Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

Khoảnh Khắc Cuộc Đời - Kỳ 41

Truyện ngắn nhiều kỳ của Lanh Nguyễn


Long về đến nhà đã hơn một giờ trưa Bảo đang nằm chờ, vừa thấy chàng mở cửa vào nhà nó vội hỏi:
- Thể nào? Có xin được tiền không?
Long làm ra vẻ thiểu nảo trả lời:
- Không? Người ta nói đã đi làm rồi thì 6 tháng sau mới cấp tiền, còn bây giờ thì không cho.
- Vậy làm sao mà sống đây?
Long cười, cười:
- Thì đi xin việc làm, giống ở bên bển thôi có sao đâu?
 Câu nói gạt Bảo làm chàng giật mình tỉnh ngủ. Những âu lo của buổi sáng tan biến như bọt nước. Thì đi làm để mà sống có sao đâu. Long lẩm bẩm một mình, cuối cùng anh quyết định dứt khoát vừa làm vừa học như anh Thuận và anh Trường ở Chicago. Đến bên Bảo chàng hỏi nó:
- Chiều không đi học ở nhà làm gì?
- Làm nhà nghiên cứu.
Long biết là nó xạo nhưng cũng đưa đẩy cho vui:
- Nghiên cứu đề tài gì vậy?
- Thì tính xem đã ăn chực ở nhà ai rồi, hôm nay tới nhà nào, tới đó vào giờ nào để người ta không biết mình tới ăn ké của họ. Mà ăn chực cũng là một nghề phải tính toán kỹ lưởng chứ  anh tưởng ai cũng làm được à? Anh biết không? Chung quanh chỗ mình ở dân Xẻo Rô Miệt Thứ nhiều lắm, em tới ăn chực mỗi nhà một ngày cũng phải 2 tuần lễ mới quay trở lại nhà cũ, anh mà làm như em có thể cả tháng mới giáp mối đó.
Long lắc đầu hết ý kiến với nó, nhưng cũng cố vớt vát nói:
- Em không sợ họ biết rồi cười cho thúi đầu à? 
Nó gân cổ lên cải lại:
- Cười gì mà cười, mấy người đó cũng lấy tiền của chánh phủ mà ăn, chứ có phải tiền của họ đâu. Nói cho cùng em chỉ là ăn chực của nhà nước thôi mà.
Long không còn lời nào để khuyên nó nên đành đấu dịu:
- Vậy hôm nay ở nhà phụ anh, đi mua đồ dùng trong nhà được không? Rồi từ nay muốn ăn ở nhà hay tiếp tục ăn đồ của viện nghiên cứu thì tùy ý. Anh không có ý kiến.

Long cùng Bảo thả bộ xuống khu chợ Việt Nam. Có đến bốn tiệm bán thực phẩm á châu do người Việt làm chủ, nằm gần nhau chàng hỏi Bảo:
- Biết tiệm nào bán rẻ nhất không?
- Làm sao mà biết được? Từ trước tới giờ chỉ có mấy anh kia đi chợ thôi, em chưa có theo lần nào hết.
Long không còn muốn hỏi nó thêm điều gì nữa vì có hỏi chắc nó cũng không biết gì mà trả lời đâu. Thôi thì tự mình đi tìm hiểu lấy. Thế là chàng vào đại tiệm Thuận Phát, cũng hên hầu hết các mặt hàng giá cả đều niêm yết rõ ràng không cần phải trả giá như hồi còn ở Việt Nam. Long mua đầy đủ đồ dùng nấu ăn từ cá mòi hộp, nước mắm, tiêu, tỏi, cà phê, đường, dầu ăn, thịt, cá tươi...
- Vác nổi bao gạo 25 ký về nhà không? Long hỏi Bảo.
Nó nheo mắt trả lời:
- Em chơi một mạch về tới nhà luôn, khỏi cần nghỉ mất công. 
Bảo tuy có hơi làm biếng nhưng mà có sức khoẻ. Nó để bao gạo lên vai còn tay kia phụ xách thêm một bịt đồ nữa rồi thư thả ra về.
Kể từ chiều hôm đó Bảo không còn đi ăn lòng vòng ở những nhà quen nữa, mà được Long phân công dọn dẹp nhà cửa, rửa chén, lau nhà, hút bụi còn chàng thì phụ trách đi chợ nấu ăn.

Chiều nay khi ông Paul thay đồ xong thì Long mời ông ta thử cà phê phin.
- Hôm nay xin mời ông dùng thử cà phê pha theo kiểu Việt Nam. Cà phê nầy có người thích uống nóng, có người thích uống với đá vậy ông muốn thử loại nào trước? 
- Thứ nào cũng tốt hết.
Bảo đem ra ba ly đá, pha xong cà phê nó cùng ngồi tán gẩu chung với Long.
- Theo ông thì tôi cần phải làm gì trong lúc nầy?
Ông Paul nhấp thử cà phê rồi châm điếu Lucky xong từ, từ nhả khói nói:
- Bảo thì còn vài tháng nữa là trợ cấp chấm dứt rồi, tôi không biết nó có hiểu chuyện đó không, mà chẳng thấy nó lo lắng gì cả. Còn anh thì chưa nhận trợ cấp ngày nào mà đã lo rồi, nghĩ cũng lạ. Nhưng theo tôi có hai cách để anh tự chọn. Thứ nhứt anh nên vào trường City College học lấy một nghề, khi trợ cấp chấm dứt, anh có nghề nghiệp, thì dễ tìm việc làm với đồng lương tương đối khá. Thứ nhì anh ghi tên vào học trường Heald College, tôi giúp anh đóng học phí kỳ đầu sau đó anh xin trợ cấp của chánh phủ và vay thêm, rồi học một lèo 4 năm, sau khi ra trường, có việc làm xong, thì từ từ trả góp cho chánh phủ.
Rồi như gãi đúng chỗ ngứa Paul luôn miệng giải thích học ngành gì bao lâu, ra trường làm được bao nhiêu tiền một năm, ngành nào bây giờ đang thiếu hụt trầm trọng...
Long như lạc vào mê hồn trận chẳng hiểu tí gì nhưng cũng nêu đại thắc mắc:
- Có khi nào, chánh phủ hết tiền, rồi không cho mình vay tiếp hay không? Tôi lúc mới qua bạn bè rủ qua Ohio học chương trình Ceta nhưng qua đó rồi,  ngân khoản không có, nên học hết 8 tháng mà chưa nhận được đồng nào. Tôi cũng có người bà con khuyên nên vừa học vừa làm, tuy cực khổ và tốn nhiều thì giờ hơn, nhưng mà chắc ăn, ông nghĩ sao?
- Ồ! Việc đó thì đúng là cực khổ rồi tôi chỉ sợ anh theo không nổi nên không đề nghị đó thôi. 
Rồi Paul chuyển đề tài nói về cách thức xin việc làm, từ chuyện viết đơn, trả lời phỏng vấn như thế nào để người ta nhận mình.
- Tôi cũng có học qua cách viết đơn và trả lời phỏng vấn rồi, nhưng mà thầy giáo không nói rõ như ông vậy. Ngày mai tôi sẻ trở lại trung tâm tị nạn xem có việc gì thích hợp cho mình làm không. Hôm qua họ cho biết hiện tại đang có nhiều chỗ cần người làm.
Ông Paul cười lớn khen:
- Tốt lắm. Tốt lắm. 
- Chúc ông ngủ ngon. Nói xong Long và Bảo thu dọn sạch sẽ rồi về phòng mình.
Bảo thắc mắc hỏi:
- Anh định không xin trợ cấp mà đi làm thiệt à?
- Ừ! Xin tiền chánh phủ, người Mỹ coi thường mình lắm. Kể cả ông Paul cũng vậy, thời gian đầu thì không sao chứ nhận trợ cấp hoài thì họ sẽ ghét mình.
- Thiệt hả! Vậy bây giờ em phải làm sao?
- Sao trăng gì, lúc nãy có hiểu ông Paul nói tình trạng của em như thế nào không? Nói lại nghe coi.
- Không rõ mấy.
Long lắc đầu:
- Đã dặn em rồi nếu nghe không hiểu thì hỏi lại, hoặc nhờ người ta nói chậm lại, hay là giải thích rõ hơn cho mình. Ông ta lúc nãy cho biết trợ cấp của em sắp kết thúc rồi.
- Là sao ?
- Là không nhận được tiền hằng tháng nữa, là phải đi làm kiếm tiền tự nuôi sống mình chứ còn là sao nữa.
Bảo chết đứng hồi lâu mới hỏi tiếp:
- Chừng nào vậy?
- Anh làm sao mà biết chừng nào? Chừng nào em lãnh đủ 24 tháng trợ cấp thì mới chấm dứt mà hình như trước khi chấm dứt người ta sẽ gởi thư thông báo.
- Vậy à, vậy thì chưa cần phải lo, chừng nào có thơ thông báo rồi mới tính.
Long thật bái phục anh chàng liều mạng mà làm biếng nầy nên làm thinh không nói thêm gì nữa cả...

(Còn tiếp... Xin xem tiếp kỳ 42 )

Lanh Nguyễn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét