Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2016

Chiếc Áo Mới

Truyện ngắn của Lanh nguyễn


Còn hơn một tháng nữa là tới Tết Nguyên Đán, tuổi đời chúng ta lại phải chồng chất cao thêm một tầng.
Trẻ con thường trông chờ ngày Tết để được cha mẹ sắm cho một vài bộ quần áo mới, để được ăn những bửa ăn thật ngon mà hằng ngày chúng thường mơ ước...
Những bậc cha mẹ nếu lỡ sinh ra trong kiếp nghèo thì lại phải xẩu mình vì cần lo chạy đủ thứ tiền cho 3 ngày ấy. 
Nào là cố gắng thanh toán nợ nần để sang năm mới làm ăn được may mắn hơn, bởi người ta quan niệm sang năm mới mà còn nợ cũ thì xui lắm...
Nào là tiền mua quần áo mới cho các con. Bây giờ mỗi gia đình chỉ có 1 hoặc 2 đứa con thì cũng đở lo hơn ngày xưa nhiều. Hồi đó nếu lỡ có chừng 1 chục đủ đầu thì cha mẹ rầu thúi ruột vì tiền quần áo cho chúng thiệt đúng là quá nặng nề...
Tiền quà tết cho nội ngoại hai bên, cho bà con chòm xóm... 
Tiền lì xì cho các cháu đến viếng nhà...
Tiền... Vân vân và vân vân...
Nhớ thôi là cũng đủ lạnh mình và tội nghiệp cho những người nghèo phải đón Tết trong nỗi lo lắng tận cùng rồi...
Tôi không kể cho các bạn nghe câu chuyện của những người giàu có chuẩn bị đón Tết bằng tiền không phải là mồ hôi nước mắt do mình làm ra. 
Những người mà bây giờ họ dám bỏ ra vài trăm triệu tiền hồ để mua cây mai, cây kiểng chưng chơi trong ba ngày Tết...
Những người mà họ dám bỏ một khối tiền cho một đêm nhậu với kiều nữ, số tiền đó có thể nuôi sống cả một trại mồ côi đôi ba tháng trời...
Tôi chỉ xin kể cho các bạn nghe chuyện những người quanh năm làm lụng vất vả nhưng lại không đủ tiền lo toan cho 3 ngày Tết...

Quê tôi sống với nghề làm ruộng là chủ yếu, mà hồi xưa mấy con kinh thoát nước không nhiều như bây giờ, hơn nữa lúc đó chưa có người trồng lúa Thần Nông, người ta chỉ canh tác có 1 vụ lúa mùa duy nhất cho mỗi năm mà thôi, vì vậy năm nào nước lớn quá, bị lụt lội thì lúa ngập nước rồi chết hết. Mà hể bị chết nước một lần là nghèo hai, ba năm mới ngóc đầu lên nổi. Vừa khá lên một tí thì có khi lại bị bà thủy tiếp tục viếng nhà nữa...
Bởi vậy năm nào bị bà thủy tới thăm thì cái Tết năm đó sẽ ảm đạm thê lương và vô cùng buồn bả...
Cả xóm, cả nửa cái làng đều có hoàn cảnh giống nhau y chang như vậy cho nên đám con nít không còn phân bì gì với nhau...
Nhưng kẹt một đổi, phía bên kia sông có con lộ đá, người ta vừa làm để cho xe hơi chạy lại vừa làm con đê chắn ngang chận nước vào ruộmg, vì vậy nước từ sông Hậu không tràn vào được, lúa bên phía đó chẳng những không chết mà còn rất trúng mùa, đến khi thu hoạch lại mướn được nhân công rẻ mạt vì bên đường lộ đất, lúa chết sạch, nhân công làm mướn dư quá nhiều...
Bây giờ thì tôi biết thêm một lý do, tại làm sao cái xóm nhà lá của chúng tôi hồi đó lúc nào cũng nghèo hơn xóm bên chợ, hay xóm bên kia sông...
Tôi nhớ lúc đang học lớp nhì. Nước năm đó lớn lắm nhà cửa thì bị ngập lút nền lên cả tấc, còn ngoài đồng là một biển nước trắng xóa. Tất cả cánh đồng lúa xanh tươi của những ngày trước đó đã bị nhận chìm sâu dưới biển nước mênh mông...
Ba má tôi cũng như những người dân bên con lộ đất chỉ còn nhìn nhau mà rưng rưng nước mắt, tiếc cho công lao khổ cực của một năm trời dành dụm bị bà thủy cuốn đi...
Nhưng đám con nít vẫn vô tư, hồn nhiên đùa giỡn với nước trong nhà, nhất là ngồi trên bộ ván ngựa mà câu cá. Những đàn cá he, cá linh, cá rô nhởn nhơ lội qua bơi lại chung quanh nhà tìm mồi, chỉ cần móc một hạt cơm vào lưỡi câu nhỏ rồi thảy xuống nước là chúng thi nhau dành đớp...
Nước rút đi rồi thì người dân cũng bắt đầu lo lắng chuẩn bị để sống tiếp tục. 
Cái câu hỏi khó khăn lúc bấy giờ cho mọi người là "làm thế nào để nuôi sống gia đình cho hết năm tới" chứ không phải là làm cái gì, hay chuẩn bị ra sao cho những ngày Tết sắp đến.
Ba anh em tôi lúc đó còn quá nhỏ chưa có thể chia sẻ gì với cha mẹ mình. Mà chia sẻ làm sao được. Một thằng nhóc 9 tuổi đầu lại nhỏ xíu con mỗi ngày đu xe đi ra Tân Hiệp học, nhiều khi mấy chú lơ xe con không thấy nó đứng đâu để mà đòi tiền xe thì làm được cái gì.
Ba má tôi đã cố hết sức để làm mướn mà kiếm tiền chạy gạo cho 5 miệng ăn, còn mỗi ngày $2 tiền xe để tôi đi học thì ông bà Tám tôi cho mượn...
Đang trong hoàn cảnh khó khăn thì có người bên kia sông muốn mướn tôi chăn trâu, một năm họ trả cho 50 giạ lúa. Ba tôi vốn là nông dân đặc ruột chỉ biết đọc và viết mà thôi nên bị dao động cũng muốn giải quyết cái khó khăn trước mắt, nhưng má tôi lại là tiên mắc đọa nên nhất quyết không đồng ý mà đến cầu cứu ông bà tôi.
Ông bà muốn nhận nuôi cho tôi ăn học tiếp nhưng rồi ba tôi cũng không đồng ý mà lại tự mình cố gắng tiếp tục lo cho tôi đi học.
Tôi hồi nhỏ cũng ham học mà lại sợ đi coi trâu việc đó cứ ám ảnh hoài vì vậy cho nên tôi bắt đầu học cắm câu kiếm cá ăn, đôi khi dư chút ít thì đem bán để dành tiền đi xe, khỏi phải mượn của ông bà tôi.
Vì nhà nghèo nên tiêu chuẩn quần áo mới mỗi năm của tôi chỉ là 2 bộ đồng phục gồm áo sơ mi trắng ngắn tay và 2 cái quần "xà-lỏn" đen mà thôi...
Trước khi lúa bị ngập nước, cô Nhiên dẫn 16 đứa học trò trường sơ cấp Mong Thọ lên Tân Hiệp thi tuyển vào lớp nhì. Kết quả như thế nào tôi không nhớ kỷ lắm. Nhưng lên học ở trường tiểu học Tân Hiệp thì vỏn vẹn có 9 người thôi. Bên xóm nhà lá chỉ duy nhất có mình tôi, xóm chợ 3 đứa gồm thằng Đẹp con bà Thất có tiệm tạp hóa nó được xem giàu thứ nhì sau Tỏ con bác Tám Kiệt nhà có máy cày và đất ruộng hàng mấy trăm công, người thứ ba là Quỳnh con bác ba Nhị làm trong hội đồng xã Mong Thọ, xóm trên số hai có 3 đứa gồm anh A, Thống và thằng Thọ, xóm dưới có anh Hái và chị Thủy con ông tám Hào Bàng.
Trường tôi học là trường công lập nên phải mặc đồng phục mỗi ngày, chỉ có ngày thứ bảy thì được miễn. Thứ bảy ai muốn mặc áo màu gì thì tùy ý thích. 
Nhưng tôi thì chỉ có 2 cái áo sơ mi trắng thay đổi mỗi ngày mà thôi, đâu có còn cái nào khác hơn cho ngày thứ 7.
Thời đó đám con nít tụi tôi đón xe đò đi học, tài xế xe không chịu ngừng để rước vì tiền xe quy định ít quá người lớn $5 mà học sinh thì chỉ được thu $1 thôi nên rất khó đón xe. Bọn tôi phải núp phía trong chợ rồi ra thăm chừng xe, khi xe đến trước chợ rước khách hay là thả khách xuống là chúng tôi ào lên liền.
Thấy tôi tuần nào, ngày nào cũng y chang một hình thù áo trắng quần cụt đen như vậy thằng Đẹp hỏi:
- Ê! Bộ mầy hổng có cái áo, cái quần nào khác hơn sao mà ngày nào cũng chơi cái bộ đồng phục vô hết dzậy?
Tôi làm thinh chứ đâu có muốn trả lời:
- Mầy đoán đúng đó.
Thằng Tỏ thấy vậy bồi thêm:
- Chắc nó ghiền bộ đồ đó rồi mầy ơi.
Nói xong 3 đứa nó cười rộ lên...
Má tôi lúc đó đang buôn bán ở chợ. 
À! Tôi quên kể cho các bạn biết. Ở những ngôi chợ quê có những người chuyên mua đầu chợ rồi bán cuối chợ. Nói cụ thể hơn họ đến chợ thật sớm để đón mua đồ của những người dân từ trong ruộng đem ra, gồm các nông sản như rau, nấm rơm, chuột, cá, tôm...
Họ mua mảo hết rồi bày ra bán lẻ lại. Những người đó được dân quê gọi là "mua đầu chợ, bán cuối chợ". Họ được coi như là bán thay cho dân trong ruộng để lấy tiền công chứ thật ra không lời lốm bao nhiêu. Má tôi là một trong những người đó.
Má tôi thấy con mình bị bạn bè chọc ghẹo như vậy thì đau lòng lắm nên bà tìm tới những người thợ may bên chợ mà xin những mớ vải vụn đủ màu. 
Vải vụn người ta chỉ có thể buộc chùm lại rồi làm nùi giẻ lau bàn ghế mà thôi. Nhưng má tôi thì lại bỏ ra không biết bao nhiêu công sức khi dùng kim tay để nối liền chúng lại rồi còn phải cắt xén và khâu tròn những lằn nối cho bớt cộm đi. 
Đêm hằng đêm bà gò lưng cặm cụi nối từng mảnh vải nhỏ, có miếng chỉ lớn bằng 3 ngón tay mà thôi. Sau mấy tuần lễ bà cũng hoàn thành một chiếc áo độc nhất vô nhị trên cỏi đời. Chiếc áo đủ màu, đủ loại vải...
Tết năm đó tôi 10 tuổi đầu, ngày mùng một được mặc chiếc áo mới đi chơi, đi mừng tuổi bà con chòm xóm để kiếm chút tiền lì xì, nhưng chiếc áo kỳ quái mà má tôi bỏ công sức hằng tháng trời may cho tôi không được người ta trầm trồ khen đẹp mà tiếng chê bay trước mặt sau lưng nhiều vô số...
Là con nít đứa nào cũng thích được khen hể bị chê là buồn không thể tả cho nên tôi nhất định không mặc chiếc áo mà má tôi gò lưng nối từng mảnh lại cả tháng trời.
Hồi đó với đầu óc non nớt tôi chưa lần nào nghĩ tới những đêm bà ngồi lặng thinh chăm chú luồn từng mũi kim vào những mảnh vải vô tri đó, bà đã nhỏ ra không biết bao nhiêu là giọt nước mắt, chiếc áo kết bằng tình thương, bằng nước mắt của nhiều đêm mà tôi chỉ mặc duy nhất có một ngày mùng một tết mà thôi...
Sau cái Tết nghèo năm đó ba má tôi làm song hành 2 nghề cho suốt năm, vừa làm ruộng vừa buôn bán. Tôi vì sợ nhà mình lại rơi vào cái nghèo rồi phải đi chăn trâu mướn cho người ta cho nên ngoài giờ học tôi cũng học làm đủ nghề từ ruộng nương cho đến bán buôn.
Mỗi khi Tết đến nhà tôi bận bù đầu, vừa được nghĩ học là tôi vùi đầu phụ cha mẹ...
Năm nầy tiếp qua năm nọ nên tôi đâm ghét cay ghét đắng ngày Tết. Con nít nào cũng mong Tết đến, còn tuổi thơ của tôi thì lại ghét ngày Tết...
Tôi ghét Tết vì mỗi khi nó đến là tôi có rất nhiều việc phải làm có năm làm gần tới giao thừa mà vẫn chưa xong việc...
Tôi ghét Tết vì mỗi lần nó đến là nó làm tôi nhớ lại cảnh nghèo khó năm xưa, nhớ cái lỗi lầm mà tôi đã phạm phải, nhớ cảnh má tôi bỏ công cực khổ may áo mới cho tôi mà tôi chỉ mặc có một lần duy nhất...
Tôi ghét Tết vì tôi nghĩ rằng đời tôi sinh ra nhầm ngôi sao xấu nên bị mất đi niềm vui của tuổi thần tiên...
Nhưng mới đây tôi nhận được một cái email của người bạn ở Việt Nam. Đã làm tôi giật mình thức tỉnh sau 56 năm ghét ngày Tết. 
Thì ra ngôi sao bổn mạng của tôi chưa phải là ngôi sao xấu lắm, mà trên đời nầy có rất nhiều và rất nhiều những mảnh đời tan nát, tả tơi hơn tuổi thơ của tôi nhiều lắm...
Hồi nhỏ tuy là nhà nghèo rớt mồng tơi nhưng mà gia đình tôi rất vui vẻ hạnh phúc, tôi lúc nào cũng được tình thương của cha mẹ, của ông bà tôi và cả những người quen chòm xóm.
Còn những đứa trẻ mà bạn tôi giới thiệu trong cái email thì bất hạnh hơn nhiều. 
Bạn tôi trong một dịp tình cờ đã tìm thấy trại nuôi trẻ mồ côi có tên là Cơ Sở Bảo Trợ Xã Hội Mái Ấm Tình Mẹ Kinh 7. Nơi đó quy tụ 36 cuộc đời côi cút, Có đứa thì cha mẹ đã qua đời, có đứa tuy còn cha hoặc mẹ nhưng do bệnh tật không đủ sức nuôi con, hoặc vì lý do nào đó bỏ con cho người thân nuôi dưỡng, mà những thân nhân nầy cũng nghèo khó nên lại gởi cháu vào sống trong trại trẻ mồ côi.
Các cháu sống được nhờ tình thương của các Sơ, của những nhà hảo tâm và các tổ chức từ thiện xã hội gần xa ...Sơ Thế người mẹ duy nhất của 36 đứa con kia đã phải tìm đủ mọi phương cách để duy trì cuộc sống cho chúng...Thời gian qua cơ sở cũng nhận được sự trợ giúp của một số nhà hảo tâm,nhưng vì nơi đó nằm sâu trong kinh 7 nên ít có người biết tới...sự trợ giúp vì vậy cũng không được thường xuyên trong khi chi phí nuôi các cháu ăn, học hành, chăm sóc sức khỏe mỗi tháng trên 50 triệu đồng. Các sơ phải chạy tìm nguồn hỗ trợ khắp nơi và dù hết sức tằn tiện mà vẫn luôn thiếu trước hụt sau.
Ngày xưa ba má tôi hai người mà đã vất vả khó khăn khi nuôi 3 anh em chúng tôi còn Sơ, một nách mà mang 36 đứa thì sự vất vả đã lên đến tột cùng rồi...
Bạn tôi chị TTKD sau khi tìm thấy thì cũng vận động bạn bè nhín cho chút ít gạo, đường, dầu ăn nhưng nguyện vọng của chị là nhân dịp Tết chị ấy sẽ cố gắng tìm cho các em một bộ quần áo mới....
Tôi đọc cái email của chị từ người bạn của tôi gởi tới đã làm tôi chợt tỉnh sau cơn mê dài. 
Tôi luôn luôn tự cho mình có 1 tuổi thơ khổ cực, một tuổi thơ không có niềm vui nhưng so với 36 trẻ mồ côi thì tôi đúng là may mắn hơn chúng cả ngàn lần...
Tôi cũng chợt tỉnh vì từ trước tới nay tôi vẫn hùa theo người ta mà cho rằng người Việt Nam trong nước ta bây giờ vô cảm, không tình thương chỉ biết hè nhau mà cướp giật chém giết...
Tôi chợt tỉnh để nhận ra rằng dân Việt Nam ngoài những tên vô lại hại dân bán nước thì đa số dân tôi vẫn có tình yêu thương đồng loại sâu đậm. Còn có những tấm lòng vì tha nhân như Sơ Thế, như các Sơ khác trong cơ sở Mái ấm tình mẹ, như chị KD hay những nhà hảo tâm đã giúp đở mà không cần để lại danh tánh...
Tôi nhớ chiếc áo mà má tôi đã từng gò lưng may cho tôi 56 năm về trước nên tình nguyện thay chị D tìm giúp người quyên tặng quần áo mới cho các em...
Tôi điện thoại chia sẻ với những người bạn thân thì được sự đáp ứng nhiệt tình...
36 Bộ quần áo mới đã được mua xong nhưng hôm nay còn có người nhờ tôi tặng $100 để mua thêm quà tết cho các em...
Xin cám ơn các bạn, thay mặt cho 36 em nhỏ tôi chân thành cám ơn thầy cô Nhựt & Năm, anh chị Thông & Ngọc, Tiến & Ngọc, Sơn &Trang, Lam Anh.
Tôi ao ước bài viết nầy sẻ làm động tính hiếu kỳ, các bạn nào muốn xem hư thật ra sao xin mời tới Mái Ấm Tình Mẹ Kinh 7 chơi cho biết....
Từ Quốc lộ 8 đường Sài Gòn về Rạch Giá khi qua khỏi Quận Tân Hiệp 8 cây số thì tới kinh 7. Từ đầu kinh 7 vô tới trại mồ côi của Sơ Thế thêm 6 cây số nữa...
Cơ sở bảo trợ "Mái Ấm Tình Mẹ Kinh 7".Nằm trong địa phận xã Thạnh Đông A huyện Tân Hiệp tỉnh Kiên Giang ĐT 077-3739540. Email  maiamtinhmek7@yahoo.com.vn. ĐT cầm tay của Sơ Thế là 0945135762.
Bài nầy đã viết cách nay gần 1 năm. Bộ quần áo mới của các em sau 1 năm đã biến thành đồ cũ, cũng đã sờn vai lủng đáy...
Quà tết cũng đã hết sạch lâu rồi.
Mới đây được sự gợi ý của anh Lê Đình Chân Tâm và thầy Phạm Công Nhựt ở Montreal Canada tôi mạnh dạn gởi đến quý vị bài viết cũ nầy nếu ai có lòng muốn giúp đở xin liên lạc với Sơ Thế qua địa chỉ trên 
Cám ơn quý vị đã bỏ thời gian xem bài viết của tôi. 


Lanh Nguyễn

Dưới đây là những chùm hình ảnh:

  Cơ sở bảo trợ xã hội "Mái Ấm Tình Mẹ Kinh 7"

                   Nằm trong kinh 7 B,  xã Thạnh Đông A huyện Tân Hiệp tỉnh Kiên Giang .
                                         Điện thoại bàn :  077-3789540.
                              Email  maiamtinhmek7@yahoo.com.vn.
                              Điện thoại cầm tay của Sơ  Phạm Thị Ngọc Thế  0945135762.

- Ảnh cơ sở MATM kinh 7 và vài cảnh vui chơi với nhau của các cháu mồ côi.
- Một số hình ảnh vợ cháu Mẫn cùng tôi tặng quà Tết hồi tháng 1/2016.
- Vài ảnh cháu Mẫn cùng tôi  tặng quần áo đồng phục đợt 2 lúc tựu trường tháng 8/2016






Tặng quà Tết 2016 cho trẻ mồ côi cơ sở Bảo trợ xã hội Mái ấm tình mẹ kinh 7

Sáng Chủ Nhật 24/1/2016 ,nhằm 15/12/ AL, đoàn của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo KG cùng đại diện các nhả hảo tâm đến tặng quà Tết cho các cháu mồ côi ở cơ sở Bảo trợ xã hội Mái Ấm tình mẹ kinh 7.
Thay mặt các sơ và các cháu ở cơ sở BTXH MATM kinh 7chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự chia sẻ và góp sức nhiệt tình của quý thầy, cô, anh chị :
 Thầy cô cùng các bạn ở Mỹ trong gia đình Tha Hương đã tặng 36 cháu ở cơ sở mỗi trẻ l bộ quần áo Tết, tiền lì xì 100.000 đ cùng 60 kg gạo cho bếp ăn.

Ông Phù Thọ Thuận định cư ở Đức tặng mỗi cháu 1 đôi giầy, 1 khăn mặt,1  bàn chải và 1 túyp kem đánh răng.
Anh Thôi chủ gian hàng quần áo ở chợ số 1 Mong Thọ tặng 2 bao quần áo còn mới.
Chị Nguyễn Kim Chi vận động cho bếp ăn 100 ký gạo.
Năm mới xin kính chúc quý thầy, cô, anh chị thật nhiều sức khỏe, may mắn và hạnh phúc cùng thân quyến.
















1 nhận xét:

  1. Cám ơn bạn Hoa đã cho vào tất cả các hình ảnh mà chị D đã gửi tới. Nhìn những bộ đồng phục đẹp mắt mới thấy rỏ sự tài ba, thác vác của Sơ Thế.
    Nhân mùa Giáng Sinh xin chúc tất cả mọi người được bình an và hạnh phúc.

    Trả lờiXóa