salame. Ông Tạo sau khi đưa đơn xin việc cho cô thư ký xinh đẹp thì ngồi chờ ở bộ ghế salon. Ra tiếp Long là một người Mỹ trắng, tự xưng là Glenn David, ông ta mời chàng vào văn phòng, căn phòng rộng chừng 16 mét vuông, trong phòng đầy đủ dụng cụ, trước bàn làm việc của ông ta có hai cái ghế nệm. Ông ta chi một cái ghế mời Long ngồi. David lật đơn xin việc ra xem một hồi rồi hỏi một câu trớt quớt:
- Anh sanh năm nào vậy?
Theo phản ứng tự nhiên chàng trả lời liền 1952.
- Vậy trước năm 1975 anh ở đơn vị nào? 
Long vô cùng hoang mang nhưng cũng trả lời theo sự thật:
- Tôi chưa từng đi lính qua, nên không có đơn vị nào để ở.
Anh ta phá lên cười:
- Vậy ra anh trốn lính à?
Long nghe một chút cay đắng dâng trào:
- Anh nói đúng, nếu cho tôi chọn lại tôi sẽ không vào trường sư phạm mà trốn lính đâu.
David nghe vậy ngưng cười:
- Xin lỗi, tôi chỉ muốn tìm hiểu xem anh có biết gì nơi mà ngày xưa tôi đã từng đóng quân không thôi. Nhưng mà anh không phải là lính chắc là không biết đâu .
- Thì ông cứ nói thử xem sao. Là người Việt, thì không nhiều cũng ít phải biết qua những địa danh nước mình chớ.
David ngần ngại một chút rồi nói:
- Tôi ngày xưa làm cố vấn cho một tiểu đoàn thuộc sư đoàn 9 đóng quân ở miền tây, đi hành quân nhiều lần ở rừng U Minh. Anh có nghe qua địa danh đó chưa ?
- U Minh được chia thành thượng và hạ. U Minh thượng thuộc tỉnh Kiên Giang nằm trong 2 quận Kiên An và Hiếu Lễ. Còn U Minh hạ thuộc vùng đất tỉnh Cà Mau vậy ông có ghé qua Rạch Giá chưa?
David như tìm được bà con thân thuộc lâu đời nên không ngừng kể về những trận chiến ở Vị Thanh, Chương Thiện, Hiếu lễ V..V rồi còn cởi áo khoe cả vết thương nơi hông nữa.
Chuyện của người lính nói hoài không hết, nhưng thời gian thì qua nhanh, cuối cùng David nói:
- Bây giờ tôi sẽ gọi Bob Robert lên gặp anh, nó cũng từng là lính tham chiến ở Việt Nam năm 1968. Hy vọng chúng ta sẽ là bạn. 
Nói xong David dùng hệ thống loa phóng thanh nội bộ gọi Bob lên văn phòng gặp ông ta. 
Bob một anh Mỹ đen to con bước vào.  David giới thiệu:
- Lính mới của mầy đây, cũng là dân miền Tây ở Việt Nam đó, hỏi xem nó đã từng gặp qua mầy chưa.
Bob là lính Hải Quân nhưng được giao nhiệm vụ tuần tiểu trên sông rạch, bằng những chiếc tàu đổ bộ cở nhỏ. Y đã qua hết các sông Cái Lớn, Cái Bé, Vàm Sáng, Thái Bình kể cả kinh Cái Sắn nơi Long sinh sống. Anh cười phụ họa theo câu chuyện của Bob:
- Nếu mà năm 1968 ông thường tuần tiểu trên sông Cái Sắn không chừng đã gặt tôi rồi, vì lúc đó tôi thường tắm sông, mà mỗi lần thấy tàu sắt đậu, tôi lội lại gần nói "OK SALEM" rồi chìa tay xin thuốc hút, nhớ không? Câu nói đùa của Long làm cho hai người Mỹ một đen một trắng ôm bụng cười. David nói:
- Thôi! Dẫn nó đi xem cho nó biết việc làm như thế nào đi. Nếu mà nó đồng ý thì chiều thứ hai bắt đầu đi làm.
Long được Bob giới thiệu sơ qua từng khu vực của nhà máy rộng lớn rồi dặn:
- Chiều thứ hai mầy đến đây, tao sẽ cho một đứa dạy mầy làm,  còn bây giờ thì tao chỉ nói vắn tắt cho mầy dễ hiểu. Bổn phận của tụị mình là rửa sạch tất cả những cái máy nầy trước 5 giờ sáng để cho người ta xử dụng. Đội quân của tao có 8 người nếu tính luôn tao nữa là 9. Còn lương bổng thì ở văn phòng có hợp đồng với Union tao không rành mấy nhưng hình như khởi đầu là 8$05 gì đó. Nếu mà mầy muốn biết rõ thì cứ hỏi Carol thư ký văn phòng, nó sẽ giải thích rõ ràng hơn. Vậy thì mầy quyết định đi.
- Cám ơn ông, chiều thứ hai tôi sẽ có mặt đúng giờ.
Bob cười lớn vổ vai Long nói:
- Tốt, rất tốt. Nhưng mà mầy cứ gọi tao bằng tên đi, kêu ông hoài tao bị ói bây giờ, nói xong anh ta cười ha ,hả. Chiều thứ hai gặp.
Rồi anh ta đưa tay ngang tầm mắt chào theo kiểu nhà binh... 
Cuộc phỏng vấn chỉ là câu chuyện chiến tranh cũ rít đã cột chặt cuộc đời của Long với Gallo Salame từ hôm đó...
Trên đường về Long cho ông Tạo biết mình đã quyết định làm cho công ty Gallo Salame rồi, nếu hai nơi kia có gọi lại thì từ chối dùm...

(Còn Tiếp... Xin xem tiếp kỳ 43)

Lanh Nguyễn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét