Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

Khoảnh Khắc Cuộc Đời - Kỳ 58

Truyện ngắn nhiều kỳ của Lanh Nguyễn


Cuộc sống của người dân tị nạn là một cuộc chạy đua  không cân sức giữa con người và thời gian, chỉ trừ ra những người lười biếng sống bám vào tiền an sinh xã hội, còn hầu hết đều phải còng lưng vừa học vừa làm. Phước và Kiên thì làm từ 4 giờ sáng, cho nên ba giờ khuya là đồng hồ đã reo, đánh thức chúng nó dậy rồi, buổi chiều thì đi học từ 2 giờ tới 4 giờ. Thông thì làm cho tiệm bánh Pizza từ 11 giờ sáng đến 7 giờ tối, ngày nghỉ trong tuần 3 người giao bánh cứ luân phiên với nhau. Vì việc làm giờ giấc không được nhất định nên anh ta nghỉ học luôn. Bảo thì Paul tìm cho một chưn bán xăng làm từ 7 giờ chiều tới 3 giờ sáng nó than buồn ngủ nên cũng chẳng thèm học nữa. Hòa và Thanh mới qua nên không cần lo nghĩ gì cả, chỉ tà, tà đi học anh văn mà thôi, chỉ có Hùng là đang sốt vó lo vì tiền trợ cấp sắp chấm dứt. Nhưng bộ ba Kiên, Phước, Hùng nầy không phải tay vừa chúng nó muốn học nghề làm bánh Donuts chung với nhau để sau nầy cùng nhau ra mở tiệm riêng, vì thế nó cố chờ cho hệ thống Happy Donuts có chỗ trống là nhảy vô học nghề chớ không chịu làm việc khác.
Một buổi sáng thứ 7 Thông điện thoại tới hỏi Long:
- Hôm nay ông có đi làm không? Tuần nầy tới phiên tôi nghỉ thứ 7 chủ nhật nè.
- Có chứ, lúc nầy người ta đặt hàng nhiều quá nên tuần nào cũng làm thứ 7 hết. Long trả lời.
- Vậy chủ nhật đi San Jose thăm ý Sáu chơi, tui mới được người quen cho địa chỉ của bả nè.
Long mừng rở hỏi tới:
- Thiệt sao? Có số phone không vậy cho tôi đi. Mình gọi trước rồi sáng mai ông đến rước tôi đi.

Hơn 7 tháng kể từ ngày trở lại San Francisco Long mới được ngồi trên xe rời thành phố để đi viếng một nơi khác, tuy là không xa mấy. Chiếc Buick Regal đời 1974 tuy đã qua 7 năm xử dụng, nhưng mà do một bà Mỹ già mới chạy có 3 năm thì bị ̣tai biến nên đã đậu trong nhà xe 4 năm nay, nhìn nó như là xe mới nên Thông rất là hảnh diện khi lái nó. Chiếc xe 6 máy nầy ngồi êm hơn xe của Dũng, Nhung hay Julia nhiều, mỗi lần muốn qua mặt một chiếc khác Thông chỉ cần nhích nhẹ ga là nó bỏ người ta xa lắc. Thông luôn miệng cám ơn vì Long tìm dùm được một chiếc xe quá đã. Chàng cười nói:
- Tại số ông hên thôi, chớ tôi thì biết quái gì về xe cộ mà nói.
Hai người đảo xuống phố Tàu mua 2 con vịt quay và một thùng cam tươi để làm quà. Sau đó thì họ trực chỉ ra Quốc lộ 101 đi San Jose. 
Nhà Ý Sáu nằm ở ngoại ô thành phố nên theo bản đồ chỉ dẫn cũng rất dễ tìm, bọn Long đến đó vào lúc cả nhà đang chuẩn bị ăn trưa, nên cả gia đình có mặt đầy đủ. Ngọc Hạnh, Ngọc Tuyết  thì trắng ra, đẹp hơn khi còn ở đảo nên nhìn có chút khác lạ sau 2 năm xa cách, đặc biệt là Ngọc Tuyết nổi giò, trổ mã sắp biến thành thiếu nữ, không còn là đứa nhóc chạy theo đòi Long kể chuyện đời xưa nữa, chỉ có Ý Sáu và thằng nhóc Lân thì vẫn còn hơi đen không thấy thay đổi gì. 
Cả nhà hàn uyên tâm sự mấy tiếng đồng hồ cho tới hơn 2 giờ chiều thì Tùng chồng của Ngọc Xuân đi làm về. Trong khi nhắc lại chuyện cũ ở Việt Nam thì mới vở lẽ ra Tùng ngày xưa cũng ở chợ Mong Thọ con của  ông chủ tiệm bán thuốc Bắc dưới mé sông. Tha hương ngộ cố tri gặp người cùng xóm lại quen với má vợ mình nên Tùng rủ ở lại nhậu chơi. Thông thì muốn cua lại Ngọc Hạnh nên đồng ý liền, Long thấy bất tiện, hơn nữa mỗi thời điểm khác nhau con người thường có suy nghĩ khác, kinh nghiệm xương máu nầy chàng đã nếm qua rồi nên không muốn thử lại, vì vậy cho nên ba người chỉ uống hết một xâu 6 lon bia là Long xin cáo từ ra về. Tiễn ra cổng Ngọc Hạnh hỏi:
- Xe của ai mà đẹp vậy?
Long nhanh miệng trả lời:
- Thì của người qua trước mới có tiền mua, qua sau thì làm sao mua được? Ngọc Hạnh hỏi hơi thừa.
- Vậy thì thầy cũng để dành tiền mua một chiếc đi. Có xe mới thì cua gái mới được. Đi làm mà đi xe bus thì quê quá.
- Đi xe nào chẳng được miễn là đừng có đi trể giờ là được rồi, hơn nữa mua xe tốn nhiều thứ tiền lắm, tôi thà lấy tiền đó gởi về Việt Nam cho gia đình chứ không thèm mua xe để cua gái đâu.
Ngọc Hạnh cười cải lại:
- Tại ông có Mỹ Ngọc rồi nên nói cứng vậy thôi. Chứ mà chưa có ai coi, thử xem ông có mua xe mới không cho biết.
Long cũng cười lớn trả lời lại:
- Vậy là cô lầm to rồi. Tôi đúng là chưa có ai hết, nhưng mà tôi sẽ không mua xe cho tới khi nào cua được một cô, mới tính  tới chuyện đó.
Ngọc Hạnh trợn mắt hỏi:
- Sao kỳ lạ vậy?
- Kỳ là kỳ cái gì đây? Nếu mà tôi mua xe mới để cua gái, cô nào ưng, chẳng qua là ưng cái xe chứ nào phải là thương yêu gì tôi. Chừng nào xe cũ rồi thì đường ai nấy đi sao? Tôi thà đi xe bus mà tìm được một cô vừa xấu, vừa nghèo nhưng yêu mình thật lòng, còn hơn có một cô vừa đẹp vừa sang mà chỉ biết thương tiền.
- Không phải vậy, ý tôi muốn hỏi là tại sao ông chia tay với nhỏ Ngọc kìa.
- Không tại sao hết, chỉ là duyên phận mà thôi. Còn lý do chính sao Ngọc Hạnh không hỏi Mỹ Ngọc mà hỏi tôi? Nhưng mà chuyện hai người không lo, bộ rảnh lắm sao mà lo cho tôi vậy?
Hạnh lãng sang chuyện khác khi nghe nói tới mình:
- Thôi hai ông về đi. Chừng nào rảnh xuống chơi. Nói xong cô ta quay trở vô nhà.

Trên đường trở lại San Francisco hai người trao đổi nhận xét của mình về gia đình Ý Sáu, khi xe qua khỏi phi trường về gần đến nhà thì Thông chợt nói:
- Có chuyện nầy tui muốn cho ông biết lâu rồi, nhưng mà ngại quá không biết mở lời cách nào đây?
Long cười lớn:
- Chuyện gì thì cứ nói, nghe chơi thôi mà, thích thì nghe xong rồi còn giữ lại trong đầu, không thích thì để cho nó chạy tọt qua lổ tai bên kia, chớ có gì đâu mà ngại.
Thông ngần ngừ một hồi rồi nói:
- Chuyện con Ngọc với ông không thành là phần lớn do hia tui mà ra. Y nói nó còn nhỏ lấy chồng sớm làm gì? Mà cho dù có lấy chồng thì cũng tìm kỹ sư, bác sĩ, hay thương gia mà lấy, bạn của y sắp ra kỹ sư thiếu gì. Chờ chi cái thằng thầy giáo nghèo kiết xác đang còn ở đảo biết chừng nào qua được mà chờ. Rồi Y dẫn hai ba thằng về nhà cho nó lựa để làm quen. Còn má tôi thì ông biết rồi, cái gì có lợi trước mắt thì bả ham chớ đâu có biết suy nghĩ nhiều.
Long bây giờ lòng đã nguội lạnh không còn thấy giận hờn như trước nữa nhưng cũng động tánh hiếu kỳ nên hỏi:
- Rồi sao nữa? Bạn của ổng ra trường chưa, chừng nào làm đám cưới?
- Ra cái con khỉ khô. Mấy cái thẳng sanh ở kho đạn đó, dóc tổ bà. Cả đám còn học ở trường Mission chung với tui kìa. Hôm nghe thằng quỷ Bảo khoe ông đang học lớp 400 ở Alemany con Ngọc hối hận nên hai người cự nhau dữ dội, rồi nó chuyển trường qua tìm ông xem thử.
Long cườì, cười nói:
- Tôi thì chắc không học lại nổi rồi. Ông thấy đó đi làm lúc nầy 9,10 tiếng đồng hồ một đêm cũng mệt lắm, mà nghỉ làm để đi học thì tiền đâu ăn, tiền đâu gởi về Việt Nam, thôi tôi chịu thua mấy ông bạn của hia ông rồi. Số tôi là vậy mà...

Long về tới nhà thì đã hơn sáu giờ chiều, chàng định gọi điện về Ohio để tìm thím Ba tâm sự nhưng mà đường giây đã bị cắt, chắc là gia đình thím đã dời về Orange county rồi.
Bảo thì hôm nay đi làm, còn Paul thì ra ngoài chưa về Long nằm suy nghĩ những gì mà Thông đã nói hôm nay, nhưng rồi chàng chép miệng nói thầm, nước đổ rồi hốt lại sao được, âu cũng là số mạng mà.
Paul vừa mở cửa bước vào nhà thấy Long còn để đèn nên lên tiếng:
- Tôi về nhà rồi.
Long ngồi dậy đề ra chào hỏi:
- Chào buổi tối Paul. Hôm nay có gì  lạ mà xem ông vui quá vậy?
Paul cười tươi trả lời:
- Tôi sắp làm một chuyến du lịch Á Châu. Nhưng chỉ đi những nước có bang giao với Hoa Kỳ mà thôi. Anh có từng đi qua các nước Thái Lan, Nhật Bản, Mã Lai, Đại Hàn, Phi Luật Tân hay Nam Dương chưa? 
Long pha trò:
- Có rồi, mà như không có. Mã Lai ở gần 20 tháng nhưng chỉ quanh quẩn trên đảo,Thái Lan thì đã đặt chân lên bờ, nhưng cũng chỉ để hỏi đường còn Nhật Bản thì chỉ ngồi trên phi cơ xem phi trường mà thôi.
Paul cười lớn:
- Vậy thì không thể nói là đã đi qua được. Tôi đi về sẽ kể lại cho anh nghe. 
- Ông đi bao lâu vậy?
- Khoảng 3 tháng. Mỗi nơi ở 2 tuần lễ. Ba tháng tới tôi đã trả trước tiền nhà rồi. Phần tiền điện và điện thoại thì mỗi đầu tháng hóa đơn gởi tới anh nhớ thanh toán dùm.

Căn nhà bây giờ chỉ còn lại Long và Bảo.
 Bảo ban đêm đi làm, ban ngày nó ở nhà không đi học nên thường rủ những đứa không công rỗi nghề, chỉ học vài giờ buổi sáng còn nguyên một buổi chiều thì cà nhỏng ở không chơi. Có hôm nó đem về một đứa bạn ở gần nhà.
Thằng Tân nầy, vừa cự lộn với người anh rể sao đó nên giận bỏ nhà đến đây xin ở nhờ ít hôm.
 Long nói:
- Nhà nầy là của Paul, tôi chỉ ở nhờ như Bảo thôi không thể quyết định cho em được. Muốn gì thì chờ ông Paul về.
Tân nài nỉ Bảo thế nào không biết mà Bảo cứ ỷ ôi nói dùm nó mãi, khiến Long đành phải xiêu lòng cho nó vô ở tới khi Paul trở về. Tân đang học ở trường New Comer, nó chỉ nhỏ hơn Bảo có 1 tuổi nhưng không hiểu nó khai thế nào khi ở trại tị nạn mà qua đây người ta xếp cho nó học lớp 12, trong khi ở Việt Nam nó chỉ học hết lớp 5 là đã nghỉ học ở nhà phụ gia đình rồi. Vì trình độ quá chênh lệch như thế cho nên nó chỉ học được ít Anh văn trong trường mà thôi, còn những thứ khác thì mù tịch.
Tân thường nhờ Long chỉ bài học cho nó, nhưng mà với kiến thức giới hạn, so le như vậy thì không ai có thể giúp cho nó hiểu bài được.
 Hồi ở trại chuyển tiếp Tân có quen với một nàng tiên (theo lời nó kể, lúc đó nó làm trong ban cung cấp nước). Sang Mỹ lâu, lâu cũng có liên lạc thư từ, cô ta thì văn chương bay bướm, còn nó thì chả có viết được gì nhiều, nên mỗi khi, có thư cô ta thì nó lo xất bất xang bang tìm người nầy, hỏi người kia để mà viết thư trả lời. Nó muốn nhờ chàng viết thư trả lời dùm, viết xong thì đưa nó chép lại. Long kêu lên:
- Anh đâu có rảnh mà làm chuyện ruồi bu đó. Chuyện học hành cực chẳng đả mới giúp dùm, còn thư từ là chuyện riêng tư của mỗi người, ai mà xen vô kì cục vậy? 
Vài hôm sau Tân lại nói:
- Ráng giúp dùm em một lần thôi. Anh nói là em đang bận học hành hay đi làm chuyện gì đó không thể viết thơ được nữa.
Long cười lớn la nó:
- Em điên quá, không viết thư cho người ta nữa, thì tự nhiên người ta cũng không viết lại cho mình, cần gì phải nói dóc chi cho mệt chứ?

(Còn tiếp... Xin xem tiếp kỳ 59)
Lanh Nguyễn





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét