Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2016

Khoảnh Khắc Cuộc Đời - Kỳ 39

Truyện ngắn nhiều kỳ của Lanh Nguyễn


Sau hai ngày đêm vừa đi vừa nghỉ, trưa thứ ba Long cũng về tới San Francisco. Tám tháng qua chẳng biết nơi đây có gì thay đổi  không. Chứ chàng trở về đã có chút khác xưa. Tiếng Anh có một ít dằn túi xài cũng đở, giao thiệp cũng tạm yên, tiền bạc lúc đi rổng túi nay về cũng có vài ngàn trong bank vì vậy Long cũng tự tin một chút. Chàng mạnh dạn bước xuống xe, cũng vẫn cái túi xách quen thuộc cũ mèm, kỷ niệm đem theo từ ngày xuống tàu vượt biển đến nay. Long vô trạm điện thoại gọi về cho Bảo, nó mới học xong buổi sáng, vừa về đến nhà, nghe chàng nói đã về tới trạm xe Greyhound nó mừng quá la lên:
- Anh về nhà một mình được không? Hay là em chay xuống đón?
- Đón bằng cái gì hả? Long cười hỏi lại.
- Thì chạy bộ xuống, có 10 blocks đường thôi chứ xa xôi gì (khoảng 1 km).
- Cũng được. Tiện thể mình đi ăn trưa luôn. Mà ông Paul có ở nhà không?
- Ông ta đi làm sau 5 giờ chiều mới về tới. Thôi chút nữa gặp, em vọt liền bây giờ. Nói xong nó cúp máy. Long đứng nhìn thiên hạ kẻ lên, người xuống.

 Bến xe San Francisco đông đúc vô cùng, người qua kẻ lại nhộn nhịp gấp mấy lần Cincinnati và Columbus, chừng 10 phút sau thì Bảo tới, thấy nó dáo dác nhìn qua ngó lại. Long lén, lén đến sau lưng vổ dai:
- Hù! Bảo giựt mình quay lại.
- Làm hết hồn. Đồ đạc đâu đưa đây em xách phụ cho. Long đưa cái túi xách cũ mèm cho nó cầm, rồi cười nói:
- Muốn phụ à? Nè xách đi cho đã thèm.
Bảo ngạc nhiên hỏi:
- Có chút xíu nầy thôi à?
- Thì gia tài của mẹ chỉ có vậy thôi mà, muốn thêm nữa cũng đâu có.
Bảo làm thinh không biết nó nghĩ gì. Hai anh em thả bộ được hai blocks thì tới quán cà phê Tú Lan.
- Vô uống cà phê đi em bao cho.
Long cười, làm thinh theo nó vô quán. 
Quán Tú Lan là quán cà phê mở ra đầu tiên của người Việt Nam tại San Francisco, quán nhỏ chừng 8 cái bàn 4 chỗ ngồi. Ở đây bán hai loại cà phê, người Việt Nam thì uống cà phê phin, giá 1 đồng ly, còn cà phê bình thì pha bán cho Mỹ giá 25 xu một ly lớn. Long cũng hơn tám tháng chưa uống qua cà phê phin lần nào, nên cũng thèm lắm. 
Nhìn những giọt cà phê đen thẩm từ, từ rơi xuống chiếc ly thủy tinh trong vắt, Long thấy trống rỗng trong đầu, không biết mình muốn gì và sẽ làm gì trong những ngày sắp tới, trong khi những người ngồi cạnh bàn, đang thi nhau kể về quá khứ huy hoàng của họ lúc còn ở Việt Nam, mà quá khứ đó dù thật hay giả, dù ngụy tạo hay bịa đặt thì không có cách nào chứng minh được.
Thấy chàng ngồi lặng thinh Bảo cất tiếng hỏi:
- Bộ đi đường mệt lắm hả, sao anh ngồi chết trân vậy?
- Hai ngày, hai đêm không mệt mới là lạ. 
Nói xong Long cười đính chánh:
- Nói chơi thôi, ở trên xe ngủ nhiều quá nên chưa tỉnh. Mà em lúc nầy thế nào?
- Thì vẫn lãnh trợ cấp đi học đều đều vậy thôi.
- Chà, sao siêng dữ vậy ta? Nhớ hồi ở Việt Nam em đời nào chịu đi học, sao qua đây đổi tánh vậy?
Bảo cười hì hì:
- Làm gì có, em vẫn ghét đi học như xưa, nhưng mà không đi học thì nó không cho tiền trợ cấp, vì vậy ai cũng phải đi học chứ có phải riêng gì mình em đâu.
- Thì ra là vậy, vậy mà tôi tưởng mọi người đi học vì muốn biết tiếng  Anh để  giao thiệp với Mỹ chứ.
- À, cái đó cũng có, nhưng mà ít thôi, ở San-Fran nầy chỉ cần biết tiếng Tàu là sống được rồi, mà em người Tàu lai thì  làm sao không biết tiếng của mình được? Cho nên không cho tiền thì không thèm đi học. 
Ngưng một chút nó nói tiếp.
- Đúng rồi, anh cũng cần phải ghé trung tâm tị nạn nhờ người ta dẫn đi xin tiền trợ cấp, chớ chỗ đó toàn là người Mỹ, em xin đầu hàng không giúp gì được đâu.
- Vừa rồi em nói ở San-Fran chỉ cần biết tiếng Tàu thôi mà, vậy mình vô đó xổ tiếng Tàu với họ có sao đâu?
- Thì trong đó cũng có người Tàu, người Việt nữa, nhưng làm sao biết mà tìm, chắc ăn nhứt là vào trung tâm tị nạn nhờ người ta giúp đỡ mình. Nó nằm cách đây có ba blocks đường thôi, anh muốn ghé hôm nay hay để ngày mai?

Uống cà phê xong Long theo Bảo đến trung tâm tị nạn. Nó nằm ớ tầng thứ nhì của một tòa nhà lớn, được chia thành nhiều phòng làm việc, nó rộng còn hơn sở foodstamp của Cincinnati nhiều.Tại phòng chờ đợi đã có 7, 8 người ngồi chờ, thấy hai anh em Long bước vào với túi xách trên tay một người đứng vậy chỉ:
- Anh ghi tên mình trên giấy đó đi, một lát sau người ta gọi mình vào, rồi cần gì thì nói với họ.
- Vậy à. Cám ơn anh đã chỉ nghen. 
Long tiến lại ghi tên mình vào sổ. Chàng  thấy phía  trên chỉ có hai tên chưa gạch bỏ, mà trong phòng đợi còn tới 8 người, nên cũng hơi thắc mắc nhưng làm thinh ngồi chờ, chừng năm phút sau cửa phòng mở có hai cô gái xem cũng bắt mắt bước ra, trong đám người ngồi chờ có anh đứng dậy:
- Thế nào? Người ta nói sao? Có giúp gì được không?
Hai cô gái mặt mày bí xị trả lời:
- Anh ta nói chánh phủ Mỹ chỉ gíúp tiền bạc cho những người độc thân, hai năm thôi. Hai năm là đủ cho mình chuẩn bị để đi làm rồi. Bây giờ nếu mình tìm việc làm thì ở đây họ có thể giới thiệu mình đi xin việc, còn nhận mình vô làm hay không thì tùy ở người phỏng vấn mình.
Ba người còn nói nhiều nữa nhưng họ đã ra khỏi cửa rồi, Long không thể nghe thêm được gì. Một lúc sau thì người ta gọi chàng vào. 
Anh ta giới thiệu mình là Phạm Quang Sơn đang phụ trách giúp đở những người mới đến. Long trình bày hoàng cảnh của mình xong rồi thì mới hỏi Sơn:
- Như tôi bây giờ thì phải làm gì?
- Anh chưa từng lãnh trợ cấp thì cứ đến sở welfare mà xin, khi anh lãnh được tiền trợ cấp, hàng tháng phải nộp báo cáo cho sở xã hội, nếu anh bỏ học thì chánh phủ sẽ cúp trợ cấp. Ở thành phố nầy có ba trường cho anh chọn để học Anh văn, anh chọn học trường nào thuận tiện cho anh thì tùy ý. Còn chuyện xin trợ cấp nếu gia đình anh có người hướng dẫn thì cứ lên thẳng sở xã hội mà xin, nếu nhờ chúng tôi giúp thì điền vào lá đơn nầy, đầy đủ thông tin cá nhân và số điện thoại chúng tôi lấy hẹn xong rồi thì sẽ gọi cho anh biết.
Long cám ơn rồi nói:
- Vậy thì phiền anh cho địa chỉ, tôi sẽ nhờ người nhà đưa đi.
Anh Sơn trao cho Long địa chỉ sở xã hội và ba cái trường học,  rồi bắt tay từ biệt trước khi tiễn ra cửa còn thòng thêm một câu:
- Chừng nào muốn đi làm,  thì đến tìm chúng tôi, có nhiều chỗ đang cần người lắm.
Ra khỏi cửa Bảo hỏi:
- Chừng nào người ta dẫn đi xin tiền vậy?
- Ngày mai tám giờ sáng.
- Sao mau vậy? Hồi em mới qua cả tuần lễ họ mới hẹn được cho mình mà.
Long cười, cười nói:
- Ai mà rảnh lo cho mình, ngày mai cứ tới đại, biết đâu hên, hên gặp ngay một cô Việt Nam thì sao?
- Hên hổng nổi rồi, gặp ngay một mụ Mỹ đen thì có. À mà nầy, anh cũng cần mua thêm ít bộ quần áo đi, có mấy bộ làm sao đủ để vô một máy mà giặt đồ, chẳng lẽ mỗi ngày ngồi giặt tay à. Kế nhà mình có chỗ bán quần áo cũ rẻ lắm, một, hai đồng một cái áo thun thôi, còn quần thì từ 2$ tới 5$ một cái hà.
- Thôi, đừng có xạo nghe chú em, thấy tui mới qua đây rồi muốn xí gạt sao? Quần áo gì rẻ dữ vậy?
- Thiệt mà, đứa nào nói dóc chết liền.

Bảo không có nói dóc, trên đường về nhà họ ghé vô Goodwill tiệm bán quần áo cũ cho hội từ thiện. Hội nầy lo đi thu lượm quần áo và đồ dùng còn tốt rồi sửa chữa lại chút ít, sau đó đem bán lấy tiền giúp lại dân nghèo. Quần áo còn tốt chán mà giá cả rẻ như bèo. Long thử một lúc cả chục cái quần jean còn tốt, áo sơ mi và áo thun cũng vậy, mua một đống đồ mà chưa tới 60$. Long hỏi Bảo:
- Mua bao nhiêu đủ mặc một tuần chưa?

Căn Apartment của ông Paul có hai phòng ngủ, phòng khách, nhà tắm, nhà bếp khá rộng, phòng ngủ của Paul nằm bên phải, bên trái đường đi là phòng của Bảo với hai tủ chứa quần áo lớn, phía trước là phòng khách, phía sau là nhà bếp còn phòng tắm nằm bên góc trái cạnh phòng ngủ của Bảo .
Tắm rửa thay đồ xong, Long  xuống bếp nấu cơm chiều Bảo nói:
- Ông Paul không ăn cơm nhà, mà ăn ở ngoài tiệm, còn em từ hồi tụi nó đi tới giờ thì làm biếng nấu, chỉ đi ăn ké lòng vòng nên không có gì trong tủ lạnh cả. Long xuống chợ Cala Food kế nhà mua một hộp trứng, một bịch gạo nhỏ và một cái bắp cải.
- Em có ăn cơm hông thì tôi nấu luôn?
- Có gì ăn đâu? 
- Thì hột gà luộc chấm muối với bắp cải sống đó. Nhà em có gì để nấu mà hỏi. 
Bắt ba cắp gạo lên nồi cơm điện Long rửa sạch bốn cái hốt gà bỏ chung vào bật nút điện xong mới hỏi Bảo:
- Ở đây có tiệm tạp hóa Việt Nam không?
- Nhóc luôn, mà chợ Tàu cũng bán đồ ăn Việt Nam nữa.
- Vậy mà để tủ lạnh trống trơn, không có cái gì ăn được cả, em thiệt hết nói nổi rồi...

(Còn tiếp... Xin xem tiếp kỳ thứ 40)

Lanh Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét